Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 8 tháng 11 năm 2023 | 16:0

Huyện Năm Căn sẵn sàng cho Festival Tôm Cà Mau

Nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh kinh tế thuỷ sản của huyện, tạo cơ hội mời gọi đầu tư, hướng đến phát triển bền vững, Năm Căn đã và đang tích cực phối hợp chuẩn bị các điều kiện tham gia Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long 2023.

Chuẩn bị cho sản phẩm trưng bày tại Festival Tôm Cà Mau.

Ngày 8/11, thông tin từ UBND huyện Năm Căn (tỉnh Cà Mau) cho biết, đến thời điểm hiện tại, địa phương đã chủ động vận động các doanh nghiệp (DN), chủ thể OCOP trên địa bàn tham gia các sự kiện để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, công nghệ trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và bảo quản sau thu hoạch thuỷ sản, đồng thời giao lưu, chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm với các doanh nghiệp, chủ thể trong và ngoài tỉnh.

Theo đó, UBND huyện Năm Căn đã chỉ đạo các cơ quan liên quan chủ động liên hệ với các DN, hợp tác xã (HTX) có sản phẩm được chứng nhận OCOP đối với con tôm để liên kết bố trí nguồn nguyên liệu và một số sản phẩm đặc trưng của địa phương để tham gia Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Trương Minh Thuận, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Năm Căn, cho biết, nhiều sản phẩm OCOP của Năm Căn đã sẵn sàng có mặt tại Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long 2023 tại tỉnh Cà Mau.

“Một số sản phẩm tiêu biểu của Năm Căn phải kể đến là  bánh phồng tôm, bánh phồng chuối và bánh phồng môn của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Vĩnh Hoà Phát;  tôm sú sinh thái của Hợp tác xã Tài Thịnh Phát Farm; bánh phồng tôm của Công ty TNHH SX-TM-DV Kiên Cường; …”, ông Trương Minh Thuận nhấn mạnh,

Theo bà Mai Thị Thuỳ Trang, Hợp tác xã Tài Thịnh Phát Farm (xã Tam Giang), đơn vị đang xây dựng quy trình nuôi tôm - cua chất lượng cao dưới tán rừng; trong đó, yêu cầu đầu tiên là phải chủ động kiểm soát nguồn nước, con giống, thức ăn để tạo ra sản phẩm có hương vị thơm ngon, tạo ra sự khác biệt về sản phẩm; chuẩn bị nguồn nguyên liệu hoàn hảo nhất để tham gia sự kiện.

“Mong muốn người tiêu dùng ở các thành phố lớn biết đến sản phẩm thơm ngon, chất lượng của vùng ngập mặn Năm Căn - Cà Mau, đồng thời hướng đến xây dựng cộng đồng nuôi trồng bền vững của vùng ngập mặn, tạo ra hệ sinh thái trong lành và hỗ trợ sinh kế cho bà con sinh sống dưới tán rừng”, bà Mai Thị Trang nói.

Cua Cà Mau trước khi đưa vào chế biến .

Sơ chế tôm đóng gói.
Thịt cua Cà Mau được đóng gói .

Để tham gia sự kiện này, huyện Năm Căn còn chuẩn bị sẵn sàng nhiều sản phẩm khác gồm: tôm khô sinh thái, thịt cua sinh thái, chả tôm sinh thái, chà bông tôm, tôm sú sinh thái, cua sống sinh thái, bánh phồng tôm, bánh phồng chuối, bánh phồng môn, bánh phồng tôm tích, bánh phồng cua và cua Năm Căn - Cà Mau của 4 chủ thể: HTX Tài Thịnh Phát Farm (xã Tam Giang), Công ty TNHH Dư Thái Bình (xã Hàm Rồng), Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Vĩnh Hoà Phát và Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Kiên Cường (xã Hàng Vịnh). Trong đó, 12 sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP 3 sao. Ðây cũng là những sản phẩm tiềm năng huyện đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận 4 sao thời gian tới.

Theo thông tin mới nhất từ UBND tỉnh Cà Mau, với chủ đề “Nâng tầm tôm Việt - Cùng phát triển sản phẩm OCOP”, Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long 2023 sẽ diễn ra từ ngày 10 đến hết ngày 13/12/2023.

 

Biểu Quân
Ý kiến bạn đọc
Top