Mừng Xuân Giáp Thìn - 2024, phóng viên Kinh tế nông thôn đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Ngãi về thuận lợi, khó khăn, giải pháp trong sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản của địa phương.
Thưa đồng chí Giám đốc, trên cơ sở các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của ngành, năm 2023, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Ngãi đã chỉ đạo, tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ nhiều giải pháp trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Đồng chí có thể chia sẻ một số kết quả nổi bật?
Được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh và hướng dẫn của các cơ quan chuyên ngành thuộc Bộ, các đơn vị có liên quan; sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương; và nhận thức của nông dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản ngày càng cao trong việc sử dụng giống tốt và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, sơ chế, chế biến đã góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, có giá trị gia tăng cao và được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến.
Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương (ngoài cùng bên phải) tham quan giam hàng trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh.
Người sản xuất, kinh doanh đã dần nắm bắt được chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước quy định trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm như tuân thủ các yêu cầu về lịch thời vụ, kiểm soát dịch bệnh, bố trí nơi sản xuất hợp lý, sử dụng hóa chất, phụ gia nằm trong danh mục được phép sử dụng, chú trọng công tác vệ sinh trong sản xuất, kinh doanh.
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2023 ước đạt 18.793,92 tỷ đồng, trong đó, nông nghiệp 9.287 tỷ đồng, lâm nghiệp 2.273,2 tỷ đồng, thủy sản 7.233,6 tỷ đồng. So với kế hoạch cả năm, giá trị sản xuất toàn ngành đạt 100,5%; so với cùng kỳ năm 2022, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,5%, trong đó nông nghiệp tăng 3,7%, lâm nghiệp tăng 4,5%, thủy sản tăng 3%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 328 triệu USD với các sản phẩm chủ yếu như thủy sản, tinh bột mì (sắn), đồ gỗ và dăm gỗ (trong đó, chế biến thủy sản ước đạt 28 triệu USD, tinh bột mì 150 triệu USD, đồ gỗ và dăm gỗ 150 triệu USD).
Thưa đồng chí Giám đốc, ngoài những thuận lợi, để đạt được các kết quả trên, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh gặp phải những khó khăn cơ bản gì?
Địa bàn và đối tượng quản lý rộng, phân bố trên nhiều vùng, từ miền núi đến hải đảo, các đối tượng sản xuất, kinh doanh nông sản có quy mô nhỏ lẻ, phân tán, xen kẽ trong khu dân cư, hoạt động theo mùa vụ, phụ thuộc lớn vào thời tiết, số lượng đối tượng thuộc phạm vi quản lý lớn (chủ yếu là cơ sở sản xuất nhỏ lẻ), do đó, việc điều hành, quản lý còn gặp khó khăn.
Nhận thức của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản còn hạn chế. Giá các mặt hàng nông sản còn ở mức thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định, vẫn còn tình trạng nông sản được mùa, mất giá. Nguồn nhân lực và kinh phí phân bổ cho ngành còn thấp và hạn chế, đặc biệt là tuyến huyện, xã, chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao.
Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương ( ngoài cùng bên phải) trong buổi họp Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2023.
Thời gian qua, trong bối cảnh tăng trưởng chậm toàn cầu, ảnh hưởng của hậu Covid-19, xung đột Nga - Ucraine kéo dài tác động đến xu hướng định hình lại các chuỗi cung ứng quốc tế; lạm phát cao cùng với hàng tồn kho nhập khẩu từ năm 2022 ở các nước châu Âu và Hoa Kỳ là những nguyên nhân dẫn đến đơn hàng xuất khẩu nông lâm thủy sản xuất khẩu suy giảm. Vì vậy, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cũng không tránh khỏi khó khăn.
Trong thời gian tới, để đưa nông sản địa phương vươn xa, theo ông, cần có những giải pháp gì?
Ngành Nông nghiệp và PTNT tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại. Ngành tập trung vào các giải pháp chính sau:
Đưa cơ giới hóa vào sản xuất; áp dụng quy trình thực hành sản xuất tiên tiến; đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại trong bảo quản, chế biến sau thu hoạch, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa và không ngừng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị, nhân rộng mô hình liên kết 4 nhà, phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của tỉnh, tạo bước chuyển toàn diện về phát triển nông nghiệp.
Đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là công tác giống, công nghệ sinh học; quan tâm đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn; đổi mới cơ chế, chính sách về khoa học - công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi để huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ, tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.
Mở rộng hợp tác nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ với bên ngoài; tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh; thiết lập các kênh hợp tác phát triển khoa học - công nghệ, tạo điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp khoa học - công nghệ trong tỉnh thực hiện hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ, trao đổi thông tin, cử cán bộ khoa học tham gia đào tạo, nghiên cứu tại nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao.
Huy động xã hội hóa các nguồn lực, thúc đẩy hợp tác công - tư trong sản xuất nông nghiệp; phát triển chuỗi giá trị ngành hàng theo hình thức Nhà nước hướng dẫn và hỗ trợ cung ứng các dịch vụ công, các doanh nghiệp tổ chức sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng sản phẩm. Tận dụng các nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản.
Hỗ trợ các cơ sở xây dựng thương hiệu địa phương nhằm tạo dựng hình ảnh và uy tín cho nông sản Quảng Ngãi trên thị trường qua các hình thức như hỗ trợ về bao bì, nhãn mác và hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm. Kết nối người dân với doanh nghiệp thu gom, phân phối, sơ chế, chế biến, giúp nông sản nhanh chóng và dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng, đảm bảo nông sản luôn tươi ngon, kéo dài thời gian bảo quản mà vẫn giữ được hương vị đặt trưng và tạo ra được giá trị gia tăng. Tăng cường thông tin, phân tích, dự báo thị trường để hiểu rõ nhu cầu và xu hướng để điều chỉnh hoạt động sản xuất phù hợp.
Thực hiện có hiệu quả Quyết định số 174/QĐ-TTg ngày 05/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đến năm 2030 và các văn bản liên quan, tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 04/4/2022 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc thực hiện Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Đồng thời, chú trọng xây dựng một số chính sách đặc thù phù hợp với điều kiện hoàn cảnh riêng của tỉnh, trong đó chú trọng chính sách về khuyến khích phát triển chế biến nông - lâm - thủy sản xuất khẩu gắn với đầu tư phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản xuất khẩu, góp phần tăng nhanh giá trị hàng hóa của tỉnh.
Bước sang năm mới 2024, ông mong ước gì đối với ngành Nông nghiệp tỉnh nhà?
Mong muốn chung là thực hiện đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra và hoàn thành tốt tất cả các nhiệm vụ được Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh giao. Xây dựng ngành Nông nghiệp phát triển bền vững, hiện đại. Đặc biệt, mong muốn thời tiết năm 2024 thuận lợi, các chủ thể tham gia trong chuỗi sản xuất nông sản ngày càng phát triển và có vụ mùa bội thu, mức thu nhập cao, góp phần xây dựng quê hương Quảng Ngãi ngày càng giàu, đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.