Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 26 tháng 10 năm 2022 | 16:29

Không thả nổi việc tự công bố chất lượng và siết chặt quản lý thị trường dịp cuối năm

Từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao nên nguy cơ mất an toàn thực phẩm cũng rất lớn. Do đó, cần tăng cường siết chặt vấn đề quản lý thị trường.

Cán bộ ngành Nông nghiệp Thủ đô kiểm tra chất lượng sản phẩm tại Công ty cổ phần Thực phẩm Hương Sơn (huyện Thanh Trì). Ảnh: Phương Nga

Hà Nội: Không thả nổi việc tự công bố chất lượng nông sản

Thực hiện Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm, Hà Nội đang chuyển dần sang tiếp nhận bản tự công bố và hậu kiểm việc tự công bố sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, xác định không thả nổi, thậm chí giám sát chặt hơn chất lượng nông sản trên thị trường, các cơ quan chức năng vẫn tăng cường các giải pháp trong kiểm tra mẫu thực phẩm.

Theo đánh giá của Sở NN& PTNT Hà Nội, nhận thức của các tổ chức, cá nhân kinh doanh nông lâm sản và thủy sản trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực.  Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Hương Sơn (huyện Thanh Trì) Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, hiện nay, Công ty có hơn 30 loại sản phẩm chế biến từ giò chả, bánh chưng... đều bảo đảm an toàn thực phẩm. Công ty đã thực hiện tự công bố chất lượng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính minh bạch của sản phẩm.

Còn theo Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Đỗ Thị Kim Dung, để giám sát chất lượng nông sản, thực phẩm lưu thông trên thị trường, huyện tăng cường công tác tuyên truyền và hậu kiểm để kịp thời phát hiện vi phạm, xử lý theo quy định của pháp luật.

Mặc dù có chuyển biến nhất định về quản lý an toàn thực phẩm nhưng các ngành chức năng vẫn chưa hết nỗi lo với các sản phẩm tự công bố chất lượng. Từ đầu năm 2022 đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tiếp nhận 1.819 bộ hồ sơ tự công bố thực phẩm chế biến nông sản và đăng tải lên website bản tự công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm chế biến bao gói thuộc ngành Nông nghiệp quản lý; ngành cũng đã tổ chức hậu kiểm việc tự công bố sản phẩm đối với hàng chục cơ sở.

Tuy nhiên, theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, trong số 21 mẫu sản phẩm tự công bố để kiểm tra an toàn thực phẩm, cơ quan chức năng của Sở NN&PTNT Hà Nội phát hiện 3 mẫu sử dụng phụ gia vượt mức giới hạn tối đa cho phép. Các đoàn kiểm tra đã hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm đối với hành vi sử dụng phụ gia vượt mức giới hạn tối đa cho phép đối với 1 cơ sở, tổng số tiền phạt là 40 triệu đồng.

“Bên cạnh đó, từ đầu năm 2022 đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã lấy 1.226 mẫu thực phẩm để kiểm tra chất lượng. Đối với 844 mẫu đã có kết quả thì phát hiện 41 mẫu vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (chiếm 4,9%). Nguyên nhân chủ yếu do số lượng cơ sở sản xuất nông lâm thủy sản của Hà Nội tuy lớn nhưng còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; ý thức của người kinh doanh chưa cao, vẫn có tình trạng chạy theo lợi nhuận...”, bà Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết thêm.

Từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao nên nguy cơ mất an toàn thực phẩm cũng rất lớn. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung, huyện tiếp tục tăng cường công tác hậu kiểm việc tự công bố chất lượng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn kết hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, bên cạnh việc kiểm tra, giám sát chất lượng nông sản trên thị trường, ngành Nông nghiệp Hà Nội hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai công tác kiểm tra, đánh giá, phân loại cơ sở thuộc phạm vi quản lý của quận, huyện, thị xã. Qua đó, từng bước nâng cao ý thức cho người dân về kinh doanh nông lâm thủy sản an toàn, cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng...

Vĩnh Phúc: Siết chặt quản lý thị trường những tháng cuối năm

Những tháng cuối năm, nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân có xu hướng tăng lên, thị trường hàng hóa sôi động hơn. Lợi dụng thời điểm này, không ít gian thương gia tăng hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng nhằm trục lợi, gây lũng loạn thị trường, ảnh hưởng đến người sản xuất, kinh doanh chân chính và thiệt hại tiền của, sức khỏe của người tiêu dùng.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

 Qua công tác nắm địa bàn và thông tin người dân cung cấp về dấu hiệu hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng nhái, ngày 12/9, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã tiến hành kiểm tra đối với Cửa hàng Ánh Nguyễn do bà Nguyễn Thị Ánh là chủ hộ kinh doanh tại số 76, đường Chu Văn An, phường Liên Bảo (Vĩnh Yên) chuyên kinh doanh giày dép.

Tại thời điểm kiểm tra đã phát hiện cơ sở trưng bày gần 80 sản phẩm là dép nữ mang nhãn hiệu HERMÈS; giày nữ màu đen mang nhãn hiệu CHANEL; giày thể thao mang nhãn hiệu NIKE và ADIDAS có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam, với tổng giá trị hơn 14 triệu đồng.

Chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản và niêm phong, tạm giữ toàn bộ số giày, dép nêu trên để xác xử lý theo quy định.

Mới đây nhất, ngày 12/10, lực lượng QLTT đã xử phạt cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thủ công tại phố Đồng Khâu, phường Tích Sơn (Vĩnh Yên) do bà Nguyễn Thị Lương làm chủ với số tiền phạt vi phạm hành chính 15 triệu đồng.

Trước đó, tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở này, lực lượng QLTT phát hiện 500 lít rượu nếp trắng do cơ sở sản xuất ra được đóng hoàn chỉnh trong 50 can loại 10 lít/can nhưng không được dán tem rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước theo quy định.

Lực lượng QLTT đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, lấy mẫu gửi cơ quan có thẩm quyền kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn đối với rượu chưng cất để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo thống kê của Cục QLTT Vĩnh Phúc, chỉ trong quý III/2022, đơn vị đã phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan kiểm tra, kiểm soát thị trường theo kế hoạch hơn 210 vụ; kiểm tra đột xuất gần 30 vụ.

Quá trình kiểm tra, kiểm soát phát hiện hơn 40 vụ, gần 50 hành vi vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính nộp ngân sách nhà nước hơn 500 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu được phát hiện là: Kinh doanh hàng hoá nhập lậu; vi phạm về hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; vi phạm trong lĩnh vực giá, đầu cơ găm hàng…

Đánh giá của lực lượng chức năng cho thấy, mặc dù việc sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát tốt, nhưng vẫn âm ỉ diễn ra với quy mô nhỏ và luôn thường trực bùng phát. Tập trung vào các mặt hàng như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, túi xách, giầy dép, đồ điện tử, đồ gia dụng...

Dịp cuối năm luôn là thời điểm hoạt động sản xuất kinh doanh, vận chuyển hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng gia tăng và diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi. Càng gần đến dịp Tết Nguyên đán, khi nhu cầu mua sắm của người dân tăng lên, mức độ và quy mô hoạt động này cũng mở rộng hơn.

Đặc biệt là các nhóm mặt hàng được tiêu thụ mạnh như thực phẩm, gia súc, gia cầm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả, hàng điện tử, mỹ phẩm, thời trang cao cấp...

Ngoài kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, các đối tượng còn dùng nhiều thủ đoạn gian lận để qua mắt lực lượng chức năng, móc túi người tiêu dùng như đóng gói hàng hóa, sản phẩm thiếu trọng lượng, số lượng, ghi nhãn giả, sử dụng hàng hóa hết hạn đóng bao bì mới…

Trước thực trạng trên, Cục QLTT đang tích cực phối hợp với các địa phương, các lực lượng chức năng, các thành viên Ban Chỉ đạo 389 triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát thị trường.

Trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm tuân thủ các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh cho người dân. Tổ chức ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng với các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thường xuyên cập nhật các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh liên quan đến hoạt động chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái; các phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của các đối tượng để kịp thời điều chỉnh các biện pháp ngăn chặn, xử lý phù hợp với thực tiễn.

Tăng cường bố trí lực lượng bám nắm địa bàn, thu thập thông tin tập trung vào các khu vực, địa bàn trọng điểm; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để phát sinh điểm nóng về hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu.

Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, Cục QLTT khuyến cáo người dân cần chủ động nâng cao kiến thức, trở thành người tiêu dùng thông thái, mua sắm hàng hóa tại các cơ sở, địa chỉ uy tín đảm bảo chất lượng.

Thanh Hóa: Để các cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm OCOP hiệu quả hơn

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng, sản phẩm OCOP đã được đông đảo người tiêu dùng biết đến, lựa chọn. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển được 16 điểm cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm OCOP. Tuy vậy, sau hơn 2 năm được hỗ trợ đầu tư, một số điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP chưa phát huy hiệu quả như mục tiêu đề ra.

Khách hàng lựa chọn sản phẩm OCOP tại Siêu thị MomoMart, Chung cư Xuân Mai, phường Đông Hải (TP Thanh Hóa).

Từ cuối năm 2020 và năm 2021, tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ 300 triệu đồng từ nguồn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) để các chủ thể thành lập 6 điểm trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên toàn tỉnh. Trong đó, điểm cửa hàng tại Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa (đường Nguyễn Chí Thanh, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa) được hỗ trợ 50 triệu đồng xây dựng cơ sở trưng bày, bán sản phẩm OCOP trong thời gian 6 tháng. 5 điểm cửa hàng khác tại: Siêu thị MomoMart, chung cư Xuân Mai, phường Đông Hải; gian hàng tại trụ sở Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, phường Đông Vệ; cửa hàng ECO, mặt bằng quy hoạch 1636 phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa) và thị trấn Nga Sơn (Nga Sơn), đều được hỗ trợ 50 triệu đồng/điểm với mục tiêu trưng bày, bán sản phẩm OCOP và các sản phẩm tiềm năng. Ngoài ra, có 10 điểm cửa hàng do các chủ thể, cá nhân đầu tư thành lập tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Các cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm OCOP vận hành theo mô hình siêu thị mini, đều nằm ở những vị trí trung tâm, đông người qua lại, giao thông thuận tiện. Tuy nhiên, đến nay, hoạt động của nhiều cửa hàng nói trên vẫn không được như kỳ vọng.

Đơn cử như điểm cửa hàng ECO tại mặt bằng 1636, phường Phú Sơn, được khai trương tháng 10-2020 là điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh nhưng đến nay đã “cửa đóng, then cài”. Người dân địa phương cho biết, khi mới hoạt động, cửa hàng bán khoảng 20 mặt hàng OCOP của tỉnh nhưng chỉ thời gian đầu việc tiêu thụ tương đối thuận lợi, càng về sau, mức tiêu thụ giảm. Sau thời gian hoạt động “lay lắt”, không đủ chi phí duy trì hoạt động nên cửa hàng đã đóng cửa gần 6 tháng nay.

Tại điểm cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa ở phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa), tuy vẫn hoạt động nhưng hàng hóa nghèo nàn, chủ yếu là các sản phẩm đóng gói, có thời gian sử dụng dài, hầu như không có khách hàng đến giao dịch. Bà Lê Thị Thúy, người dân phường Quảng Thắng, cho biết: “Sau khi biết đến Chương trình OCOP, người dân mong muốn được tiếp cận và sử dụng sản phẩm OCOP của tỉnh và của các tỉnh, thành trên cả nước. Tuy nhiên, khi tìm đến cửa hàng của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, hàng hóa nghèo nàn, giá thành của các sản phẩm OCOP cao hơn 10 - 20% trở lên so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Một số sản phẩm giá niêm yết không thống nhất, có sự chênh lệch giữa các cửa hàng... Do đó, tôi đã lựa chọn những sản phẩm khác tại siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn”.

Theo đánh giá của Tổ quản lý Chương trình OCOP, thuộc Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM, hiện nay, việc kinh doanh và hiệu quả hoạt động của 15 điểm cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm OCOP đang hoạt động trên địa bàn tỉnh hầu như chưa đạt như kỳ vọng ban đầu. Trong đó, các điểm cửa hàng không được hỗ trợ, do cá nhân, tập thể đứng ra thành lập thì hiệu quả hoạt động cao hơn, có doanh thu, lợi nhuận tốt hơn. Nhưng tại các cửa hàng được hỗ trợ từ ngân sách, tỉ lệ nghịch với kỳ vọng của các sở, ban, ngành, hiệu quả hoạt động chưa cao. Chỉ có 3 cửa hàng được hỗ trợ, gồm: Siêu thị MomoMart, gian hàng tại Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và cửa hàng Đăng Khoa tại thị trấn Nga Sơn là có doanh thu, hoạt động thường xuyên, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của khách hàng về sản phẩm OCOP.

Thực tế cho thấy, nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong đó có sản phẩm OCOP rất cao. Tuy nhiên, vì nhiều lý do dẫn đến tình trạng khách hàng thờ ơ với những điểm cửa hàng bán, trưng bày sản phẩm OCOP. Chị Nguyễn Thị Nhàn, quản lý điểm bán sản phẩm OCOP tại Siêu thị MomoMart, chung cư Xuân Mai, phường Đông Hải, cho biết: Hiện cửa hàng đang bán gần 30 sản phẩm OCOP của Thanh Hóa và nhiều nông sản của địa phương, như: nem chua, rau, củ quả an toàn... Bình quân doanh thu từ bán sản phẩm OCOP của cửa hàng đạt 60 - 70 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, giá bán sản phẩm OCOP hiện nay khá cao, một số đơn vị sản xuất, cung ứng sản phẩm chưa đồng nhất giá bán tại cơ sở và giá niêm yết tại điểm trưng bày. Cùng với đó, nhiều chủ thể sản phẩm OCOP thiếu liên kết, không hào hứng với việc đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm khiến việc tiêu thụ gián đoạn, dẫn đến tình trạng “nghèo” sản phẩm. Do đó, người tiêu dùng “nhạt” dần với hệ thống cửa hàng bán hàng OCOP...

Theo ông Bùi Công Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh, mục tiêu xây dựng các điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP chính là quảng bá sản phẩm OCOP và các sản phẩm tiềm năng. Mặc dù nhận thấy sự hạn chế trong hoạt động của các cửa hàng, văn phòng cũng kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở song không có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ nào. Đồng thời, nguồn hỗ trợ kinh phí từ ngân sách chỉ là bệ đỡ, hỗ trợ cho các cửa hàng đầu tư, mở rộng quy mô gian hàng để trưng bày, kinh doanh sản phẩm. Việc giải quyết đầu ra sản phẩm cần có nhiều yếu tố, như: thị trường, xúc tiến thương mại chung, khả năng quảng bá trên nền tảng công nghệ số... của các chủ cửa hàng. Do đó, nếu các chủ cửa hàng được hỗ trợ không năng động, sáng tạo thì hiệu quả kinh doanh sẽ không được như kỳ vọng.

Trên thực tế, nhu cầu của người tiêu dùng về sử dụng sản phẩm OCOP, nhất là các sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, đồ uống là rất lớn. Đồng thời, chỉ một số cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm OCOP cá biệt hoạt động không hiệu quả. Do đó, để bài toán vận hành, phát triển cửa hàng được giải quyết, các chủ cửa hàng cần linh hoạt, năng động, xây dựng được chuỗi liên kết tiêu thụ bền vững với chủ thể sản xuất và có chiến lược kinh doanh hiệu quả. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý, xúc tiến thương mại cần quan tâm, thường xuyên kiểm tra, kịp thời hỗ trợ để các điểm trưng bày, bán sản phẩm hoạt động đúng mục tiêu đề ra, phát huy hiệu quả các sản phẩm OCOP của tỉnh./.

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
Top