Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 1 tháng 12 năm 2022 | 14:2

Mở đợt cao điểm kiểm tra thực phẩm dịp Tết Nguyên đán

Đây là thời điểm mà các đối tượng kinh doanh, buôn bán vận chuyển thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ đi tiêu thụ, chế biến các loại thực phẩm dùng trong thời điểm Tết Nguyên đán đang cận kề. Hà Nội đã mở đợt cao điểm để kiểm tra thực phẩm trong giai đoạn này.

Mở đợt kiểm tra cao điểm ATTP dịp Tết Nguyên đán

UBND thành phố Hà Nội đã có kế hoạch thanh, kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm, nhằm đảm bảo tốt công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm; hạn chế tối đa các vụ ngộ độc trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và lễ hội Xuân 2023.

Mua thực phẩm tại chợ đầu mối nông sản Nam Hà Nội. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN

UBND thành phố Hà Nội yêu cầu thanh, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết, lễ hội và có yếu tố nguy cơ cao; các làng nghề chế biến thực phẩm; các cơ sở kinh doanh tại các chợ, siêu thị, thanh, kiểm tra liên ngành từ cấp thành phố đến xã, phường, thị trấn. Các cấp kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm theo đúng quy định pháp luật; thanh, kiểm tra đúng tiến độ, báo cáo đúng thời gian, theo sự chỉ đạo thống nhất của Ban chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố. Trong quá trình thanh, kiểm tra, các đơn vị kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục các kiến thức, quy định pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Thời gian cao điểm của đợt kiểm tra là từ ngày 15/12/2022 đến hết 12/3/2023

Thành phố thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm. Trong đó, đoàn số 1 do lãnh đạo Sở Y tế làm Trưởng đoàn kiểm tra tại các quận, huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Hà Đông. Đoàn số 2 do lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra tại các quận, huyện: Gia Lâm, Long Biên, Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Xuân, Thanh Trì, Ba Đình. Đoàn số 3 do lãnh đạo Sở Công Thương làm Trưởng đoàn thanh, kiểm tra tại các quận, huyện: Thanh Oai, Chương Mỹ, Sơn Tây, Ba Vì, Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm. Đoàn số 4 do lãnh đạo Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội làm Trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra tại các quận, huyện: Đan Phượng, Phúc Thọ (Đông Anh), Mê Linh, Sóc Sơn, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Ứng Hòa.

UBND thành phố Hà Nội yêu cầu, các đoàn thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm khi phát hiện vi phạm phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc, không đúng quy định về ghi nhãn hoặc có các vi phạm khác lưu thông trên thị trường; không để các sản phẩm quảng cáo sai quy định tiếp tục lưu hành; không để các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố không bảo đảm an toàn thực phẩm tiếp tục hoạt động khi chưa thực hiện các biện pháp khắc phục hiệu quả.

Trong quá trình thanh, kiểm tra, xử lý các vi phạm, các đoàn của tuyến trên căn cứ vào tính chất vụ việc và thẩm quyền để xử lý hoặc có thể chuyển hồ sơ vi phạm cho cơ quan chức năng của địa phương là UBND các cấp nơi có cơ sở được thanh, kiểm tra hoặc thanh tra các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương để tiếp tục xử lý theo quy định.

Siết chặt quản lý thực phẩm vào trường học

Ngay sau khi vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại trường iSchool (Khánh Hòa), Hà Nội đã ban hành văn bản “siết chặt” đầu vào thực phẩm trường học, mục đích nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho học sinh khi tổ chức bữa ăn bán trú, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã; các đơn vị trường học tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục.

Giờ ăn bán trú của học sinh (ảnh minh họa)

Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức cho học sinh, cán bộ, giáo viên và nhân viên chế biến thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, căng tin trong nhà trường về an toàn thực phẩm. Bảo đảm an toàn điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến, bảo quản và vận chuyển thực phẩm.

Lựa chọn và sử dụng thực phẩm bảo đảm an toàn, nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng; hiểu dùng, tìm hiểu kỹ các thông tin về thực phẩm bảo vệ sức khỏe, dùng đúng thực phẩm bảo vệ sức khỏe; vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Triển khai mạnh mẽ các hoạt động vệ sinh trường học để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh trong trường học.

Kiểm tra thực phẩm trước khi chế biến cho học sinh (ảnh minh họa)

Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn, căng tin của nhà trường. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định.

Nghiêm cấm không để các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không bảo đảm đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học có bán trú. Khi phát hiện những hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm cần thông báo ngay cho các cơ quan chức năng tại địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời.

Cùng với đó, tăng cường công tác y tế, vệ sinh môi trường trường học để phòng, chống và ngăn chặn các bệnh lây truyền do nguồn nước không bảo đảm; huy động các lực lượng trong nhà trường tham gia vệ sinh khuôn viên sân trường, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải chung quanh sân trường, vệ sinh khử khuẩn lớp học. Lập kế hoạch duy trì các hoạt động bảo hành, bảo dưỡng các công trình nước sạch, vệ sinh tại đơn vị.

Tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương trong việc giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với độ tuổi, thể trạng của trẻ em, học sinh và điều kiện của gia đình trẻ em, học sinh để nâng cao sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh và các bệnh không lây nhiễm.

Đảm bảo an toàn thực phẩm dịp cuối năm

Dịp cuối năm, các loại thực phẩm có sức tiêu thụ tăng nhiều lần ngày bình thường như bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát... có thể làm giả, làm nhái rất nhiều, ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng. Cùng với đó, thời tiết là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nên nhiều thực phẩm rất dễ mốc, gây ngộ độc cho người sử dụng. Do đó, chỉ cần sơ suất trong chế biến và bảo quản thực phẩm là có thể dẫn đến ngộ độc.

An toàn thực phẩm để bảo đảm sức khỏe của nhân dân

Các chuyên gia an toàn thực phẩm cho biết, một số thực phẩm có nguy cơ cao gây ngộ độc trong những ngày lễ, Tết như ăn gỏi hay thịt chưa chín kỹ. Bánh, mứt, nước ngọt và thực phẩm giá rẻ không rõ nơi sản xuất, thực phẩm có màu (hóa chất) và mùi lạ, không rõ hạn dùng.

Các loại hải sản khô lâu ngày bị nấm mốc, các loại cá và hải sản không tươi sống hay chưa chín kỹ. Ăn các loại rau sống không được rửa sạch. Sữa và các sản phẩm từ sữa chưa qua diệt khuẩn, các thức uống tự pha chế không đảm bảo vệ sinh.

Vì vậy, để đảm bảo an toàn chất lượng thực phẩm, người tiêu dùng khi lựa chọn bất kỳ hàng hóa, thực phẩm nào điều đầu tiên cần chú ý đến là chứng nhận vệ sinh an toàn sức khỏe, thời hạn sử dụng ghi trên bao bì sản phẩm. Hầu hết các mặt hàng, sản phẩm được bày bán tại các siêu thị đều đầy đủ những thông tin này, tuy nhiên thói quen tiêu dùng tại các chợ của đại đa số người còn chưa chú ý đến những điều này. Hơn nữa, hàng hóa, thực phẩm được bày bán ngoài chợ thường có quy trình xử lý, đóng gói và bảo quản không qua kiểm định của cơ quan chức năng, việc tiêu dùng chỉ dựa vào kinh nghiệm và cảm tính của người tiêu dùng.

Người tiêu dùng cũng cần chú ý hàng hóa, thực phẩm phải rõ nguồn gốc xuất xứ. việc này giúp giúp hạn chế mua phải những mặt hàng kém chất lượng. Người tiêu dùng nên lựa chọn những nhà cung cấp đã có uy tín trên thị trường và quen thuộc đối với thói quen tiêu dùng của mình.

Cục An toàn thực phẩm đã khuyến cáo, người tiêu dùng không nên sử dụng các thực phẩm khi không biết rõ nguồn gốc, xuất xứ, không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, nấm mốc.

Với sản phẩm đóng gói sẵn đã hết hạn sử dụng, không nên dùng dù bằng mắt thường, sản phẩm chưa xuất hiện yếu tố khác lạ. Bên cạnh đó, không trữ thực phẩm quá lâu dài, kể cả để trong tủ lạnh.

Người tiêu dùng, nên quan tâm nhiều hơn đến chất lượng thực phẩm, cần thận trọng trong lựa chọn thực phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm. Nói “không” với thực phẩm “bẩn” là cách mà người tiêu dùng tự bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và gia đình mình.

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top