Những ngày giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng diễn ra sôi động hơn. Nhiều địa phương đã mở các điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, làng nghề và siết chặt quản lý chất lượng hàng hóa.
Người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm nông sản tại Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội 2022. Ảnh: Nguyễn Quang
Hà Nội: Kích cầu thị trường cuối năm
Để đáp ứng nhu cầu nông sản cho người dân Thủ đô trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhiều địa phương đã mở các điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, làng nghề. Đây là hoạt động xúc tiến thương mại có ý nghĩa kích cầu cho thị trường cuối năm; đồng thời giúp doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng nâng cao nhận thức về các thương hiệu sản phẩm Việt.
Những ngày này, điểm giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề đặt tại siêu thị mini Phương Linh (xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ) đã thu hút hàng trăm khách hàng đến mua sắm, tham quan mỗi ngày.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Lê Thị Kim Phương, là huyện có tiềm năng lớn trong hoạt động sản xuất nông nghiệp của Hà Nội với các loại sản phẩm đa dạng như: Rau an toàn, thịt lợn sinh học, kẹo bánh… Đến nay, Phúc Thọ đã có 59 sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); trong đó có 29 sản phẩm 4 sao, 30 sản phẩm 3 sao. “Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp, làng nghề... được mở vào dịp cuối năm đã đáp ứng nhu cầu của người dân, qua đó giới thiệu được những sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu đến với người tiêu dùng. Thời gian tới, Phúc Thọ sẽ chú trọng phát triển sản phẩm, các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cũng như các chương trình xúc tiến thương mại. Đây là sự hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất...” - bà Lê Thị Kim Phương khẳng định.
Tương tự huyện Phúc Thọ, cuối tháng 12/2022, huyện Thanh Oai cũng đã phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội khai trương Chương trình Xúc tiến, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, OCOP, làng nghề trên địa bàn. Chương trình có sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP đến từ các tỉnh: Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Thái Nguyên, Thái Bình, Hòa Bình, Hà Nam, Nghệ An... và thành phố Hà Nội, với gần 1.000 dòng sản phẩm. Cùng với việc quảng bá, kết nối doanh nghiệp, chương trình kết hợp việc bán hàng với tổ chức trình diễn, chế biến sản phẩm tại chỗ...
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Khánh Bình nhận định: Chương trình này đã kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, qua đó mở rộng thị trường, tạo đà phát triển sản xuất; đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, làng nghề nắm bắt cơ hội, giao lưu, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, liên doanh, liên kết, đầu tư khai thác các tiềm năng, thế mạnh. Đặc biệt là đưa đến cho người tiêu dùng những sản phẩm có chất lượng cao…
Nói về hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, ông Nguyễn Nguyên Minh - chủ cơ sở sản xuất giò chả Nguyên Minh ở xã Ước Lễ (huyện Thanh Oai) cho hay, thông qua chương trình, cơ sở đã nhận được hàng trăm đơn hàng cho dịp Tết Nguyên đán này.
Nhu cầu thực phẩm đối với thị trường Hà Nội dịp cuối năm tăng gấp 2 đến 3 lần và thành phố cũng cung cấp một lượng lớn nông sản cho các tỉnh, thành phố khác, do đó hoạt động xúc tiến thương mại cần được đẩy mạnh trong dịp này. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường cho biết: “Hằng năm, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với các tỉnh, thành phố trao đổi, cung cấp thông tin về cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Sở tiếp tục duy trì Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm thành phố Hà Nội (check.hanoi.gov.vn). Hệ thống này đã hỗ trợ, hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống cho 3.263 cơ sở là các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông sản; đã cấp 12.021 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm lên hệ thống...”.
Thông tin về việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, thời gian tới huyện sẽ mở thêm các điểm bán hàng nông sản để phục vụ người dân địa phương và một số huyện lân cận.
Về các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp trong dịp này, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh đánh giá: Chương trình xúc tiến thương mại nông sản, làng nghề hướng đến mục tiêu kích cầu tiêu dùng nội địa, bình ổn thị trường dịp cuối năm; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn các huyện nói riêng và toàn thành phố nói chung. Đặc biệt, chương trình còn giúp doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng nâng cao nhận thức về các thương hiệu sản phẩm Việt; thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.
Để chủ động cung ứng nguồn nông sản cho người dân, Sở NN&PTNT Hà Nội đang phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương rà soát nhu cầu thị trường, đưa ra dự báo đối với những mặt hàng trọng điểm, giúp doanh nghiệp có kế hoạch trong sản xuất cũng như liên kết thị trường, nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu nông sản hay giá cả tăng đột biến.
Hưng Yên: Phát triển chợ truyền thống
Chợ truyền thống từ trước đến nay được coi là địa điểm mua bán ưa thích của người dân gắn với nhiều nét đẹp văn hóa đặc sắc, ấn tượng của mỗi vùng miền, địa phương. Trong xu hướng mới, nhiều hình thức kinh doanh hiện đại ra đời như: Siêu thị, cửa hàng tiện ích, trung tâm thương mại phát triển, song chợ truyền thống vẫn được đánh giá là hình thức thương mại phổ biến nhất. Tuy nhiên, để chợ truyền thống tồn tại đáp ứng yêu cầu của thương mại văn minh thì cả cơ quan quản lý, tiểu thương và người tiêu dùng đều phải chung tay giải quyết.
Kinh doanh hoa tươi tại chợ Đầu, Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên
Khảo sát thực tế, trên địa bàn huyện Tiên Lữ hiện có 11 chợ truyền thống với hơn 5.000 cơ sở, hộ kinh doanh thương mại ổn định. Trong đó, có 1 chợ mới được đầu tư xây dựng hiện đại và đưa vào hoạt động theo mô hình hợp tác xã quản lý là chợ Tiên Lữ, còn lại hầu hết là các chợ truyền thống ở làng, xã hoạt động theo phiên, chủ yếu phục vụ tiêu thụ những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày. Ông Nguyễn Minh Đức, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Tiên Lữ cho biết: Hằng năm, các ban quản lý chợ trên địa bàn huyện đều xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm công tác quản lý tại chợ. Hiện nay, ngoài một chợ đã được chuyển đổi sang hợp tác xã đầu tư, quản lý thì phần lớn các chợ trên địa bàn huyện là chợ nông thôn, hạ tầng xuống cấp, cần được cải tạo.
Chợ truyền thống là một mô hình quan trọng đối với thị trường nội địa vì dễ tổ chức, thường gắn liền với các khu dân cư. Ở đâu có chợ, ở đó thu hút được một lượng hàng hóa lớn, kích thích được sản xuất phát triển, từ đó mang lại nguồn thu cho thương nhân và Nhà nước. Toàn tỉnh hiện nay có 90 chợ nông thôn, 12 chợ thành thị và 2 chợ đầu mối. Theo thống kê, lượng hàng hóa lưu thông qua chợ truyền thống chiếm 40%, riêng mặt hàng thực phẩm tươi sống lưu thông qua chợ chiếm 70%. Chính vì vậy, hoạt động của các chợ tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc cung ứng vật tư, nguyên liệu và tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa.
Nằm trong xu thế phát triển của thương mại hiện đại, thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành, hệ thống hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đã phát triển tương đối đồng bộ và hiện đại. Một số chợ truyền thống được đầu tư, xây dựng, nâng cấp và đổi mới công tác quản lý, đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi của Nhân dân. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có 6 chợ được đầu tư xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp với tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng, trong đó ngân sách cấp xã đầu tư gần 2 tỷ đồng, còn lại là do doanh nghiệp đầu tư xây dựng. Toàn tỉnh có 15 chợ đã được nâng cấp, chuyển đổi hình thức quản lý theo mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã đi vào hoạt động, gần 89 chợ hoạt động theo hình thức mô hình ban quản lý. Một số chợ đầu tư xây dựng mới, hiện đại, chuyển đổi hình thức quản lý theo mô hình doanh nghiệp hoạt động hiệu quả như: Chợ Tiên Lữ (Tiên Lữ), chợ Phủ (Khoái Châu), chợ Gạo, chợ Phố Hiến (thành phố Hưng Yên),...
Để hoạt động chợ truyền thống đạt hiệu quả, phát triển song hành với các loại hình kinh doanh thương mại khác, Sở Công Thương đang nỗ lực cùng các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, kế hoạch; vốn đầu tư; cơ chế chính sách; quản lý nhà nước… Bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho biết: Sở sẽ tập trung mời gọi đầu tư, cải tạo hệ thống chợ nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu mua sắm của Nhân dân. Đặc biệt, Sở tăng cường phối hợp với các địa phương, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý, giải tỏa các chợ tự phát, chợ cóc, chợ tạm không bảo đảm điều kiện hoạt động. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tiểu thương đổi mới tư duy, phương thức kinh doanh; tạo dựng lòng tin với khách hàng bằng việc bán những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đúng giá niêm yết, đẹp mắt, tiện lợi, nhằm đáp ứng tốt hơn nữa những nhu cầu, thói quen mua bán hàng hóa của người tiêu dùng và hướng tới đáp ứng xu thế phát triển hiện đại.
Thanh Hóa: Siết chặt quản lý thị trường hàng hóa những ngày giáp Tết
Những ngày giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng diễn ra sôi động hơn. Nhằm hạn chế các hành vi sai phạm trong sản xuất và cung ứng hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đang đẩy mạnh công tác tuần tra, trinh sát, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, góp phần lành mạnh thị trường hàng hóa.
Đội QLTT số 9 cơ động bắt giữ vụ vi phạm 35 tấn đường nhập lậu.
Là lực lượng cơ động, nòng cốt trong công tác trinh sát, xử lý vi phạm đột xuất, những ngày gần đây, Đội Quản lý thị trường số 9 cơ động (Cục QLTT) tỉnh thường xuyên phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng trong khâu lưu thông hàng hóa. Điển hình như ngày 7-12-2022 vừa qua, tại thị trấn Tân Phong (Quảng Xương), Đội QLTT số 9 cơ động đã phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) bắt giữ một vụ vận chuyển 35 tấn đường chứa trong bao bì chữ Thái Lan. Đây là vụ việc có quy mô, giá trị lớn, tính chất phức tạp đang được các cơ quan chức năng tiếp tục mở rộng điều tra để tìm ra ổ nhóm, đường dây hoạt động.
Sáng 25-12-2022, lực lượng QLTT cũng vừa phối hợp với lực lượng tuần tra của Trạm Cảnh sát giao thông Quảng Xương bắt giữ một vụ vận chuyển thực phẩm “bẩn” tại địa phận xã Triệu Lộc (Hậu Lộc). Tại đây, khi dừng, kiểm tra xe ô tô tải biển kiểm soát 89C-15165 do lái xe Vũ Trọng Hiếu, địa chỉ cư trú tại xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên điều khiển, các lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ trên xe chở 1,4 tấn thực phẩm là da lợn đông lạnh, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ và có dấu hiệu ôi thiu, biến đổi màu sắc. Theo khai nhận ban đầu của lái xe, số hàng hóa trên được thu gom tại nhiều cơ sở nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Hưng Yên vận chuyển vào Thanh Hóa bán kiếm lời.
Ông Trần Thế Hùng, đội trưởng Đội QLTT số 9 cơ động, cho biết: Hiện nay, đơn vị đang bước vào cao điểm kế hoạch kiểm soát thị trường. Đơn vị đã cài cắm lực lượng trinh sát, tổ chức nhân mối và phối hợp với các lực lượng chức năng để điều tra, phát hiện kịp thời nhiều vụ việc có tính chất nghiêm trọng. Những mặt hàng chú trọng kiểm soát thời điểm này là điện tử, điện lạnh; quần áo, giày dép; lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, đường cát, hoa quả, rượu, bia, thuốc lá, xì gà, nước giải khát; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; lợn và các sản phẩm chế biến từ lợn; gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc; nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và thuốc y học cổ truyền; vận chuyển, buôn bán pháo nổ, pháo hoa các loại...
Hiện nay, thủ đoạn vận chuyển, kinh doanh các loại hàng hóa vi phạm rất tinh vi. Nhiều đối tượng trà trộn, xen ghép hàng hóa vi phạm cùng nhiều loại hàng hóa khác. Môi trường kinh doanh “bùng nổ” qua thương mại điện tử hiện cũng đang đặt lực lượng chức năng đứng trước nhiều thách thức. Đại diện lãnh đạo Cục QLTT tỉnh chia sẻ: Trong điều kiện lực lượng còn mỏng, trang thiết bị nghiệp vụ còn thiếu và yếu, để thực hiện hiệu quả kế hoạch cao điểm, Cục QLTT đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận, phòng, ban, đơn vị trực thuộc đề cao trách nhiệm thực thi công vụ của từng cán bộ, công chức, kiên quyết xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân tha hóa, biến chất, có biểu hiện bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật. Lực lượng QLTT cũng đã và đang tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát, nắm chắc tình hình, phối hợp hiệu quả với các lực lượng chức năng liên ngành để kịp thời phát hiện, xử lý.
Cùng với tăng cường kiểm tra, kiểm soát địa bàn, lực lượng QLTT tỉnh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân cam kết không kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và có các hành vi gian lận thương mại, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để ngăn ngừa tận gốc tình trạng này. Trong năm 2022, đơn vị đã xử lý 1.898 vụ vi phạm trong lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với số tiền phạt vi phạm hành chính hơn 5,9 tỷ đồng. Đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tiến hành ký cam kết tuân thủ pháp luật tới gần 7.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, góp phần bình ổn thị trường, giá cả hàng hóa trên thị trường./.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.