Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 1 tháng 5 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 16 tháng 3 năm 2024 | 9:15

Giải quyết những thách thức, trái cây Việt sẽ vươn lên tầm cao mới

Nếu muốn tận dụng dư địa của thị trường tiêu thụ trái cây trên toàn cầu nhằm vươn lên tầm cao là hướng tới mục tiêu đạt kim ngạch XK 10 tỷ USD/năm trong các năm tới thì ngành trái cây Việt sẽ phải cần một chặng đường dài để giải quyết nhiều thách thức phải đương đầu.

Dư địa của thị trường trái cây trên thế giới là rất lớn.

Để tận dụng dư địa của thị trường tiêu thụ trái cây với hàng trăm tỷ USD trên toàn cầu và nhằm vươn lên tầm cao là hướng tới mục tiêu đạt kim ngạch XK 10 tỷ USD/năm trong các năm tới là điều không đơn giản với ngành trái cây của Việt Nam. Nhất là cần một chặng đường dài để giải quyết nhiều vấn đề thách thức phải đương đầu ở phía trước.

Những thách thức đương đầu

Chia sẻ tại Diễn đàn xuất khẩu rau quả 2024 diễn ra ở TP.Hồ Chí Minh vào ngày 13/3, ông Nguyễn Quang Huy, chuyên viên Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho biết việc Việt Nam đang vươn lên xếp vị trí thứ hai trong những quốc gia hàng đầu XK trái cây vào Trung Quốc là nỗ lực đáng ghi nhận. Trong đó phải ghi nhận con số cực kỳ ấn tượng của XK sầu riêng, từ chỗ chỉ ở mức 10 triệu USD vào năm 2015, đến năm 2022 là 420 triệu USD, nhưng đến năm 2023 đã có bước nhảy vượt bậc lên 2,3 tỷ USD.

Không chỉ với Trung Quốc, ông Huy nhấn mạnh nhu cầu và dư địa của thị trường trái cây trên thế giới là rất lớn, liên tục tăng từ 222 tỷ USD vào năm 2013 đã lên 311 tỷ USD trong năm 2023. Tức là thị trường hàng trăm tỷ USD và tăng trưởng liên tục. Chính vì thế, so với vị thế sản xuất của ngành hàng trái cây Việt Nam như hiện nay, từ việc đạt kim ngạch 5,6 tỷ USD như hồi năm rồi so với nhu cầu hơn 300 tỷ USD của thị trường toàn cầu, thì dư địa cho sự phát triển ngành trái cây Việt và tăng giá trị XK là còn rất lớn.

Tuy nhiên, cũng theo ông Huy, bên cạnh đó vẫn còn những thách thức nhất định mà ngành trái cây Việt phải đương đầu, cần giải quyết trong năm 2024 và các năm tới. Trong đó, vấn đề tồn tại rất lâu và rất khó là việc tổ chức sản xuất còn phân tán, kiểm soát chất lượng, hạn chế trong việc sản xuất cung ứng giống, đối mặt với biến đổi khí hậu (có liên quan đến sản lượng và chất lượng trái cây)…

Bên cạnh đó, như lưu ý của vị đại diện Cục Trồng trọt, vấn đề cạnh tranh thương mại, các rào cản kỹ thuật cũng là thách thức lớn cho ngành trái cây Việt trong hoạt động XK. Chẳng hạn như Việt Nam có thế mạnh về trồng trọt một số loại cây ăn trái so với một số quốc gia khác, nhưng vì nhu cầu lớn và sự phát triển của khoa học kỹ thuật nên những quốc gia này cũng đầu tư, mở rộng diện tích một số cây trồng như của Việt Nam để tự cung tự cấp thay vì nhập khẩu.

Đơn cử như Trung Quốc vốn trước đây có nhu cầu nhập khẩu thanh long rất lớn từ Việt Nam. Thế nhưng gần đây nước này (nhất là các địa phương ở phía Nam) đã nghiên cứu và phát triển quy mô diện tích trồng thanh long vượt qua Việt Nam. Điều đó đã tác động tiêu cực đến lợi thế XK trái thanh long của Việt Nam trong 2 năm trở lại.

Hoặc như khâu chế biến trái cây XK cũng đòi hỏi phải cải thiện nhiều hơn. Điều này có thể thấy rõ như câu chuyện DN ở Lâm Đồng kỳ vọng mở rộng thị trường từ sầu riêng cấp đông nguyên trái nhưng vẫn đang trên bước đường thử nghiệm. Còn đa phần các DN vẫn chú tâm XK sầu riêng tươi vì ngại đầu tư tốn kém chi phí khi làm sầu riêng đông lạnh.

Trong khi đó, sầu riêng cấp đông lại là một thế mạnh của Thái Lan. Ngoài  việc chú trọng kiểm soát chất lượng sản phẩm XK sầu riêng tươi, để phục vụ được nhu cầu của các thị trường xa hơn thì Chính phủ và Bộ Nông nghiệp của nước này đã có những chiến lược để hỗ trợ ngành hàng sầu riêng trong việc gia tăng phát triển các nhà máy cấp đông và chế biến sâu nhằm đa dạng hóa sản phẩm, kéo dài thời gian bảo quản.

Đây là điều mà các DN Việt cần tham khảo khi mà khâu bảo quản, cấp đông, chế biến sâu vẫn còn là điểm yếu chung của họ. Nếu muốn tận dụng dư địa của thị trường tiêu thụ trái cây trên toàn cầu nhằm vươn lên tầm cao là hướng tới mục tiêu đạt kim ngạch XK 10 tỷ USD/năm trong các năm tới thì ngành trái cây Việt sẽ phải cần một chặng đường dài để giải quyết nhiều vấn đề về quy mô sản xuất, phát triển giống, kiểm soát chất lượng, cải thiện logistics, tăng chế biến sâu, nâng cao sức cạnh tranh, giải tỏa các rào cản thương mại…

Triển vọng sầu riêng cấp đông

Ở tỉnh Lâm Đồng có Công ty TNHH Đức Huệ Lâm Đồng đang thử nghiệm cấp đông sầu riêng nguyên trái nhằm hướng tới mục tiêu mở rộng xuất khẩu (XK) vào những thị trường khó tính. Phía công ty hiện có trong kho lạnh 30 tấn trái sầu riêng đã được cấp đông chuẩn bị xuất đi thị trường Mỹ.

Trong nhóm trái cây xuất khẩu, sầu riêng là mặt hàng có mức tăng mạnh nhất.

Việc cấp đông sầu riêng nguyên trái ở công ty này đòi hỏi áp dụng kỹ thuật cao để sau khi rã đông vẫn giữ được màu sắc, vị tươi, ngọt như trái tươi chín, đảm bảo giữ được chất lượng. Nếu so với hoạt động XK sầu riêng trái tươi hoặc cấp đông múi thì chi phí đầu tư cho cấp đông nguyên trái cao hơn rất nhiều, từ việc lựa chọn trái chín tới độ chuẩn, xử lý, chi phí cấp đông, chi phí lưu kho…Nhưng bù lại, chi phí đầu tư cao thì giá bán cũng rất cao.

Theo giới chuyên gia, việc cấp đông sầu riêng giúp các doanh nghiệp (DN) và nông dân giảm sức ép mùa vụ, có thể chủ động điều phối các đơn hàng quanh năm. XK sầu riêng cấp đông sẽ giúp gia tăng sự ổn định cho loại trái cây “vua” của Việt Nam. Và việc một số DN mở rộng nhà máy cấp đông nhằm tăng cường sản lượng để đáp ứng nhu cầu của đối tác là rất cần thiết.

Cần nhắc thêm, hồi cuối năm 2023, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã hoàn thành thủ tục và hồ sơ đề nghị Trung Quốc cấp phép nhập khẩu sầu riêng đông lạnh. Nếu sầu riêng đông lạnh Việt Nam được cấp phép trong năm 2024 này, kim ngạch XK sầu riêng được dự đoán sẽ tăng thêm 30% tổng giá trị XK mặt hàng này mỗi năm.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng đông lạnh mỗi năm hơn cả tỷ USD. Nếu như Việt Nam được XK sầu riêng cấp đông vào thị trường này thì kỳ vọng sẽ thu về thêm được 300 - 500 triệu USD/năm.

Hơn nữa, theo ông Nguyên, việc XK sầu riêng cấp đông sẽ giúp Việt Nam tận dụng tối đa lợi thế bảo quản để xâm nhập thị trường tốt hơn, cũng như tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu để mang lại giá trị cao hơn.

Vị tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng sầu riêng đang là một trong những loại trái cây mà Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất, tiếp đến là anh đào và chuối. Và theo báo cáo chính thức mới nhất của Trung Quốc thì nhập khẩu thực phẩm và nông sản hồi năm 2023 đạt 140 tỷ USD, trong đó nhập khẩu trái cây trị giá 16,85 tỷ USD.

Theo dữ liệu mà Phòng Thương mại xuất nhập khẩu thực phẩm Trung Quốc mới công bố thì nước này đã nhập khẩu trái cây hồi năm rồi đạt tổng cộng 7,52 triệu tấn (tăng 3% so với năm 2022). Xét về các quốc gia cung cấp chính, xếp theo thứ tự là Thái Lan, Chi Lê, Việt Nam, Philippines, New Zealand, Peru, Australia, Malaysia và Indonesia.

Tập trung những sản phẩm Việt Nam có nhiều lợi thế

Theo số liệu chính thức từ Tổng cục Hải quan, hai tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả đã tăng đến 45%, đạt mức 815 triệu USD. Đặc biệt, năm qua lần đầu tiên Việt Nam đã vượt qua Chile để trở thành nhà cung cấp rau quả lớn thứ hai tại thị trường Trung Quốc. Đây được xem là thành tích ấn tượng của xuất khẩu rau quả Việt Nam.

Nhờ xuất khẩu sầu riêng ấn tượng, Việt Nam đã soán ngôi Á quân của Chile. Tổng cục Hải quan Trung Quốc thống kê, thị phần của Việt Nam đang chiếm khoảng 14%, tức là tăng gấp đôi về thị phần sau hơn một năm chúng ta được phép xuất khẩu sầu riêng vào nước này.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định: "Năm 2024, mình thuận lợi hơn năm 2023, sản lượng tăng hơn do diện tích trồng được mở rộng, mã số vùng trồng tăng so với năm 2023 gần gấp đôi, là 700 mã. Bộ Nông nghiệp đang đàm phán để xin phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, nếu kịp trong năm nay hoặc nửa đầu năm nay. Đó là một tin vui của ngành sầu riêng".

Thị trường Trung Quốc ưa chuộng sản phẩm chuối của Việt Nam.

Xét về giá trị, các loại trái cây chính được Trung Quốc nhập khẩu năm 2023 là sầu riêng tươi, sầu riêng đông lạnh, quả anh đào, măng cụt, chuối và dừa. Đây đều là những sản phẩm Việt Nam có nhiều lợi thế. Đặc biệt, cả doanh nghiệp và nông dân đang mở rộng việc liên kết và tuân thủ các tiêu chuẩn kĩ thuật chặt chẽ hơn.

"Bảo đảm thương hiệu và bảo đảm hàng rào kỹ thuật Trung Quốc, chúng tôi sẽ tiếp tục cấp thêm mã số vùng trồng và nhà máy đóng gói để cho sản lượng chúng ta vẫn đảm bảo thị trường Trung Quốc vì nhu cầu tại thị trường Trung Quốc rất cao" - ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Vina T&T cho biết.

"Nếu chúng ta có thương hiệu, như Thái Lan, chúng ta xây dựng thương hiệu, đảm bảo sản phẩm sản xuất sạch, đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm thì tôi nghĩ xuất khẩu trái sầu riêng sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới sẽ rất thuận lợi" - ông Lưu Văn Phi - Giám đốc Sở Công thương Tiền Giang nêu ý kiến.

Dự báo, căng thẳng tại Biển Đỏ gây nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ nhưng sẽ thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh. Đặc biệt, dừa trái hứa hẹn cho kim ngạch từ 500-600 triệu USD nếu Nghị định thư về xuất khẩu mặt hàng này được ký kết.

Bên cạnh thị trường truyền thống và lớn nhất về xuất khẩu của Việt Nam là Trung Quốc (chiếm 65%), thì rau quả Việt Nam cũng đã thâm nhập được vào nhiều thị trường lớn, khó tính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan… với giá trị xuất khẩu cao.

Cụ thể, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, thạch đen, vải, khoai lang, chanh dây, sầu riêng đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Riêng đối với sản phẩm đông lạnh, Bộ NN-PTNT đã có công hàm chính thức đề nghị phía Hải quan Trung Quốc mở cửa cho các sản phẩm đông lạnh. 

Đối với thị trường Mỹ, thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, xoài, bưởi Việt Nam đã được phép nhập khẩu vào thị trường này.

Dừa, dứa, chuối, xoài, thanh long ruột trắng, rau salad các loại, rau ôn đới, hành tỏi ớt được phép xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Một trong những thị trường kỹ tính là Nhật Bản cũng đã cho phép nhập khẩu thanh long ruột đỏ, thanh long ruột trắng, xoài, vải, rau gia vị, tía tô, rau cải, bó xôi tươi và rau đông lạnh Việt Nam.

Thị trường EU nhập khẩu các loại quả nhiệt đới tươi, chế biến đóng hộp, nước quả, ngô ngọt, ngô bao tử, tỏi, nấm, khoai lang của Việt Nam.

Úc nhập khẩu thanh long, xoài, vải, nhãn và bưởi. New Zealand nhập khẩu nhãn, xoài, thanh long, chôm chôm, chanh tươi và bưởi của Việt Nam…

Theo Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Việt Nam, kiêm Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam - ông Lê Thanh Hòa, Việt Nam có nhiều lợi thế khi đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do. Bên cạnh đó, thời gian qua, các sản phẩm rau quả của Việt nam đã đáp ứng tốt với quy định ngày một cao của thị trường về an toàn thực phẩm (ATTP), kiểm dịch động thực vật.

Mặt khác, các thị trường đã ký FTA không yêu cầu đánh giá rủi ro mở cửa thị trường đối với rau quả nhiệt đới (EU - EVFTA, Canada - CPTPP). Đây là cánh cửa cho nông sản, thực phẩm Việt Nam rộng mở ra thế giới.

Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Như Cường đánh giá, nhu cầu tiêu thụ cũng như dư địa của thị trường rau quả toàn cầu lớn và liên tục tăng trưởng. Vì vậy, ngành rau quả Việt Nam cần tận dụng lợi thế, khắc phục những tồn tại, nắm bắt cơ hội, tiếp cận được công nghệ trong trồng trọt, bảo quản, chế biến cũng như tiếp cận được nhiều thị trường, từ đó góp phần phát triển bền vững và thay đổi hình ảnh, giá trị ngành rau quả Việt Nam trên bản đồ thế giới./.

 

Thanh Tâm (t/h theo báo Nông nghiệp, vtv.vn, vnbusiness.vn...)
Ý kiến bạn đọc
Top