Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 8 tháng 5 năm 2023 | 11:24

Giá tôm ở ĐBSCL giảm mạnh, đâu là giải pháp?

Giá tôm nước lợ, nước mặn vùng ĐBSCL sụt giảm trên 70.000 đồng/kg, trong khi giá thức ăn, giá điện tăng cao khiến người nuôi lỗ. Trong khi đó, đến tháng 4, xuất khẩu tôm mới đạt hơn 891 triệu USD, giảm 44%. Vậy đâu là nguyên nhân?

Giá tôm sụt giảm mạnh

Giá tôm thẻ (nuôi theo mô hình công nghệ cao) tại nhiều tỉnh vùng ĐBSCL tiếp tục giảm mạnh. Ngày 6/5, giá tôm nuôi ao trải bạt loại 30 con/kg từ 134.000 -136.000 đồng/kg; nuôi ao đất 108.000 - 109.000 đồng/kg. Giá tôm thẻ loại 40 con/kg nuôi ao trải bạt chỉ giá 111.000 đồng/kg, nuôi ao đất giá 108.000 đồng/kg.

Tôm thẻ đang giảm giá mạnh khiến nhiều người nuôi bị lỗ. (Ảnh: Mỹ Tho).

Các loại tôm nước lợ, nước mặn ở các kích cỡ đều giảm sâu. So với thời điểm trước tết, giá mỗi kg tôm thẻ giá sụt giảm từ 50.000-70.0000 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí đầu tư để nuôi tôm công nghệ cao rất cao. Giá thức ăn, thuốc thú ý thủy sản, giá điện, nhân công tăng vọt nên nhiều ngư dân bị thua lỗ nặng.

Ông Nguyễn Tấn Phát, hộ nuôi tôm công nghệ cao ở xã Thới Thuận, huyện Bình Đại (Bến Tre) tâm tư, tôm loại 30 con/kg trước đây trên 200.000 đồng/kg, loại 40 con từ 170.000 - 180.000/kg nay còn khoảng 110.000 đồng/kg. Giá tôm sụt giảm mấy tháng rồi, giảm trên 70.000 đồng/kg, giá thức ăn, giá điện tăng cao. Thời tiết nắng quá, nhiệt độ cao nên nuôi tôm không thuận lợi, mà giá tôm sụt kiểu này không có lãi. Những người nuôi tôm vay bằng vốn ngân hàng thì càng thua lỗ nặng.

Ông Ngô Minh Tuấn, ở xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) chủ trang trại nuôi tôm công nghệ cao cho biết, hiện nay, chi phí đầu tư lớn hơn giá bán tôm ra nên thua lỗ nặng. Hơn nữa giá điện lại tăng 3% là áp lực lớn với người nuôi tôm công nghệ cao.

Một chủ nuôi tôm ở huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) bộc bạch, làm sao phải xuất khẩu bền vững người dân mới dám đầu tư, còn kiểu này khi xuất khẩu không được, ở trong nước thì tiêu thụ không được bao nhiêu. Khi cung vượt cầu giá tôm mới rẻ. Tôi đề nghị các địa phương nên quan tâm đến vấn đề xuất khẩu tôm, chứ khuyến khích mở rộng diện tích mà không giải quyết đầu ra thì tương lai sẽ rất khó khăn.

Tỉnh Cà Mau đã có vùng nuôi tôm nước mặn, lợ lớn nhất cả nước, với 280.000ha. Hai tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu có vùng nuôi tôm nước lợ hơn 186.000ha. Riêng Sóc Trăng có khoảng 30% tổng diện tích nuôi tôm công nghệ cao, năng suất, sản lượng tôm thu hoạch tăng lên gấp 2-3 lần. Tỉnh Bến Tre đã phát triển hơn 36.000ha tôm nước lợ; trong đó có trên 2.500ha tôm nuôi ứng dụng công nghệ cao, đạt sản lượng trên 42.000 tấn, chiếm 50% tổng sản lượng tôm nuôi nước lợ của tỉnh. Với giá tôm như hiện nay, rất khó để phát triển mô hình nuôi tôm nước lợ, nước mặn, nhất là khó nhân rộng mô hình nuôi công nghệ cao.

Doanh nghiệp thận trọng

Năm 2022, Công ty CP tập đoàn thủy sản Minh Phú (Cà Mau) đạt mốc doanh thu 16.000 tỉ đồng, tăng 21% so với 2021, lần đầu tiên đạt mức lợi nhuận sau thuế hơn 800 tỉ đồng - cao nhất từ trước đến nay. Do đó, năm 2023, Minh Phú lên kế hoạch doanh thu 17.985 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 1.146 tỉ đồng, vượt cả kỉ lục 2022.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2023 với khoản lỗ gần 100 tỉ đồng (98,3 tỉ đồng) trong khi quý I/2022 ghi nhận lãi hơn 91 tỉ đồng. Đây là lần đầu tiên công ty này lỗ theo quý trong 10 năm trở lại đây. Trước diễn biến của thị trường, Minh Phú sẽ phải điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh của năm 2023 hoặc nỗ lực tăng tốc thì phải chờ đại hội cổ đông dự kiến diễn ra cuối tháng 6 tới mới rõ.

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú (tỉnh Cà Mau).

Trong khi đó, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) báo cáo quý I/2023 doanh thu giảm 24% so với cùng kỳ 2022 (tương đương 1.008 tỉ đồng) nhưng lãi ròng đạt gần 43,7 tỉ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Nguyên nhân, do doanh nghiệp tôm này đã giảm được giá vốn (giảm 23%) và chi phí bán hàng (giảm 66%) dù chi phí lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng.

Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) cũng khá thận trọng khi đưa ra chỉ tiêu cho năm 2023 đều giảm so với năm ngoái. Cụ thể, Thuận Phước đưa ra kế hoạch doanh thu 2.300 - 3.000 tỉ đồng năm 2023 (năm 2022 đạt 3.146 tỉ đồng), xuất khẩu 100 - 130 triệu USD (thực hiện năm 2022 hơn 134 triệu USD), lợi nhuận 20-25 tỉ đồng (thực hiện 2022 gần 26 tỉ đồng). Trong quý I/2023, doanh thu Thuận Phước hơn 489 tỉ đồng, giảm 21% so với quý I/2022 nhưng lợi nhuận sau thuế đạt gần 7,3 tỉ đồng, so với con số gần 4,5 tỉ đồng cùng kỳ 2022, tăng hơn 60%.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như tình hình lạm phát khiến nhu cầu tiêu thụ giảm đã tác động xấu đến tình hình sản xuất trong nước; chi phí sản xuất, bao bì, vật tư, năng lượng, nhân công đều tăng cao…

Theo VASEP, quý I/2023, xuất khẩu tôm chỉ đạt 600 triệu USD, giảm 37% so với cùng kỳ năm trước. Cập nhật đến tháng 4, xuất khẩu tôm mới đạt hơn 891 triệu USD, giảm 44%. Sự sụt giảm diễn ra ở hầu hết các thị trường, đặc biệt là thị trường lớn nhất là Mỹ. Điều này cũng nói lên sự khó khăn của các doanh nghiệp (DN) ngành tôm khi đang phải cầm cự chờ thị trường phục hồi.

Đâu là giải pháp?

Một trong những nguyên nhân làm cho giá tôm sụt giảm là do việc xuất khẩu chậm; trong khi đó diện tích nuôi tôm nước lợ, nước mặn ở vùng ĐBSCL tăng cao. Mô hình nuôi tôm công nghệ cao đã được nhân rộng cho sản lượng tôm ngày càng lớn, dẫn đến cung vượt cầu.

Ông Nguyễn Văn Kịch, một doanh nghiệp có kinh nghiệm xuất khẩu tôm ở ĐBSCL cho rằng, ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế làm cho thủy sản của nước ta sang thị trường châu Âu, Bắc Mỹ sụt giảm nghiêm trọng. Vì vậy, giá tôm thẻ trong nước hiện nay liên tục giảm giá.

Người dân thu hoạch tôm nuôi, (Ảnh: Mỹ Tho).

Với giá tôm nguyên liệu giảm như ở trên, ông Trần Văn Việt, Giám đốc Hợp tác xã Thành Công (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), cho biết, giá thức ăn, vật tư đầu vào không giảm, thậm chí có loại còn tăng khiến người nuôi tôm đối diện với nhiều khó khăn, rất ngại thả nuôi vì lợi nhuận thấp, rủi ro lại cao.

Ông Nguyễn Văn Cảnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Năm Căn (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) cũng băn khoăn vì nhiều năm qua công ty xuất khẩu tôm nguyên con sang thị trường Nhật Bản nhưng từ đầu năm đến nay thị trường và đơn hàng xuất đi Nhật Bản rất ít.

Theo ông Cảnh, công ty chào giá thấp hơn 1 USD so với năm ngoái nhưng các đối tác phía Nhật Bản cho rằng hàng của công ty vẫn cao hơn sản phẩm của Ấn Độ và Ecuador đến 2 USD nên họ không thể nhập hàng. Công ty phải giảm giá mua tôm nguyên liệu nhưng không thể giảm sâu hơn nữa vì người nuôi không có lợi nhuận.

Trước những khó khăn trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, lãnh đạo ngành công thương các tỉnh, thành tại ĐBSCL cho biết, đang tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới như khu vực Trung Đông, châu Phi; tăng cường liên kết, chia sẻ thông tin giữa các vùng, địa phương về tình hình sản xuất, sản lượng và tình hình xuất khẩu để hợp tác, xác định thị trường tiêu thụ sản phẩm; thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi…

Theo ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong hiện tại cũng như tương lai. Vì vậy, khi hoạt động xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn sẽ tác động rất lớn đến đời sống của người dân, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chính vì thế, tỉnh đã họp với doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trên địa bàn, tìm giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất và xuất khẩu trong thời gian tới.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) lưu ý các doanh nghiệp thủy sản hiện có một thị trường rộng lớn, đó là thị trường nội địa. Hiện mỗi năm sản lượng cả nước gần 1 triệu tấn tôm, trong đó tôm sú hơn 300.000 tấn nhưng xuất khẩu chỉ 150.000 tấn, như vậy 50% sản lượng tôm sú đang ở thị trường nội địa. Do đó, phải cân đối được vấn đề phục vụ trong nội địa và xuất khẩu, bởi giá thủy sản xuất khẩu bao giờ cũng thấp hơn so với giá thị trường trong nước.

Về lâu dài, cần giải quyết vấn đề sản xuất nguyên liệu còn nhỏ lẻ, nông hộ khiến việc đầu tư cơ sở hạ tầng gặp nhiều khó khăn. Đây không phải vấn đề đơn giản, nhưng phải nỗ lực để có được hệ thống sản xuất ổn định và truy xuất được nguồn gốc. Từ đó, mới có thể tăng trưởng xuất khẩu đi các thị trường khó tính.

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top