Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 25 tháng 9 năm 2023 | 14:39

Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu bưởi sang thị trường EU

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) (EVFTA) được thực thi trong gần 3 năm qua (từ 1/8/2020) đã tạo đà cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam nói chung và các mặt hàng nông sản nói riêng.

Đặc biệt, Hiệp định EVFTA giúp rau quả Việt Nam (trong đó có mặt hàng bưởi) có lợi thế lớn khi nằm trong danh mục 94% các dòng thuế được xóa bỏ khi xuất vào thị trường EU, tạo lợi thế cạnh tranh so với một số quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn đối với mặt hàng này.

Thị trường EU là thị trường có yêu cầu rất cao và chặt chẽ về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật (các quy định SPS). Nhằm khai thác tốt tiềm năng xuất khẩu bưởi của nước ta vào thị trường EU, để thúc đẩy xuất khẩu bưởi vào EU, cần tiếp tục tổ chức liên kết sản xuất, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng, sản xuất an toàn, rải vụ thu hoạch, xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm...

Hiện trạng sản xuất, xuất khẩu bưởi

Việt Nam là quốc gia có diện tích, sản lượng bưởi lớn trên thế giới với các giống bưởi đa dạng, đặc trưng cho từng vùng miền. Cả nước ta hiện có 105.400 ha trồng bưởi, sản lượng gần 905.000 tấn.trong đó, đồng bằng sông Hồng có hơn 13.000 ha với sản lượng trên 175.000 tấn, Trung du miền núi phía bắc có hơn 30.000 ha với sản lượng 253.000 tấn và đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 32.000ha với sản lượng khoảng 369.000 tấn... Đến nay, ngành Nông nghiệp đã xây dựng và cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho bưởi Đoan Hùng, bưởi Luận Văn, bưởi Phúc Trạch, bưởi Tân Triều, bưởi Năm Roi Bình Minh, bưởi Da xanh Bến Tre, là cơ sở qua trọng để gia tăng xuất khẩu sản phẩm bưởi vào thị trường EU.

Công nhân HTX Đại Đồng, xã Ngọc Lương (Yên Thủy - Hòa Bình) đang đống gói dán tem nhãn sản phẩm bưởi Diễn chuẩn bị xuất khẩu. Ảnh: TTXVN

Hiện, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 16 của EU, là đối tác thương mại châu Á lớn thứ 8 và thứ hai trong ASEAN. Về tổng thể, nông sản Việt Nam và EU mang tính bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau, không cạnh tranh trực tiếp do vậy, lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là 1 trong 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta hiện nay.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tổng giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau quả  8 tháng đầu năm 2023 đạt 3,45 tỷ USD, vượt xuất khẩu rau, quả cả năm 2022 (3,16 tỷ USD) và tăng 57,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng rau quả lớn nhất trong 8 tháng đầu năm 2023, giá trị  dự kiến đạt 2,3 tỷ USD, chiếm 67% trong tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả của cả nước trong thời gian này.

Theo Bộ Công Thương, cơ hội rất lớn cho trái cây và rau Việt Nam tại thị trường 62 tỷ 62 tỷ Euro, tương đương với 43% giá trị thương mại trái cây và rau toàn cầu lên đến. Số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy Việt Nam là nhà cung cấp hàng rau quả lớn thứ 59 cho EU trong 11 tháng năm 2022, đạt 74.000 tấn, trị giá 215 triệu USD. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này của Việt Nam sang EU vào khoảng 235 triệu USD; giá trị xuất khẩu bưởi chiếm khoảng 2% (trên 2 triệu USD) trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả và có xu hướng ngày càng tăng.

Năm 2012, EU nhập khẩu khoảng 314 nghìn tấn, đến năm 2022 chỉ nhập khẩu khoảng 223 nghìn tấn, bình quân 5 năm gần đây nhập khẩu bưởi của EU giảm 29%. Riêng Việt Nam năm 2012 mới chỉ xuất khẩu 327 tấn bưởi vào EU, đến năm 2022 xuất khẩu khoảng 1.510 tấn bưởi.  Trong 5 năm gần đây, tăng trưởng xuất khẩu bưởi vào EU khoảng 28% và là một trong các quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm bưởi vào EU cao nhất.

Lợi thế chính của quả bưởi Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường EU

- Hiệp định EVFTA: Thuế suất nhập khẩu quả bưởi vào EU còn 0% (trước đó là trên 10%), giúp bưởi Việt Nam có lợi thế hơn so với bưởi của các nước chưa ký hiệp đinh FTA với EU (Trung Quốc, Thái Lan…).

- EU là thị trường lớn, chiếm 40 - 45% thị trường toàn cầu vớinhu cầu tiêu thụ rau quả tươi, trong đó có bưởi ngày càng tăng cao (dự báo trên 8% năm).

- Bưởi là thực phẩm tốt cho sức khỏe (giàu vitamin và khoáng chất cần thiết, giúp tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể;; giúp giảm mỡ máu…) nên ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong khẩu phần ăn của người tiêu dùng EU và Thế giới.

- Bưởi được trồng ở nhiều vùng sinh thái của nước ta. Người trồng bưởi đã có nhiều kinh nghiệm để đạt năng suất, chất lượng cao. Nước ta có nhiều giống bưởi đặc sản thích nghi với nhiều vùng sinh thái, rải vụ thu hoạch. Về chất lượng, các giống bưởi đặc sản của Việt Nam thơm ngon, có độ ngọt vừa phải, hình thức đẹp được người tiêu dùng EU ưa chuộng.

- Bưởi là loại quả to nhất trong nhóm cây có múi với vỏ dày, việc thu hoạch, vận chuyển, đóng gói dễ dàng; Hơn nữa, việc xử lý, làm sạch quả, kiểm tra, loại bỏ các quả có triệu chứng bị sâu bệnh hại rất thuận lợi cho việc tuyển chọn quả đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

- Bưởi là loại quả có thể bảo quản được lâu (khoảng 90 ngày mà không ảnh hưởng đến chất lượng) nên chi phí vận chuyển thấp khi dùng đường biển từ Việt Nam sang EU;

- Các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu thành công quả bưởi sang nhiều nước, trong đó có Hoa kỳ và EU nhiều năm nay nên có những kinh nghiệm nhất định để xây dựng chuỗi sản xuất, xuất khẩu bưởi đáp ứng các quy định của nước nhập khẩu;

- Các quy định của EU về nhập khẩu nông sản, trong đó có quả bưởi được EU công bố công khai, minh bạch, rõ ràng và dễ hiểu, các doanh nghiệp rất dễ tiếp cận trên nền tảng công nghệ thông tin. Nhiều tài liệu hướng dẫn đã được phổ biến trên các phương tiện truyền thông. Các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương, các Hiệp hội ngành nghề luôn sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp khi cần thiết.

- Một số mô hình chuỗi, liên kết sản xuất, xuất khẩu bưởi sang thị trường EU đã được xây dựng thành công, là nơi các doanh nghiệp có thể đến thăm, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm để làm theo.

Khó khăn, thách thức chính

- EU là thị trường “khó tính”, các quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật (các quy định SPS) rất chặt chẽ. Tuân thủ các quy định SPS là điều kiện tiên quyết để nông sản nói chung, quả bưởi nói riêng tiếp cận được thị trường EU;

- Thực hiện chiến lược phát triển xanh và bền vững, EU thường xuyên rà soát, đưa ra các quy định về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường ngày càng chặt chẽ hơn để đòi hỏi nông sản thực phẩm nhập vào EU phải được sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt, thân thiện môi trường;

-  Ngoài các quy định pháp lý của EU, các nhà nhập khẩu còn có thể đưa ra các yêu cầu bổ sung như: Tiêu chuẩn Global GAP, kích cỡ, hình thức quả; Chứng nhận ISO 26000 (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp); ISO 14001 (Trách nhiệm môi trường)…

- Mặc dù năng suất bưởi của Việt Nam khá cao nhưng tỷ lệ quả đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang EU còn thấp, nhiều nhà vườn chỉ đạt dưới 30%. Diện tích trồng bưởi đạt tiêu chuẩn Global GAP mà nhiều nhà nhập khẩu EU yêu cầu chưa nhiều;

- Một số sinh vật gây hại phổ biến trên bưởi của Việt Nam lại là đối tượng kiểm dịch thực vật mà EU kiểm soát rất nghiêm ngặt như: Ruồi đục quả, vi khuẩn gây bệnh loét cam quýt, bệnh Greening. Quả bưởi xuất khẩu sang EU tuyệt đối không được nhiễm các đối tượng sâu bệnh hại này;

- Trong điều kiện nhiệt đới nóng ẩm, bưởi Việt Nam bị sâu bệnh nhiều. Việc lạm dụng thuốc BVTV hóa học, trong đó có các loại thuốc bị cấm ở EU có thể dẫn đến nguy cơ dư lượng thuốc BVTV có trong quả bưởi vượt mức dư lượng tối đa cho phép, vi phạm quy định về an toàn thực phẩm của EU.

- Sản xuất bưởi của Việt Nam còn manh mún và đã xuất hiện những dấu hiệu không bền vững, khó tạo đồng đều về mẫu mã và chất lượng để xuất khẩu với quy mô lớn. Nhận thức và hiểu biết về áp dụng các biện pháp thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và tuân thủ các quy định trong sản xuất, xuất khẩu nông sản an toàn của không ít doanh nghiệp và người sản xuất còn hạn chế;

Người sản xuất chưa am hiểu sâu về các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, độ đồng đều của sản phẩm, cũng như chưa tiếp cận nhiều với công nghệ trong việc xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm;

- Biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến chất lượng bưởi ở một số vùng như khô tôm của trái bưởi ở một số giống bưởi trồng tập trung ở một số vùng trong cả nước chưa có biện pháp khắc phục có hiệu quả;

- Thông tin thị trường về sản phẩm quả tươi và sản phẩm chế biến, cũng như hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm bưởi tại thị trường EU còn nhiều hạn chế.

Trang trại bưởi da xanh của gia đình ông Trương Văn Út, TX. Phú Mỹ (Bà Rịa -Vũng Tàu) trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, đã được cấp mã vùng trồng. Ảnh: Hoàng Nhị

Một số giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu bưởi sang thị trường EU

- Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với các địa phương có vùng sản xuất bưởi  xuất khẩu EU, phổ biến thông tin và nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh và kiểm dịch thực vật cho người sản xuất và các doanh nghiệp, như: Quy định (EC) 396/2005 đã đặt ra mức giới hạn về dư lượng thuốc BVTV cho phép trong sản phẩm; Quy định (EC) 1881/2006 và (EC) 2021/1317 về thiết lập mức tối đa đối với một số chất gây ô nhiễm trên thực phẩm, trong đó có một số chất gây ô nhiễm quan trọng trên thực phẩm có nguồn gốc thực vật được kiểm soát chặt chẽ tại EU gồm: mycotoxin, kim loại nặng; Quy định EC/2073/2005 đề cập đến sự có mặt của các vi sinh vật có nguy cơ đối với sức khoẻ con người; Quy định EU 2016/2031 ban hành nhằm hạn chế việc xuất hiện và lây lan của một số loại sinh vật gây nguy hại cho cây trồng cũng như các sản phẩm từ cây trồng ở EU, quy định (EU) 2019/2072 đưa ra danh mục các đối tượng kiểm dịch thực vật của EU.

Quản lý nghiêm vùng trồng và các cơ sở đóng gói bưởi xuất khẩu đảm bảo chất lượng, giám sát chặt chẽ sinh vật gây hại, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên quả bưởi và truy xuất được nguồn gốc, quy trình sản xuất và cơ sở đóng gói,  xuất khẩu sang EU; 

- Để có biện pháp phòng trừ ruồi đục quả đạt hiệu quả, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ cùng nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu bưởi đạt tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu thị trường EU, tổ chức tốt khâu vệ sinh đồng ruộng, vườn trồng, thường xuyên thu, hái và đem tiêu hủy toàn bộ trái rụng trên mặt đất và trái còn đeo trên cây là nơi ruồi lưu tồn. Cắt tỉa, tạo tán cho vườn bưởi thông thoáng, sử dụng bả protein để diệt ruồi đực, sử dụng túi bao quả khi thấy ruồi đục quả xuất hiện và kịp thời hướng dẫn người sản xuất thu hoạch;

- Đầu tư bình tuyển, phục tráng một số giống bưởi có năng suất, chất lượng, rải vụ thu hoạch, chống chịu sâu bệnh hại, thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu, phù hợp với người tiêu dùng EU. Xây dựng và khai thác hiệu quả hệ thống sản xuất, cung ứng cây giống bưởi sạch bệnh phục vụ trồng mới, tái canh và ghép cải tạo;

- Tổ chức liên kết sản xuất, áp dụng Global GAP đảm bảo truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng, sản xuất an toàn, rải vụ thu hoạch, xây dựng thương hiệu;;

- Các đơn vị chức năng của Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp thông tin thị trường, dự báo thị trường bưởi tại EU; Tăng cường xúc tiến thương mại, chú ý quảng bá sản phẩm bưởi không chỉ chất lượng, an toàn, tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật mà nêu rõ trách nhiệm xã hội, tiêu chuẩn môi trường, tiêu dùng xanh để người tiêu dùng châu Âu biết nhiều hơn về nền nông nghiệp xanh của Việt Nam./.

(Bài viết sử dụng tư liệu của "Dự án cơ chế hệ thống cho thương mại an toàn hơn - The Systematic Mechanism for Safer Trade Project - SYMST")

 

TS. Lê Văn Đức và TS. Chu Văn Chuông
Ý kiến bạn đọc
Top