Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 12 tháng 11 năm 2022 | 9:0

Gỡ khó để xuất khẩu vải thiều vào thị trường Hoa Kỳ

Năm 2022, 70 tấn vải tươi, vải thiều đông lạnh đã được tiêu thụ ở các hệ thống siêu thị dành cho người bản địa trên toàn Hoa Kỳ. Điều này cho thấy, quả vải tươi của Bắc Giang bước đầu đã được người dân Hoa Kỳ đón nhận, yêu thích và tiêu thụ.

Sản lượng xuất khẩu chưa tương xứng với tiềm năng

Ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa làm việc với Đoàn doanh nghiệp của Hoa Kỳ đến tìm hiểu về thị trường nông sản, hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu quả vải của tỉnh Bắc Giang để chuẩn bị cho mùa vụ vải thiều năm 2023 tại thị trường Hoa Kỳ.

Theo Sở Công Thương Bắc Giang, tổng diện tích trồng vải an toàn năm 2022 của tỉnh khoảng 28.300 ha, với tổng sản lượng tiêu thụ đạt gần 200 nghìn tấn. Trong đó, có 18 mã số vùng trồng với diện tích 218 ha, sản lượng 1.600 tấn phục vụ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Các sản phẩm vải thiều được tiêu thụ chủ yếu là vải tươi, vải sấy khô, vải đóng hộp, vải cấp đông nguyên quả và long vải cấp đông.

Ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang  trao đổi với Đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ.

 

 

Tại thị trường Hoa Kỳ, trái vải tươi Bắc Giang đang phải cạnh tranh với trái vải thiều của Mexico và Trung Quốc với chất lượng gần bằng với trái vải của Việt Nam (Bắc Giang) và có giá bán cạnh tranh hơn, có nhiều kinh nghiệm, hệ thống phân phối rộng khắp, chi phí vận chuyển thấp. Việc vận chuyển trái vải chủ yếu qua đường hàng không có ưu điểm là nhanh chóng, thuận tiện, giữ được chất lượng quả vải nên giá thành vận chuyển cao đang làm giảm sức cạnh tranh so với trái vải tươi của các nước khác.

Vụ vải năm 2022, việc Công ty Dragon Berry Produce đưa trái vải của Bắc Giang (Việt Nam) vào chuỗi hệ thống siêu thị Safeway và Albersons tại các tiểu bang Washington, Oregon và California, Hoa Kỳ. Đây là hai chuỗi siêu thị có mạng lưới lớn nhất bờ Tây của Hoa Kỳ, trong đó Safeway có 773 cửa hàng, Albersons có trên 340 cửa hàng; đặc biệt, thành công trong triển khai phương án vận chuyển bằng đường biển là giải pháp quan trọng để thúc đẩy mạnh mẽ việc xuất khẩu trái vải sang thị trưởng Hoa Kỳ trong thời gian tới.

Tuy nhiên, năm 2022, sản lượng xuất khẩu vải thiều sang thị trường Hoa Kỳ vẫn ở mức khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; sản lượng xuất khẩu hàng năm mới đạt khoảng trên, dưới 100 tấn; chủ yếu được xuất khẩu dưới hình thức quả tươi và vải thiều đông lạnh; một số sản phẩm vải thiều qua chế biến vẫn chưa được các doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu; quy cách, bao bì sản phẩm chưa được đầu tư để phù hợp với thị trường...

Tìm cách gỡ khó

Năm 2022, 70 tấn vải thiều của Bắc Giang đã được tiêu thụ tại Mỹ.

 

Tại buổi làm việc, Trưởng chi nhánh Thương vụ tại San Francisco Trần Minh Thắng cho biết, năm 2022, 70 tấn vải tươi và vải thiều đông lạnh đã được tiêu thụ ở các hệ thống siêu thị dành cho người bản địa trên toàn Hoa Kỳ. Điều này cho thấy quả vải tươi Bắc Giang bước đầu đã được người dân Hoa Kỳ đón nhận, yêu thích và tiêu thụ. Tuy nhiên, việc xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ phát sinh hai vấn đề kỹ thuật: chiếu xạ và bảo quản sau thu hoạch.

Ông Trần Minh Thắng cho biết, hiện nay việc vận chuyển trái vải vào TP. Hồ Chí Minh để chiếu xạ rồi vận chuyển qua Hoa Kỳ bằng đường biển từ TP Hồ Chí Minh trong khi chưa có được phương án tối ưu để bảo quản trái vải tươi tốn rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến chất lượng quả vải. Do đó, ông đề xuất tỉnh Bắc Giang đề nghị với Trung ương hỗ trợ chiếu xạ tại Trung tâm chiếu xạ Hà Nội rồi xuất khẩu trái vải tươi qua đường biển từ cảng Hải Phòng để rút ngắn, tiết kiệm chi phí và thời gian vận chuyển, đảm bảo đưa trái vải tươi ngon nhất vào thị trường Hoa Kỳ. Về vấn đề bảo quản sau thu hoạch, ông đề xuất tỉnh hợp tác với Công ty Pace International - một trong những công ty hàng đầu về các giải pháp bền vững để bảo quản sản phẩm tươi sống. 

Bà Amy Nguyễn, Chủ tịch Công ty Dragon Berry Produce cho biết, về mặt thị trường, Công ty Dragon Berry Produce có liên kết chặt chẽ với nhiều chuỗi siêu thị trên toàn Hoa Kỳ. Việc tiếp thị, marketing là một trong những yếu tố quan trọng nhất để trái vải được tiêu thụ tốt ở Hoa Kỳ. Cần tiếp thị, giới thiệu, hướng dẫn cho người dân bản địa về cách sử dụng, thưởng thức trái vải, những lợi ích của trái vải, độ tươi ngon và an toàn cho sức khỏe của trái vải Việt Nam (Bắc Giang),...

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, những năm gần đây, trình độ chăm sóc, thực hiện quy trình trồng, thu hoạch, bảo quản trái vải đã được nâng cao rõ rệt, cơ bản đáp ứng được việc trồng trọt và thu hoạch chuẩn theo VietGAP  và GlobalGAP. Năm 2023, tỉnh Bắc Giang tiếp tục duy trì diện tích trồng vải khoảng 28.000 ha với sản lượng dự kiến khoảng 200 nghìn tấn, tương đương năm 2022. Trong đó, có 19 mã số vùng trồng (tăng 01 mã so với năm 2022)  phục vụ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, với diện tích 230 ha, sản lượng khoảng từ 1.800 - 2.000 tấn. Đồng thời, tỉnh Bắc Giang rất quan tâm thúc đẩy mở rộng tiêu thụ, xuất khẩu các nông sản khác như các sản phẩm chế biến từ gạo, trái bưởi, mật ong…

Qua đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị, Công ty Dragon Berry Produce và Công ty Pacific Northwest, Pace International tiếp tục quan tâm hỗ trợ các giải pháp bảo quản, chế biến sau thu hoạch để thúc đẩy tăng sản lượng xuất khẩu trái vải tươi và các sản phẩm chế biến từ trái vải và các nông sản tiềm năng khác của Bắc Giang nhằm hướng tới các sản phẩm nông sản của tỉnh được tiếp cận rộng rãi và tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào các chuỗi giá trị, hệ thống siêu thị, kênh phân phối tại thị trường Hoa Kỳ cũng như tham gia vào các chuỗi giá trị, kênh phân phối, chuỗi cung ứng trên toàn cầu.

Ông Tuấn cũng đề nghị, các cơ quan Thương vụ, Tham tán Nông nghiệp của Việt Nam tại Hoa Kỳ tiếp tục quan tâm, tăng cường hỗ trợ tỉnh Bắc Giang phối hợp các cơ quan ngoại giao, kinh tế của Việt Nam tại Hoa Kỳ và của Hoa Kỳ tại Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu trái vải Bắc Giang tại thị trường Hoa Kỳ.

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top