Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 2 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 21 tháng 11 năm 2023 | 10:29

Hoà Bình đồng hành cùng nông dân đưa nông sản “đi xa”

Giúp người dân và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông sản qua sàn thương mại điện tử, xuất khẩu là hướng đi bền vững của Hoà Bình trong thời gian qua.

Đà Bắc sản xuất nông sản sạch để “đi xa”

Những năm qua, Hội Nông dân (HND) huyện Đà Bắc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên nông dân (HVND) phát triển các mô hình nông sản sạch, hướng đến nền nông nghiệp sạch, an toàn và bền vững. Từ đó góp phần tạo nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm phong phú, chất lượng, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn Tâm Cương, tiểu khu Mu, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) cung cấp nông sản chất lượng, truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Từ tháng 8, HND tỉnh phối hợp HND huyện Đà Bắc và Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức khai trương cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn Tâm Cương, địa chỉ tại tiểu khu Mu, thị trấn Đà Bắc. Đây là cửa hàng cung cấp thực phẩm sạch đầu tiên trên địa bàn huyện Đà Bắc và là cửa hàng thứ 10 trên địa bàn tỉnh do HND tỉnh phối hợp HND các huyện, thành phố xây dựng, đưa vào hoạt động.

Bà Hà Thị Tâm, chủ cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn Tâm Cương cho biết: Thời gian qua, trên địa bàn huyện chưa có điểm bán hàng, giới thiệu và quảng bá các loại nông sản, thực phẩm sạch do nông dân địa phương sản xuất. Với mong muốn để người tiêu dùng được tiếp cận các loại nông sản an toàn của nông dân trong huyện, trong và ngoài tỉnh sản xuất, cửa hàng ra đời với sự hỗ trợ của các cấp HND tỉnh và huyện. Hiện cửa hàng kinh doanh 21 mặt hàng, trong đó có 15 mặt hàng là sản phẩm OCOP của các địa phương trong, ngoài tỉnh.

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đốivới HND các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, HND huyện Đà Bắc đã chủ động phối hợp các phòng, ban của huyện, UBND các xã, thị trấn, đồng thời chỉ đạo HND cơ sở triển khai đồng bộ các giải pháp, biện pháp, tập trung hỗ trợ nông dân trong phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. 

Để HVND có kiến thức, kinh nghiệm canh tác, sản xuất nông nghiệp theo quy trình an toàn, hữu cơ, các cấp HND huyện đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) trong sản xuất, chăn nuôi, kết nối thị trường, lập phương án sản xuất, kinh doanh (SXKD), hướng dẫn sử dụng phân bón trên cây trồng, thức ăn trong chăn nuôi. Chú trọng tuyên truyền về lợi ích của việc sản xuất, sử dụng các sản phẩm hàng hóa nông - lâm - thủy sản có chất lượng cao, an toàn với sức khỏe cộng đồng. Giai đoạn 2018 - 2023, có 305 cuộc tập huấn KHKT được tổ chức cho trên 24.300 lượt HVND tham gia...

Cùng với đó, các cấp Hội tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn HVND phát triển các mô hình kinh tế tập thể nhằm giúp hội viên trong sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Việc quản lý tốt nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân hỗ trợ HVND phát triển, mở rộng sản xuất cũng được các cấp Hội quan tâm. Đến nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện đạt trên 3.180 triệu đồng. Trong 5 năm có 14 mô hình kinh tế của 146 lượt hộ nông dân được hỗ trợ vay vốn. Ngoài ra, nhờ quản lý chặt chẽ nguồn vốn vay ủy thác với các ngân hàng, hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích đã giúp việc SXKD có hiệu quả, nhiều mô hình nông nghiệp phát huy hiệu quả, từng bước xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương. 

Đồng chí Quách Thị Khiếu, Chủ tịch HND huyện Đà Bắc cho biết: Cùng với hỗ trợ HVND về vốn, giống, KHKT trong sản xuất nông sản sạch, thực phẩm an toàn, các cấp Hội trực tiếp và phối hợp các ngành chức năng giúp nông dân xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm nông sản. Điển hình trong nhiệm kỳ qua, Hội phối hợp Bưu điện huyện và Viettel Post tổ chức cho HVND tạo tài khoản tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử. Kết quả đưa được 2 sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Đến hết năm 2022, toàn huyện thành lập được 93 tổ hợp tác, 43 hợp tác xã hoạt động dịch vụ vật tư nông nghiệp, chế biến nông, lâm sản; có 3 sản phẩm OCOP thuộc nhóm sản phẩm nông nghiệp trong 6 sản phẩm OCOP của huyện. Những kết quả này là tiền đề quan trọng để các cấp HND huyện cũng như HVND tiếp tục nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, nhất là những nông sản thế mạnh của địa phương. 

Nông sản xứ Mường vươn ra thế giới

Những tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nông sản của tỉnh có nhiều khởi sắc. Một số mặt hàng đặc trưng tiếp tục sang những thị trường xuất khẩu mới. Để duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu, ngoài tìm kiếm thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) không ngừng nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm nông sản để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Sản phẩm mía trắng được Công ty TNHH đầu tư và thương mại Tiến Ngân (TP. Hòa Bình) sơ chế, cắt khúc trước khi đóng gói, cấp đông để xuất khẩu.

Những ngày cuối tháng 7 vừa qua, trong lễ xuất hàng sản phẩm OCOP sang thị trường Anh quốc, sản phẩm trà chanh đào mật ong của HTX Hà Phong (Cao Phong) lần đầu tiên được xuất khẩu. Đồng chí Bùi Văn Dán, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cao Phong cho biết: Hiện nay, khi sự cạnh tranh trong xuất khẩu hàng hóa ngày càng lớn, bên cạnh việc tìm kiếm thị trường mới, đòi hỏi các doanh nghiệp, HTX sản xuất phải nỗ lực, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu. HTX Hà Phong là một trong những đơn vị chú trọng đầu tư phát triển thêm các sản phẩm từ cam. Với mục đích tăng giá trị hơn nữa cho quả cam tươi, mang lại những sản phẩm chất lượng cao phục vụ người dân trong nước và cả thực khách nước ngoài. Qua đó góp phần phát triển sản xuất bền vững, tạo cơ hội việc làm cho nhiều người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Trước khi được đóng thùng quy cách để vận chuyển đi xuất khẩu, sản phẩm trà chanh đào mật ong được lấy mẫu phân tích, kết quả đều đạt các chỉ tiêu kiểm định về an toàn thực phẩm (ATTP) theo yêu cầu của EU và Anh quốc. 

Trước đây, các mặt hàng nông sản đặc trưng, lợi thế của các địa phương trong tỉnh mới dừng ở sản phẩm sản xuất quy mô nhỏ, ít người biết đến, chưa có thương hiệu. Thời gian qua, thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương đã nỗ lực hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đặc biệt là sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của các chủ thể OCOP nhằm không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, phát huy những thế mạnh về điều kiện sản xuất, các loại sản phẩm đặc thù, lợi thế của địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 123 sản phẩm của 101 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 96 sản phẩm của 82 chủ thể là sản phẩm thuộc ngành nông nghiệp. 

Việc tổ chức sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm đối với các sản phẩm nông sản nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng từng bước được tăng cường và triển khai thường xuyên, góp phần không nhỏ ổn định đầu ra cho người sản xuất, nâng cao giá trị của sản phẩm. Các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh từng bước khẳng định vị thế tại thị trường trong nước, được nhiều người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Không dừng lại ở đó, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự vào cuộc của các sở, ngành liên quan, đặc biệt là sự cố gắng của người sản xuất, những nông sản đặc trưng của xứ Mường đã được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài như: Bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn Yên Thủy xuất khẩu sang Anh quốc; nhãn Sơn Thủy (Kim Bôi) xuất khẩu sang EU, mía ăn tươi xuất khẩu sang Hoa Kỳ...

Theo thống kê của Sở NN& PTNT, 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nông sản tiếp tục có nhiều tín hiệu tích cực. Có 20 tấn quả sấu cấp đông được xuất sang thị trường Nhật Bản; 43 tấn rau cải sang thị trường Anh quốc; 6 tấn phở sang châu Âu; 300 tấn mía trắng, mía tím cấp đông sang thị trường các nước Hoa Kỳ, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản…; 350 tấn chuối sang thị trường Trung Quốc; 56 tấn măng đã qua chế biến sang thị trường châu Âu, Nhật Bản; 3.500 tấn sản phẩm chế biến sang thị trường châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản... 

Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Các sản phẩm nông sản của tỉnh còn rất nhiều tiềm năng và lợi thế, có khả năng đáp ứng được yêu cầu của khách hàng không chỉ tại thị trường trong nước mà cả thị trường nước ngoài, trong đó có cả các thị trường yêu cầu cao về chất lượng và đảm bảo ATTP. Do đó, để phát huy những kết quả đã đạt được, các địa phương tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất, tạo ra các vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng, đáp ứng được quá trình chế biến sản phẩm; hỗ trợ việc chứng nhận ATTP cho vùng nguyên liệu; hỗ trợ người sản xuất nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, các sở, ngành, chính quyền địa phương phải là cầu nối kết nối người sản xuất với doanh nghiệp thu mua sản phẩm, để các bên thường xuyên được gặp gỡ, trao đổi thông tin nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường; nắm bắt kịp thời những vướng mắc, khó khăn của các bên, từ đó có chính sách hỗ trợ giải quyết, tháo gỡ khó khăn...

Đồng hành cùng nông dân

Cùng với kênh phân phối truyền thống, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) đang từng bước trở thành kênh phân phối mới, hiệu quả trong tiêu thụ nông sản (TTNS). Nắm bắt thời cơ đó, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã phối hợp, triển khai nhiều hoạt động, giải pháp nhằm hỗ trợ nông dân tiếp cận tiến bộ KHKT, áp dụng vào thực tiễn; đặc biệt là công tác tuyên truyền, tập huấn cho hội viên, nông dân kỹ năng bán hàng trên sàn TMĐT. 

Qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo thu nhập cho nông dân.

Cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn Tâm Cương, tiểu khu Mu, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) là một trong những điểm trưng bày, giới thiệu, mua bán, liên kết sản phẩm nông nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Tại huyện Lạc Thủy, ngay sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, để thích ứng với diễn biến phức tạp của dịch, đảm bảo TTNS, thông qua hoạt động phối hợp với Bưu điện huyện, Phòng NN&PTNT và các phòng, đoàn thể huyện đã kết nối với sàn TMĐT của Tổng cục Bưu điện Việt Nam - Postmart.vn để giải quyết vấn đề đầu ra cho nông sản. Đồng chí Hoàng Quốc Đạt, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lạc Thủy cho biết: Từ năm 2018 - 2023, các cấp Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Bưu điện huyện, Viettel Post tạo các tài khoản trên sàn TMĐT Postmart.vn cho hội viên, nông dân. Qua đó đã hỗ trợ được 90 hộ sản xuất nông nghiệp liên kết đưa sản phẩm lên sàn TMĐT Postmart.vn; hỗ trợ 19 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại khác. Hàng năm, Hội cũng hỗ trợ các đơn vị, HTX, hộ sản xuất trong liên kết tiêu thụ sản phẩm gà Lạc Thủy, trứng gà Ngọc Hân, cam Lạc Thủy, nấm sò trắng An Bình… tại siêu thị và các tỉnh, thành phố.

Từ năm 2021, để giải quyết những khó khăn trong TTNS, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vnpost) triển khai Chương trình hỗ trợ nông dân, chủ trang trại trên cả nước bán nông sản hàng hoá, nông sản thực phẩm an toàn theo hình thức trực tuyến (livestream). Với vai trò cầu nối, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh nông sản, tháng 9/2021, Hội Nông dân tỉnh và Bưu điện tỉnh, Liên minh HTX tỉnh ký kết chương trình phối hợp về hỗ trợ đưa HTX, tổ hợp tác, hộ thành viên lên sàn TMĐT Posrmart.vn, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025. 

Theo đó, các đơn vị phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách và pháp luật của Nhà nước về hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác, hộ thành viên, hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT Postmart.vn. Cung cấp thông tin về thị trường, giá cả và các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa thị trường trong nước và quốc tế. Phối hợp với các sở, ngành đề xuất chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình chuyển đổi số nông nghiệp... 

Cùng với đó, để hỗ trợ quảng bá xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm cho hội viên, nông dân, Hội Nông dân tỉnh đã ký Chương trình phối hợp với Hội Nông dân các tỉnh, thành phố. Trong 5 năm, nhờ tham gia các hội chợ, gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh; các chương trình do Trung ương Hội tổ chức, các cấp Hội đã phối hợp, kết nối hỗ trợ tiêu thụ gần 1.300 tấn nông sản cho hội viên, nông dân trong tỉnh. Cũng từ chương trình phối hợp, 10 cửa hàng nông sản an toàn tại các huyện, thành phố đi vào hoạt động, trở thành điểm trưng bày, giới thiệu, mua bán, liên kết sản phẩm nông nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, để sản phẩm nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Trung tâm kinh doanh VNPT; Công ty TNHH MTV Trung Việt triển khai hỗ trợ nông dân trong tỉnh sử dụng 750.000 tem truy xuất thông tin và 5.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Đồng chí Bùi Đức Biên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Trong nhiệm kỳ qua, các cấp Hội đã hướng dẫn hàng nghìn hội viên, nông dân cách thức tạo tài khoản, quảng bá về sản phẩm, dịch vụ để đăng trên các sàn TMĐT; trên 2.970 sản phẩm nông sản đã được đưa lên sàn Postmart.vn; 284 sản phẩm được bán trên sàn Voso.vn. Các nền tảng mạng xã hội, sàn TMĐT đã và đang từng bước trở thành kênh phân phối mới, hiệu quả trong TTNS, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế thị trường, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp một cách nhanh nhất, tránh ùn ứ, giữ giá nông sản khi cao điểm thu hoạch.

Tuy nhiên, trên thực tế việc đưa nông sản lên các sàn TMĐT gặp không ít khó khăn, bởi đây là phương thức tiêu thụ khá mới với nhiều nông dân. Vì vậy, trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tiếp tục tăng cường các hoạt động phối hợp trong tập huấn, hướng dẫn nông dân cách thức tham gia sàn TMĐT; đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và quyền lợi của hộ sản xuất nông nghiệp khi tham gia sàn TMĐT...

Theo baohoabinh.com.vn

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top