Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 1 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 28 tháng 8 năm 2023 | 17:0

Làm gì để ngành chăn nuôi lợn thoát sự bấp bênh và khó cạnh tranh?

Hiện, sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam chưa thể cạnh tranh được khi xuất khẩu, việc nước ta gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), với lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu về mức 0% đã tạo điều kiện cho thịt giá rẻ từ nước ngoài tràn vào Việt Nam, lấn át thịt nội.

Vì thế, ngành chăn nuôi lợn luôn gặp phải nhiều khó khăn ngay ở thị trường trong nước, chứ chưa nói đến có thể xuất khẩu một cách thuận lợi.

Giá thành chăn nuôi của Việt Nam khá cao vì các chuỗi cung ứng phụ thuộc bên ngoài rất lớn.

Bấp bênh và khó cạnh tranh

Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ NN&PTNT, trong 7 tháng, xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam ước đạt 276 triệu USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 76 triệu USD, tăng 18,7%. Xuất khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt phụ phẩm ăn được sau giết mổ đạt 80 triệu USD, tăng 36,5%.

Việt Nam có tổng đàn lợn đứng thứ 5 thế giới (khoảng 25 triệu con, tương đương 3,1 triệu tấn). Trong nửa đầu năm, nước ta xuất khẩu khoảng 19.000 tấn thịt lợn (chủ yếu là thịt lợn sữa đông lạnh), trị giá trên 18,4 triệu USD. Với lợn sống, chỉ khoảng 6.800 con.

Ở chiều ngược lại, 7 tháng qua, Việt Nam đã chi tới 2,01 tỷ USD để nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt. Trong đó, nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa ước đạt 732 triệu USD; nhập khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ ước đạt 752 triệu USD...

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng, giá thành chăn nuôi của Việt Nam khá cao vì các chuỗi cung ứng phụ thuộc bên ngoài rất lớn. Nguồn thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, con giống của nước ta đều cơ bản nhập khẩu và nguồn cung do các doanh nghiệp FDI chi phối nên sản phẩm thịt hiện không thể cạnh tranh được với các nước.

Với chăn nuôi lợn, giá thành ở Việt Nam vào khoảng 50.000 đồng/kg. Với những trang trại lớn, tự chủ được con giống, giá thành khoảng 45.000 - 48.000 đồng/kg. Tuy nhiên, ở các nước châu Âu, con số này chỉ khoảng 35.000 đồng/kg. Còn ở châu Mỹ (Mỹ, Brazil), giá chưa tới 25.000 đồng/kg. Nếu so với các nước như Thái Lan, Trung Quốc, giá thành sản xuất lợn của Việt Nam đang “một trời một vực”.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, cho rằng, Việt Nam ở cạnh một thị trường tiêu thụ thịt lợn rất lớn là Trung Quốc. Song đến nay, chúng ta vẫn chưa thể xuất thịt lợn chính ngạch sang thị trường này dù cơ quan chức năng hai nước đã bàn thảo nhiều năm qua. “Khi chưa tìm được đầu ra xuất khẩu cho các sản phẩm, giá thịt lợn, gà… vẫn luôn ở tình trạng bấp bênh mỗi khi thị trường biến động”, ông Sơn nói.

Theo ông Đoán, các nước trên thế giới đang có xu hướng bảo hộ ngành chăn nuôi rất mạnh. Như Nhật Bản, để xuất hàng vào thị trường này, các doanh nghiệp phải mất 4 - 5 năm đàm phán. “Trong danh mục cả chục sản phẩm, họ chỉ cấp phép cho một vài sản phẩm có hạn sử dụng ngắn, dẫn tới việc xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam hết sức khó khăn”, ông Đoán cho hay.

Tự chủ nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi

Trong khi sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam chưa thể cạnh tranh được khi xuất khẩu, việc nước ta gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), với lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu về mức 0% đã tạo điều kiện cho thịt giá rẻ từ nước ngoài tràn vào Việt Nam, lấn át thịt nội.

Theo cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA), thuế nhập khẩu thịt lợn đông lạnh sẽ về 0% sau 7 năm khi hiệp định có hiệu lực. Thuế nhập khẩu các loại thịt lợn khác về 0% sau 9 năm. Thịt gà bỏ thuế hoàn toàn sau 10 năm, thịt bò là 3 năm. Tuy nhiên, khi hiệp định có hiệu lực chưa đầy một năm, thịt từ các quốc gia Liên minh châu Âu như Ba Lan, Đức, Hà Lan… đã ồ ạt về Việt Nam.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu cũng giúp thịt từ Nga, Brazil, Canada, Mexico… liên tục thâm nhập thị trường Việt Nam thời gian qua và trở thành nhóm thị trường cung thịt lợn tươi ướp lạnh, đông lạnh lớn nhất cho Việt Nam.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Việt Nam (Bộ NN&PTNT), cho rằng, để xuất khẩu các sản phẩm gia súc, gia cầm, kiểm soát dịch bệnh là một trong những nguyên tắc then chốt trong các FTA và Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của WTO (Hiệp định SPS) giữa Việt Nam và các nước khác.

Chăn nuôi lợn hướng tới tập trung công nghiệp, quy mô lớn. (Ảnh: PV)

Đến nay Việt Nam mới chỉ có 67 nhà máy chế biến thịt quy mô công nghiệp, sản phẩm giá trị gia tăng cao (đồ hộp, hun khói, xúc xích…). Quy mô chế biến thịt lợn của nước ta mới chỉ ở mức 1,3 triệu tấn/năm, chiếm 20-22% sản lượng lợn thịt xuất chuồng.

“Muốn mở rộng thị trường xuất khẩu thịt, chúng ta cần phải kiểm soát tốt dịch bệnh trong nước, đồng thời phát triển mạnh các nhà máy chế biến, sản phẩm phải bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế”, ông Hòa nói.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, nếu so sánh với nhiều ngành hàng nông nghiệp khác, chăn nuôi Việt Nam đang rơi vào tình cảnh “sản xuất nhiều nhưng xuất khẩu chưa được bao nhiêu”. Cả năm ngoái, xuất khẩu ngành chăn nuôi chỉ đạt 409 triệu USD, trong đó xuất khẩu thịt lợn, sản phẩm chế biến từ thịt lợn chiếm tỷ trọng rất thấp.

Theo ông Tiến, với sản lượng đứng tốp đầu thế giới, ngành chăn nuôi lợn hiện nay không thể quanh quẩn ở thị trường trong nước mà phải hướng đến xuất khẩu. Để hiện thực hóa được mục tiêu này, trước hết cần phải độc lập, tự chủ được nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Đây cũng là mục tiêu Thủ tướng chính phủ đặt ra cho ngành nông nghiệp.

“Hiện Việt Nam có khoảng 800.000ha có thể chuyển sang trồng ngô, đậu tương... để có nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp. Bộ đã ký kết với một số doanh nghiệp triển khai xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Tây Nguyên. Còn đối với vùng chăn nuôi đạt chuẩn an toàn sinh học, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang phối hợp với các địa phương xây dựng tại Đông Nam bộ”, ông Tiến cho hay.

Những “tay chơi mới” gia nhập “cuộc đua”

Với tiềm năng còn khá lớn, bên cạnh hoạt động đẩy mạnh mở rộng kinh doanh từ các “ông lớn” ngoại, thị trường sản xuất và chế biến thịt lợn gần đây chứng kiến sự gia nhập một số “tay chơi mới” như CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã HAG) HAGL, CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã BAF).

HAGL đã chính thức ra mắt thương hiệu Bapi “heo ăn chuối” và cửa hàng BapiMart với sản phẩm chủ lực là thịt lợn mảnh cùng một số thực phẩm chế biến từ thịt như thịt nguội, chả lụa, xúc xích. “Heo ăn chuối” được giới thiệu là sản phẩm thịt thơm ngon và sạch do lợn ăn chuối sạch quanh năm ít mắc bệnh dịch hơn. Bên cạnh đó việc tận dụng được nguồn chuối thải loại làm thức ăn chăn nuôi cũng giúp “heo ăn chuối” giảm được giá thành sản xuất.

Còn với BAF, công ty này bắt đầu ra mắt sản phẩm thịt lợn từ năm 2021, đến nay thịt thương hiệu của BAF đã có mặt tại 50 cửa hàng Siba Food và 250 cửa hàng Meat Shop. Hiện nay, BAF có quy mô đàn lợn hơn 200.000 con (bao gồm lợn thịt và lợn giống), hai nhà máy thức ăn chăn nuôi và 15 trang trại rộng khắp khu vực phía Nam.

Công ty Chứng khoán VNDirect đánh giá sự gia nhập của BAF và HAG đang “phù hợp với thời đại” những bước dịch chuyển trong thói quen của người tiêu dùng từ mua thịt ở chợ, không rõ nguồn gốc sang những nơi có thương hiệu, có tiêu chuẩn cao hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, công ty chứng khoán này cho rằng, mặc dù thu hút sự chú ý của người tiêu dùng nhờ tên thương hiệu đặc biệt, nhưng sản phẩm “heo ăn chuối” không có quá nhiều khác biệt so với những sản phẩm thịt sạch đang có đối với thị trường, xét ở góc độ tiêu dùng.

Sàn giao dịch thịt lợn sẽ giúp bà con chăn nuôi có được giá ổn định.

Có chăng, lợi thế hiện tại của HAG và BAF đang nhờ chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi trên thị trường tăng cao.

Ở thời điểm HAGL chuyển sang nuôi lợn, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nhưng công ty này vẫn báo lãi nhờ mô hình nuôi heo tận dụng lượng lớn chuối thải loại được đưa vào sản xuất thành bột chuối để phối trộn trong thức ăn chăn nuôi.

Báo cáo kết quả kinh doanh tháng 8/2022 của HAGL cho thấy, trong tháng công ty đã xuất ra thị trường hơn 30.114 con heo thịt và 28.487 tấn cây ăn trái, thu về 193 tỷ đồng doanh thu từ ngành cây ăn trái, 195 tỷ đồng từ ngành chăn nuôi và 60 tỷ đồng đến từ ngành phụ trợ. Kết quả, lợi nhuận sau thuế trong tháng 8 của HAGL đạt 123 tỷ đồng.

Lũy kế 8 tháng, HAGL đã thu về 2.708 tỷ đồng doanh thu thuần, trong đó 779 tỷ đồng từ ngành chăn nuôi, 1.472 tỷ đồng ngành cây ăn trái và 457 tỷ đồng ngành phụ trợ. Lợi nhuận sau thuế đạt 781 tỷ đồng, đạt 69% chỉ tiêu đề ra trong năm 2022.

Tương tự, việc chủ động được nguồn thức ăn cũng đã giúp doanh thu mảng chăn nuôi của BAF trên đà tăng. Theo lãnh đạo BAF, thức ăn chăn nuôi mà công ty sử dụng hoàn toàn không có chứa các thành phần có gốc đạm động vật, nghĩa là chỉ sử dụng các thành phần có gốc thực vật. Vì vậy, công ty không áp lực cạnh tranh giá với các công ty cám thương mại giảm giá thành từ đạm gốc động vật để cạnh tranh.

Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên đã kiểm toán của BAF cho thấy, doanh thu thuần mảng chăn nuôi quý 2/2022 của công ty đạt 326 tỷ đồng, tăng 181% so với cùng kỳ 2021; doanh thu thuần mảng chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2022 đạt 620 tỷ đồng, tăng 117% so với cùng kỳ 2021.

Trong 6 tháng đầu năm, BAF cung cấp cho thị trường hơn 140.000 heo giống và thịt. Công ty đặt kế hoạch năm 2023, xây dựng tổng sản lượng heo nái đạt 65.000 con, sản lượng heo thịt thương phẩm bán ra thông qua các kênh nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt heo sạch – ngon của thị trường đạt khoảng 1.560.000 đầu heo/năm.

Tương tự, HAGL dự kiến năm 2023 sẽ đưa ra thị trường 20 triệu con gà đi bộ ăn chuối và 1 triệu con “heo ăn chuối”, đồng thời phát triển mạnh thương hiệu Bapi Food “heo ăn chuối” với trên dưới 1.000 cửa hàng, trong đó 80% nhượng quyền./.

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
Top