Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 13 tháng 4 năm 2023 | 15:2

Giá ớt tăng cao, nông dân Nghệ An, Quảng Ngãi thu lãi lớn

Không những được mùa ớt, giá ớt lại cao nên bà con nông dân trồng ớt của Nghệ An và Quảng Ngãi đã thu lời lớn. Giá ớt tăng cao từ 20.000 đến 26.000đồng/kg giúp người trồng ớt "bỏ túi" hàng trăm triệu/ha.

“Bỏ túi” hơn 200 triệu đồng/ha

Thời điểm này, người dân xã Diễn Phong, đang rộ vụ thu hoạch ớt cay xuất khẩu. Năm nay, đưa giống mới vào sản xuất, thực hiện quản lý dịch bệnh tốt nên năng suất vượt trội, được công ty liên kết thu mua với giá gấp đôi năm ngoái nên trừ chi phí, người trồng ớt thu được hơn 200 triệu đồng/ha.

Nông dân xã Diễn Phong thu hoạch ớt cay.

Cũng như nhiều nông dân khác ở xã Diễn Phong, gia đình ông Quế Văn Sơn ở xóm Đông Hồ rất phấn khởi vì trúng mùa ớt. Ông Quế cho biết, gia đình ông trồng 3 sào ớt chỉ địa trên diện tích đất màu. Sau 2,5 tháng chăm sóc, nay ớt đang vào vụ thu hoạch chính. Giống ớt chỉ địa này có năng suất vượt trội so với các giống ớt trước đó.

Theo ước tính, mỗi sào ớt cho năng suất 1,5 -2 tấn, với giá bán hiện nay là 12 - 15.000 đồng/kg ớt chín, ông Sơn thu về 60 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi ròng 50 triệu đồng. Ông Sơn phấn khởi: “Năm nay, ớt vừa được mùa, năng suất cao gấp đôi năm trước, giá cũng tăng gấp đôi nên nông dân có lãi lớn”.

Vụ đông xuân năm nay, toàn xã Diễn Phong trồng 10 ha ớt, đây là cây trồng truyền thống của địa phương. Trước đó, bà con trồng các giống ớt chỉ thiên, năng suất thấp hơn, đầu ra bấp bênh.

Bắt đầu từ năm 2017, Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ xã Diễn Phong liên kết với một công ty chuyên xuất khẩu ớt trồng và bao tiêu sản phẩm cho bà con. Tuy nhiên, trước đó, các giống ớt vẫn kém năng suất và giá thu mua chỉ dao động từ 5.000 – 7.000 đồng/kg nên thu nhập từ cây ớt cay không cao.

Ông Quế Văn Duyên - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ xã Diễn Phong, cho biết: Sau thời gian nghỉ trồng ớt do ảnh hưởng của dịch Covid 19. Năm nay, hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Diễn Phong liên kết với công ty xuất khẩu ớt đưa giống ớt mới vào trồng. Theo đó, công ty cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật, hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo giá thị trường. Đặc biệt, nhờ quản lý tốt dịch bệnh nên cây ớt sạch bệnh, cho năng suất cao. Theo ước tính, năng suất ớt đạt 30 tấn/ha, cá biệt, có những hộ chăm sóc tốt, năng suất lên đến 35-40 tấn/sào.

“Theo tính toán, mỗi sào ớt, nông dân chỉ phải đầu tư 2 – 2,5 triệu đồng và mất khoảng 2,5 tháng chăm sóc thì cho thu hoạch. Với giá thu mua hiện tại, trừ chi phí nông dân còn “bỏ túi” 200 – 300 triệu/ha…”, ông Quế Văn Duyên nói.

Tất bật thu hoạch ớt

Xã Bình Dương (huyện Bình Sơn) là địa phương có diện tích vùng chuyên canh trồng ớt lớn của tỉnh Quảng Ngãi, với hơn 100ha. Theo nhiều nông dân, từ tuần này giá ớt lên từ 25.000 đến 26.000 đồng/kg, trung bình giá ớt ở ngưỡng 20.000 đến 26.000 đồng/kg trong cả vụ và đỉnh điểm tăng giá ớt đầu vụ từ 40.000 đến 43.000 đồng/kg. Giá ớt liên tục tăng khiến nông dân có lãi từ chục triệu đến vài chục triệu đồng.

Ớt được mùa bà con nông dân Quảng Ngãi thu lĩa lớn (ảnh Báo Công Thương)

Bà Nguyễn Thị Hồng (xã Bình Dương) cho biết: “Tôi trồng 1 sào ớt với 1.500 cây thuộc giống ớt hiểm, do vào vụ muộn nên giờ tôi mới bắt đầu thu hoạch, năm nay giá ớt cao gấp nhiều lần so các năm nên mang lại thu nhập khá. Tôi mới bán khoảng 4 tạ ớt, thu lãi khoảng 6 triệu đồng. Tôi mong chờ giá tiếp tục lên để người dân bội thu hơn”.

Ông Nguyễn Ký (xã Bình Dương) trồng 2,5 sào ớt, với 2.500 cây, giống ớt đồng tiền vàng và ớt hiểm, ông nói: “Đầu vụ giá ớt cao đến 43.000 đồng/kg, sau đó bắt đầu hạ xuống và giờ giá đang lên lại 26.000 đồng/kg. Tôi mới bán được khoảng 9 tạ ớt, thu hơn 20 triệu và vẫn đang tiếp tục thu hoạch”.

Người dân bắt đầu xuống giống từ tháng 11, tháng 12 năm ngoái và tháng 4 bắt đầu vào thu hoạch kéo dài đến tháng 6, tháng 7 là hết mùa. Nhiều năm nay, cây ớt trở thành cây chủ lực phát triển nông nghiệp địa phương, được đăng ký nhãn hiệu “Ớt Bình Dương” đồng thời, HTX Nông nghiệp Bình Dương đang làm sản phẩm OCOP.

Ông Bạch Hùng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Dương cho biết: “Mặc dù thời tiết bất lợi, nhiều ruộng ớt thu hoạch muộn nhưng giá ớt tăng cao nên người trồng ớt khấm khá hơn. Với diện tích 100ha, bình quân mỗi sào thu hoạch 1 đến 1,2 tấn/sào, từ 20 đến 25 tấn/ha, giá ớt đang ở mức 20.000 đến 26.000 đồng/kg, thu nhập đạt hơn 400 triệu đồng/ha”.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, vụ Đông Xuân 2022- 2023, toàn tỉnh trồng hơn 878ha ớt, tăng hơn 213ha so với kế hoạch. Các địa phương có diện tích trồng ớt lớn của tỉnh gồm: Bình Sơn, Mộ Đức, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa. Thị trường tiêu thụ ớt của tỉnh vẫn phụ thuộc thị trường Trung Quốc, nếu giá ớt tăng, nông dân thu lãi lớn và ngược lại. Do vậy, hình thành các vùng chuyên canh, liên kết doanh nghiệp là hướng đi mang lại thu nhập ổn định và phát triển kinh tế địa phương.

Tiêu chuẩn, quy định xuất khẩu ớt sang Trung Quốc

Ớt tươi Việt Nam được đánh giá là không có thuốc trừ sâu, đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng về Vệ sinh an toàn thực phẩm nên nhu cầu tiêu thụ ớt tại thị trường nước ngoài luôn có sự tăng mạnh. Trung Quốc là thị trường lớn trong việc tiêu thụ ớt Việt Nam nên tỷ trọng xuất khẩu ớt sang Trung Quốc, Hàn Quốc,…những năm gần đây liên tục tăng mạnh.

Muốn xuất khẩu mặt hàng ớt tươi sang Trung Quốc, các hộ kinh doanh, Doanh nghiệp lớn nhỏ,…cần nắm rõ những quy chuẩn sau:

Về tiêu chuẩn trồng ớt VietGAP

Khi đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu ớt qua Trung Quốc VietGAP sẽ giúp đưa cây ớt đi xa hơn vào các thị trường khó tính, góp phần tăng giá trị nông sản. Theo đó, để cây ớt đạt chuẩn Vietgap, bà con nông dân cần lưu ý: Nên chọn các giống ớt F1 chống chịu sâu bệnh tốt; Không chọn vùng đất bị nhiễm hoá chất hoặc kim loại nặng; Áp dụng các loại phân bón nằm trong danh mục cho phép của bộ nông nghiệp và sử dụng đúng quy trình được đưa ra; Áp dụng màn phủ nông nghiệp để giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

Về điều kiện thu hoạch và bảo quản ớt xuất khẩu: Ớt phải được thu hoạch trong thời tiết khô và lạnh. Chỉ những quả có độ chín thích hợp, ví dụ: quả có hình dạng, độ phát triển và màu sắc đặc trưng của giống mới thu hoạch. Ớt cũng có thể được thu hoạch ở giai đoạn chín sinh lý (đỏ).

Đặc tính chất lượng: Việc chọn và phân loại phải được thực hiện ngay sau khi thu hoạch. Ớt dùng để bảo quản phải lành lặn, sạch, cứng, phát triển tốt, không có hơi nước trên bề mặt, không bị tổn thương phần đầu và không bị hư hại do băng giá (héo do lạnh) và cháy nắng.

Bảo quản: Ớt phải được bảo quản càng nhanh càng tốt sau khi chọn và phân loại. Trước khi bảo quản, ớt phải được giữ vài giờ ở nơi mát. Khi phân loại chất lượng và kích thước, mỗi bao bì chỉ được chứa ớt của cùng một giống hoặc cùng loại thương mại, cùng cấp hạng và kích cỡ. Bao gói phải được xử lý cẩn thận để không làm hư hỏng bề mặt ớt. Các bao gói được xếp chồng lên nhau theo cách sao cho đảm bảo sự lưu thông không khí qua các chồng.

Về điều kiện bảo quản ớt đi xuất khẩu: Nhiệt độ: Tiêu chuẩn đánh giá xuất khẩu ớt sang Trung Quốc về nhiệt độ được khuyến cáo bảo quản là đối với các giống ớt khác, ớt xanh nên được bảo quản ở nhiệt độ từ 7oC đến 8oC và ớt đỏ nên được bảo quản ở nhiệt độ từ 4oC đến 6oC.

Hệ thống lưu thông không khí được sử dụng ở nơi bảo quản phải đảm bảo ổn định nhiệt độ và độ ẩm tương đối đồng đều.

Độ ẩm tương đối: Độ ẩm tương đối là yếu tố quan trọng nhất để duy trì độ cứng của quả. Ở nơi bảo quản, độ ẩm tương đối của không khí nên trong khoảng từ 90% đến 95%. Nếu độ ẩm của không khí giảm xuống dưới 90%, thì có thể bảo vệ độ cứng của quả bằng cách phủ tấm polyetylen lên bao gói và mỗi ngày tháo bỏ tấm phủ từ 1h đến 2h để lưu thông không khí.

Thời gian bảo quản: Đối với các giống ớt khác, thì thời gian bảo quản trong khoảng từ 10-30 ngày phụ thuộc vào từng giống, mức độ chín, điều kiện khí hậu và hệ thống canh tác.

Các hoạt động trong và cuối quá trình bảo quản: Ớt dễ bị thối nên cứ 2-3 ngày cần kiểm tra chất lượng quả và các quả cho thấy các dấu hiệu giảm độ cứng hoặc bị hư hỏng do sâu bệnh hoặc côn trùng, thì phải được loại bỏ ngay.

Về điều kiện vận chuyển ớt tươi, đặc tính chất lượng: Tiêu chuẩn xuất khẩu ớt qua Trung Quốc phải đạt chất lượng cao, phù hợp với các yêu cầu đặt ra.

Nhiệt độ: Trước khi nạp hàng nên làm lạnh ớt trước. Nếu nhiệt độ của quả vượt quá dải nhiệt độ từ + 18 oC tới + 20 oC thì phải được làm lạnh nhanh đến + 8 oC. Sau khi nạp, các điều kiện nhiệt độ trong quá trình vận tải phụ thuộc vào thời gian.

Tiêu chuẩn xuất khẩu ớt qua Trung Quốc có thể vận chuyển ở nhiệt độ từ + 4 oC đến + 6 oC. Làm lạnh chậm trong xe vận chuyển dễ dẫn đến hư hỏng sản phẩm.

Bao gói: Để vận chuyển ớt sử dụng bao bì bằng tấm xơ ép, bằng gỗ hoặc bằng chất dẻo.

Thông gió: Phương pháp bảo quản ớt trong bao bì và phương pháp xếp chồng trong xe vận chuyển phải được thông gió đầy đủ để giúp loại bỏ nhiệt ra khỏi khối sản phẩm.

Độ ẩm tương đối: Trong quá trình vận chuyển, xuất khẩu ớt sang Trung Quốc, độ ẩm tương đối nên duy trì từ 80%-90%.

Xây dựng chuỗi sản xuất các sản phẩm nông nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng nhất để nâng cao giá trị nông sản, nâng cao đời sống cho bà con nông dân. Ớt là một trong những sản phẩm nông sản, hiện nay đang vào vụ thu hoạch và có giá cao, nên rất cần có các doanh nghiệp chế biến sau thu hoạch đối với sản phẩm nông sản. Có như vậy trái ớt nói riêng, các sản phẩm nông sản khác nói chung mới không còn cảnh “được mùa mất giá”.

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…

  • Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.

  • Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Hiện tại, các chủ đầu tư gần như đang vượt qua chính mình khi phải cân bằng giữa các yếu tố đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp, sản phẩm phải chinh phục được đối tượng khách hàng là người trẻ.

Top