Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 12 tháng 5 năm 2023 | 9:11

Lục Ngạn triển khai giải pháp hỗ trợ xuất khẩu vải thiều

Theo nhận định của ông Nguyễn Thế Thi, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), sản lượng vải xuất khẩu năm nay sẽ cao hơn 2 năm vừa qua, chiếm khoảng 60% tổng sản lượng 98.000 tấn.

Điểm sáng trong sản xuất, xuất khẩu

Trao đổi với phóng viên về việc, Lục Ngạn là điểm sáng trong sản xuất và tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu nông sản, trong đó sản phẩm chính là vải thiều, ông Nguyễn Thế Thi, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Lục Ngạn cho biết, huyện có khoảng 28.000 ha cây ăn quả, trong đó diện tích vải thiều khoảng 17.357 ha, sản lượng vải hàng năm khoảng 100.000 tấn.

Huyện đang duy trì tốt 84 mã số vùng trồng vải đã được cấp gồm: Trung Quốc 35 mã; Mỹ, Úc, EU 15 mã, Nhật Bản 32 mã, Thái Lan 2 mã; quản lý chặt chẽ 173 mã cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu của các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các thương nhân, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại.

Những năm gần đây, Lục Ngạn là điểm sáng trong sản xuất, xuất khẩu nông sản, trong đó sản phẩm chính là vải thiều.

Ngay từ đầu vụ, huyện đã ban hành Kế hoạch sản xuất và Kế hoạch xúc tiến thương mại tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của địa phương. Vải thiều và các cây ăn quả của huyện Lục Ngạn được sản xuất theo tuân chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ,… chiếm khoảng 75% tổng diện tích.

Năm 2008, vải thiều Lục Ngạn đã được cấp Chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam. Ngoài ra, đến nay vải thiều Lục Ngạn còn được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia khác gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật bản, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia. Đặc biệt năm 2021, Vải thiều Lục Ngạn chính thức được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Đây là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở thị trường được đánh giá là “khó tính” bậc nhất này, mở ra cơ hội tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn ở nhiều thị trường khác nhau.

Để có được kết quả như ngày nay, UBND huyện Lục Ngạn đã rất chú trọng đến công tác xúc tiến và xây dựng thương hiệu, tuyên truyền, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX nâng cấp nhãn hiệu in tem, bao bì gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm nông sản bằng các hình thức như du lịch miệt vườn, du lịch tâm linh kết hợp du lịch làng nghề truyền thống trên các kênh, các phượng tiện truyền thông, báo chí có uy tín của trung ương, của tỉnh và của huyện. 

Tổ chức tuyên truyền về điều kiện xuất khẩu các loại hàng nông sản đặc biệt là vải thiều vào các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Úc, EU, Nhật Bản, Thái Lan. Trong đó, với sản phẩm vải thiều xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc trên bao bì nhất thiết phải dùng tiếng Trung Quốc ghi rõ tên hoa quả, nơi sản xuất, đóng gói, tên nhà vườn hoặc mã số đăng ký đã được Trung Quốc cấp theo quy định.

Nhiều đoàn khách đến thăm vựa vải thiều Lục Ngạn.

Đặc biệt, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ. Cùng với đó, liên hệ với các hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ Tập đoàn bán lẻ, chuỗi các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn trong và ngoài nước, tăng cường hỗ trợ phân phối sản phẩm vải thiều của huyện trên “Gian hàng Việt trực tuyến”, các Sàn Thương mại điện tử; hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX liên kết mở gian hàng trên các sàn thương điện tử lớn ở trong và ngoài nước thúc đẩy các hoạt động tiêu thụ vải thiều online trên các trang mạng xã hội, các Fanpage trên Facebook, zalo…

Nhiều giải pháp hỗ trợ xuất khẩu

Trao đổi về giải pháp để hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm đặc trưng, trong đó sản phẩm chính là vải thiều, ông Thi cho biết, năm 2023, Lục Ngạn sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu vải thiều và các sản phẩm đặc trưng. Trong đó, tập trung vào một số giải pháp:

Xúc tiến thông qua các hoạt động thông tin, truyền thông. Thường xuyên cung cấp các thông tin quảng bá sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng như: vải thiều, cam, bưởi, nhãn, táo, mật ong, mỳ Chũ, rượu Kiên Thành, giấm Kim Ngân…. trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh và của huyện, đồng thời cung cấp cho các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền quảng bá giới thiệu sản phẩm. Phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương và của tỉnh để thực hiện các nội dung thông tin quảng bá các sản phẩm đặc trưng có thế mạnh của huyện…

Lục Ngạn, Bắc Giang triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ xuất khẩu vải thiều.

Tổ chức hội nghị, hội thảo, tham gia hội chợ, triển lãm, các sự kiện xúc tiến thương mại. Huyện hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tham gia các hội chợ thương mại, triển lãm giới thiệu sản phẩm đặc trưng của huyện ở trong và ngoài tỉnh nhằm giúp các doanh nghiệp, HTX tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức các gian hàng trưng bày, triển lãm, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng thế mạnh huyện Lục Ngạn tại các hội chợ nhằm giúp người dân, các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn huyện có thêm cơ hội mở rộng thị trường, có cơ hội tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức các hội nghị xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng.

Tổ chức các đoàn đi xúc tiến thương mại, khảo sát thị trường. Huyện sẽ phối hợp với Sở Công thương và chủ động thành lập đoàn công tác khảo sát, tìm hiểu thị trường Trung Quốc; thành lập các đoàn khảo sát thị trường các cửa khẩu của tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, các chợ đầu mối miền nam như Thủ Đức, Dầu Giây; gặp mặt Ban quản lý khu công nghiệp của Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên để tổ chức kết nối cung ứng sản phẩm đến công nhân, người lao động; khảo sát, làm việc với Tổng công ty đường sắt Việt Nam về việc vận chuyển hàng nông sản của địa phương.

Năm nay địa phương có một số cách làm mới để tiêu thụ vải thiều như: thành lập các đoàn công tác sang Trung Quốc và một số nước như: Thái Lan, Campuchia để xúc tiến thương mại, thông tin cho các doanh nghiệp về sản lượng và chất lượng vải thiều của Lục Ngạn. Bên cạnh đó, đa chủ động ký kết với các sàn giao dịch thương mại điện tử để có thể bán hàng trực tuyến, ông Thi cho biết.

Ông Thi nhận định, sản lượng vải xuất khẩu năm nay sẽ cao hơn 2 năm vừa qua, chiếm khoảng 60% tổng sản lượng 98.000 tấn.

Hỗ trợ vận chuyển, tiêu thụ vải thiều qua đường sắt

Mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang có văn bản gửi các cơ quan chức năng phối hợp hỗ trợ vận chuyển, tiêu thụ vải thiều năm 2023. Theo đó, tỉnh Bắc Giang đề nghị Chi cục kiểm dịch thực vật khu vực VII hỗ trợ tỉnh trong công tác kiểm dịch thực vật đối với vải thiều cũng như các nông sản chủ lực khác của tỉnh trực tiếp tại ga liên vận quốc tế Kép để xuất khẩu đi các thị trường quốc tế; trong quá trình triển khai có gì vướng mắc, khó khăn, Chi cục kiểm dịch thực vật khu vực VII có ý kiến bằng văn bản để Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang xem xét, giải quyết.

Tỉnh Bắc Giang đề nghị các cơ quan liên quan hỗ trợ vận chuyển, tiêu thụ vải thiều qua Ga liên vận quốc tế Kép.

Đề nghị Công ty Vận tải đường sắt Ratraco hỗ trợ doanh nghiệp, thương nhân vận chuyển, tiêu thụ vải thiều đảm bảo đủ phương tiện (toa tầu tiêu chuẩn), có sân bãi, kho hàng tập kết; sớm xây dựng cước phí vận chuyển; có giải pháp về phương án vận chuyển trọn gói (kể cả hoàn tất các thủ tục theo quy định), cước phí ổn định, linh hoạt với khối lượng vận chuyển để thông báo rộng rãi đến các doanh nghiệp, thương nhân sử dụng dịch vụ vận tải.

Huyện Lục Ngạn chủ động tuyên truyền đối với các doanh nghiệp, thương nhân về các hình thức vận chuyển tiêu thụ Vải thiều đối với thị trường trong nước và cũng như xuất khẩu bằng nhiều hình thức, phương tiện khác nhau như: Đường bộ, đường sắt và đường hàng không để các doanh nghiệp, thương nhân biết, áp dụng hình thức vận chuyển cho phù hợp.

Phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Hải quan Quản lý các KCN tỉnh, Chi cục kiểm dịch thực vật khu vực VII, Công ty vận tải đường sắt, các doanh nghiệp, thương nhân và các cơ quan có liên quan tổ chức xuất hành chuyến xe vận chuyển vải thiều xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và vào thị trường miền Nam bằng phương tiện đường sắt qua Ga liên vận quốc tế đường sắt tại Kép.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top