Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 14 tháng 12 năm 2024  
Thứ hai, ngày 27 tháng 11 năm 2023 | 15:3

Giảm 2% thuế VAT: Đòn bẩy kích cầu tiêu dùng trong nước

Tại kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội sẽ xem xét Tờ trình của Chính phủ đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) trong 6 tháng đầu năm 2024.

Theo các chuyên gia kinh tế, kiến nghị  này sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, kích cầu tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nên kéo dài hơn (đến hết năm 2024) và nên mở rộng các nhóm hàng hóa được giảm vì nó thúc đẩy tiêu dùng, một động lực quan trọng thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng kinh tế.

Ai hưởng lợi?

Theo Bộ Công Thương, tính chung 10 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt trên 5.100 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu của Đà Nẵng tăng 143,8%, Khánh Hòa tăng 137,9%, TP. Hồ Chí Minh tăng 68%, Hà Nội tăng 59,5%, Cần Thơ tăng 32,4%,…

Từ tháng 7/2023, thuế VAT được giảm từ 10% xuống còn 8%. Đây được coi là giải pháp giúp kích thích chi tiêu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Giảm thuế VAT 2% là một trong những chính sách được các chuyên gia kinh tế đánh giá có tác động rộng rãi, đối tượng đầu tiên được hưởng lợi  là người tiêu dùng.

PGS.TS. Trần Việt Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng (Học viện Ngân hàng) đánh giá việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận đề nghị của Chính phủ và đề xuất Quốc hội xem xét tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024 theo tôi là quyết định đúng đắn và kịp thời.

Người tiêu dùng mua hàng khuyến mại tại hệ thống siêu thị Winmart. Ảnh: Hoài Nam

Với doanh nghiệp, giảm thuế giúp giảm giá thành sản xuất, kinh doanh cũng như củng cố sức cạnh tranh của sản phẩm và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Với người dân, chính sách này giúp tiết kiệm khoản không nhỏ trong chi tiêu, tạo tâm lý ổn định và tích cực, giúp kích cầu, tăng tiêu dùng trong cả năm 2024.

Đồng quan điểm, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, giảm thuế VAT rất có lợi cho nền kinh tế và hưởng lợi trực tiếp là người tiêu dùng, giúp họ giảm bớt gánh nặng và được mua hàng hóa, dịch vụ với mức giá rẻ hơn.

“Doanh nghiệp được hưởng lợi cả đầu ra lẫn đầu vào, nguyên vật liệu, phụ kiện giảm đi, chi phí vốn cũng giảm, quá trình cải cách kinh doanh được đẩy lên; hàng hóa được đẩy nhanh ra thị trường. Còn về phía Chính phủ, khi hoạt động sản xuất kinh doanh được đẩy lên, đời sống người dân cải thiện, doanh nghiệp phát triển thì nguồn thu ngân sách sẽ ổn định và có thể gia tăng ngân sách từ việc thu thuế”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nói.

Là người dân đang sinh sống tại quận Hà Đông (Hà Nội), anh Đinh Văn Thiều cho biết, nhờ giảm thuế VAT, một số siêu thị đã giảm giá bán các sản phẩm, giúp người tiêu dùng như chúng tôi giảm được chi phí trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ hằng ngày. Bên cạnh đó, khoản tiền được giảm có thể bù vào những khoản chi khác.

Cùng chung niềm vui, chị Ngọc Quỳnh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ: “Trong thời buổi khó khăn như hiện nay, việc giảm thuế VAT 2% là sự chia sẻ lớn của Nhà nước đối với người dân chúng tôi. Tôi sẽ mua hàng tại các siêu thị sẵn sàng giảm giá vì người dùng, đồng thời minh bạch về thuế suất”.

Cần có chính sách đồng bộ hơn nữa

Việc đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước được xác định là đòn bẩy kinh tế hữu hiệu, giúp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khôi phục tăng trưởng kinh tế, nhất là dịp Tết Nguyên đán, bởi mùa mua sắm cuối năm được đánh giá là cơ hội lớn giúp doanh nghiệp giải phóng hàng hóa.

Tuy vậy, làm thế nào để doanh nghiệp Việt bán được hàng, cũng như người dân có tiền mua sắm, điều này bên cạnh các chương trình kích cầu, rất cần thêm chính sách hỗ trợ hiệu quả.

Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng, doanh nghiệp bán lẻ hiện đại cần phải tự vận động để thích ứng với thị trường như cơ cấu nguồn hàng hóa, đón đầu xu thế phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đặc biệt tận dụng hiệu quả kinh tế số của ngành bán lẻ.

Theo ông Đức, chính sách giảm 2% thuế VAT tập trung vào người tiêu dùng cá nhân, tuy nhiên, cũng mong có chính sách tập trung vào doanh nghiệp nhiều hơn.

TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính (Trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh), kiến nghị Chính phủ có thể xem xét giảm thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp, từ đó giúp  người dân, doanh nghiệp có lượng tiền rủng rỉnh, mạnh tay chi tiêu nhiều hơn cho dịp cuối năm.

Xét một cách tổng thể, việc giảm thuế VAT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm, góp phần kích cầu tiêu dùng… Tuy nhiên, các chính sách cần phải cân nhắc thận trọng, vừa bảo đảm mục tiêu hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, vừa bảo đảm các nhiệm vụ tài chính đề ra.

PGS.TS. Trần Việt Dũng đề xuất, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, việc giảm thuế VAT nên được thực hiện nhất quán, đồng bộ trên tất cả loại hình sản phẩm, dịch vụ tới hết năm 2024, thay vì chỉ áp dụng trong 6 tháng và với một số ngành hàng. Như vậy, thời gian hỗ trợ sẽ đủ dài cho doanh nghiệp, tránh chính sách bị giật cục. Đồng thời, giúp giảm thiểu chi phí tuân thủ thuế của người nộp thuế, chi phí quản lý thuế của cơ quan thuế, cũng như tạo tác động lan tỏa rộng hơn đến nền kinh tế.

“Để bù đắp các tác động đến thu ngân sách Nhà nước trong ngắn hạn, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các quy định pháp luật về thuế; đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế”, ông Dũng nhấn mạnh.

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
  • Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050

    Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050

    Ngày 12/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1569/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tổng diện tích tự nhiên lập quy hoạch là 3.359,84km2.

  • Thủ tướng đôn đốc triển khai các dự án nhà ở xã hội

    Thủ tướng đôn đốc triển khai các dự án nhà ở xã hội

    Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội.

  • Khơi thông ngồn lực đất đai, hướng đến phát triển bền vững

    Khơi thông ngồn lực đất đai, hướng đến phát triển bền vững

    Diễn đàn “Lắng nghe nông dân nói” với chủ đề: “Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng tới mục tiêu NetZero, bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn”, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tổ chức mới đây đã truyền tải những thông điệp, phổ biến những cơ chế, chính sách mới và quan trọng đến với bà con nông dân trên cả nước, trong bối cảnh Việt Nam và thế giới đang hướng tới phát triển bền vững và giảm phát thải carbon.

Top