Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 9 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 16 tháng 12 năm 2022 | 15:54

Mai, lan Sapa sôi động vào vụ Tết

Những ngày này, bà con vùng trồng địa lan Trần Mộng, Nhất Chi Mai (xã Tả Phìn, thị xã Sapa, tỉnh Lào Cai) đang nhộn nhịp giao thương, chuẩn bị di chuyển cây ra nơi tập kết phục vụ cho Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang cận kề.

Dự báo hàng hết sớm

Chục năm trở lại đây, Sapa nổi tiếng với giống địa lan Trần Mộng quý phái, nở hoa vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Nơi được coi là có điều kiện khí hậu nhất để lan phát triển là xã Tả Phìn. Thu nhập cao từ trồng lan đã giúp nhiều bà con dân tộc bản địa trở nên giàu có. Việc chăm sóc và áp dụng khoa học kỹ thuật cũng đã được bà con chú trọng khiến lan Trần Mộng ngày càng khoe sắc, được người tiêu dùng trên cả nước yêu thích, nhất là dịp Tết đến Xuân về.

Cùng với lan Trần Mộng, Nhất Chi Mai và đào phai cánh kép ở Sapa cũng được khách hàng ưa chuộng bởi sự rêu phong cổ kính. Đặc biệt là Nhất Chi Mai rất khác biệt so với các vùng khác bởi bông hoa to, nở đều và dày đặc trên cành. Lúc vừa chớm nở, hoa có màu phớt hồng, sau vài ngày chuyển sang màu trắng muốt. 

Số lượng cây Nhất Chi Mai được trồng nhiều hơn năm ngoái.

Khác với vụ lan năm ngoái, năm nay, nhiều nhà vườn đã tăng số lượng lan, mai và đào phai cung cấp ra thị trường. Ông Vương Xuân Phương, chủ vườn ở Trung tâm xã Tả Phìn, cho biết: “Năm nay, gia đình  tung ra thị trường khoảng 5.000 cây Nhất Chi Mai và 400 chậu địa lan Trần Mộng, tầm 3.000 cành lan, bán giá 200.000 - 700.000 đồng/cành. So với năm ngoái thì số lượng cây năm nay tăng lên hơn 2.000 cây. Ngay từ đầu tháng 9 âm lịch, khách mua Nhất Chi Mai đã lên tận nơi chọn cây. Đến nay, chúng tôi đã bán được hơn một nửa số lượng cây trong vườn”.

Gia đình ông Lê Lệnh Thương (thôn Sả Séng) trồng khoảng 1.000 chậu địa lan Trần Mộng và 2 vạn cây Nhất Chi Mai. Ông Thương cho biết, mấy năm trở lại đây, Nhất Chi Mai của Sapa ngày càng được khách hàng ưa chuộng, đặt hàng từ rất sớm nên gia đình cũng đã bán hết một nửa.

Theo nhiều nhà vườn ở Sapa, Nhất Chi Mai đang “hot” không kém lan Trần Mộng là do kỹ thuật chăm sóc, cấy rêu, uốn tỉa tạo thế, tạo dáng được chú trọng khiến cây mai Sapa có những khác biệt hơn bởi sự cổ kính rêu phong, hoa to, mọc dày chưa kể độ bền khoẻ khiến cây chơi được 3-4 tháng. So với năm ngoái, lượng cây được nhà vườn tung ra thị trường cũng nhiều hơn 10 - 20%.

Trần Mộng là loại địa lan rất khó tính, chỉ thích hợp nơi có khí hậu mát mẻ, môi trường có độ ẩm cao nhưng lại đặc biệt phải tránh khí hậu rét đậm, rét hại, nhất là lúc lan đang kết nụ. Cuối năm, thời tiết Sapa thường chuyển sang giá lạnh, đêm chỉ còn 5 độ, hay có sương muối và băng giá. Thời điểm này, nhà vườn phải đưa lan đi tránh rét ở nơi có khí hậu ấm hơn. Tuy nhiên, năm nay, do thời tiết rét muộn, nhiệt độ cao khiến số lượng lan Trần Mộng đi tránh rét bị sốc nhiệt, rụng hoa tương đối nhiều. Hầu hết các nhà vườn khi di chuyển lan về nơi tránh rét cũng bị thiệt hại, phải rút cây về chăm chờ vụ sau, vì thế, số lượng lan Trần Mộng đưa ra thị trường cũng giảm đáng kể.

Giá bán không tăng

Còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán 2023, nhưng chợ lan dọc hai bên Quốc lộ 4D nối từ thị xã Sapa về TP.Lào Cai đã tấp nập kẻ mua người bán. Khách từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước đổ về sớm săn những cây địa lan Trần Mộng, Nhất Chi Mai và đào phai cánh kép đẹp nhất. Giá trung bình khoảng 300.000-400.000 đồng/cành. Hoa có nhiều loại: vàng chanh, xanh lơ, xanh ngọc, vàng nâu. Một chậu lan Trần Mộng có giá 3-4 triệu đồng/chậu, 10 - 20 triệu đồng/chậu, tùy thuộc vào số bông. Với những chậu hoa to, nhiều hoa nở rực rỡ, tán đều và sum suê thì giá có thể lên tới 100 triệu đồng/chậu. Nhất Chi Mai có giá từ 1,5  đến 40 triệu đồng/cây.

Theo chủ vườn Vương Xuân Phương, nếu thời tiết từ giờ đến Tết không trở nắng thì lan Trần Mộng và Nhất Chi Mai sẽ nở đẹp vào đúng dịp. Lan Trần Mộng không bị hao hụt khiến giá cao, dù hàng hết sớm nhưng giá cây không tăng hơn nhiều so với năm ngoái khi thị trường cây Tết của Sapa vẫn bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Ông Trần Mạnh Hùng, Trưởng phòng kinh tế thị xã Sapa, cho biết: “Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhà vườn cung ứng ra thị trường khoảng 35.000 chậu lan, hơn 15.000 - 20.000 chậu Nhất Chi Mai và 1.000 cây đào thất thốn. Giá lan có tăng nhẹ nhưng thị trường tiêu thụ tương đối tốt. Việc quy hoạch trồng tập trung, quy mô lớn giúp người dân làm chuyên nghiệp hơn từ cách chăm sóc đến kết nối tiêu thụ, mở rộng thị trường từ Bắc vào Nam với những đơn hàng lớn được đặt trước nên việc sản xuất cũng ổn định hơn”.

Do Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán tương đối gần nhau, nên dự kiến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, nông sản sẽ tăng và khá cấp tập trong một giai đoạn ngắn. Do đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT yêu cầu các cơ quan trực thuộc bộ, ngành, chủ động phối hợp với địa phương, hiệp hội ngành hàng theo dõi biến động thị trường, nhất là nguồn cung và giá cả các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu phục vụ tiêu dùng trong nước (thịt lợn, gạo...); các mặt hàng đang có biến động về giá (cá tra, thịt gia cầm...), đảm bảo nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước và cân đối cung cầu dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Bên cạnh đó, tăng cường triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ; đồng thời theo dõi sát biến động thị trường, tình hình sản xuất và nguồn cung, đặc biệt là các nông sản vào chính vụ như na, sầu riêng, xoài, thanh long, bơ…

Bộ cũng yêu cầu tuyên truyền, thông tin và định hướng sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu thị trường, hạn chế các yếu tố tác động đến giá cả, đảm bảo lợi ích của người dân, nhằm mục tiêu kiên quyết không để đứt gãy nguồn cung nông sản, thực phẩm dịp Tết 2023.

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
Top