Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 1 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 24 tháng 9 năm 2023 | 16:6

Hướng đi mới cho sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL

Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ được Quốc hội thông qua ngày 11-1-2022, trong đó quy định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ÐBSCL tại TP Cần Thơ (gọi tắt là Trung tâm).

Trung tâm được xây dựng với định hướng chiến lược trở thành hạt nhân của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, với vai trò liên kết nguồn lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản của cả vùng ÐBSCL.

Với mục tiêu "một điểm đến đa dịch vụ", khi Trung tâm đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết các điểm nghẽn trong chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản của vùng. Trong ảnh: Công đoạn xử lý, phân loại trái bưởi da xanh trước khi xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở tỉnh Bến Tre.

 

Một điểm đến đa dịch vụ

Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, mặc dù là vùng trọng điểm về nông nghiệp của quốc gia nhưng nông nghiệp vùng ÐBSCL vẫn còn gặp nhiều khó khăn: phát triển phân tán, quy mô nhỏ lẻ, giá trị kinh tế thấp; nguồn nhân lực, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp nhất so với các vùng khác trong cả nước. Hạ tầng giao thông nội và liên vùng vẫn thiếu và yếu; giao thông kết nối yếu kém dẫn đến tăng chi phí vận chuyển trong các chuỗi giá trị sản xuất, giảm sức cạnh tranh; khoa học kỹ thuật và công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp hạn chế; biến đổi khí hậu vẫn còn tác động đến sản xuất nông nghiệp toàn vùng... Việc hình thành Trung tâm tại TP Cần Thơ với mục tiêu "một điểm đến đa dịch vụ", có vai trò gắn kết 3 nhà: nhà nông - nhà sản xuất - doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Ngoài ra, Trung tâm sẽ tập hợp các nguồn lực có khả năng tham gia giải quyết những bài toán lớn của vùng như chuyển đổi cơ cấu kinh tế; vấn đề logistics hậu cần; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; sự đóng góp quan trọng vào việc tạo ra thế và lực để TP Cần Thơ thực hiện vai trò là cực kết nối giữa các tỉnh vùng ÐBSCL, kết nối với các nước tiểu vùng sông Mekong, đây là một hướng đi mới cho TP Cần Thơ và vùng ÐBSCL.

Quy mô của Trung tâm dự kiến có 2 khu. Trong đó, Khu 1 có diện tích khoảng 50ha tại phường Long Hòa, quận Bình Thủy; khu 2 có diện tích dự kiến 200ha, tại xã Thạnh Phú, huyện Cờ Ðỏ. Trung tâm thực hiện 10 chức năng: đầu tư và phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất và dịch vụ, nhất là dịch vụ logistics; cung cấp các dịch vụ công; chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm; dịch vụ hỗ trợ (văn phòng cho thuê, bưu điện, ngân hàng, vui chơi giải trí, nhà ở nhân viên…); dịch vụ logistics (kho bãi, xếp dỡ…); dịch vụ tư vấn đầu tư, các chuyên môn khoa học, kỹ thuật về sản xuất nông, thủy sản…; đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho các cấp quản trị, điều hành, quản lý, giám sát, kỹ thuật nghiệp vụ trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ…

Ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Khi Trung tâm hình thành và đi vào hoạt động sẽ tạo tính lan tỏa về cả kinh tế lẫn xã hội. Trong đó, về kinh tế, dự kiến Trung tâm thu hút đầu vào cơ sở hạ tầng khoảng 6.600 tỉ đồng và hơn 9.000 tỉ đồng từ các nhà đầu tư vào khai thác thứ cấp trong thời gian tới. Cùng với đó, tăng kim ngạch xuất nhập khẩu cho các mặt hàng ÐBSCL, đặc biệt là giúp người dân, doanh nghiệp chủ động tổ chức sản xuất, ổn định thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị thông qua việc nâng cao năng lực xuất khẩu hàng nông sản. Về xã hội, Trung tâm nâng cao trình độ sản xuất, thương mại, dịch vụ cho lực lượng sản xuất trong vùng, tiếp cận trình độ quốc tế; góp phần tạo công ăn việc làm, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong chuỗi hoạt động kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp và giá trị gia tăng cao hơn cho người lao động, doanh nghiệp, góp phần ổn định sinh kế, đời sống, xã hội vùng ÐBSCL.

Hiến kế

Tại diễn đàn Kinh tế thường niên TP Cần Thơ năm 2023 với chủ đề "Vai trò và giải pháp liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ÐBSCL" do UBND TP Cần Thơ tổ chức mới đây, thành phố đã thu thập ý kiến đóng góp, "hiến kế" từ chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo sở ngành, nhà đầu tư khi Trung tâm đã và đang trong quá trình hình thành và phát triển.

Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, thành phố cần ưu tiên thu hút các công nghệ mới, chuyên sâu có tính dẫn dắt trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản vào Trung tâm như công nghệ CAS (Cells Alive System - hệ thống tế bào còn sống) để bảo quản sau thu hoạch. Cùng với đó, các hệ thống xử lý kiểm dịch phục vụ xuất khẩu cần được đầu tư song hành với cơ sở đóng gói và có khu vực để cơ quan quản lý về kiểm dịch thực hiện công tác giám sát, thực hiện kiểm dịch trước khi xử lý các lô hàng nông sản như công nghệ chiếu xạ, công nghệ Vapor heat treatment (VHT), buồng xông hơi methyl bromide lạnh…

Ông Trần Chí Dũng, Phó Viện trưởng Viện Quản trị logistics toàn Cầu (GLI), nhấn mạnh: "Chức năng kết nối tiêu thụ, trên thực tế được kỳ vọng cao nhất của Trung tâm. Chức năng này tương đồng với Trung tâm cung ứng nông sản hiện đại mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nghiên cứu và đề xuất trong đề án Phát triển hệ thống logistics nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đến năm 2030. Theo quan điểm của chúng tôi, chức năng này được thể hiện qua 3 hình thức chủ yếu: một trung tâm giao dịch nông sản trực tiếp (chợ bán sỉ hiện đại); nền tảng mua bán - vận chuyển - thanh toán; các chương trình/giải pháp khác như xúc tiến thương mại, kết hợp du lịch trải nghiệm…".

Nhiều ý kiến cho rằng hoạt động xúc tiến thương mại là vô cùng cần thiết sau khi Trung tâm đưa vào hoạt động. Vì vậy, theo bà Trương Thị Lan, Trưởng Phòng Chính sách xúc tiến Thương mại, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, TP Cần Thơ cần đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, mở rộng các kênh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử, thương mại đa kênh. Qua đó, vừa hỗ trợ các địa phương khai thác kênh phân phối mới, có cơ hội tiếp cận số lượng lớn người tiêu dùng một cách nhanh chóng; chủ động chuẩn bị kết nối, xúc tiến tiêu thụ trong nước cho các sản phẩm đặc biệt nông sản có tính mùa vụ của địa phương. Ðồng thời, tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương tổ chức như hội chợ, triển lãm quốc tế, hội chợ chuyên ngành, đa ngành có uy tín tại các thị trường như Trung Quốc, khu vực EU, khu vực châu Mỹ, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản…

 

Mỹ Thanh/Báo Cần Thơ
Ý kiến bạn đọc
Top