Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 11 năm 2022 | 14:58

Làng hoa, cây cảnh Hải Phòng tất bật vào vụ Tết

Còn khoảng 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Thời điểm này, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hoa trong dịp Tết, nông dân tại các nhà vườn ở TP. Hải Phòng đang tất bật tưới nước, tỉa cành, bón phân…, tập trung chăm sóc hoa, cây cảnh chuẩn bị cho vụ hoa cuối năm. Bà con hy vọng vào mùa kinh doanh khởi sắc sau 2 năm Tết bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Nhộn nhịp các làng hoa, cây cảnh

Xã Đặng Cương (huyện An Dương) vốn nổi tiếng với nghề trồng và chăm sóc đào, quất. Cứ mỗi dịp gần đến Tết Nguyên đán, người dân nơi đây lại chuẩn bị bước vào thu hoạch chính vụ phục vụ cho người dân chơi Tết. Hiện nay, các hộ trồng đào đang tập trung thực hiện các công đoạn tuốt lá, bón phân, tưới nước, để cây đào phát triển tốt, làm nụ và nở hoa vào đúng dịp Tết.

Chị Nguyễn Thị Yến (thôn Tự Lập, xã Đặng Cương) có kinh nghiệm hơn 30 năm trong nghề cho biết: “Thời điểm này, vườn đào của gia đình bắt đầu tưới nước và 15 ngày nữa thì tuốt lá, sau khi tuốt lá, đào được tưới lân, kali để kích thích đào nảy nụ và chồi non. Từ nay đến Tết, việc đào có nở hoa đúng dịp Tết hay không phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thiên nhiên. 

Chị Nguyễn Thị Yến (thôn Tự Lập, xã Đặng Cương, huyện An Dương) tưới nước cho cây đào, đào chuẩn bị đến giai đoạn tuốt lá.

Chia sẻ thêm với P.V, chị Yến nói, người dân trồng đào cả một năm chỉ chờ thu hoạch vào dịp Tết. Bắt đầu từ cuối tháng Giêng (âm lịch), sau khi người dân chơi Tết xong, gia đình thu lại cây về vườn và cải tạo đất, trồng, chăm sóc, uốn cành, cắt tỉa, tạo kiểu…. Đầu năm, gia đình mua thêm 30 gốc đào từ  vùng Tây Bắc, tuy nhiên, khi về dưới này, do điều kiện thời tiết, tưới nước quá ẩm, khiến 10 gốc đào bị chết. Tích lũy nhiều năm kinh nghiệm trồng đào là vậy, nhưng việc đào nở đúng Tết hay không còn phụ thuộc một phần vào điều kiện thời tiết. Việc trồng và buôn đào cũng tùy thuộc vào thị trường tiêu thụ mỗi năm, nhộn nhịp nhất là từ giữa tháng Chạp cho đến Tết.

Trên cánh đồng trồng quất của làng nghề trồng hoa, cây cảnh xã Đồng Thái,  cô Nguyễn Thị Dần đang nhặt bỏ những lá sâu, quả quất bị hỏng, cho cây tập trung nuôi quả. Theo cô Dần, thời tiết năm nay khá thuận để cây quất phát triển, tuy nhiên, nếu để cây quất thật sự đẹp và cho quả chín đúng dịp Tết thì phải có rét, có ấm mới tạo nên cây quất đẹp. Trồng quất cảnh mất nhiều thời gian, công chăm sóc, năm nay giá phân bón lại cao gấp đôi mọi năm, mọi thứ đều tăng theo thị trường. Cây quất của gia đình năm nay quả to đều, lá xanh hơn mọi năm, hy vọng nhu cầu thị trường chơi cây quất cảnh năm nay cao, để người nông dân khắc phục được khó khăn do nhiều năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngoài 2 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) quất, gia đình cô Dần còn trồng 70 gốc đào đang chờ tuốt lá đúng dịp.

Cô Nguyễn Thị Dần (xã Đồng Thái, huyện An Dương) đang tưới nước cho cây quất và ngắt bỏ những lá sâu, quả bị hỏng, cho cây tập trung nuôi quả.

Đang lúi húi cuốc đất, đắp lên những luống hoa dơn, bà Trần Thị Tuyết (73 tuổi, xã Đồng Thái) mặc dù tuổi đã cao, nhưng gắn bó với nghề nông, trồng hoa đã mấy chục năm, bà Tuyết vẫn cần mẫn, cặm cụi bên những luống hoa dơn của gia đình. Bà Tuyết cho biết, để phục vụ thị trường hoa Tết năm nay, bà trồng khoảng 9.000 gốc hoa dơn, bắt đầu trồng từ cuối tháng 10 (âm lịch), cây hoa sẽ cho thu hoạch đúng dịp Tết. Khi hoa dơn chưa vào vụ đại trà, có giá khoảng 70.000đ/10 cành; đại trà khoảng 40.000đ/10 cành; dịp Tết có thể lên đến 200.000/10 cành. Hoa dơn bán được đúng dịp Tết, gia đình sẽ có thu nhập  50 triệu đồng/sào.

Bà Trần Thị Tuyết dù đã 73 tuổi nhưng hằng ngày vẫn cặm cụi bên luống hoa dơn, mong một mùa Tết bội thu.

Đô thị hoá, thu hẹp diện tích trồng hoa

Hạ Lũng là làng nghề trồng hoa truyền thống nổi tiếng khắp miền Bắc, thuộc phường Đằng Hải, quận Hải An. Thời kỳ làng hoa phát triển những năm 80, 90 của thế kỷ 20, có đến 70% số hộ trồng hoa. Cả làng lúc nào cũng như một bức tranh đủ sắc màu, đi đến đâu cũng thấy hoa, từ những giống hoa quen thuộc, dễ trồng như cúc, hồng, thược dược… cho đến những loại hoa hiếm như huệ tây, violet, lay ơn, cẩm chướng… vốn cần sự cầu kỳ trong cách chăm bón. Sản phẩm hoa Hạ Lũng không chỉ phục vụ cho người dân thành phố mà còn cung cấp cho mọi miền đất nước.

Chị Lê Thị Ban (phường Đằng Hải, quận Hải An) thật sự tiếc nuối khi những thửa ruộng trồng hoa bị thu hẹp, nhường chỗ cho các công trình xây dựng.

Những năm trở lại đây, quá trình đô thị hoá và sự cạnh tranh của các nguồn cung khác đã khiến diện tích trồng hoa của làng dần bị thu hẹp và chia nhỏ. Vì vậy, người dân cũng chọn trồng những loại hoa phù hợp với điều kiện thực tế và nhu cầu thị trường. Những ngôi nhà, biệt thự thi nhau mọc lên trên đất trồng hoa đã để lại không ít tiếc nuối cho những ai vốn yêu làng nghề truyền thống này.

Đang miệt mài tỉa nhánh hoa cúc chị Lê Thị Ban  chia sẻ: “Nghề trồng hoa được truyền lại từ thời các cụ và tôi cũng gắn bó  20 năm nay. Chứng kiến những thửa ruộng trồng hoa phải nhường chỗ cho các dự án, công trình xây dựng, những khu tái định cư… khiến diện tích trồng hoa bị thu hẹp, nghề mang lại thu nhập chính cho người dân Đằng Hải ngày một giảm sút. Những người ngoài 40 tuổi như tôi đi xin làm ở doanh nghiệp cũng khó, nay chỉ biết bám vào nghề trồng hoa để mưu sinh. Diện tích trồng hoa của gia đình nay còn 1 sào, tôi phải đi thuê lại 1 mẫu ruộng khác để cố bám lấy nghề xưa các cụ truyền lại. Tôi trồng đủ các loại hoa: cúc trắng, cúc vàng, ngọc bích, cúc đồng tiền, cúc cánh mối, cúc đỏ…. Nhu cầu chơi hoa dịp Tết kéo dài, vì vậy, tôi trồng gối các luống cách nhau 10 -15 ngày. Hiện vườn hoa của gia đình có luống vừa trồng, có luống cây hoa cao chừng 15 cm, luống chuẩn bị có nụ, luống đã đơm bông… Với cách làm này, gia đình sẽ có hoa bán suốt trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Cũng giống như chị Ban, sau khi diện tích trồng hoa của gia đình bị thu hồi, chị Trần Thị Hoài tận dụng phần đất nhà nước đã thu hồi làm khu tái định cư cho dân nhưng chưa xây dựng để trồng hoa.

Chị Hoài cho biết:  Khi các dự án được triển khai, diện tích đất nông nghiệp của chúng tôi bị thu hồi khiến nhiều hộ  không biết xoay xở làm sao. Có nhiều người đã quá tuổi lao động, họ chỉ trông vào đồng ruộng để có thu nhập.Chúng tôi chỉ mong được quy hoạch vùng chuyên trồng hoa, để giữ gìn nét đẹp của làng nghề hoa Đằng Hải”. 

Tình yêu với nghề trồng hoa đã ngấm vào máu thịt của người dân, nên những người dân nơi đây hàng ngày vẫn cần mẫn sớm hôm bên cánh đồng hoa. Hoa vẫn được chăm sóc kỹ lưỡng, những bông hoa tươi sắc như cứ vươn mình ra đón ánh nắng mặt trời. Nhờ đất đai màu mỡ cùng với bàn tay khéo léo của những người dân giàu kinh nghiệm, những bông hoa của người dân quận Hải An được nhiều khách hàng tìm đến và đặt mua, và nhà vườn sẽ có một cái Tết đủ đầy.

 

Phạm Trang
Ý kiến bạn đọc
Top