Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 20 tháng 1 năm 2018 | 2:30

Chuyển đổi ở làng hoa Tết Xuân Quan

Nằm giữa vùng Đồng bằng Bắc Bộ, ba phía tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, xã Xuân Quan (Văn Giang - Hưng Yên) được xem là vùng sản xuất hoa chậu, hoa thảm, cây công trình lớn nhất miền Bắc. Hoa Xuân Quan sản xuất quanh năm, đảm bảo chất lượng, thị trường là các địa phương trong cả nước.

Hộ ông Lê Mạnh Tuyến chăm sóc hoa hồng xanh, sản phẩm đang “hot” trên thị trường Tết.

Muôn hoa khoe sắc

Đến Xuân Quan vào những ngày giáp Tết Mậu Tuất 2018, chúng tôi được bà con cho biết, những năm 2000, người dân trong xã chỉ trồng rau màu, tự túc lương thực là chính. Nghề trồng hoa, cây cảnh chưa phát triển, quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu trồng các loại hoa bản địa. Năm 2012, bước ngoặt lớn đã đến với Xuân Quan, khi địa phương bàn giao trên 120ha đất nông nghiệp để làm đường giao thông liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên và Khu Đô thị thương mại du lịch Văn Giang. Do mất đất nông nghiệp nên bà con được học các lớp nghề, trong đó có 1 lớp trồng hoa, cây cảnh, 172 người tham gia, thời gian học 3 tháng, do giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam giảng dạy.

Ông Lê Mạnh Tuyến, ở thôn 1, cho biết, năm 2003, gia đình ông chỉ trồng các loại hoa truyền thống như ngọc lan, hồng ta, cau cảnh, hoa xương rồng, bát tiên. Năm 2012, khi cả xã có phong trào trồng hoa thảm, hoa chậu, cây công trình, ông cũng làm theo. Hiện, ông Tuyến đang kinh doanh các loại như: ngọc thảo, dạ yến thảo, cẩm chướng, xác pháo, cúc... Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, ông chuyển hẳn sang trồng hoa hồng ngoại, giống nhập khẩu từ châu Âu (Anh, Pháp, Đức) và châu Á (Thái Lan, Nhật Bản), với hàng trăm chủng loại khác nhau. Năm 2017, ông bổ sung thêm hoa hồng xanh, hiện đang rất “hot” trên thị trường, giá cây giống 120.000 đồng/chậu, sau 6 tháng chăm sóc bán với giá 450.000 - 500.000 đồng/chậu. Hiện, trang trại của ông rộng 4.000m2, có trên 5.000 chậu hoa cảnh, đường kính từ 25-30cm; cao 30-40cm, giá bán tại vườn bình quân 100.000-150.000 đồng/chậu. Đầu ra thông thoáng, thương lái đến lấy tại vườn, chủ yếu cung cấp cho Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng và các tỉnh miền Trung, miền Nam. Doanh thu của trang trại đạt 500-600 triệu đồng/năm, lãi 200-300 triệu đồng/năm.

Theo ông Nguyễn Văn Thơm ở thôn 3, gia đình ông theo nghề trồng hoa từ năm 2002, tuy nhiên, thời điểm này đang có phong trào trồng cây cảnh thế (sanh, si và cau cảnh), nên ông chủ yếu kinh doanh các loại trên, vài năm sau chuyển sang trồng hồng ta, nhưng thu nhập không cao. Phải đến năm 2010 - 2012, khi Xuân Quan có các lớp học về trồng hoa, ông mới chính thức theo đuổi nghề. Hiện, ông Thơm có 1,5 mẫu trồng hoa hồng ngoại, hoa thảm, bình quân mỗi chậu có giá từ 200.000 đồng đến vài triệu đồng, thu lãi 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 -5 nhân công với mức lương bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.

Ông Thơm còn cho biết, làm hoa chậu khó nhất là pha trộn giá thể, chủ yếu phải dùng thuốc bảo vệ thực vật sinh học để đảm bảo hương sắc của hoa và sức khỏe người trồng, người tiêu dùng. Mặt khác, chăm sóc hoa cũng cần phải cẩn thận, nhất là khi mới mua, phải chăm sóc chu đáo trong 4-5 tháng liền, khi cây cao 30-40cm, vững vàng, khỏe mạnh mới giao cho khách.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quý Đôn,  Chủ tịch UBND xã Xuân Quan, cho biết: “Hiện, xã có 872 hộ trồng hoa, cây công trình, chiếm trên 35% số hộ trong toàn xã, với diện tích 130,7ha, chiếm gần 58% tổng diện tích đất canh tác. Lợi nhuận từ trồng hoa đạt từ 1-1,5 tỷ đồng/ha, tương đương 50-55 triệu đồng/sào/năm; lợi nhuận từ cây công trình đạt 1-1,2 tỷ đồng/ha, tương đương 45-50 triệu đồng/sào/năm. Nghề trồng hoa tạo việc làm ổn định cho trên 1.000 lao động địa phương và các vùng lân cận, với mức thu nhập bình quân từ 4,5-6 triệu đồng/người/tháng”.

Để vùng hoa phát triển bền vững     

Cũng theo ông Đôn, nghề sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh, cây công trình của Xuân Quan được duy trì quanh năm, với nhiều chủng loại và theo thời vụ. Là địa phương có các cơ quan đào tạo, nghiên cứu khoa học đóng trên địa bàn như: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu Rau quả, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh… nên nông dân ở đây có điều kiện ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất một cách nhanh nhất. Hiện, Xuân Quan đã hình thành 3 vùng hoa chính, vụ xuân, vụ hè - thu và vụ đông. Trong đó, vụ xuân và vụ hè - thu là 2 vụ có điều kiện thời tiết, khí hậu, độ ẩm  và nhiệt độ tương đối giống nhau, nên bà con gieo trồng các loại như: hồng, cúc mặt trời, đồng tiền, cúc bướm,... Vụ đông, ngoài hồng, cúc, đồng tiền còn có thêm cẩm chướng, thược dược, phong lữ thảo, tuy líp, ớt cảnh và nhiều loài hoa khác để phục vụ Tết Nguyên đán. Đặc biệt, trong quá trình sản xuất, bà con chú ý gieo trồng đa dạng chủng loại như: hoa, cây cảnh, hoa chậu, hoa thảm ngắn ngày, chất lượng, chủng loại hoa được thị trường và người tiêu dùng trên cả nước chấp nhận.

Để vùng hoa phát triển bền vững, ngay từ năm 2012, sau khi bàn giao diện tích đất cho nhà đầu tư, Xuân Quan đã tập trung nạo vét, mở rộng hệ thống thủy lợi nội đồng, nâng cấp và bê tông hóa hầu hết các tuyến đường ra bãi. Sửa chữa và làm mới trên 5km đường điện ra bãi để phục vụ sản xuất. Đặc biệt, chú trọng triển khai nhiều chương trình tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về ngành hoa cho nông dân. Năm 2015, xã đã phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo về thực trạng và định hướng phát triển vùng sản xuất hoa, cây cảnh tập trung chuyên canh tại xã Xuân Quan, giai đoạn 2015-2020, gần 500 cán bộ, nông dân tham dự. Tổ chức 8 buổi tập huấn cho 750 lượt hội viên nông dân về chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Bước đầu hình thành vùng rộng lớn chuyên sản xuất hoa chậu, hoa thảm, áp dụng công nghệ cao, có quy mô lớn về diện tích, số hộ và sản lượng hoa tiêu thụ.      

Tuy nhiên, nghề trồng hoa ở Xuân Quan vẫn còn nhiều khó khăn như: nông dân còn thiếu kiến thức về sản xuất hoa áp dụng công nghệ cao; một số hộ chưa áp dụng đúng kỹ thuật trong việc phối trộn giá thể trồng hoa; chưa năng động, sáng tạo trong chuyển đổi cây trồng, vẫn duy trì sản xuất các loại cây hiệu quả thấp. Hệ thống điện phục vụ sản xuất còn yếu; đường giao thông nhỏ hẹp, thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông khi vận chuyển, buôn bán hoa, cây công trình...

Dự kiến, năm 2018, Xuân Quan phấn đấu diện tích trồng hoa cây cảnh ngắn ngày tăng thêm 7-10ha so với năm 2017; tổng lợi nhuận từ sản xuất, kinh doanh hoa, cây công trình đạt 110-130 tỷ đồng. 

 Dương An Như

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top