Gà sống từ Indonesia được chứng nhận là không bị nhiễm virus cúm gia cầm, do đó được phép vận chuyển trực tiếp đến Singapore.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 13/5, Indonesia bắt đầu xuất khẩu gà sống sang Singapore, với 23.040 con có tổng trọng lượng 41,46 tấn.
(Ảnh minh họa: AFP/TTXVN)
Hoạt động xuất khẩu này là bằng chứng cho thấy sự tăng cường hợp tác thương mại giữa hai nước láng giềng.
Trong thông cáo ngày 14/5, Đại sứ Indonesia tại Singapore, ông Surya Pratomo cho biết: “Hoạt động xuất khẩu này cũng là bước đi cụ thể thực hiện thỏa thuận tại cuộc gặp lần thứ hai giữa lãnh đạo hai nước vào tháng 5/2023 tại Singapore.”
Trước đó vào tháng 6/2022, Indonesia đã xuất khẩu lô thịt gà đông lạnh và thịt gà chế biến đầu tiên sang Singapore.
Lô hàng này do công ty chăn nuôi gia cầm PT Japfa Comfeed Indonesia tiến hành từ cơ sở trên đảo Bintan.
Ông Pratomo cho biết gà sống từ Indonesia được chứng nhận là không bị nhiễm virus cúm gia cầm, do đó được phép vận chuyển trực tiếp đến Singapore.
Jakarta sẽ cố gắng tiếp tục cung cấp thịt gà cho Singapore trong bối cảnh nhu cầu tại quốc gia này ngày càng tăng.
Tùy viên Thương mại Indonesia tại Singapore Billy Anugrah cho biết thêm, năm 2022, Singapore ước tính nhập khẩu 228.000 tấn gà sống, thịt gà chế biến và các sản phẩm từ gà.
Trong đó, các nhà cung cấp thịt gà lớn nhất cho Singapore bao gồm Brazil (chiếm 51%), Malaysia (24%) và Mỹ (11%).
Theo ông Anugrah, việc tiếp cận thị trường Singapore cho gà sống từ Indonesia đã được khởi động từ năm ngoái.
Đây là hình thức hợp tác khu vực đôi bên cùng có lợi và có thể hỗ trợ an ninh lương thực trong khu vực.
Từ tháng 6/2022, Chính phủ Singapore đã cấp phép xuất khẩu cho một số công ty chăn nuôi gà và sản xuất thịt gà của Indonesia trong bối cảnh quốc gia láng giềng này bị thiếu hụt nguồn cung sau khi Malaysia tạm dừng xuất khẩu gà sống.
Cũng theo ông Anugrah, Indonesia sản xuất hơn 3,8 triệu tấn thịt gà vào năm 2022 và thường xuyên phải đối mặt với tình trạng cung vượt cầu.
Việc mở cửa thị trường gà sống tại Singapore được kỳ vọng sẽ tạo cân bằng giữa cung và cầu, cũng như cải thiện phúc lợi của người chăn nuôi Indonesia.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.