Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 7 tháng 12 năm 2024  
Thứ ba, ngày 29 tháng 1 năm 2019 | 15:24

Ký ức Tết xưa...

Khi những chiếc bánh chưng được cha tôi vớt ra còn nóng hôi hổi, thơm ngào ngạt, dâng lên cúng tổ tiên, ông bà cũng là lúc tiếng pháo giao thừa rộn ràng khắp làng trên xóm dưới, một năm mới lại về, lòng tôi cứ rạo rực một cảm giác rất khó tả...

Đó là ký ức thời thanh xuân của tôi. Ba mươi năm đã trôi qua, nhưng cảm giác về những ngày Tết của ngày đó chưa bao giờ phai mờ trong ký ức của tôi. Hôm nay, những ngày giáp Tết, cảm giác đó trong tôi lại ùa về nguyên vẹn.
 
Tôi lại nhớ những ngày Tết chưa xa...
 
Quê tôi, một ngôi làng nhỏ có tên là Đông Ngàn nằm bên cạnh dòng sông Thiên Đức (sông Đuống ngày nay), thuộc phủ Từ Sơn, Tổng Bắc Ninh xưa. Theo các cụ cao niên kể lại, làng của tôi trước đây có tên là Long Tửu.
 
Làng tôi có một nghề truyền thống từ lâu đời đó là nghề nấu rượu, thứ rượu được nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng và men tự chế cho ra một thứ nước trong suốt và thơm phức, chính vì có thứ rượu ngon nổi tiếng khắp vùng mà sản phẩm của làng tôi được dâng cung tiến cho Vua, vì vậy làng tôi có tên là Long Tửu là như thế.
 
dsc_1444.JPG

Quê tôi nằm bên cạnh con sông Thiên Đức (sông Đuống ngày nay)

 
Vào thời nhà Lý, mỗi khi vua Lý Công Uẩn về quê cha ở làng Đình Bảng (Bắc Ninh) đều đi thuyền từ Kinh thành về ngã ba sông Thiên Đức và sông Hồng, sau đó lên bộ qua vùng đất của quê tôi để về thăm quê mẹ ở thôn Thái Đường (nay thuộc xã Mai Lâm, huyện Đông Anh – Hà Nội) rồi về quê cha.
 
Ngày nay, trong đình làng Thái Đường và chùa Diên Phúc vẫn còn lưu giữ được một tấm bia đá có ghi về nguồn gốc của mẹ Vua Lý Công Uẩn là Bà Phạm Thị.
 
Quê hương tôi được bồi đắp bởi phù sa màu mỡ của con sông Thiên Đức, người dân quê tôi hàng bao đời nay đã được dòng sông này nuôi sống, họ đã lớn lên từng ngày, từng ngày.
Quanh năm, suốt tháng người nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để kiếm cho mình bát cơm. Vất vả bươn chải đi khắp chợ trên xóm dưới, buôn thúng bán mẹt để sắm cho mình manh áo nhưng nụ cười vẫn luôn nở trên môi. 
 
chợ-quê.jpg

Theo mẹ ra chợ trong những ngày áp tết là niềm vui của lũ trẻ chúng tôi (ảnh minh họa)

 
Bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, dù người làng đi làm xa cũng đã lục đục kéo về, khắp làng trên, xóm dưới râm ran những tiếng cười chuẩn bị tiễn Ông Công, Ông Táo lên trời theo tục lệ và đón năm mới.
 
Những ngày sau đó, ngay từ tờ mờ sáng, con ngõ nhỏ chưa rõ mặt người đã râm ran tiếng người rủ nhau đi chợ Đông Trù, ánh đèn dầu le lói hắt ra từ một ngôi nhà tranh đầu làng không đủ để soi tỏ mặt người, nhưng mọi người trong làng đều nhận ra nhau bởi giọng nói đậm chất của vùng Kinh Bắc.
 
Những năm còn nhỏ tuổi, tôi vẫn được mẹ tôi cho đi chợ cùng, háo hức từ đêm hôm trước nên cả đêm tôi không tài nào nhắm mắt được, chỉ mong sao cho trời thật mau sáng để dậy đi cùng mẹ.
 
Trong cái lạnh cắt da cắt thịt của những tháng cuối năm, đứng ở đầu ngõ nghe từng cơn gió mùa đông bắc thổi về, rít từng cơn, làm những tàu lá chuối khô trong vườn xào xạc, bụi tre già vặn mình kêu răng rắc. Hai hàm răng của tôi va vào nhau lập cập, nhưng cứ nghĩ được theo mẹ ra chợ là tôi quên hết cái lạnh thấu da thịt kia.
 
Thích thú nhất đối với tôi trong ngày 23 tháng Chạp là sau khi đã cúng xong Ông Công, Ông Táo, trong lúc người nhà hóa vàng tôi được cùng mẹ mang cá ra con sông Thiên Đức để thả. Mẹ tôi bảo thả cá ra sông để Ông Công và Ông Táo lên Trời, bẩm báo với Ngọc Hoàng Thượng Đế về mọi việc gia đình trong một năm qua. Mãi đến khi trưởng thành tôi mới biết đó là một phong tục tập quán của người Việt đã có từ lâu đời.
 
Đối với tôi, từ sau ngày Ông Công, Ông Táo là Tết đã đến rất gần, cứ mỗi ngày mẹ tôi đi chợ về, trên chiếc rổ được cắp ngang hông lúc thì vài mớ lá dong, lúc thì vài ba bó lạt là tôi biết tết chỉ còn vài ba ngày nữa.
 
Do cuộc sống ngày ấy khó khăn và vất vả, nên cả năm mọi người đều dành dụm để lo cho gia đình của mình một cái tết sao no đủ, đầm ấm. Vì thế, không khí chuẩn bị đón tết không chỉ có ở làng quê nghèo chúng tôi mà khắp mọi vùng quê trên cả nước cong cong hình chữ S này đều rộn ràng.
 
Mọi thứ bánh trái không thuận tiện như bây giờ, có tiền loáng một cái ra siêu thị, ra chợ là có ngay một cái Tết thịnh soạn, nào bánh kẹo ngoại, hoa quả nước ngoài,... nên mọi gia đình đều phải tự làm cho mình những thứ đó cho dịp Tết.
 
Hạt bí thì được cất giữ từ giữa mùa hè khi mùa bí ngô thu hoạch, những trái bí ngô được nấu chè trong những ngày hè nóng nực ăn cho mát lòng mỗi khi đi làm đồng về, còn hạt thì được rửa sạch phơi thật khô và cho vào chum sành cất đi, Tết đến chỉ việc mang ra rồi rang với cát nóng để dùng. Tôi vẫn nhớ những buổi tối được ngồi rang hạt bí cùng chị, tiếng hạt bí nổ tanh tách trong chảo rang nóng rực.
 
Trước Tết khoảng 1 tuần mẹ tôi lựa chọn những quả trứng gà ngon nhất, đường kính trắng để dành chỉ khi nào ốm mới được dùng cộng với vài cân bột mỳ mang sang bên phố thuê họ làm cho vài cân bánh quy gai, mùi bánh thơm và béo ngậy làm cho chúng tôi đứa nào cũng thèm, mẹ tôi chỉ cho chúng tôi những chiếc bánh gẫy vụn để ăn thử, còn đâu thì lại gói thật kỹ để dành, Tết mới được ăn.
 
Có lẽ, việc quan trọng nhất của mọi gia đình trong một cái Tết là làm sao lo cho được một nồi bánh chưng, thứ bánh truyền thống có từ thời Vua Hùng Vương trong truyền thuyết. Loại bánh chứa đựng nét văn hóa tâm linh, gói trọn cả tâm hồn của người dân nông nghiệp trồng lúa nước.
 
nhung-hinh-anh-nhuc-long-nguoi-xa-que-ngay-tet.jpg

Đếm những chiếc bánh chưng là niềm vui của lũ trẻ (ảnh minh họa)

 
Những năm đó, sao mùa đông lạnh thế, những cơn gió mùa Đông Bắc tràn về mang theo những cơn mưa phùn làm cho cái lạnh càng thêm tê tái, mang mấy gói lá dong ra sông để rửa khi về hai môi thâm tím, hai hàm răng va vào nhau lập cập, nhưng cũng rất vui vì Tết đã đến rồi. 
 
Ngày quan trọng nhất cũng đã đến, cha tôi dậy từ sớm để cùng mẹ tôi vo gạo, đãi đỗ, thái thịt để chuẩn bị gói bánh chưng, không thể tả hết tâm trạng của chúng tôi trong những lúc như thế này.
 
Những chiếc bánh chưng được cha tôi khéo léo gói bằng tay vuông vắn, buộc bên ngoài lá xanh là những chiếc lạt trắng tinh. Ngồi xem cha tôi gói bánh nhưng miệng vẫn lẩm bẩm đếm xem năm nay nhà mình gói được bao nhiêu chiếc. Trẻ con lạ thế, cứ thấy nhiều là thích chứ biết đâu là để lo cho được một nồi bánh chưng như thế này cha mẹ tôi phải vất vả sớm khuya nhiều lắm.
 
Chiều 30 Tết, ngồi bên cạnh nồi bánh chưng đang réo ùng ục, tôi được nghe bà tôi kể cơ man nào là chuyện về những chiếc bánh chưng, bánh dày, về những cái Tết cổ truyền từ đời xửa đời đời xưa. Mùi bánh chưng thơm phưng phức cộng với mùi khói pháo thơm lừng đưa tôi chìm vào trong những giấc mơ cổ tích.
 
Khi những chiếc bánh chưng được cha tôi vớt ra còn nóng hổi và thơm ngào ngạt, dâng lên cúng tổ tiên, ông bà cũng là lúc tiếng pháo giao thừa rộn ràng khắp làng trên xóm dưới, tôi như có cảm giác mùa xuân mới đang gõ cửa từng nhà. Trong làn khói hương trầm nghi ngút, bà tôi áo dài khăn vấn đứng trước bàn thờ tổ tiên chắp tay cầu khấn để mong cho cả gia đình một năm mới bình an.
 
Đã qua hơn mấy chục năm, nhưng những cái Tết xưa của thế kỷ trước vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi và tôi tin, những người ở thế hệ tôi cũng thế... 
 
Quê tôi, bây giờ đã đổi thay nhiều lắm, những con đường làng lát gạch đỏ xưa kia đã được thay thế bằng đường bê tông sạch sẽ, những ngôi nhà tranh vách đất được thay thế bằng nhà cao tầng sang trọng...
 
Quê tôi, bây giờ không chỉ có nghề nấu rượu mà người dân ở đây còn làm thêm nghề sản xuất bánh, những ngày này bánh của người dân được mang đi tiêu thụ khắp các tỉnh phía Bắc...
 
Quê tôi, giờ cũng đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, cuộc sống của bà con thay đổi rất nhiều...
 
Và Tết ngày nay không còn là Tết xưa nữa, đã rất khác...
 
Tôi nhớ Tết ngày xưa!
 
 
 
 
 
Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top