Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những nước xuất khẩu trái cây lớn của thế giới. Bộ Nông nghiệp và PTNTcũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu trái cây đạt trên 5 tỷ USD và đến năm 2030 đạt khoảng 6,5 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ sẽ cùng các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội tháo gỡ rào cản thương mại, mở rộng thị trường.
Phát triển cây ăn quả chủ lực
Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa có quyết định phê duyệt “Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030”. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu trái cây đạt trên 5 tỷ USD và đến năm 2030 đạt khoảng 6,5 tỷ USD.
Theo đó, sẽ có 14 loại cây ăn quả chủ lực được lựa chọn để tập trung phát triển thời gian tới, gồm: Thanh long, xoài, chuối, vải, nhãn, cam, bưởi, dứa, chôm chôm, sầu riêng, mít, chanh dây, bơ và na.
Bộ đề ra mục tiêu đến năm 2025 diện tích cây ăn trái cả nước đạt 1,2 triệu hecta với sản lượng đạt 14 triệu tấn, trong đó có 14 loại cây ăn trái chủ lực với diện tích đạt 960.000ha với sản lượng đạt khoảng 11 triệu đến 12 triệu tấn.
Để đưa trái cây tươi xuất khẩu vào các thị trường khó tính sẽ khó tránh chuyện đội giá thành vì chi phí rất cao.
Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 9 tháng của năm 2022, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 2,45 tỷ USD, giảm hơn 11% so với cùng kỳ. Đáng lưu ý, xuất khẩu rau quả sang nhiều thị trường như: Mỹ, Nhật Bản, EU… tăng mạnh, có thị trường tăng tới 100%. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc giảm mạnh, kéo theo kim ngạch cả năm dự kiến chỉ đạt 3,2 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2021.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng năm 2022, thanh long là loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt gần 463 triệu USD; chuối xếp thứ hai, đạt 237 triệu USD; thứ ba là sầu riêng, đạt 158 triệu USD…
Khai thác mạnh các thị trường còn bỏ trống
Ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho rằng rau quả là 1 trong 13 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam. Xuất khẩu rau quả của Việt Nam chiếm khoảng 1,4% tổng nhập khẩu rau quả của thế giới. Nhiều thị trường chưa được các DN Việt Nam khai thác, còn bỏ trống. Nếu được khai thác, các thị trường này sẽ mang đến mức tăng trưởng đáng kể.
Như Trung Quốc, dù Việt Nam xuất khẩu lượng lớn rau quả sang thị trường này nhưng con số vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng, hàng hóa chưa cạnh tranh được với các nước xuất khẩu khác. Chẳng hạn, Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu chuối 1 tỉ USD/năm, trong đó Philippines chiếm 50%, Campuchia 20%, còn Việt Nam chỉ có 16%. Về măng cụt, Trung Quốc nhập 800 triệu USD/năm thì Thái Lan hưởng đến 700 triệu USD.
“Mặt hàng thanh long của Việt Nam đang có lợi thế tại thị trường Trung Quốc nhưng nước này cũng đang tổ chức trồng thanh long với diện tích tăng rất mạnh, thậm chí họ còn sang cả Lào và Campuchia để thuê đất trồng thanh long. Do đó, DN của Việt Nam cần phải tỉnh táo nắm bắt thông tin để điều chỉnh cho phù hợp” - ông Hưng cảnh báo.
Về thị trường Nhật Bản, mỗi năm nước này có nhu cầu nhập khẩu 20 tỉ USD rau quả nhưng hàng hóa cùng loại của Việt Nam xuất sang đây chỉ chiếm có 3% là quá thấp, cần phải đẩy mạnh khai thác thị phần này.
“Mặt hàng chuối mỗi năm họ nhập 64 tỉ Yên thì Philippines chiếm gần hết, Việt Nam chỉ có dưới 3%. Bưởi họ cũng nhập tới 21 tỉ Yên nhưng bưởi của Việt Nam chưa thể thâm nhập được.
Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, Việt Nam từ nước chủ yếu xuất khẩu gạo, cây công nghiệp trở thành nước xuất khẩu rau quả có mức tăng trưởng cao trong thời gian qua. Tuy nhiên, để chiếm vị trí cao ở các thị trường thì cần phải cố gắng hơn, chủ động hướng đi để đáp ứng quy định thị trường, hội nhập tốt hơn, kết nối mạng cung ứng toàn cầu, cũng như ứng dụng khoa học kỹ thuật.
Với Hiệp định EVFTA, các chủng loại hàng rau quả của Việt Nam có nhiều cơ hội thâm nhập sâu hơn vào thị trường EU, đặc biệt với mức cam kết thuế quan được xoá bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực tạo lợi thế cho các chủng loại hàng rau quả của Việt Nam trong việc cạnh tranh với các thị trường có thế mạnh về hàng rau quả nhưng chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia và Indonesia. Đáng chú ý, đối với các chế phẩm từ rau, quả, quả hạch hoặc các sản phẩm khác của cây (HS 20), EU tăng cả về lượng và trị giá nhập khẩu từ Việt Nam, tuy nhiên tỷ trọng chỉ chiếm 0,17% tổng lượng mã HS 20 EU nhập khẩu.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, từ năm 2020 Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do nên thị trường xuất khẩu được mở rộng, giúp mặt hàng rau củ quả của Việt Nam tăng cạnh tranh, hội nhập thị trường nước ngoài.
“Chìa khóa” mở cửa mọi thị trường
Ông Đỗ Quốc Hưng cho rằng, tuy xuất khẩu rau quả Việt Nam đã có mặt ở 60 quốc gia nhưng chủ yếu tập trung một số thị trường lớn như Trung Quốc, Đông Bắc Á, Liên minh châu Âu (EU) và Đông Nam Á. Tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ mới đạt trên 3,5 tỉ USD/năm, chiếm chưa đến 1,4% tổng giá trị thị trường nhập khẩu rau quả của thế giới.
Theo ông Hưng, một trong những hạn chế của xuất khẩu rau quả là chưa đa dạng hóa thị trường, phụ thuộc quá nhiều vào các thị trường lớn; khi thị trường lớn gặp khó đã ảnh hưởng ngay đến việc xuất khẩu của Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng rau quả, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực chế biến, bảo đảm chất lượng. Đây là điều kiện bắt buộc để xuất khẩu sang mọi thị trường…
Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản, ngành rau quả Việt Nam cần tiếp tục chuyển dịch mạnh về cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng sản phẩm chế biến, giảm xuất khẩu sản phẩm tươi. Đồng thời, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tập trung đầu tư vào công nghệ xử lý, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và phát triển logistics phục vụ vận chuyển rau quả. Đây cũng là “chìa khóa” để rau quả Việt Nam mở rộng thị trường, chiếm lĩnh những thị trường mới, có giá trị cao. Đặc biệt, tập trung thực hiện các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu quả chính ngạch vào thị trường Trung Quốc và tiếp tục mở rộng các thị trường: Nhật Bản, Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Nga, ASEAN, Liên minh châu Âu (EU), Trung Đông, Bắc Phi.
Ngành công nghiệp và kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các dự án hạ tầng quy mô lớn và môi trường pháp lý thuận lợi. Sự chuyển đổi sang hướng sản xuất giá trị gia tăng cao, cùng với khả năng logistics và trung tâm dữ liệu mở rộng, đang nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.