Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 4 tháng 7 năm 2024 | 10:4

Lục Ngạn: Sản lượng vải thiều giảm nhưng giá trị tăng

Năm 2024, sản lượng vải thiều của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đạt 52.992 tấn, giảm 75.128 tấn so với năm 2023, nhưng giá trị sản xuất lại đạt tới 3.412 tỷ đồng, tăng 88 tỷ đồng so với cùng kỳ. Kết thúc vụ vải huyện đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, giá trị cho niên vụ tới.

Giá trị tăng 88 tỷ đồng

Theo thông tin từ phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn, năm 2024, diện tích vải thiều toàn huyện là 17.360 ha; hiện đã kết thúc vụ thu hoạch, tổng sản lượng là 52.992 tấn, đạt 105,9% kế hoạch (trong đó: Vải chín sớm 24.293 tấn, vải thiều 28.699 tấn). Tiêu thụ nội địa đạt 36.316 tấn chiếm 68,53 %; sản lượng xuất khẩu đạt 16.676 chiếm 31,47 % tổng sản lượng. Năm 2023, sản lượng vải thiều của Lục Ngạn đạt 128.120 tấn quả, so với năm 2024, giảm 75.128 tấn.

Vụ vải thiều năm 2024, sản lượng tại huyện Lục Ngạn đạt 52.992 tấn, giảm 75.128 tấn so với năm 2023. 

Giá vải sớm từ 35.000 - 85.000 đồng/kg; giá vải thiều tươi (hàng hoa, xuất khẩu) từ 55.000 - 90.000đồng/kg, có thời điểm cuối vụ đạt trên 100.000 đồng/kg. Tổng giá trị sản xuất đạt 3.412 tỷ đồng, tăng 88 tỷ đồng so với năm 2023. Trong đó, tiêu thụ nội địa 2.366 tỷ đồng, xuất khẩu 1.046 tỷ đồng (tương đương 25 triệu USD). Tổng giá trị sản xuất năm 2023, đạt 3.324 tỷ đồng, trong đó tiêu thụ nội địa đạt 890 tỷ đồng, xuất khẩu 2.434 tỷ đồng (tương đương 96,79 triệu USD).

Ông Lưu Anh Đức, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn cho biết, do mất mùa nên bà con chăm sóc kỹ nên chất lượng vải rất tốt, đặc biệt giá bán cao gấp 3-4 lần so với năm 2023. Một số hộ có sản lượng lớn phải dựng lều để trông. Hộ anh Tuấn tại xã Hộ Đáp đạt khoảng 10 tấn vải chính vụ, có 5 thương lái đến tận vườn để đấu giá, kết quả giá vải bán 150.000 đồng/kg.

Năm 2024, huyện Lục Ngạn có 3 cơ sở sản xuất xốp hoạt động với sản lượng 1.515.000 thùng, 22 xưởng sản xuất đá cây với sản lượng 650.000 cây đá, và 450.000 thùng nhựa. Giá thùng xốp, đá cây ổn định, không có hiện tượng găm hàng, tăng giá đột biến (giá bán thùng xốp to từ 35.000 - 40.000 đồng/thùng, thùng nhỏ từ 25.000 - 30.000 đồng/thùng, giá trị ước đạt 53 tỷ đồng. Giá đá cây từ 25.000 - 35.000 đồng/cây, giá trị ước đạt khoảng 20,8 tỷ đồng. Giá thùng nhựa 25.000 đ- 30.000 đồng, giá trị ước đạt 12 tỷ).

Sản lượng giảm nhưng tổng giá trị sản xuất đạt 3.412 tỷ đồng, tăng 88 tỷ đồng so với năm 2023.

Các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng, Kho bạc Nhà nước đảm bảo cung ứng thuận lợi các dịch vụ tài chính cho các tổ chức, cá nhân trong vụ thu hoạch, giao dịch tiêu thụ vải thiều. Công ty Điện lực Lục Ngạn đã xây dựng kế hoạch cấp điện phục vụ nhân dân, đặc biệt quan tâm ưu tiên cho các cơ sở sản xuất nước đá công nghiệp, thùng xốp, không để xảy ra tình trạng mất điện

Các đơn vị viễn thông, nước sạch, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải chủ động phương án sản xuất, phương tiện, cung ứng đảm bảo cao nhất nhu cầu nước sạch, thông tin liên lạc, vận chuyển hàng hóa cho vụ thu hoạch, tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu vải thiều, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt, ách tắc, gián đoạn chuỗi cung ứng các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Nguyên nhân khiến tỷ lệ ra hoa thấp

Về nguyên nhân khiến tỷ lệ ra hoa thấp hơn năm 2023, ông Lưu Anh Đức, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn cho biết, do ảnh hưởng của yếu tố thời tiết, mùa đông năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, tình hình thời tiết có nhiều diễn biến khác thường, nhiệt độ trung bình cao hơn so với những năm gần đây khoảng 1,5°C; các đợt rét đậm đến muộn, làm ảnh hưởng đến quá trình phân hoá mầm hoa, ra hoa của cây vải đặc biệt là trà vải chính vụ.

Trong thời kỳ phân hóa mầm hoa nhiệt độ dưới 15°C xuất hiện ít, không đủ 200 giờ liên tục để cây phân hóa mầm hoa. Thời tiết đầu tháng 01/2024, có các đợt không khí lạnh ngắn ngày, kèm theo mưa nhỏ kéo dài (mưa liên tục 08 ngày) khiến độ ẩm không khí, độ ẩm đất cao làm một số diện tích vải thiều chính vụ ra lộc, ra hoa kèm lộc, điều kiện ẩm và ấm làm cho lộc phát triển, mầm hoa bị thui.

Đến cuối tháng 01/2024, khi trà vải thiều chính vụ ở những vườn thành thục lộc muộn đang báo hoa, gặp điều kiện nhiệt độ thấp rét đậm, rét hại (có ngày xuống đến 6-7°C) kết hợp mưa làm thui mầm hoa.

Từ giữa tháng 02/2024 thời tiết có nền nhiệt độ, ẩm độ không khí cao, kèm theo độ ẩm đất cao đây là những yếu tố làm cho nhiều diện tích vải còn lại có hiện tượng ra lộc hoặc ra hoa kèm lộc làm ảnh hưởng đến năng suất. Đến cuối tháng 2/2024, khi trà vải thiều chính vụ ở những vườn đang báo hoa, gặp điều kiện nhiệt độ thấp rét đậm, rét hại (nhiệt độ từ 9-110C) kết hợp mưa phùn nhỏ đã ảnh hưởng đến phát triển hoa.

Yếu tố canh tác, thời vụ, 03 năm liền (từ 2021 - 2023) vải thiều Lục Ngạn được mùa liên tiếp, do đó đối với những vườn không được chăm sóc tốt, thời gian thu hoạch kéo dài, sau thu hoạch việc tập trung tỉa cành và chăm sóc không đồng bộ, dẫn đến cùng một vườn nhưng các trà lộc không thành thục cùng nhau, bón phân chưa đầy đủ và đúng thời điểm, sẽ dẫn đến cây bị suy kiệt, không ra đủ các đợt lộc, đặc biệt đối với vườn cây vải lâu năm (20-30 năm tuổi) làm ảnh hưởng đến sự thành thục các đợt lộc, quá trình phân hóa mầm hoa và ra hoa vụ vải năm 2024.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, mới đây huyện tổ chức hội nghị đánh giá, phân tích nguyên nhân lý do tại sao vải mất mùa. Yếu tố về kỹ thuật, chăm bón, tỉa cành, khoanh gốc cũng đưa ra. Cuối cùng anh em đánh giá là do yếu tố biến đổi khí hậu, không có giải pháp nào căn cơ.

Triển khai nhiều giải pháp ứng phó

Trao đổi với phóng viên, ông Lưu Anh Đức, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn cho biết, từ vụ vải thiều năm 2023-2024, ngành Nông nghiệp đồng hành với người dân heo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, triệt để áp dụng, thực hiện các biện pháp kỹ thuật, chăm sóc kỹ lưỡng đối với cây vải sau thu hoạch, đặc biệt là diện tích vải không ra hoa đậu quả năm 2024.

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình chăm sóc vải thiều ngay sau thu hoạch. Triển khai xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP theo hướng hữu cơ. Xây dựng Kế hoạch sản xuất vải thiều, thành lập tổ chỉ đạo sản xuất vải thiều năm 2025. Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp hàng tuần, tháng ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nông dân chăm sóc phòng trừ sâu bệnh cho vải thiều theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển. Tổ chức khảo sát, nắm bắt tình hình sản xuất các giống vải ở các địa phương khác để xây dựng kế hoạch sản xuất và tiêu thụ phù hợp với thị trường.

Mặc dù mất mùa nhưng giá bán cao nên nhiều nhà vườn rất phấn khởi.

Ông Đức nhấn mạnh, quan trọng nhất là thời gian khống chế lộc đông (thời gian phân hóa mầm hoa, nếu thời tiết độ ẩm cao, mưa nhiều sẽ có hiện tượng bật lộc đông, khi đó cây bật lộc sẽ không ra hoa), lúc này hướng dẫn bà con các biện pháp để hạn chế ra lộc đông, từ đó tăng khả năng phân hóa mầm hoa. Cụ thể như: kỹ thuật cắt khoanh cành để hạn chế bật lộc; phun các chế phẩm sinh học để hạn chế lộc đông. Kỹ thuật này áp dụng cho từng cây, từng vườn, từng giống vải.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, trên nền dự báo thời tiết của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, niên vụ năm sau thời tiết thế nào, huyện sẽ định hướng từ khâu chăm bón, bón loại phân gì, mức độ tỉa cành cũng như khoanh cành sao cho sát hơn, phù hợp hơn.

Bện cạnh đó, tăng cường sử dụng phân chuồng và phân hữu cơ, hạn chế sử dụng phân vô cơ, một để cho cây khỏe, hai là khi khoanh, ủ mầm hoa, phân hóa mầm hoa sẽ tốt hơn. Để cho quả vải đẹp sẽ sử dụng một số chế phẩm sinh học trong quá trình khích thích cho quả non sinh trưởng phát triển tốt hơn. Trong quá trình cây nuôi quả có một số giải pháp, bón một số loại phân hữu cơ để cây phát triển tốt hơn.

Xác định được nguyên nhân vải mất mùa, huyện Lục Ngạn triển khai nhiều giải pháp để ứng phó trong niên vụ tới.

Qua niên vụ sản xuất năm 2024, huyện đã tổ chức kiểm điểm, đánh giá những khó khăn, tồn tại, hạn chế. Có việc diện tích vải của huyện là 17.360 ha, trong đó vải sớm chỉ chiếm khoảng 4.000 ha, vải chính vụ khoảng 13.000 ha. Tới đây, huyện có định hướng đảm bảo vải sớm và chính vụ với cơ cấu 40%-60%. Như vậy, sẽ kéo dài niên vụ, giảm áp lực cho việc xúc tiến, tiêu thụ, tăng giá trị quả vải. Qua theo dõi, vải sớm sản lượng tương đối ổn định, giá bán cao, thời gian bảo quản, chế biến cũng thuận lợi hơn.

Qua định hướng này, huyện chỉ đạo cơ quan nông nghiệp và Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp trên cơ sở kết quả đó làm sổ tay về quy trình chăm sóc từ lúc thu hoạch xong, tỉa cành, chăm bón, đến lúc vải phân hóa mầm hoa, ra quả non đến việc thu hoạch.

Về lâu dài huyện phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ đặt hàng với các nhà khoa học nghiên cứu, đánh giá các điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của Lục Ngạn. Trên cơ sở đó, có những quy hoạch, định hướng sản xuất, đảm bảo sản xuất được ổn định, bền vững. Cùng với đó, huyện đang tập trung cao, thành lập các tổ hợp tác, HTX liên kết sản xuất tiêu thụ cây ăn quả.

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…

  • Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.

  • Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Hiện tại, các chủ đầu tư gần như đang vượt qua chính mình khi phải cân bằng giữa các yếu tố đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp, sản phẩm phải chinh phục được đối tượng khách hàng là người trẻ.

Top