Đối với người mắc bệnh gout, việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, đào thải axit uric dư thừa là rất quan trọng. Dưới đây là tác dụng của rau má tới người có nồng độ axit uric cao.
Rau má giúp giảm nồng độ axit uric trong cơ thể, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh gout. Đồ hoạ: Phương Anh
Rau má hay còn gọi là tích tuyết thảo, liên tiền thảo, địa tiền thảo, hồ quả thảo, lục địa mai hoa... Rau má chứa một số chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể bao gồm vitamin B, C, K, sắt, calcium, cellulose...
Loại rau này có vị hơi đắng, tính hàn và được biết đến rộng rãi với nhiều tác dụng hỗ trợ điều trị một số loại bệnh. Rau má chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ nên có khả năng thúc đẩy quá trình trao đổi chất, ức chế hoạt động sản xuất axit uric trong cơ thể. Điều này có tác động tích cực đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh gout và một số bệnh xương khớp phổ biến khác.
Bacosides và saponin là các chất chống oxy hoá có trong rau má giúp ngăn chặn tình trạng viêm mãn tính. Ngoài ra, thức uống từ rau má có thể giúp giải nhiệt, mát gan tiểu lợi, trị rôm sẩy, mẩn ngứa...
Bên cạnh đó, rau má còn đem lại hiệu quả cao trong việc bảo vệ tế bào não, tránh việc thoái hóa và giúp chống lại vi khuẩn gây bệnh. Thêm rau má vào chế độ ăn uống có thể hỗ trợ điều trị bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer, giúp cải thiện trí não cũng như các chức năng hệ thần kinh.
Có nhiều cách để thêm rau má vào chế độ ăn uống hàng ngày như ép nước, ăn trực tiếp sau khi rửa sạch... Tuy nhiên, rau má có tính hàn, bạn không nên uống quá nhiều nước từ loại rau này. Mỗi ngày bạn có thể sử dụng khoảng 40g rau má.
Đối với những người có chỉ số axit uric cao hoặc bị mắc bệnh gout nên duy trì chế độ ăn lành mạnh, uống nhiều nước, hạn chế rượu bia.
Bên cạnh đó, nên kiểm tra nồng độ axit uric trong máu thường xuyên cũng như tham khảo ý kiến của bác sĩ.