Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 6 tháng 12 năm 2022 | 20:16

Hà Lan, cường quốc xuất khẩu thực phẩm

Hàng năm, Hà Lan sản xuất 4 triệu con bò sữa, 13 triệu con lợn và 104 triệu con gà, trở thành nhà xuất khẩu thực phẩm lớn nhất EU.

Canh tác thẳng đứng

Được mệnh danh là quốc gia không có đất (Netherland) nhưng với dân số 17,7 triệu người, Hà Lan đang cung cấp thịt và rau củ cho phần lớn châu Âu. Đất nước nhỏ bé này chỉ có tổng diện tích 41.850km2, trong đó đất nông nghiệp chỉ tương đương 2 lần diện tích của khu Manhattan của Mỹ (khoảng 2 triệu hecta đất nông nghiệp, bình quân đất canh tác khoảng 0,058 ha/người - mức thấp nhất thế giới).

Cà chua được thu hoạch và đóng gói bằng dây truyền tự động. Ảnh: Washington Post

Tuy nhiên, bằng cách sản xuất rau củ trong nhà kính, ít sử dụng phân bón và nước hơn, nông dân Hà Lan có thể sản xuất chỉ trong một mẫu đã làm ra sản lượng lương thực tương đương với 10 mẫu đất canh tác truyền thống. Thống kê cho thấy, các trang trại ở Hà Lan chỉ sử dụng nửa gallon nước (1,8 lít) để tạo ra 0,5kg cà chua, trong khi mức trung bình của thế giới là trên 28 gallon (106 lít).

Chỉ với già một nửa diện tích đất đai được sử dụng cho mục đích nông nghiệp, nên người dân Hà Lan thường lo lắng thiếu đói và giành sự tập trung vào sản xuất lương thực, nhất là sau nạn đói khủng khiếp mà đất nước đã trải qua trong Thế chiến II. Đến nay, quốc gia này đã áp dụng  tiến bộ kỹ thuật trong nhiều lĩnh vực sản xuất như canh tác thẳng đứng, công nghệ hạt giống và người máy (robot) để trở thành một hình mẫu toàn cầu. Và mục tiêu của đất nước này là sản xuất ra gấp đôi sản lượng lương thực chỉ bằng cách sử dụng một nửa tài nguyên.

Đất nước này có nhiều tập đoàn đa quốc gia như: Tập đoàn chăn nuôi hàng đầu Vion Food có 12 nhà máy sản xuất thức ăn cho lợn. Bốn trong số này ở Hà Lan và tám ở Đức. Hàng năm, công ty này giết mổ 15 triệu con lợn và gần 1 triệu con bò - chiếm hơn một nửa tổng số lợn của Hà Lan và gần 40% tổng đàn lợn của Đức.

Boxtel, thị trấn ở miền Nam Hà Lan, là nơi có cơ sở giết mổ lợn lớn nhất của Vion Food, xuất xưởng 20.000 con lợn/ngày. Doanh nghiệp này sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện và đánh dấu bằng gắn cờ các dấu hiệu ngược đãi động vật và giảm thiểu căng thẳng cho vật nuôi.

Hà Lan là nước xuất khẩu thịt lớn nhất của Liên minh châu Âu. Vào năm 2020, nước này đã xuất khẩu thịt lợn, thịt bò và gia cầm đạt trị giá 8,8 tỷ euro (tương đương 9 tỷ USD), chủ yếu sang Đức (thịt bò và thịt bê), Anh (thịt gia cầm) và Trung Quốc (chủ yếu là thịt lợn)…

Giám sát cây trồng bằng dữ liệu vệ tinh

Chính phủ Hà Lan đã đầu tư 2 triệu euro để mua số liệu do vệ tinh quay quanh quỹ đạo trái đất thu thập nhằm làm cơ sở đưa ra các giải pháp cải thiện tính bền vững và hiệu quả trong trồng trọt, thúc đẩy áp dụng công nghệ nông nghiệp chính xác.

Theo một số chuyên gia, canh tác chính xác ở châu Âu bắt đầu cách đây khoảng 20 năm. Canh tác kỹ thuật số (hay canh tác chính xác) về cơ bản là việc sử dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp để tối ưu hóa nhằm đạt hiệu quả cao.

Nghị viện châu Âu đã định nghĩa nông nghiệp chính xác là “phương pháp quản lý nông nghiệp dựa trên việc quan sát, đo lường và ứng phó sự biến đổi giữa các cánh đồng và cây trồng hay trong việc chăm sóc vật nuôi”.

Phương pháp này nhằm tối ưu hóa sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất, giảm chi phí đầu vào cũng như tác động môi trường của việc nuôi - trồng. Nó bao gồm các công nghệ dựa trên dữ liệu, kể cả các hệ thống định vị vệ tinh như GPS, viễn thám… và internet trong quản lý cây trồng và giảm thiểu việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu và nước.

Sở dĩ Hà Lan mua dữ liệu vệ tinh phục vụ làm nông nghiệp do được sử dụng các cảm biến chuyên dụng từ xa, vệ tinh sẽ ghi lại các dữ liệu về chất lượng đất, độ ẩm, không khí và áp suất khí quyển để phân tích sự thay đổi của cây trồng và chất lượng nước. Các dữ liệu đó sẽ được các công ty có chuyên môn phân tích, công bố trên internet, nhằm tư vấn cho nông dân về tưới tiêu, bón phân, thụ phấn và dùng thuốc bảo vệ thực vật.

Hơn nữa, dữ liệu vệ tinh cho phép nông dân giám sát chặt chẽ sự phát triển của cây trồng, sự xâm hại của sâu bọ và các mối đe dọa đối với mùa màng để có hành động can thiệp chính xác ở những nơi và thời điểm cần thiết. Phương pháp canh tác thông minh này giúp nông dân Hà Lan tiết kiệm đáng kể nhiên liệu, hạt giống, phân bón nhân tạo, thuốc bảo vệ thực vật và nước, đem lại hiệu quả và tính bền vững cao.

“Cửa ngõ” cho nông sản Việt vào thị trường châu Âu

Ông Như Nguyễn, Giám đốc Công ty VIEC tại Hà Lan, cho rằng, nếu muốn đưa các sản phẩm vào thị trường Hà Lan,  doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược dài hạn, cần phải thực hiện nhiều bước quảng bá thương hiệu nông sản để người tiêu dùng hiểu được giá trị của nông sản đó.

Giám đốc Như Nguyễn chia sẻ kinh nghiệm, khi đã đưa được sản phẩm vào thị trường Hà Lan, bên cạnh việc đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn,  doanh nghiệp cần tạo dựng niềm tin với khách hàng, người tiêu dùng để gây dựng thị trường lâu dài. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nắm bắt được văn hóa tiêu dùng, văn hóa trong kinh doanh, xuất - nhập khẩu của các đối tác tại Hà Lan.

Dây chuyền giết mổ lợn ở Hà Lan.

“Trong ngắn hạn, muốn xuất khẩu sang thị trường Hà Lan, doanh nghiệp Việt Nam nên tập trung vào các mặt hàng giá trị cao cũng như giữ vững thương hiệu của mình. Trong dài hạn, cần có sự phối hợp với các đối tác hiểu được thị trường Hà Lan”, ông Như Nguyễn lưu ý.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho rằng, thị trường Tây và Bắc Âu còn nhiều dư địa để phát triển và đòi hỏi những tiêu chuẩn rất cao và khắt khe.

Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta coi đó là khó khăn. Câu hỏi đặt ra là ta lựa chọn “vũ khí” gì để chinh phục thị trường này? Muốn thực hiện được, chúng ta cần dựa theo sự hiểu biết và thông tin đầy đủ. Ví dụ như việc lựa chọn các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, các sản phẩm “đường xa đi nhẹ” nhưng có giá trị cao để xuất khẩu sang thị trường Tây và Bắc Âu.

Theo đó, ông Toản đưa ra đề xuất, kiến nghị để nông sản Việt có thể chinh phục được thị trường khắt khe này. Đầu tiên, việc lựa chọn các mặt hàng đủ lực, đủ mạnh, cùng với hàm lượng chế biến ngày càng được nâng cao, sự chăm chút của cộng đồng doanh nghiệp cho khâu đóng gói, bao bì, nhãn mác và sở hữu trí tuệ là những yếu tố rất quan trọng. Để có thể triển khai những công việc đó một cách hiệu quả, cần sự kết nối tổng thể giữa hiệp hội ngành hàng, cơ quan quản lý Nhà nước, các tham tán thương mại.

Trên cơ sở phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT với Bộ Công Thương, các tham tán thương mại, ông Toản đề xuất các cơ quan thương vụ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp tại địa bàn, của các đầu mối nhập khẩu nông sản tại từng thị trường.

Lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đề xuất các hiệp hội ngành hàng cần có sự đồng hành của các đơn vị tư vấn trong vấn đề xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm.

Các doanh nghiệp tham gia vào các diễn đàn cần đưa ra những kiến nghị cụ thể để Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng những chính sách cho dù là nhỏ nhất như tín dụng vi mô, hình thành vùng nguyên liệu, xây dựng cơ sở chế biến cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các HTX…Cà chua được thu hoạch và đóng gói bằng dây chuyền tự động. Ảnh: Washington Post.

 

Chanh
Ý kiến bạn đọc
Top