Nhu cầu tiêu thụ thực phẩm an toàn trong những ngày áp Tết rất lớn và rất quan trọng đối với người tiêu dùng. Do đó, việc thành phố Hà Nội liên kết các tỉnh, thành phố cung ứng nông sản an toàn cho thị trường Thủ đô, đã đem lại cho người tiêu dùng nhiều lợi ích và an tâm hơn khi sử dụng sản phẩm nông sản.
Người tiêu dùng an tâm
Trong những bữa ăn hàng ngày của người dân Thủ đô hôm nay, nhu cầu được sử dụng sản phẩm thực phẩm sạch, nông sản an toàn là một nhu cầu tất yếu, cấp thiết và rất quan trọng, đối với sự an toàn sức khỏe. Vì vậy, khi TP. Hà Nội triển khai ký kết với 43 tỉnh, thành phố trên cả nước, xây dựng và phát triển được 997 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (tăng 51 chuỗi so với năm 2022 và 211 chuỗi so với giai đoạn 2015-2020, tương đương tăng 21%) đã tạo sự an tâm cho người tiêu dùng trong những năm vừa qua.
Nguồn nông sản an toàn được Hà Nội liên kết với các tỉnh để cung cấp cho người tiêu dùng Thủ đô.
Chị Trần Thị Thanh ở khu tập thể Giảng Võ (Ba Đình - Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây khi nhiều cửa hàng kinh doanh sản phẩm nông sản sạch, nông sản có nguồn gốc xuất xứ từ các địa phương được bày bán ở những cửa hàng này, người tiêu dùng chúng tôi yên tâm hơn khi đến đây lựa chọn sản phẩm dùng cho gia đình trong những bữa ăn hàng ngày.
“Khi mua sản phẩm nông sản tại đây, chúng tôi yên tâm hơn khi các sản phẩm đều có ghi nguồn gốc xuất xứ, các sản phẩm đều được nhà cung cấp lấy từ những địa chỉ đáng tin cậy, những địa chỉ này đều là những địa chỉ đã đăng ký mã số vùng trồng, đã được đăng ký và công nhận là vùng sản xuất an toàn”, chị Thanh nói.
Không chỉ an toàn trong quá trình sản xuất, những sản phẩm nông sản tại các điểm kinh doanh này đều là những sản phẩm được tổ chức khép kín từ khâu sản xuất đến phân phối, tiêu thụ sản phẩm, tạo ra các thương hiệu mạnh trên thị trường và xuất khẩu, như: Chuỗi rau an toàn Văn Đức, chuỗi thịt Hợp tác xã Hoàng Long, Vinh Anh, chuỗi trái cây bưởi Diễn Chương Mỹ, nhãn Đại Thành, gạo Bảo Minh...
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, để bảo đảm nguồn sản phẩm nông sản sạch, an toàn Sở NN&PTNT Hà Nội đã thực hiện lấy trên 2.000 mẫu sản phẩm nông lâm thủy sản, trong đó, 98% mẫu có nguồn gốc từ các tỉnh, thành phố bảo đảm an toàn thực phẩm; tổ chức thanh tra, kiểm tra hơn 650 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản, qua đó phát hiện 60 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính với số tiền 185 triệu đồng.
Nhiều sản phẩm vùng miền, sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của các tỉnh được đưa đến các đơn vị phân phối, siêu thị, chợ, cửa hàng trái cây, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tại Hà Nội với số lượng lớn như: Tỉnh Hòa Bình cung ứng trên 1.600 tấn cá sông Đà, trên 18.000 tấn trái cây; tỉnh Sơn La cung ứng trên 19.000 tấn rau, củ quả; tỉnh Hải Dương cung cấp trên 30.000 tấn thủy sản; tỉnh Lâm Đồng cung cấp từ 7-10% sản lượng rau của tỉnh cho Hà Nội với trên 66.000 tấn; tỉnh Bình Thuận cung cấp trên 100.000 lít nước mắm...
Điều này cho thấy các cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng và lựa chọn sản phẩm nông sản sạch rất cẩn thận từ các địa phương cung ứng cho thị trường của Hà Nội, với mục đích bảo đảm nguồn cung cấp hàng hóa và điều quan trọng hơn đó là cung cấp cho người tiêu dùng Thủ đô những sản phẩm nông sản an toàn, dùng cho những bữa ăn hàng ngày.
Cần phối hợp chặt chẽ việc kiểm soát thực phẩm với các địa phương
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, một số địa phương thực hiện quy hoạch vùng sản xuất vẫn còn lỏng lẻo, sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có nhiều vùng sản xuất bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, ISO, hữu cơ...
Thực phẩm đưa vào Thủ đô cần phải được kiểm soát.
Chất lượng sản phẩm của từng mùa vụ chưa đồng đều, tỷ lệ sản phẩm truy xuất nguồn gốc còn thấp. Do đó, gây khó khăn cho việc quản lý an toàn thực phẩm của các ngành chức năng.
Công tác kiểm soát quản lý, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển từ một số tỉnh, TP về Hà Nội chưa đạt yêu cầu. Do đó, khi các đơn vị của Sở NN&PTNT Hà Nội tiến hành kiểm tra về vệ sinh an toàn vẫn phát hiện một số mẫu vi phạm về chỉ tiêu hóa chất kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.
Do vậy, đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội vẫn lo ngại về lượng rau củ, nông, lâm thủy sản từ các tỉnh, thành khác đưa về thị trường Hà Nội còn chiếm tỷ lệ lớn trong khi chưa được kiểm soát về chất lượng cũng như nguồn gốc.
Theo đó, diện tích sản xuất nông nghiệp của Hà Nội rất lớn, diện tích trồng lúa 159.000 ha, diện tích trồng rau đạt 34.000 ha, cây lâu năm 24.000ha; đàn lợn 1,4 triệu con, đàn gia cầm đạt 40 triệu con (đứng đầu cả nước; phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung 35 vùng lúa, 104 vùng rau, 56 vùng cây ăn quả, 66 vùng nuôi trồng thủy sản, 162 vùng chăn nuôi trọng điểm, tập trung; 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...).
Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp đánh giá cao công tác phối hợp giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố, góp phần quan trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm trên địa bàn Hà Nội trong mọi tình huống.
Để công tác phối hợp phát huy hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, Hà Nội cần giới thiệu địa điểm thuận lợi để hỗ trợ các tỉnh, thành phố chủ động tổ chức điểm bán sản phẩm theo nhu cầu, tập trung vào dịp lễ, Tết, mùa thu hoạch nông sản; đẩy mạnh công tác thông tin, phối hợp trong công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, giám sát, thanh tra, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông lâm thủy sản của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội và ngược lại.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.