Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 4 tháng 1 năm 2023 | 15:26

Kích cầu tiêu dùng và quảng bá quà Tết từ các sản phẩm OCOP

Các địa phương đẩy mạnh sản xuất và cung ứng hàng hóa kích cầu tiêu dùng dịp Tết. Những món quà Tết từ các sản phẩm OCOP được dịp "lên ngôi".

Khách chọn mua thực phẩm tại siêu thị BRGMart (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Nguyễn Thuần

Hà Nội: Đưa thực phẩm an toàn đến với người tiêu dùng

Thời gian qua, mạng lưới phân phối hiện đại đã góp phần đưa thực phẩm an toàn đến với người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc nhân rộng hệ thống phân phối, kinh doanh thực phẩm an toàn còn nhiều khó khăn, cần sự vào cuộc của các bộ, ngành chức năng và việc triển khai phải đồng bộ từ trung ương đến địa phương.

Hiện nay, mạng lưới kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là hệ thống phân phối thực phẩm hiện đại có kiểm soát, đã được phát triển cả về số lượng và chất lượng; giúp người dân dễ dàng tiếp cận nông sản, thực phẩm an toàn. Theo số liệu thống kê, cả nước hiện có 254 trung tâm thương mại, 1.167 siêu thị, hơn 20.000 điểm bán hàng bình ổn giá… Cùng với đó, hàng trăm mô hình chợ an toàn thực phẩm được xây dựng thành công.

Còn theo Sở Công Thương Hà Nội, thành phố hiện có 29 trung tâm thương mại, 132 siêu thị, 2.000 cửa hàng tiện lợi, 159 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn, 1.872 cửa hàng kinh doanh trái cây...

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho biết, Bộ Công Thương đã triển khai các chính sách phát triển hệ thống hạ tầng thương mại theo hướng hiện đại, văn minh, áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi cửa hàng thực phẩm chuyên doanh, các cửa hàng tiện lợi… phân phối hàng hóa có xuất xứ rõ ràng…

Tại Hà Nội, ngành Công Thương thành phố đã tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại, đổi mới cách quản lý đối với chợ truyền thống nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm. Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động liên kết vùng, quảng bá, kết nối cung, cầu, đưa hàng hóa của các vùng sản xuất nông sản Hà Nội và các nguồn hàng chất lượng của các tỉnh, thành phố vào hệ thống phân phối trên địa bàn.

Trong khi đó, các hệ thống phân phối cũng chú trọng phát triển nguồn hàng bảo đảm an toàn thực phẩm. Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG Nguyễn Thùy Dương cho biết: “Ngoài việc trực tiếp tham quan, khảo sát cơ sở sản xuất, chúng tôi yêu cầu nhà cung cấp đáp ứng đủ các điều kiện như giấy phép kinh doanh, chứng nhận, chứng chỉ chất lượng hàng hóa”, bà Nguyễn Thùy Dương nói.

Giám đốc vận hành hệ thống bán lẻ WinMart Nguyễn Trọng Tuấn cũng thông tin, nhóm hàng thực phẩm tươi sống tại hệ thống 3.500 siêu thị, cửa hàng tiện ích WinMart/WinMart+ được kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và đạt tỷ lệ 100% là hàng Việt Nam.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc xây dựng hệ thống phân phối thực phẩm an toàn vẫn còn nhiều hạn chế, phát triển chưa đồng đều và toàn diện. Đặc biệt, vốn để đầu tư hệ thống phân phối áp dụng quy trình quản lý văn minh, an toàn còn thiếu; các mối liên kết trong chuỗi giá trị nông sản, thực phẩm an toàn còn lỏng lẻo. Bên cạnh đó, số lượng siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh có chứng nhận, chứng chỉ bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn còn hạn chế. Chưa kể, có tới 70% lượng hàng hóa được cung ứng qua chợ, chỉ có 25% hàng hóa qua siêu thị, hệ thống bán lẻ hiện đại nên việc kiểm soát, tuân thủ quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất xuất xứ hàng hóa vẫn còn nhiều bất cập.

Theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội, cơ sở vật chất tại nhiều chợ không bảo đảm, nhiều tiểu thương chưa chấp hành quy định vệ sinh an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc thực phẩm chưa được thực hiện thường xuyên…

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Masan MeatLife (Tập đoàn Masan) Nguyễn Quốc Trung cho hay, để kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm, doanh nghiệp phải bảo đảm chuỗi giá trị từ trang trại đến bàn ăn. Trong đó, việc phát triển hệ thống phân phối vô cùng quan trọng, từ đó thay đổi nhận thức của người tiêu dùng đối với thực phẩm an toàn.

Nói về giải pháp xây dựng mạng lưới phân phối thực phẩm an toàn, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tập huấn, tuyên truyền quy định về an toàn thực phẩm, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoàn thiện thủ tục pháp lý, cấp biển nhận diện cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Ngoài ra, Sở tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối tiêu thụ nông, lâm, thủy sản; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Về phía Bộ Công Thương, bà Lê Việt Nga cho rằng, để xây dựng mạng lưới kinh doanh thực phẩm an toàn cần sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ hơn nữa từ các bộ, ngành, cơ quan chức năng và triển khai đồng bộ từ trung ương tới địa phương. Theo đó, 3 nội dung chính là phát triển hạ tầng thương mại, bảo đảm chất lượng thực phẩm và tuyên truyền nâng cao nhận thức của người kinh doanh, người tiêu dùng. Đối với các doanh nghiệp, bà Lê Việt Nga khuyến nghị chủ động đưa ra đề xuất, kiến nghị gắn với thực tiễn, làm cơ sở để các bộ, ngành ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, từ đó phát triển mạng lưới kinh doanh thực phẩm an toàn, bền vững và rộng khắp.

Vĩnh Phúc: Kích cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán

Kích cầu tiêu dùng cuối năm, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp (DN), nhà phân phối, kênh bán lẻ đã tung ra các chương trình giảm giá sâu, khuyến mãi siêu hấp dẫn để thu hút khách hàng đến tham quan, mua sắm.

Cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán là thời điểm hoạt động kinh doanh, dịch vụ sôi động nhất trong năm, đây cũng là thời điểm “vàng” để các đơn vị kinh doanh, đẩy mạnh triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng, tăng doanh thu, lợi nhuận.

Kích cầu tiêu dùng, Siêu thị LanChi Mart Vĩnh Yên đang triển khai nhiều chương trình giảm giá sâu, khuyến mãi lớn, thu hút khách hàng đến tham quan, mua sắm. Ảnh: Chu Kiều

Chính vì vậy, cùng với việc lên phương án xây dựng nguồn cung dồi dào, đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hóa cho người tiêu dùng, nhiều DN, nhà phân phối, kênh bán lẻ đã tung ra các chương trình giảm giá sâu, khuyến mãi hấp dẫn để thu hút khách hàng đến tham quan, mua sắm.

Ông Giang Tuấn Anh, Giám đốc Siêu thị LanChi Mart Vĩnh Yên chia sẻ: Chuẩn bị cung ứng hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, siêu thị đã lên phương án dự phòng hàng hóa gấp đôi so với các tháng trước đó để đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm của người dân.

Trong đó, tập trung vào các mặt hàng nhu yếu phẩm và sản phẩm chủ lực như bánh kẹo, nước ngọt, dầu ăn, đường, sữa, thịt, rau, củ, quả…

Để kích thích sức mua cùng với việc sắp xếp, bố trí lại không gian trưng bày tạo sự bắt mắt, siêu thị đã phối hợp với các nhà sản xuất triển khai nhiều chương trình giảm giá, khuyến mại lớn.

Cụ thể, Siêu thị LanChi Mart Vĩnh Yên đang triển khai chương trình giá sốc cuối tuần, giảm giá từ 20% - 30% các mặt hàng thiết yếu, có những mặt hàng bán bằng giá gốc. Chạy chương trình bán giá ưu đãi, chiết khấu lớn đối với các cơ quan, DN, tổ chức mua giỏ quà, hàng Tết với số lượng lớn. Ngoài ra, siêu thị còn đẩy mạnh kênh bán hàng online, miễn phí gia hàng trong bán kính 5km với hóa đơn từ 300 nghìn đồng trở lên... để kích thích sức mua.

Theo ông Giang Tuấn Anh, mặc dù thời điểm này, nhu cầu mua sắm hàng tiêu dùng chưa lớn nhưng dự báo sức mua sẽ tăng mạnh vào thời điểm cận Tết. Để ổn định giá bán ngay cả khi thời điểm sức mua tăng cao trước đó hệ thống LanChi Mart đã đàm phán, ký kết với các nhà cung cấp sản phẩm đảm bảo giá bán tốt nhất cho người tiêu dùng, thậm chí vào lúc cao điểm tiêu thụ vẫn thường xuyên triển khai các chương trình khuyến mại, giảm giá.

Cũng như Siêu thị LanChi Mart, nhiều DN, siêu thị, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn như: Siêu thị Go!, Co.op Mart, VinMart... đã tung ra nhiều chương trình khuyến mãi siêu hấp dẫn, giảm giá từ 30% - 50% hàng nghìn mặt hàng thiết yếu để kích thích sức mua.

Tìm hiểu được biết, nắm bắt xu thế, thị hiếu của người tiêu dùng, các mặt hàng ăn, chơi Tết năm nay các đơn vị kinh doanh, phân phối, bán lẻ đều nhập, phân phối các loại hàng hóa, sản phẩm có chất lượng cao, đặc biệt là hàng Việt để kinh doanh dịp Tết.

Phục vụ đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng, các đơn vị kinh doanh, bán lẻ cũng đã nhập khẩu, lấy thêm các mặt hàng mùa vụ, đặc sản của các vùng miền để phục vụ nhu cầu tiêu dùng, thờ cúng của người dân chơi Tết.

Đại diện Sở Công thương cho biết: Dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán, sức mua của người tiêu dùng sẽ tăng cao, để tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh kích cầu tiêu dùng, Sở Công thương tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, truyền thông, quảng bá giới thiệu sản phẩm, hàng Việt.

Tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính để các DN, trung tâm thương mại, siêu thị thực hiện các chương trình khuyến mại phù hợp; tổ chức các đợt đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng sa...

Cùng đó, chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng, địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, công bằng.

Trước đó, sở cũng đã khảo sát, nắm bắt nhu cầu mua sắm của người dân và có hướng dẫn, chỉ đạo các DN, nhà phân phối xây dựng kế hoạch dự trữ nguồn hàng phong phú, dồi dào, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt gãy trong dịp Tết.

Thanh Hóa: Món quà Tết từ các sản phẩm OCOP

Những năm gần đây sản phẩm OCOP không chỉ trở thành mặt hàng tiêu dùng quen thuộc mà còn là tặng phẩm trang trọng trong dịp cuối năm của người dân tỉnh Thanh Hóa. Nắm bắt xu hướng này các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn thiết kế, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm để sẵn sàng nguồn hàng hóa cung ứng thị trường.

Lao động Công ty TNHH Dũng Lan ở phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa) tăng công suất cung cấp sản phẩm nem chua Bà Lan cho thị trường.

Với hương vị độc đáo, riêng biệt, nem chua đã trở thành sản phẩm ẩm thực gắn liền với địa danh Thanh Hóa. Dịp cuối năm và Tết Nguyên đán nhu cầu của người dân trong và ngoài tỉnh về nem chua tăng đột biến. Theo đó, nhịp sinh hoạt, sản xuất ở những cơ sở nem chua trên địa bàn tỉnh cũng hối hả, tất bật để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Sản phẩm nem chua Bà Lan của Công ty TNHH Dũng Lan, phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa) được nhận định là một trong số những sản phẩm OCOP trong nhóm thực phẩm có sức tiêu thụ lớn nhất trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Giám đốc Công ty Hoàng Hiệp cho biết: Với kinh nghiệm sản xuất hơn 20 năm, sản phẩm nem chua của chúng tôi luôn được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh đánh giá cao về chất lượng. Để được tiêu thụ ở hệ thống tiêu dùng hiện đại, công ty đã tham gia sản xuất theo chu trình OCOP. Năm 2022, sản phẩm nem chua Bà Lan đã được xếp hạng OCOP 4 sao của tỉnh. Mỗi ngày công ty cung cấp cho thị trường khoảng 1 vạn sản phẩm.

Dịp Tết Nguyên đán tăng từ 2 - 3 lần, không chỉ sử dụng trong gia đình, khách hàng còn làm quà biếu ra ngoài tỉnh. Hiện đơn hàng của chúng tôi đã kín đến ngày 26 tết. Công ty đã ký hợp đồng nguyên liệu thịt lợn, bì lợn sạch với Công ty TNHH Xuân Hiếu (Nông Cống); ớt, lá đinh lăng, gia vị với một số nông trại tại huyện Đông Sơn. Cùng với đó, 20 lao động của công ty đã phải tăng công suất làm từ 15 - 18 tiếng/ngày để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Được biết, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 Công ty TNHH Dũng Lan không chỉ đẩy nhanh sản xuất mà còn đổi mới mẫu mã, bao bì, quy cách đóng gói để phù hợp với nhu cầu biếu, tặng của khách hàng. Đồng thời, cam kết không tăng giá sản phẩm đột biến để khách hàng trong, ngoài tỉnh có cơ hội thưởng thức, cảm nhận hương vị độc đáo của sản phẩm nem chua đặc sản xứ Thanh.

Trong những mặt hàng OCOP của tỉnh Thanh Hóa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, các sản phẩm có nguồn gốc gắn với đặc trưng vùng miền luôn được người tiêu dùng ưa chuộng, tìm kiếm. Những tháng cuối năm, nhiều chủ thể sản xuất các đặc sản mang hương vị núi rừng như lạp xưởng, thịt chua, măng muối, măng khô, thịt gác bếp... cũng chủ động nguồn hàng để phục vụ dịp này, nhất là vào thời điểm cận tết, khách hàng đặt mua số lượng nhiều hơn ngày thường.

Năm nay, Tết Nguyên đán đến sớm hơn, vì vậy từ tháng 11 âm lịch, gia đình chị Hoàng Thị Thanh ở thị trấn Cành Nàng (Bá Thước) đã sẵn sàng nguồn nguyên liệu gấp đôi ngày thường để sản xuất món khâu nhục, lạp sườn phục vụ nhu cầu của thị trường. Chị Thanh cho biết: Với truyền thống sản xuất từ lâu đời nên sản phẩm khâu nhục, lạp sườn của gia đình đã được người dân địa phương và thị trường đánh giá cao. Không chỉ sử dụng trong sinh hoạt thường ngày mà dịp cuối năm, lễ tết, sản phẩm được người dân đặt hàng khá nhiều làm quà biếu. Năm 2021 gia đình có 2 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao là dấu mốc khẳng định giá trị của sản phẩm nên các đơn đặt hàng dịp tết ngày một đông hơn. Năm nay, để cung ứng đủ cho thị trường, chúng tôi phải đặt hàng nguyên liệu từ cuối tháng 11 âm lịch và sản xuất liên tục khoảng 16 tiếng/ngày. Năm nay dự kiến chúng tôi sẽ cho ra thị trường khoảng 2.000 bát khâu nhục, 2,5 tạ lạp sườn phục vụ nhu cầu tết của người dân.

Thanh Hóa hiện có 292 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong đó có rất nhiều sản phẩm mang đậm hương vị ngày tết như rượu sâm báo, rượu sim, rượu ngâm đông trùng hạ thảo, gạo nếp cái hoa vàng, nếp Cay Nọi, chè Bình Sơn, chè Tán ma Pha Dua, giò bò, nem chua... Các sản phẩm đều được cấp giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và tạo được dấu ấn riêng trên thị trường. Đa số sản phẩm OCOP được trưng bày, giới thiệu, bán tại các cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn thương mại điện tử như Voso.vn, Posmart.vn...

Đặc biệt trong dịp Tết này, các chủ thể sản phẩm OCOP còn mạnh dạn quảng bá, tiếp thị sản phẩm dưới dạng hình thức quà tặng để tiếp cận với thị trường. Do đó, những món quà Tết từ các sản phẩm OCOP không chỉ là cách gửi trao cho nhau món quà bảo đảm an toàn, chất lượng, mà còn là cơ hội để quảng bá sâu rộng hơn những sản phẩm mang tính đặc trưng vùng miền./.

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
Top