Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 23 tháng 11 năm 2022 | 11:11

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong liên quan tới thuốc lá

Đó là thông tin được thông báo tại Hội thảo Cung cấp thông tin cho báo chí về “Thực trạng, thách thức và giải pháp trong phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam” do Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp tổ chức ngày 23/11.

Chi 49.000 tỷ đồng mua thuốc lá mỗi năm

Phát biểu tại hội thảo, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, thuốc lá rất có hại có sức khoẻ, hàng năm Tổ chức Y tế thế giới đã thống kê tỷ lệ tử vong do thuốc lá là 8 triệu người, có thêm 1 triệu người tử vong do thuốc lá thụ động. Ở Việt Nam, cứ 7 người thì có 1 người tử vong do thuốc lá gây ra.

Ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) phát biểu khai mạc.

Cũng theo ông Hải, chi phí cho thuốc lá ở Việt Nam chiếm 1% GDP, con số bỏ ra rất lớn. Việt Nam là một nước có người sử dụng thuốc lá đứng thứ 15 trên thế giới. Xu thế sử dụng thuốc lá ngày càng gia tăng, người sử dụng thuốc lá trong giới trẻ rất nhanh, hình thức sử dụng thuốc lá mới như thuốc lá điện tử ngày càng phổ biến. Chính phủ đã có nhiều biện pháp, chính sách để hạn chế sử dụng thuốc lá, trong đó có chính sách về thuế, về truyền thông để người sử dụng thuốc lá ngày càng hiểu về tác hại của thuốc lá gây ra, đồng thời cần nâng cao hơn nữa hiểu biết của người dân để công tác phòng chống ngày càng hiệu quả hơn.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế cho biết, ước tính số người hiện đang hút thuốc lá tại Việt Nam khoảng 15,4 triệu người (trong đó có 14,8 triệu người là nam và 603.000 người là nữ), Số tiền để mua thuốc lá ước 49.000 tỷ đồng/năm.

Mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. WHO dự báo đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên tới 70.000 người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng chống tiêu thụ (PCTH) thuốc lá hiệu quả không được thực hiện. Cùng với đó, là 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như: đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam.

Tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá lên tới 96,8% (nghiên cứu Bệnh Viện K). Số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.

Chi phí điều trị 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa-hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) trên tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra trên thế giới chiếm khoảng 1-2% GDP, trong khi tại Việt Nam con số này khoảng 1% GDP.

Những năm qua, nhờ đẩy mạnh các giải pháp về phòng chống tác hại thuốc lá, chính sách giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá mà Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Như tỷ lệ sử dụng hút thuốc lá chung giảm so với năm 2015 (21,7% năm 2020 so với 22,5% năm 2015). Nam giới hút thuốc là 42,3%, giảm so với năm 2015 (45,3%) và tỷ lệ nữ giới hút thuốc là 1,7%, tăng so với năm 2015 (1,1%).

Giảm tỷ lệ người hút thuốc lá thụ động tại một số địa điểm so với năm 2015 như: nơi làm việc, giảm từ 42,6% xuống 30,9%; tại nhà, giảm từ 59,9% xuống 56,0%, tại nhà hàng giảm từ 80,7% xuống 78,1%; tại quán bar/cà phê/trà giảm từ 89,1% xuống 86,2%. Tăng tỷ lệ người hút thuốc được tư vấn bỏ thuốc khi đến cơ sở y tế (40,5% năm 2015 và 72,2% năm 2020). Nhận thức về tác hại của thuốc lá ngày càng cao trên 95%.

Toàn cảnh hội thảo.

Đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế, vẫn còn những khó khăn, thách thức trong việc phòng chống tác hại thuốc lá. Về thực trạng sử dụng thuốc lá: Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nước ta tuy đã giảm nhưng vẫn còn rất cao, đặc biệt là nam giới. Các sản phẩm thuốc lá mới xuất hiện (thuốc lá điện tử, thuốc lá không đốt nóng, thuốc lá hút Shisha). Thuốc lá điện tử được bán trên mạng xã hội. Các hoạt động can thiêp  của các công ty thuốc lá đa quốc gia ngày càng mở rộng và với nhiều hình thức.

Về cơ chế, chính sách, thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp. Việt Nam là nước có mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá thấp gần nhất trong khu vực ASEAN (chỉ cao hơn Cam-pu-chia, Lào và Myanmar) và rất thấp so với các nước phát triển.

Khả năng tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá rất dễ dàng, thuốc lá được bán ở khắp mọi nơi. Hiện chúng ta chưa có quy định về việc cấp phép quản lý điểm bán hàng. Cảnh báo sức khỏe trên bao bì sản phẩm thuốc lá từ 2013 chưa  thay đổi.

Tại hội thảo, Ths. Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, nhất quán quan điểm bảo vệ sức khỏe người dân trên các lợi ích kinh tế, dựa trên căn cứ khoa học, điều kiện thực tiễn của Việt Nam, không thí điểm các sản phẩm có hại cho sức khỏe.

Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới vì các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ và trẻ em gái; gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của thanh thiếu niên nên Nhà nước cần phải bảo vệ giới trẻ.

Các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện đồng thời với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh trật tự xã hội nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu thông thường phù hợp với xu hướng của các nước trong khu vực và trên thế giới và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và điều kiện Việt Nam. WHO khuyến cáo các quốc gia thành viên ngăn chặn việc bắt đầu sử dụng thuốc lá nung nóng.

Cho phép thí điểm thuốc lá nung nóng dẫn đến khó có thể kiểm soát được các sản phẩm tương tự. Việc cho phép thí điểm thuốc lá nung nóng gây tốn kém thêm ngân sách, giảm thu thuế, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và chưa đủ điều kiện kỹ thuật để thực hiện trong khi sản phẩm này chỉ gây tác hại.

Việc cho phép thêm thuốc lá mới là đi ngược lại các nguyên tắc giảm cung, giảm cầu của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, Chiến lược quốc gia về Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top