Các đơn vị sản xuất, hộ kinh doanh đang tất bật chuẩn bị hàng Tết để cung ứng cho thị trường. Các địa phương gia tăng kết nối đa dạng nguồn hàng cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày tại hội nghị.
Hà Nội: Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản với các địa phương
Thực hiện chương trình kết nối, nhiều sản phẩm nông sản của các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng, Hải Dương, Hà Nam, Tiền Giang, Cần Thơ... đến các đơn vị phân phối, siêu thị, chợ, cửa hàng trái cây, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tại Hà Nội để chủ động kết nối tiêu thụ. Theo ông Nguyễn Minh Đức - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hậu Giang, hiện nay, tỉnh Hậu Giang cung cấp cho Hà Nội sản phẩm chanh leo, sầu riêng, cá thát lát... trung bình mỗi tháng khoảng 30-50 tấn nông, lâm, thủy sản.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn, hiện nay, tỉnh có 38 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, trong đó 14 chuỗi có liên kết tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Hà Nội như bí xanh, bún, phở, miến dong, chè, gạo... Năm 2022, Bắc Kạn cung ứng cho thị trường Hà Nội gần 4.000 tấn nông sản các loại.
Còn theo ông Trần Quốc Toản - Giám đốc Công ty TNHH gạo sạch Toản Xuân (tỉnh Nam Định), thời gian qua, nhờ chương trình kết nối tiêu thụ giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố, trung bình mỗi năm, công ty cung cấp 6.000 tấn gạo sạch cho người tiêu dùng Thủ đô thông qua hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích.
Đánh giá về chương trình kết nối, tiêu thụ nông sản giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong năm 2022, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, trong năm 2022, Sở và 43 tỉnh, thành phố tham gia chương trình phối hợp đã chủ động, tích cực duy trì, hỗ trợ phát triển 946 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho thành phố Hà Nội (chiếm 57% số chuỗi toàn quốc), tăng 20% số chuỗi so với năm 2021. Riêng Hà Nội đã xây dựng và phát triển được 159 chuỗi, hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2022. Trong 11 tháng năm 2022, các tỉnh đã cung cấp về Hà Nội: 162.500 tấn rau; 53.557 tấn cây ăn quả; 60.429 tấn thịt, hơn 130 triệu quả trứng; 7.597 tấn thủy sản; 19.500 tấn thực phẩm chế biến; 49.129 tấn lương thực.
"Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản có nhiều chuyển biến tích cực; nhiều chuỗi giá trị nông sản được triển khai có hiệu quả đã tạo ra sản phẩm thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô", ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết thêm.
Hiện nay, công tác kết nối tiêu thụ nông sản giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố còn khó khăn như: Tỷ trọng sản lượng nông, lâm, thủy sản theo chuỗi của các tỉnh, thành phố tiêu thụ tại Hà Nội chưa cao. Một số chuỗi liên kết chưa hoàn chỉnh, quy mô liên kết vừa và nhỏ, chủ yếu là sản phẩm tươi sống, còn thiếu sản phẩm chế biến sâu, chất lượng cao. Tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội tuy giảm nhưng vẫn còn vi phạm...
Để công tác phối hợp kết nối tiêu thụ nông sản giữa Hà Nội với các tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông tỉnh Sơn La Cầm Thị Phong cho biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục phối hợp với Hà Nội thường xuyên trao đổi thông tin phối hợp trong công tác quản lý an toàn thực phẩm; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để doanh nghiệp của Hà Nội ký kết hợp đồng với các hợp tác xã, doanh nghiệp của tỉnh.
Còn theo ông Bùi Duy Quang - Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư thương mại, du lịch thành phố Hà Nội, để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã thúc đẩy tiêu thụ nông sản, Trung tâm phối hợp quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm xây dựng thương hiệu thị trường cho các sản phẩm đạt chứng nhận Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Hà Nội và các tỉnh để nâng cao giá trị sản phẩm.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Như Tiệp đánh giá cao sự phối hợp giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong công tác nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm; xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ thực phẩm nông, lâm, thủy sản, góp phần quan trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm trên địa bàn Hà Nội trong mọi tình huống.
Thời gian tới, Hà Nội cần giới thiệu các địa điểm thuận lợi tại các quận, huyện, thị xã, kênh phân phối... để hỗ trợ các tỉnh, thành phố chủ động tổ chức điểm bán sản phẩm tại Hà Nội theo nhu cầu, tập trung vào dịp lễ, Tết, mùa thu hoạch nông sản...
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, phát huy kết quả đạt được trong công tác phối hợp, năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tiếp tục thông tin, phối hợp trong công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, giám sát, thanh tra, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm, thủy sản của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ và ngược lại. Các tỉnh, thành phố cần tăng cường liên kết vùng để tổ chức sản xuất theo chuỗi quy mô lớn sản xuất công nghệ cao, bền vững, phát triển chuỗi sản xuất có chứng nhận GAP, GMP... Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác lĩnh vực công nghiệp, thương mại nhằm phát huy thế mạnh địa phương, quảng bá, kết nối cung - cầu sản phẩm, hàng hóa lợi thế của các địa phương, hỗ trợ tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.
Thanh Hóa: Các cơ sở OCOP tất bật sản xuất hàng Tết
Chỉ còn hơn tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các HTX, tổ hợp tác, đơn vị sản xuất, hộ kinh doanh đang tất bật chuẩn bị hàng Tết để cung ứng cho thị trường. Tại một số cơ sở có sản phẩm được công nhận đạt OCOP cấp tỉnh, không khí sản xuất càng thêm nhộn nhịp, hàng hóa được sản xuất khá dồi dào.
Sản xuất bánh ở cơ sở sản xuất bánh lá răng bừa Nam Hương (thôn 5, xã Định Long, Yên Định).
Ngay từ cuối tháng 11-2022 cơ sở sản xuất bánh lá răng bừa Nam Hương, thôn 5, xã Định Long (Yên Định) đã rất nhộn nhịp, khi 6 lao động vừa nhào bột, trộn thịt vừa gói bánh để chuẩn bị cho các đơn đặt hàng của khách sỉ lẫn khách lẻ. Nếu như những tháng trước, mỗi tháng cơ sở sản xuất khoảng 1.200 đến 1.500 cái/ngày, nhưng từ tháng 11-2022 đến nay đã tăng lên hơn 3.000 cái/ngày. Bà Hoàng Thị Hương, chủ cơ sở cho biết: “Từ khi sản phẩm bánh lá răng bừa Nam Hương được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh, thương hiệu của chúng tôi đã được nhiều người biết đến nên đơn đặt hàng cũng tăng. Tính đến thời điểm này, sản lượng bánh của cơ sở đã cung ứng cho thị trường khoảng 2.000 đến 2.500 cái, cao hơn 1,8 lần so với cùng kỳ. Do đó, cơ sở phải thuê thêm nhân công, mua sắm máy nhào bột, bếp, chảo công suất lớn. Đồng thời, khuyến khích, động viên lao động làm thêm giờ để đẩy nhanh tiến độ sản xuất, bảo đảm cung ứng cho thị trường những sản phẩm chất lượng nhất”.
Cùng với sản phẩm bánh răng bừa Nam Hương, trên địa bàn huyện Yên Định còn 14 sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Những ngày gần tết được coi là đợt cao điểm sản xuất lớn nhất trong năm, các cơ sở cũng đẩy nhanh tiến độ, nâng cấp bao bì, nhãn mác để đưa sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng. Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Định Nguyễn Xuân Tùng, cho biết: Hiện nay toàn huyện có 15 sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Những ngày cận Tết Nguyên đán, nhu cầu của thị trường về các sản phẩm OCOP của huyện tăng cao, không chỉ đơn thuần là sử dụng mà còn làm quà biếu. Do đó, bên cạnh việc hỗ trợ các chủ thể sản xuất tham gia quảng bá sản phẩm tại các gian trưng bày, triển lãm của tỉnh, UBND huyện còn khuyến khích các chủ thể đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Dự ước, mức tiêu thụ các sản phẩm OCOP trong dịp Tết Nguyên đán 2023 sẽ tăng từ 10 - 15% trở lên so với cùng kỳ.
Tại cơ sở sản xuất thực phẩm An Tâm, xã Xuân Sinh (Thọ Xuân), không khí làm việc cũng sôi động và tất bật không kém. Biết chắc rằng, nhu cầu sử dụng thực phẩm chế biến nhanh, an toàn dịp tết của người dân sẽ tăng cao nên từ khâu chọn thịt, sơ chế, chế biến thành phẩm đến bán ra thị trường đều được cơ sở thực hiện một cách cẩn thận nhất. Hiện tại, cơ sở có 5 sản phẩm từ thịt lợn và 3 sản phẩm từ gà, bê, bò. Trong đó, sản phẩm “thịt lợn muối An Tâm” được công nhận đạt chuẩn 3 sao OCOP cấp tỉnh. Ðây là tiền đề quan trọng để cơ sở tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định vị trí trên thị trường.
Cầm trên tay những túi quà tết bắt mắt mang thương hiệu "Thịt lợn muối An Tâm”, ông Lê Văn Tòng, chủ cơ sở sản xuất An Tâm chia sẻ: “Nếu tết năm ngoái cơ sở bán được 3 tấn thịt lợn muối, thì năm nay dù chưa hết tháng 12 đã có 4.500 tấn sản phẩm được sản xuất và giao đến tay khách hàng. Để bước vào dịp sản xuất lớn nhất trong năm, chúng tôi đang tập trung tăng thêm công nhân để sản xuất kịp các đơn hàng, ước tính từ nay đến 28 tết sẽ cung cấp cho thị trường thêm 1.000 tấn thịt”.
Trên địa bàn huyện Thọ Xuân hiện có 14 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong đó, có nhiều sản phẩm đặc trưng là một phần trong sinh hoạt, tín ngưỡng ngày tết của người dân, như: Bưởi Luận Văn, nem nướng, giò lụa... Do đó, những ngày cuối năm cũng là thời gian để các chủ thể đẩy mạnh sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Về vùng sản xuất bưởi Luận Văn, xã Thọ Xương (Thọ Xuân) càng trở nên nhộn nhịp khi khách hàng từ mọi miền tìm về để đặt hàng. Ông Nguyễn Hải Đăng ở thôn 7, xã Thọ Xương, cho biết: Bưởi Luận Văn là sản vật nổi tiếng, mùi thơm đặc trưng, là một trong những thứ quả trong mâm ngũ quả nên được người tiêu dùng săn đón. Những năm gần đây giá bưởi ổn định, dao động từ 50 đến 100 nghìn đồng/quả tại vườn, nếu chủ vườn chú ý tạo hình tài - lộc, in chữ thì giá có thể lên đến 500 nghìn đồng/quả. Vì vậy doanh thu có thể đạt 600 triệu đồng/ha, nhờ đó thu nhập của người trồng bưởi ổn định, có điều kiện đầu tư, chuyên sâu phát triển sản phẩm.
Tính đến nay tỉnh Thanh Hóa đã có 292 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 56 sản phẩm 4 sao và 235 sản phẩm 3 sao... Để tạo sức lan tỏa và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP, các chủ thể đã tiếp cận với phương thức bán hàng trực tuyến, đẩy mạnh tham gia các sàn thương mại điện tử, nhờ vậy đến thời điểm hiện tại việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đều tăng trưởng mạnh. Ngoài ra, với mục tiêu đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng và làm tặng phẩm trong dịp lễ, tết, các cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đã lựa chọn, đưa sản phẩm OCOP vào các giỏ quà tặng. Đây là một trong những giải pháp giúp sản phẩm tăng tính cạnh tranh, lan tỏa ra thị trường và góp phần phát triển thương hiệu OCOP tỉnh Thanh Hóa.
Những ngày cuối năm, khi không khí tết đang náo nức, nhộn nhịp cũng là dịp các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP bước vào giai đoạn đẩy mạnh sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao của thị trường. Với sự nỗ lực của các địa phương, doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, người dân có thêm cơ hội lựa chọn các sản phẩm OCOP đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với giá bán phù hợp trong dịp Tết Nguyên đán 2023.
Vĩnh Phúc: Hỗ trợ cung cấp ra thị trường các sản phẩm nông sản đảm bảo ATTP
Nhằm cung cấp ra thị trường các sản phẩm nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai hỗ trợ hơn 3.500ha sản xuất rau, củ, quả an toàn theo hướng VietGAP, hữu cơ.
Trong đó, có gần 1.800ha sản xuất rau, quả hàng hóa VietGAP; hơn 1.670ha rau ăn lá theo hướng hữu cơ và 24ha áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.
Nông dân xã Hồ Sơn (Tam Đảo) trồng su su cho hiệu quả kinh tế cao.
Cùng với đó, đơn vị cũng triển khai hỗ trợ 5 liên kết sản xuất, tiêu thụ rau an toàn theo Nghị quyết số 86 của HĐND tỉnh với diện tích 26,4 ha. Hằng năm, Vĩnh Phúc cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 50 nghìn tấn rau củ quả sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ, đáp ứng nhu cầu sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.
Để tiếp tục thay đổi nếp nghĩ, cách làm theo tư duy sản xuất hàng hóa trong cơ chế thị trường của người dân, năm 2023, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục khuyến khích, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản của địa phương, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của thị trường; hỗ trợ sản xuất rau an toàn theo VietGAP với diện tích 1.840 ha/năm./.
Ngành công nghiệp và kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các dự án hạ tầng quy mô lớn và môi trường pháp lý thuận lợi. Sự chuyển đổi sang hướng sản xuất giá trị gia tăng cao, cùng với khả năng logistics và trung tâm dữ liệu mở rộng, đang nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.