Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024 | 9:56

Minh bạch nguồn gốc, “dẫn đường” xây dựng thương hiệu nông sản

Trong giai đoạn số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm đang mang lại những lợi ích thiết thực cho phát triển nông nghiệp, dẫn đường cho xây dựng thương hiệu nông sản, thực phẩm Việt Nam.

Mã số vùng trồng là điều kiện cần thiết, bắt buộc cho việc truy xuất nguồn gốc nông sản.

Minh bạch nguồn gốc

Ngày nay, người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến nguồn gốc của sản phẩm, bao gồm cả quy trình sản xuất, vận chuyển và xử lý. Tuy nhiên, việc truy xuất nguồn gốc đang bị phân tán do chưa kết nối, chia sẻ giữa các ngành, địa phương với nhau. Để bảo đảm kết nối tốt, cần áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, truy xuất nguồn gốc ngày càng trở thành một yếu tố quan trọng trong doanh nghiệp. Người tiêu dùng trở nên tự tin hơn vì biết được nguồn gốc của sản phẩm mình cần. Việc cung cấp thông tin rõ ràng và minh bạch về nguồn gốc giúp tạo ra sự tin cậy và lòng tin từ phía khách hàng, đồng thời truy xuất nguồn gốc cũng là công cụ giúp doanh nghiệp quản lý, kiểm soát hàng hóa trên thị trường.

Chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh đã được Đảng và Nhà nước xác định là giải pháp, xu hướng tất yếu để các đơn vị sản xuất, kinh doanh nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh. Truy xuất nguồn gốc được xác định là một trong những yếu tố đột phá ngày càng trở nên quan trọng khi nhu cầu mình bạch thông tin và hàng hóa ngày càng được quan tâm.

Thậm chí, truy xuất nguồn gốc trở thành tiêu chí bắt buộc trong xuất khẩu, hội nhập kinh tế thế giới. Đồng thời, truy xuất nguồn gốc góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, hàng hóa của các địa phương, góp phần thiết thực tái cơ cấu ngành trong giai đoạn mới theo hướng công khai, minh bạch, bình đẳng. Cụ thể, truy xuất nguồn gốc đã mang lại những lợi ích như sau:

Đáp ứng nhu cầu của thị trường: Ngày nay, người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến nguồn gốc của sản phẩm, bao gồm cả quy trình sản xuất, vận chuyển và xử lý. Truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp đáp ứng nhanh chóng và linh hoạt với nhu cầu này, từ đó tăng cơ hội tiếp cận thị trường.

Tuân thủ luật pháp và tiêu chuẩn: Trong nhiều lĩnh vực, các quy định về an toàn thực phẩm, quản lý rủi ro và quản lý chuỗi cung ứng đang trở nên nghiêm ngặt hơn. Truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp tuân thủ các quy định này một cách hiệu quả, từ đó giảm thiểu rủi ro pháp lý.

Quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả hơn: Trong môi trường kinh doanh ngày nay, việc quản lý chuỗi cung ứng là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Truy xuất nguồn gốc cho phép doanh nghiệp theo dõi các bước trong quá trình sản xuất và vận chuyển một cách chính xác, từ đó cải thiện hiệu suất và giảm thiểu lãng phí.

Tăng cường quản lý rủi ro: Việc có khả năng theo dõi và truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp phát hiện và giảm thiểu rủi ro liên quan đến vấn đề như an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng và độ tin cậy của nhà cung cấp.

Tăng cường tương tác với khách hàng: Truy xuất nguồn gốc tạo ra cơ hội tương tác với khách hàng. Việc chia sẻ thông tin về nguồn gốc của sản phẩm có thể tạo ra một môi trường tương tác tích cực giữa doanh nghiệp và khách hàng, từ đó tăng cường sự liên kết và trung thành với thương hiệu.

Cần áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia

Hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa đang bị phân tán do chưa có sự kết nối, chia sẻ giữa các ngành, địa phương với nhau. Bên cạnh đó, tình trạng loạn phần mềm truy xuất nguồn gốc, loạn app đang diễn ra khá phổ biến.

Có một thực tế là hệ thống truy xuất nguồn gốc ở nước ta hiện chưa thống nhất theo tiêu chuẩn GS1 của Tổ chức Mã số mã vạch quốc tế. Thay vào đó, khâu quản lý, truy xuất tại Việt Nam thường sử dụng các mã phân định, có cấu trúc tự động, chỉ có ý nghĩa khi dùng trong nội bộ.

Điều này dẫn đến thực trạng việc quản lý nguồn gốc khó khăn, dễ xảy ra hiện tượng trùng mã giữa các hệ thống truy xuất nguồn gốc khác nhau. Bên cạnh đó, cách làm này còn gây khó khăn trong việc tương tác, trao đổi thông tin giữa các hệ thống khi truy vết sản phẩm trong chuỗi cung ứng.
Thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg, ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc về triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, hiện nay, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia đang triển khai xây dựng “Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa Quốc gia” theo chuẩn quốc tế.

Cụ thể, Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc Quốc gia đóng vai trò như cầu nối để kết nối tất cả thành phần tham gia, cụ thể là giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Các bên tham gia trong chuỗi cung ứng đều thông qua Cổng thông tin để kết nối, hình thành chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị sản phẩm.

Mỗi ngành đều quản lý một khâu hoặc một dòng sản phẩm khác nhau trong xã hội. Mỗi địa phương lại có những đặc trưng sản phẩm riêng, có thể chỉ thực hiện một khâu trong chuỗi hình thành nên giá trị sản phẩm. Muốn truy xuất nguồn gốc, chuỗi sản phẩm đó phải được tự động hình thành, nhưng nếu không có sự kết nối dữ liệu thì không hình thành được chuỗi đầy đủ.

Để có sự kết nối, chia sẻ giữa các ngành, địa phương với nhau và theo chuẩn quốc tế, cần sớm vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa Quốc gia, cũng như sớm ban hành Thông tư quy định quản lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Dẫn đường cho xây dựng thương hiệu nông sản

Theo Đại diện Tổ chức Nông lương Liên Hiệp quốc (FAO), tính thiết yếu trong minh bạch sản phẩm sẽ là yếu tố để nông sản, thực phẩm được lựa chọn. Trên mỗi sản phẩm được bán ra có mã truy xuất được in trên bao bì, khi người tiêu dùng muốn biết đầy đủ thông tin về món hàng đã mua, truy ngược dòng từ thành phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân phối có thể dùng mã đó để kiểm tra.

Truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm đang mang lại những lợi ích thiết thực cho phát triển nông nghiệp, dẫn đường cho xây dựng thương hiệu nông sản, thực phẩm Việt Nam.

Họ có thể gõ mã truy xuất trên trang web của sản phẩm để tìm thông tin; hoặc dùng điện thoại thông minh có cài đặt phần mềm truy xuất để quét lên mã truy xuất được in trên bao bì của sản phẩm.

Không những vậy, xu hướng hiện nay là các nhà nhập khẩu trên thế giới luôn muốn biết nơi sản xuất và những nơi sản phẩm đi qua. Điều này càng thể hiện rõ hơn với những thị trường nhập khẩu nông sản từ các quốc gia khác; trong đó có Việt Nam.

Chia sẻ về Hệ thống Truy xuất nguồn gốc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Hoài Nam, đại diện Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho biết, hệ thống hiện đang kết nối, chia sẻ dữ liệu với 8 hệ thống truy xuất nguồn gốc của 8 tỉnh, thành phố và có hơn 3.964 doanh nghiệp với bộ mã truy xuất nguồn gốc của 16.987 sản phẩm nông sản thực phẩm.

Để Hệ thống Truy xuất nguồn gốc tại Bộ hoạt động thực sự hiệu quả, ông Nam cho rằng, rất cần sự kết nối, dẫn dắt của Cổng Truy xuất nguồn gốc Quốc gia. Do đó, truy xuất nguồn gốc nông sản nói riêng và các sản phẩm khác nói chung cần được xây dựng, phát triển theo hướng kết nối, liên thông và tập trung.

Từ phía các hợp tác xã, những nông hộ sản xuất trực tiếp, Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam Mai Quang Vinh khẳng định rất cần sự tăng cường quản lý, giám sát thông tin sản phẩm của cơ quan chức năng. Ông Mai Quang Vinh cho biết: “Hiện nay, mỗi sản phẩm rất dễ dàng để tạo cho mình một mã QR. Việc số hóa, quản lý thông tin nông sản, thực phẩm theo hình thức này sẽ rất lỏng lẻo. Doanh nghiệp thu mua rất dễ mua phải hàng hóa trà trộn, kém chất lượng.”

Trên cơ sở đó, ông Vinh mong muốn, thời gian tới sẽ được phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phát triển một cổng thông tin về quản lý, giám sát thông tin sản phẩm. Qua đó, có thể đưa thông tin của hàng vạn hợp tác xã, ngành hàng, giá bán, giá mua nông sản… để tất cả các chủ thể có nhu cầu dễ dàng tiếp cận, tiến tới tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ sẽ được minh bạch thông tin.

Cùng chung quan điểm cần xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung để định danh các tác nhân như: Sản xuất, chế biến, vận chuyển, phân phối…, ông Nguyễn Thế Tiệp - Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Chống hàng giả cho rằng, hiện các đơn vị cung cấp dịch vụ đa phần kín, làm sao kết nối, chia sẻ được dữ liệu giữa hàng trăm, hàng nghìn đơn vị cung cấp giải pháp thành hệ sinh thái.

Có thể thấy, trong giai đoạn số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm đang mang lại những lợi ích thiết thực cho phát triển nông nghiệp, dẫn đường cho xây dựng thương hiệu nông sản, thực phẩm Việt Nam, rất cần sự tham gia tích cực của quản lý nhà nước tới doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân để hiện thực hóa mục tiêu nền nông nghiệp minh bạch - trách nhiệm - bền vững”.

Nền tảng để xuất khẩu hàng hóa đi quốc tế

Với những người tiêu dùng thông minh hiện nay, băn khoăn về truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm khi lựa chọn một loại thực phẩm nào đó là điều tất yếu, bởi xu thế đặt sức khỏe lên hàng đầu và phòng chống bệnh tật cho con người, cũng như môi trường sống trở thành yêu cầu cấp thiết.

Theo Đại diện Tổ chức Nông lương Liên Hiệp quốc (FAO), xu hướng hiện nay là các nhà nhập khẩu trên thế giới luôn muốn biết nơi sản xuất và những nơi sản phẩm đi qua. Điều này càng thể hiện rõ hơn với những thị trường nhập khẩu nông sản từ các quốc gia khác; trong đó có Việt Nam.

Ông Đỗ Thanh Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã thanh long Hòa Lệ, Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, cho biết khi mua một trái thanh long của Hợp tác xã Hòa Lệ, người tiêu dùng sẽ truy xuất được những thông tin theo chuỗi như lô sản xuất, do đơn vị sản xuất, các loại phân và thuốc đã bón cho cây, thời điểm sử dụng và đơn vị sản xuất, các loại giấy chứng nhận... hay những thông tin giao dịch về ngày thu hoạch, sản xuất, đóng gói, hạn sử dụng... Tất cả đều được ghi nhật ký theo thời gian thực, ngày giờ với con số rõ ràng. Đây là yếu tố thuyết phục người tiêu dùng trong nước và thế giới nhanh nhất khi trái thanh long Hòa Lệ được lựa chọn.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Thuận chia sẻ, đến nay, Bình Thuận đã có rất nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện hiệu quả việc xây dựng thương hiệu sản phẩm trên thị trường gắn với việc dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm như Hợp tác xã thanh long Hòa Lệ, các sản phẩm hải sản của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hải Nam, nước mắm Phan Thiết…

Có thể thấy, sản phẩm có dán tem truy xuất nguồn gốc sẽ góp phần bảo vệ được thương hiệu, nâng tầm giá trị của doanh nghiệp, hợp tác xã. Từ đó tăng tính cạnh tranh, kích thích người tiêu dùng mua hàng, tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư. Đây cũng là nền tảng để xuất khẩu hàng hóa đi quốc tế, bảo vệ cộng đồng, tẩy chay hàng giả, hàng nhái ra khỏi thị trường Việt Nam.

Hoàn thiện chính sách xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt

Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay các doanh nghiệp đã xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, nông sản của Việt Nam trong nước và quốc tế. Nhiều sản phẩm đã được bảo hộ, có nhãn hiệu, thương hiệu. Tuy nhiên, cần phải có cơ chế pháp lý để điều chỉnh hợp lý chính sách pháp luật xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam (xây dựng thương hiệu, sử dụng thương hiệu vùng, địa phương, thương hiệu quốc gia; xử lý khi xảy ra tranh chấp thương hiệu; cơ chế để phát triển nhãn hiệu, thương hiệu...).

Nhận định, phải có thương hiệu để bảo vệ giá trị của sản phẩm nông sản Việt Nam và nên có nghị định để đủ cơ sở pháp lý để quản lý thương hiệu, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Viện chính sách và Cục Chế biến, Chất lượng và Phát triển thị trường cùng với Vụ Pháp chế cùng thảo luận đề xuất với Chính phủ xây dựng nghị định về quản lý và phát triển nhãn hiệu nông sản Việt Nam.

Nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam có sản lượng xuất khẩu đứng nhóm đầu thế giới nhưng hầu như chưa có một thương hiệu mạnh, được người tiêu dùng biết đến rộng rãi.

Nhãn hiệu phát triển đến một lúc nào đó sẽ trở thành thương hiệu. Vì thế, khi xây dựng nghị định phải theo chuỗi giá trị nhãn hiệu nông sản (từ giống, gieo sạ đến sản phẩm) và thông qua đơn vị quốc gia quản lý về chất lượng sản phẩm trước khi đăng ký quốc tế. Như vậy, sẽ phân định rõ được cơ chế quản lý của các cơ quan, địa phương, các ngành - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Trong thời gian chờ trình Chính phủ ban hành Nghị định, Cục Chế biến, Chất lượng và Phát triển thị trường, các hiệp hội ngành hàng chọn ra một số sản phẩm chủ lực thí điểm thực hiện trước. Ủy quyền cho Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam, trong năm 2024, triển khai thực hiện tiếp Đề án về xây dựng thương hiệu Gạo Việt Nam. Sau đó, tiến tới thực hiện xây dựng thương hiệu gạo giảm phát thải khí nhà kính và một số mặt hàng chủ lực như: con tôm, cá tra, sầu riêng… Để làm tốt thì giữa nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu doanh nghiệp hài hòa với nhau, không đối chọi và triệt tiêu nhau.

Phát triển nông nghiệp Việt Nam thời gian qua đạt nhiều thành tựu. Hiện Việt Nam duy trì 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên; trong đó có 7 nhóm mặt hàng (gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, cà phê, gạo, cao su và rau quả, hạt điều) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD và có mặt ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn của thế giới như Mỹ, EU và Nhật Bản.

Tuy nhiên, theo ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, mặc dù, đạt được những con số ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu, có đến 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. Nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam có sản lượng xuất khẩu đứng nhóm đầu thế giới nhưng hầu như chưa có một thương hiệu mạnh, được người tiêu dùng biết đến rộng rãi.

Hiện, 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều sản phẩm được xuất khẩu và bán ở thị trường nước ngoài dưới thương hiệu không phải của doanh nghiệp Việt Nam.

Mới chỉ có 2 sản phẩm trong tổng số 13 sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam gồm “Cao su Việt Nam” (Hiệp hội Cao su Việt Nam làm chủ sở hữu) và “Gạo Việt Nam” (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ sở hữu). Các sản phẩm còn lại như cà phê, tôm, cá tra... vẫn đang trong quá trình xây dựng./.

 

 

Thanh Tâm (T/h theo kinhtevadubao.vn, bnews.vn, doanhnghiepkinhtexanh.vn...)
Ý kiến bạn đọc
  • Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…

  • Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.

  • Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Hiện tại, các chủ đầu tư gần như đang vượt qua chính mình khi phải cân bằng giữa các yếu tố đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp, sản phẩm phải chinh phục được đối tượng khách hàng là người trẻ.

Top