Sâm Ngọc Linh, được mệnh danh là “quốc bảo” của Việt Nam, không chỉ là niềm tự hào của mảnh đất Kon Tum mà còn là biểu tượng của giá trị kinh tế và y học quốc gia.
Với khí hậu và thổ nhưỡng độc đáo, Kon Tum trở thành vùng đất lý tưởng để loài sâm quý hiếm này sinh trưởng, phát triển. Hiện chính quyền và người dân nơi đây đang nỗ lực xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh vươn tầm quốc tế.
Tên gọi “Sâm K5” bắt nguồn từ đâu?
Vào 9 giờ ngày 19/3/1973, đoàn điều tra dược liệu của Ban Dân y Khu 5 do DS. Đào Kim Long và DS. Nguyễn Châu Giang hướng dẫn đã phát hiện một loài cây thân thảo (Panax) đặc biệt mọc hoang dưới tán rừng thành quần thể ở độ cao 1.800 m thuộc vùng núi Ngọc Linh (tỉnh Gia Lai- Kon Tum cũ). Đây là vùng đất có địa hình hiểm trở, khí hậu mát mẻ quanh năm, được bao phủ bởi những cánh rừng rậm rạp. Cây có thân mảnh màu xanh hoặc hơi tím, mọc dưới tán rừng rậm cao 40 - 100 cm; lá mọc vòng, có cuống dài, có từ 5 - 7 lá chét; rễ củ phình to và quả đỏ mọc thành chùm. Phần dưới đất của loài sâm này có hình ngoằn ngoèo giống đốt trúc nên được gọi là “sâm đốt trúc” và được DS. Đào Kim Long đặt tên khoa học sơ bộ là Panax articulatus K.L. Dao, thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae).
Năm 1973, đoàn điều tra dược liệu của Ban Dân y Khu 5 do DS. Đào Kim Long và DS. Nguyễn Châu Giang hướng dẫn đã phát hiện một loài cây thân thảo (sâm Ngọc Linh) ở vùng núi Ngọc Linh.
Qua nhiều nghiên cứu phân tích, người dân tộc Xê Đăng tại đây từ lâu đã biết đến loài cây này, gọi nó là “thuốc giấu” vì những công dụng chữa bệnh thần kỳ, tăng cường sức khỏe, sức bền và chữa nhiều bệnh tật. Họ thường sử dụng rễ và lá cây để chữa sốt rét, suy nhược cơ thể và nhiều bệnh lý khác. Các nhà khoa học nhận ra rằng đây là một loài sâm mới, chưa từng được ghi nhận trên thế giới.
Năm 1974, DS. Nguyễn Thới Nhâm đã phát hiện “sâm đốt trúc” chứa các saponin có trong nhân sâm, báo cáo loài Panax này có thể là một loài sâm quý và đề nghị Khu ủy Khu 5 có các biện pháp bảo vệ, tránh khai thác bừa bãi. Từ đó, cây sâm được gọi tên “sâm K5”.
Người dân địa phương trồng phát triển vùng cây sâm Ngọc Linh
Sau khi đất nước thống nhất, ngày 14/3/1978, Bộ Y tế ra quyết định thành lập Đơn vị Nghiên cứu chuyên đề sâm K5, sau đổi tên thành Trung tâm Sâm Việt Nam năm 1985 (tiền thân Trung tâm Sâm và Dược liệu TP. Hồ Chí Minh thuộc Viện Dược liệu hiện nay) do TS. Nguyễn Thới Nhâm là Giám đốc để nghiên cứu toàn diện về sâm Ngọc Linh.
Sâm Ngọc Linh đã trở thành cây trồng chủ lực giúp người dân địa phương xóa đói giảm nghèo. Cây có lá mọc vòng, có cuống dài, có từ 5 - 7 lá chét và quả đỏ mọc thành chùm.
Sâm Việt Nam được nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gọi tên là “cây sâm quốc bảo”, thể hiện sự quan tâm, khích lệ đối với cây sâm quý Việt Nam. Loài sâm quý này đã được công nhận là sản phẩm quốc gia tại Quyết định 787/QĐ-TTg ngày 7/6/2017 dưới tên Sâm Việt Nam. Ngày 1/6/2023, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 611/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, dùng tên gọi Sâm Việt Nam cho 4 cây sâm: sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, sâm Lang Biang và sâm Pusailaileng. Trong 4 cây sâm này, hiện tại chỉ có sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu được đầu tư trồng trọt, cung cấp sản phẩm hàng hóa. Hai loại sâm còn lại được phát hiện với số lượng ít, chủ yếu đang được bảo tồn, chưa được nghiên cứu nhiều.
Chìa khoá khai thác giá trị y học
Sâm Ngọc Linh được đánh giá là một trong những loại sâm quý nhất thế giới, với hơn 50 loại saponin khác nhau, và nhiều hợp chất quý khác như flavonoid, polysaccharid, acid amin, vượt trội so với các loại sâm Hàn Quốc, Nhật Bản hay Mỹ.
Lãnh đạo địa phương thăm các vùng trồng cây sâm Ngọc Linh
Hiện nay, sâm Ngọc Linh đang được bảo vệ nghiêm ngặt vì nguy cơ bị khai thác quá mức và mất môi trường sống tự nhiên. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nghiên cứu, nhân giống và phát triển loại sâm này để đảm bảo nguồn gen quý hiếm cũng như giá trị kinh tế bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh Kon Tum cũng đã triển khai nhiều biện pháp bảo tồn sâm Ngọc Linh. Các khu vực rừng nguyên sinh được bảo vệ nghiêm ngặt để đảm bảo điều kiện sinh trưởng tự nhiên của cây. Các dự án trồng sâm nhân tạo đã được khởi động, giúp mở rộng diện tích trồng lên đến 2.800 ha, lớn nhất nước và tăng năng suất. Kon Tum không chỉ là nơi giữ gìn nguồn gene quý hiếm mà còn là trung tâm phát triển sâm Ngọc Linh với quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước.
Sâm Ngọc Linh trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại phiên chợ sâm Ngọc Linh
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) cho biết, ngày mai (10/12), tại Làng tái định cư Tu Thó, diễn ra Hội thảo sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam. Trong khuôn khổ hội thảo, các đơn vị liên quan sẽ tổ chức ký kết nhiều nội dung quan trọng liên quan đến cây sâm Ngọc Linh, mở ra cơ hội lớn cho người trồng và cả ngành sâm. Cụ thể, nhóm nghiên cứu sâm Việt Nam của Trường đại học Tôn Đức Thắng sẽ ký kết hợp tác với Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum để nghiên cứu về sự phát triển hoạt chất trên cây sâm Ngọc Linh qua các chu kỳ phát triển hàng năm.
Ký kết hợp tác và hỗ trợ thành lập Viện nghiên cứu Sâm Ngọc Linh - Sâm Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh giữa Công ty cổ phần Vingin với nhóm nghiên cứu do GS.TS Nguyễn Minh Đức (Trường đại học Tôn Đức Thắng) và GS.TS Trần Công Luận (Hiệu trưởng Trường đại học Tây Đô) làm đại diện.
Nhóm nghiên cứu cũng ký kết với UBND huyện Tu Mơ Rông về nghiên cứu và chuyển giao phương pháp kiểm nghiệm phân biệt nhanh sâm Ngọc Linh với các loại sâm khác.
Làng tái định cư Tu Thó, nơi diễn ra hội thảo sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam
Đánh giá về tầm quan trọng của các nội dung ký kết tại hội thảo, ông Võ Trung Mạnh cho biết thêm, sâm Ngọc Linh đã được các nhà nghiên cứu khoa học khẳng định về giá trị, chất lượng. Việc ký kết hợp tác nghiên cứu hàm lượng hoạt chất của sâm Ngọc Linh qua các giai đoạn sẽ giúp phân biệt rõ hàm lượng saponin có trong cây sâm qua các năm phát triển, qua đó tiếp tục khẳng định, nâng cao giá trị sâm Ngọc Linh, giúp người tiêu dùng yên tâm và hưởng lợi. Nếu Viện Nghiên cứu phát triển Sâm Ngọc Linh được thúc đẩy thành lập, được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội cho các nhà khoa học có cơ hội nghiên cứu sâu, toàn diện hơn với cây sâm Ngọc Linh, từ đó đề ra các giải pháp phát triển bền vững. Còn việc ký ghi nhớ nghiên cứu và chuyển giao phương pháp kiểm nghiệm phân biệt nhanh sâm Ngọc Linh với các loại sâm khác sẽ giúp địa phương có cơ sở để quản lý, truy xuất nguồn gốc các loại sâm, góp phần hiệu quả trong việc bảo vệ người tiêu dùng khỏi nạn trục lợi từ sâm Ngọc Linh.
Theo GS.TS Nguyễn Minh Đức, Khoa Dược - Trường Đại học Tôn Đức Thắng, hội thảo lần này không chỉ là dịp quảng bá loài dược liệu quý hiếm mà còn là cơ hội để các bên liên quan cùng nhau thảo luận về những giá trị và chiến lược phát triển bền vững cho cây Sâm Ngọc Linh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước cũng như vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Để thực hiện được điều này, cần sự đồng lòng, chung tay của các địa phương có các cây sâm Panax, sự đồng tâm, hợp sức của 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông), bên cạnh những chính sách vĩ mô và vi mô phù hợp, hiệu quả và hài hòa, trong đó cần đặt lợi ích toàn cục của đất nước và Nhân dân trên hết. Chữ Sâm liền với chữ Tâm một vần!