Điệp khúc “trồng - chặt”, tăng trưởng nóng, vượt quy hoạch, rớt giá… là những chuyện không mới của một số loại cây trồng có thế mạnh của ngành nông nghiệp trong những năm qua.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, sầu riêng - loại trái cây được gọi là “Vua trái cây nhiệt đới” đang “soán ngôi” cây trồng có tỷ lệ tăng cao nhất trong các cây trồng chủ lực của Việt Nam. Thực trạng diện tích trồng sầu riêng tăng lên nhanh chóng trong thời gian gần đây, vượt quá định hướng, quy hoạch chung đang làm gia tăng rủi ro cho cả người trồng và doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu.
Làm sao để phát triển ngành sầu riêng bền vững, tránh “vết xe đổ”?
Ồ ạt trồng - chặt, hệ lụy nếm “trái đắng”
Đa số nông dân đều có chung tâm lý cây trồng nào mang lại hiệu quả kinh tế cao thì lựa chọn để sản xuất, bất chấp quy hoạch lẫn cảnh báo của cơ quan chuyên môn cũng như cơ quan quản lý Nhà nước.
Thực tế điều đó đã và đang diễn ra hết sức rõ ràng tại những vùng chuyên canh một số loại cây trồng có thế mạnh của Đắk Lắk như cà phê, hồ tiêu, bơ, chanh leo… và gần đây là sầu riêng. Tùy theo thời điểm, giá cả của thị trường mà người sản xuất ở đây “ứng xử” với các loại cây trồng này mà không hề quan tâm đến những hệ lụy sau đó…
Ví như thời “hoàng kim” của cà phê (1994 – 2002), hầu hết nông hộ trên địa bàn Đắk Lắk đua nhau trồng loại cây đặc sản này, bất kể đất đai, khí hậu, nhất là nguồn nước ở đó có bảo đảm hay không. Kết quả là đã phá vỡ quy hoạch của ngành nông nghiệp địa phương.
Ông Văn Tấn Đạt ở thôn Liên Hòa (xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa) thu hoạch sầu riêng.
Thay vì chỉ dừng lại từ 150.000 - 180.000ha (đáp ứng đủ các yếu tố sinh thái như đã nêu), diện tích cà phê ở Đắk Lắk vào thời điểm trên vọt lên hơn 280.000ha. Hệ lụy kéo theo là cung vượt cầu, cộng thêm nhiều tác động bất lợi của thị trường thế giới lúc bấy giờ khiến giá cà phê sụt giảm liên tục, xuống đáy 4 triệu đồng/tấn nhân xô trong những năm 2008 – 2013.
Thực trạng ấy khiến đời sống của người nông dân trở nên lao đao hơn bao giờ hết, nhất là số nông hộ độc canh cà phê. Đó là chưa kể tới diện tích cà phê ngoài quy hoạch hơn 100.000ha đã góp phần vắt kiệt nguồn nước tưới (đặc biệt là nguồn nước ngầm hiện hữu), dẫn đến tình cảnh khô hạn tràn lan, không những đối với cây cà phê mà nhiều loại cây trồng khác cũng phải gánh chịu, gây nguy cơ bất ổn cho ngành nông nghiệp Đắk Lắk, trong đó có ngành hàng chiến lược cà phê.
Dĩ nhiên một khi cà phê không còn hấp lực nữa, người ta chặt bỏ để trồng cây khác - và hồ tiêu vào những năm 2015 – 2018 là loại cây trồng có “sức hút” nhất, bởi giá có lúc lên tới 200 nghìn đồng/kg nên được mọi người, mọi nhà chọn lựa như “ưu tiên số một” trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp địa phương.
Từ diện tích hồ tiêu khoảng 2.700ha, tập trung ở các huyện Ea H’leo, Krông Năng, Cư Kuin…, được đẩy lên hàng chục nghìn héc-ta và nhanh chóng mở rộng ở hầu hết các huyện thị trên địa bàn Đắk Lắk với phương thức canh tác hết sức liều lĩnh, bất chấp rủi ro (không cần lựa chọn giống); trụ tiêu thì đủ kiểu, như: gỗ, gạch, cọc xi măng, cây gòn, kể cả tre nứa đều được tận dụng.
Kết cục, loại cây trồng này cũng đi vào “vết xe đổ” như cà phê - giá giảm dần, không đủ chi phí tái đầu tư và hiển nhiên người trồng không còn mặn mà với cây hồ tiêu nữa.
Hay khoảng một năm trước, giá chanh dây tăng cao đột biến, nông dân tỉnh Gia Lai ồ ạt phá bỏ các loại cây khác để trồng. Tuy nhiên, đến chu kỳ thu hoạch, giá lại xuống đáy khiến nhiều nông dân nếm trải cảnh “được mùa, mất giá”.
Từ những năm 2021-2022, Gia Lai được mệnh danh là thủ phủ chanh leo bởi loại cây này cho giá trị kinh tế cao, dễ chăm sóc, vòng thu hoạch ngắn nên người dân đã chuyển đổi nhiều diện tích cây trồng, thậm chí cả cây trồng chủ lực như càphê, hồ tiêu sang trồng chanh leo.
Thực tế những năm đó, người dân Gia Lai có thu nhập cao, một viễn cảnh hấp dẫn khiến cho ngành nông nghiệp của tỉnh cũng tin tưởng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ tăng diện tích lên hơn 25.000ha.
Tuy nhiên, chỉ đến giữa năm 2023, giá chanh leo “tụt dốc không phanh,” từ 17.000 đồng/kg xuống còn 3.000 đồng/kg (chanh múc), khiến cho ngành hàng “triệu đô” trở nên mất phương hướng.
Hiện tại, đến lượt sầu riêng lên “ngôi vương”, nhất là khi loại trái cây này được phép xuất sang thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch càng hấp dẫn người trồng hơn bao giờ hết.
Nuôi giấc mộng đổi đời - bất chấp khuyến cáo
Sau tròn 2 năm thị trường Trung Quốc mở cửa cho trái sầu riêng Việt Nam (Nghị định thư được ký vào tháng 9/2022) thì giá thu mua loại trái cây này tăng rất cao. Hàng ngàn nông dân nhiều tỉnh, thành ở khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long… đã phá bỏ các loại cây trồng truyền thống như khóm (dứa), hồ tiêu, cà phê, điều, cao su... để chuyển sang trồng sầu riêng với hy vọng đổi đời nhanh chóng.
Câu chuyện phá bỏ các loại cây khác để trồng sầu riêng đã trở thành chuyện thời sự ở tỉnh Bình Phước thời gian gần đây. Đi đến đâu cũng nghe chuyện phá bỏ hồ tiêu, cà phê, điều, kể cả cao su được ví như “vàng trắng” để chuyển sang trồng sầu riêng vì thu nhập từ loại cây trồng này hiện quá hấp dẫn.
Sau nhiều vụ mất mùa, mất giá, ông Nguyễn Tuấn Thinh (xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập) quyết định phá bỏ 1,5ha hồ tiêu lâu năm để trồng 200 gốc sầu riêng. Hiện cây sinh trưởng, phát triển tốt và ông Thinh hy vọng sau này có thể đổi đời nhờ sầu riêng.
Năm 2023, ông Bùi Văn Nho (xã Bình Sơn, huyện Phú Riềng) cũng quyết định phá bỏ 2ha cao su và 1ha điều cho thu hoạch nhiều năm qua để trồng hơn 300 gốc sầu riêng giống Musang King.
“Tôi thấy giá mủ cao su 7-8 năm qua ở mức rất thấp, 1 mẫu (1 mẫu Trung Bộ = 4.970m²) cao su sau khi trừ chi phí nhân công, phân bón, các vật dụng phục vụ cho cạo mủ thì chỉ còn 50-60 triệu đồng/năm, thậm chí có năm chỉ được 25-30 triệu đồng. Còn cây điều thì phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thời tiết, cứ gặp sương muối, nắng hạn, sâu bọ… là xem như hòa vốn, có khi mất trắng. Khi trúng mùa cũng chỉ được 2 tấn/mẫu, với giá đầu vụ 25.000-26.000 đồng/kg, trừ chi phí, 1 mẫu điều cũng chỉ cho thu lãi 40-50 triệu đồng/năm. Với giá sầu riêng hiện nay (60.000-65.000 đồng/kg) thì chỉ cần 5-6 cây sầu riêng là có thể cho thu nhập bằng 1 mẫu điều/năm, 10 cây sầu riêng bằng 1 mẫu cao su/năm”, ông Nho lý giải.
Dù mang lại giá trị kinh tế cao nhưng sầu riêng rất kén điều kiện (thổ nhưỡng, khí hậu) sinh trưởng, do đó, ngành nông nghiệp đã quy hoạch vùng trồng và khuyến cáo nông dân không trồng loại cây ăn quả này ở những vùng đất nhiễm phèn, mặn.
Thế nhưng, bất chấp khuyến cáo, thời gian gần đây, khi giá sầu riêng tăng cao, hàng trăm hộ dân ở Đồng Tháp Mười (vùng đất nổi tiếng nhiễm phèn chua) cũng đua nhau chặt phá chanh, khóm, nhổ bỏ lúa 2 vụ để trồng sầu riêng. Từ Tân Phước (Tiền Giang) ngược về Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa (Long An), qua Tháp Mười, Tam Nông (Đồng Tháp), đâu đâu cũng thấy rợp bóng sầu riêng. Việc trồng sầu riêng tự phát, không theo quy hoạch vùng trồng khiến không ít nông dân ở Đồng Tháp Mười phải… ôm sầu!
Gặp chúng tôi khi đang tháo bầu, vô phân hữu cơ cho những gốc sầu riêng bị héo rũ, ông Nguyễn Văn Tùng (50 tuổi, ở huyện Tân Phước, Tiền Giang) cho biết: “Cuối năm 2022, thấy nhiều hộ dân ở Cai Lậy trồng sầu riêng thu bạc tỷ mỗi vụ, gia đình tôi chặt bỏ 5 công khóm (1 công = 1.000m2) để trồng loại cây này với hy vọng đổi đời. Lúc mới lên liếp, bơm cát, cải tạo đất, cán bộ nông nghiệp khuyến cáo không nên trồng vì đất vùng này nhiễm phèn nặng, sầu riêng khó phát triển. Nghĩ nơi khác làm được, mình cũng làm được nên gia đình vẫn trồng. Nhưng rồi, hơn năm sau, cây sầu riêng bị khô lá, chết dần. Hiện hơn 1 nửa diện tích sầu riêng đã chết”.
Dù nỗ lực chăm sóc vườn sầu riêng bị hư hại, song theo ông Tùng, nguy cơ mất trắng là rất lớn, trong đó, gia đình đã đầu tư hơn 300 triệu đồng tiền công, cây giống, vật tư…
Những bài học chưa hết “nóng”
Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ - Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh, Gia Lai), cho hay, thời hoàng kim của chanh leo, HTX từng liên kết với hơn 200 hộ dân trồng gần 200ha chanh leo. Mỗi năm, HTX thu mua hàng chục nghìn tấn chanh leo cho người dân để cung cấp cho các nhà máy. Doanh thu chanh leo kỷ lục có năm lên đến gần 60 tỷ đồng. Giờ diện tích và sản lượng chanh dây không bằng 1/10 so với thời kỳ hoàng kim.
Theo ông Thanh, mấu chốt khiến chanh dây “vỡ trận” chính là câu chuyện thổi phồng khi đưa ra kế hoạch phát triển lên 25.000ha vào năm 2025, trong khi thời hoàng kim mới chỉ hơn 5.000ha mà chanh dây đã “vỡ trận”. Nếu thực sự tăng diện tích lên 25.000ha thì cần phải có cam kết cụ thể giữa người dân, HTX và doanh nghiệp. Chẳng hạn, ký cam kết giá chanh không dưới 7.000 đồng/kg - mức hòa vốn thì người dân mới mạnh dạn trồng.
Ông Thanh cho rằng, đã đến lúc người dân cần phải căn cơ hơn với cây chanh dây khi bài học nhãn tiền về cây cao su, hồ tiêu vẫn còn đó. Việc từng thổi phồng về cây cao su, hồ tiêu khi ví như “vàng trắng”, “vàng đen” một thời cũng đã góp phần cho thất bại cay đắng này.
Thị trường sầu riêng đang bị thả nổi
Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và PTNT, cả nước hiện có 150.000ha sầu riêng, cao gấp đôi so với định hướng đến năm 2030. Trong khi đó, diện tích vùng trồng sầu riêng đã được cấp mã số mới chỉ đạt 25.000ha. Đáng chú ý, sản xuất, xuất khẩu sầu riêng còn đứt đoạn, rời rạc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với các vùng trồng…
Ông Lê Anh Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk, lo lắng, thị trường sầu riêng tại Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng đang bị thả nổi. Việc bẻ cọc, đạp giá, tranh giành mua hàng hỗn loạn tại vườn đã và đang diễn ra ở một số nơi. Hiệp hội nhận thấy, điều cơ bản nhất để đảm bảo chất lượng là cần kiểm tra mẫu sản phẩm trước khi bán cũng chưa thực hiện được.
Sầu đông lạnh sẽ là xu hướng.
Trước thực trạng này, lãnh đạo ngành nông nghiệp các địa phương tại một số khu vực ở Tây Nguyên nhận định, rất đáng lo ngại vì nhiều nơi có điều kiện đất đai, sinh thái không phù hợp với cây sầu riêng.
Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, hầu hết nông dân đều có chung tâm lý cây trồng nào mang lại hiệu quả kinh tế cao thì lựa chọn để sản xuất, bất chấp quy hoạch lẫn cảnh báo của cơ quan chuyên môn cũng như cơ quan quản lý Nhà nước. Hàng chục ngàn hecta sầu riêng đang được trồng vội vã hôm nay sẽ cho thu hoạch ổn định vào 5-6 năm tới là khoảng thời gian khá xa để có thể đoán trước thị trường sẽ ra sao.
Trước thực trạng nông dân đổ xô trồng sầu riêng, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã có văn bản chỉ đạo phát triển cây sầu riêng tại các tỉnh, thành miền Nam. Cục cảnh báo việc tăng diện tích cây sầu riêng một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào, không theo định hướng, nhất là tại các vùng trồng không phù hợp như nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng thiếu nước tưới sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng về năng suất, chất lượng sầu riêng của Việt Nam.
Cần đào tạo nông dân trồng sầu riêng
Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và TNT), đã đến lúc cần tập trung vào chất lượng sầu riêng, nâng cao nhận thức của người dân, trong đó, quản lý hiệu quả chất lượng mã số được cấp ra. Địa phương cũng phải nghĩ tới câu chuyện giám sát các vùng trồng. Việc này xuất phát từ doanh nghiệp và địa phương, cần sự phối hợp của các cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương.
“Tôi cho rằng, nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ bền vững hơn so với việc phát triển diện tích vùng trồng sầu riêng ồ ạt nhưng chưa đạt chất lượng. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Việc này cũng cần sự phối hợp của doanh nghiệp và địa phương”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Việt Nam đã hoàn tất đàm phán xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc. Chúng ta đã đưa vào trong nội dung đàm phán những điều khoản khá phù hợp, khả thi. Trong đó tính đến các yếu tố áp dụng công nghệ cao, công nghệ mới trong công nghệ chế biến. Chúng tôi đã gửi cho phía Trung Quốc xem xét các nội dung này.
Ông Hiếu kỳ vọng các điều khoản này sẽ sớm được thông qua trong năm 2024, lúc đó xuất khẩu sản phẩm sầu riêng có nhiều cơ hội tăng lên. Khi sầu riêng đông lạnh được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, sẽ giúp Việt Nam đa dạng hóa sản phẩm sầu riêng, tiếp đến là công nghệ chế biến, bảo quản. Sản phẩm chế biến đông lạnh sẽ hỗ trợ cho các sản phẩm sầu riêng khác. Nhà vườn sẽ tập trung sản xuất các sản phẩm chất lượng cao để xuất khẩu.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam), cho rằng, nếu như chúng ta chỉ quan tâm đến chất lượng trái sầu riêng mà không quan tâm đến người sản xuất trái sầu riêng thì chắc chúng ta sẽ không có được trái sầu riêng đáp ứng yêu cầu. Công tác đào tạo, tập huấn để chuyên nghiệp trong sản xuất trái sầu riêng vô cùng quan trọng.
Ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng Chi nhánh phía Nam - Hội Làm vườn Việt Nam, cho hay, hiện nay, đa số nông dân Việt Nam vẫn thích chạy theo cây dễ trồng, năng suất cao trong khi thị trường đang đòi hỏi cao về chất lượng. Nhìn vào trường hợp của Thái Lan, nước xuất khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới thì khi xuất hiện đối thủ mới là Việt Nam vào thị trường Trung Quốc, việc làm đầu tiên của họ là tăng chất lượng, chống hái trái non, tăng hàm lượng chất khô từ 32% lên 35% chứ không phải tăng sản lượng để tăng thị phần.
Đến nay, sầu riêng Thái Lan vẫn được thị trường đánh giá cao hơn về chất lượng, sự đồng đều và cả khâu đóng gói, dù họ không có lợi thế như Việt Nam là vị trí địa lý gần, hàng thu hoạch quanh năm.
Những năm qua và cả hiện nay, đặc biệt là sau khi sầu riêng Việt Nam thành công tiến vào thị trường Trung Quốc, cung không đủ cầu nên việc tiêu thụ rất thuận lợi, giá cao. Thế nhưng, chỉ vài năm tới, khi nguồn cung tăng lên từ các nước và cả nội địa Trung Quốc thì tình thế có thể thay đổi. Trong đó, sầu riêng nội địa Trung Quốc có diện tích lên đến 30.000ha, đầu tư bài bản, ứng dụng công nghệ hiện đại, tôi tin rằng họ sẽ thành công trong tương lai, tương tự với quả thanh long trước đó. Từ khi thanh long nội địa Trung Quốc có sản lượng cao, giá thành tốt, thanh long Việt Nam đã mất thị phần đáng kể tại đây.
“Do đó, việc chú ý đầu tư bài bản cho những giống sầu riêng mới, ngon, hợp với thị hiếu người tiêu dùng vẫn là bước đi khôn ngoan, thay vì canh tác theo lối mòn, chạy theo sản lượng và lợi ích ngắn hạn. Người trồng nên xác định vài năm nữa khi cung vượt cầu, giá sầu riêng sẽ quay về mức thấp, chỉ có những giống sầu riêng chất lượng ngon, giá thành hợp lý thì mới có lợi thế”, ông Mười cho hay.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.