Trong chuỗi hoạt động lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, năm 2023, tối 26/11, tại Chùa Kh’leang, phường 6, thành phố Sóc Trăng, diễn ra lễ cúng Trăng với sự tham gia của các vị sư, Achar, phật tử của chùa, người dân thực hiện nghi thức cúng Trăng và trình diễn đâm cốm dẹp của một số nghệ nhân.
Lễ cúng Trăng là một trong những lễ hội truyền thống mang nét đặc trưng của đồng bào Khmer Nam Bộ. Do lễ cúng trăng có hoạt động đút cốm dẹp mà đút cốm dẹp tiếng Khmer gọi là Oóc Om Bóc nên lễ cúng Trăng còn gọi là Lễ Oóc Om Bóc.
Lễ cúng Trăng có nguồn gốc dân gian từ rất lâu đời của người Khmer. Lễ hội diễn ra hằng năm vào ngày rằm tháng 10 âm lịch. Đây là ngày cuối cùng một chu kỳ của mặt trăng xoay quanh trái đất và cũng là thời điểm hết thời vụ của năm.
Theo quan niệm của người Khmer, cúng Trăng là để tạ ơn thần Mặt trăng trong năm đã bảo vệ mùa màng, đem lại mưa thuận gió hòa, giúp mùa màng bội thu cho mọi nhà, và đồng thời giúp nông dân trúng mùa trong năm tới. Bên cạnh đó, có tài liệu thể hiện “trong tâm thức của những thiện nam tín nữ, Ông Trăng chính là hình ảnh cung quảng của Thỏ Ngọc. Tương truyền có một tiền kiếp của đức Phật là Thỏ Trắng” và người ta thường nhìn thấy thỏ ngọc trên cung trăng vào tết hạ nguyên (ngày 15 tháng 10 âm lịch). Vì vậy, lễ cúng trăng là để tưởng nhớ đến tiền kiếp của đức Phật Thích Ca.
Lễ cúng trăng có thể được tổ chức tại nhà hay tại khuôn viên chùa hoặc một khu đất trống nào đó để dễ dàng quan sát mặt trăng. Đầu tiên, người dân đào lỗ cắm 2 cây tre làm trụ và buộc 1 cây làm đà ngang dài khoảng 3 mét, hình thức giống như một cái cổng bằng tre, có trang trí hoa lá. Đặc biệt trên cổng này, người ta còn giăng 1 dây trầu gồm 12 lá trầu được cuốn tròn tượng trưng cho 12 tháng trong năm và 1 dây cau gồm 7 trái được chẻ vỏ ra như 2 cánh con ong, tượng trưng cho 7 ngày trong tuần. Có nơi người ta cúng rất đơn giản, không cần làm cổng và trang trí như trên, mà chỉ đem 1 cái bàn để trước sân, trên phủ một tấm vải đẹp. Người ta bày lên đó các lễ vật cúng. Ngoài cốm dẹp là thức cúng bắt buộc còn có trái dừa tươi, chuối, khoai lang, cam, bưởi, bánh kẹo... Chuẩn bị xong mọi người trải chiếu ngồi chắp tay quay mặt về phía mặt trăng để chờ làm lễ.
Khi trăng lên đỉnh đầu, bà con cử một người lớn tuổi, đức độ, có uy tín đại diện ra cúng tạ mặt trăng. Người cúng thắp nhang, rót trà và khấn nguyện. Nội dung cúng là cám ơn thần mặt trăng trong năm qua đã làm cho thời tiết thuận lợi, nhà nhà được ấm no, và cầu mong sang năm mới, thần tiếp tục phù hộ cho phum, sóc, xóm làng được no ấm, yên vui. Trong quá trình cúng, trẻ em trong xóm tụ lại rất đông để đợi ăn bánh. Khi cúng xong, người ta bảo trẻ em sắp hàng lại thành một hàng dọc, ai đến trước đứng trước, ai đến sau đứng sau. Sau đó, lấy thức cúng mỗi thứ một ít đút vào miệng trẻ em. Tiếp theo, người chủ lễ đấm vào lưng em bé nhè nhẹ ba cái, và hỏi lớn lên ước mơ sẽ làm gì. Cứ thế lần lượt hết em này đến em khác. Việc làm này là để đoán định tương lai của đứa bé, và cũng là để tượng trưng cho việc mọi người đã nhận được lộc của thần mặt trăng. Đồng thời đó cũng là việc đánh dấu thành quả sau một năm lao động mệt nhọc của mỗi gia đình.
Cũng có truyền thuyết, Lễ cúng Trăng của đồng bào Khmer là xuất phát từ sự tích “con thỏ và mặt trăng”. Đó là sự tích kể về tiền kiếp của Đức Phật Thích Ca. Trong các tiền kiếp của Đức Phật Thích Ca, có một kiếp Ngài hóa thành một thỏ trắng, sống dọc sông Hằng. Thỏ kết bạn với rái cá, khỉ và chó rừng. Thỏ thông minh, hiểu biết và biết tu thân để cầu mong được gần các đấng cao cả.
Một hôm nọ gần đến ngày trăng tròn, thỏ gọi các bạn và bảo: Trước kia, chúng ta cùng hứa với nhau là đến ngày trăng tròn sẽ nhịn đói, ngồi thiền và giữ thân thanh khiết, làm việc thiện. Thỏ nhắc các bạn nên đi tìm thức ăn để bố thí cho người nghèo đói. Nghe lời thỏ, 3 loài vật còn lại đều tìm được mồi. Riêng thỏ thì ngồi thiền trước cửa hang.
Lòng tốt của các con vật làm động lòng trời. Ngọc hoàng bèn giả làm người ăn xin xuống trần gian thử lòng. Ông đến xin rái cá, chó rừng và khỉ, đều được các loài vật mời ăn nhưng ông đều trả lời: “Chờ tôi tắm rửa sạch sẽ rồi dùng sau”. Đến chỗ thỏ, thỏ thưa với lão hành khất: “Xin người kiếm củi và lửa rồi đốt lửa lên, tôi sẽ dâng người một món ăn ngon”. Ông lão làm theo và khi lửa cháy to, thỏ liền nhảy vào nướng mình để làm thức ăn cho ông lão. Nhưng lửa không đốt cháy thỏ vì ngọn gió đã thổi tắt. Ngọc hoàng hiện ra, khen ngợi cử chỉ của các con vật.
Riêng thỏ, Ngọc hoàng nói: “Đối với lòng hy sinh cao cả của ngươi, ta phải để cho người đời noi gương”. Ngọc hoàng tự biến thành cao lớn, đụng tới mây xanh, vẽ hình bạch thố lên mặt trăng. Từ sự tích này, đồng bào Khmer Nam Bộ có lễ hội cúng trăng.
Việc cúng trăng không chỉ thể hiện tấm lòng hướng về nghĩa cử cao đẹp của thỏ - tiền kiếp của Đức Phật, mà còn thể hiện sự trân trọng của đồng bào Khmer đối với các hiện tượng tự nhiên đã ban cho con người sự sống và thành công trong sản xuất.
Mở màn buổi lễ cúng trăng là những điệu nhảy và múa khỉ dưới trăng. Trong lễ cúng trăng phải có vật cúng chính là cốm dẹp. Ngoài ra, còn có các vật phụ là nông sản (chuối, nhãn…) và một số loại bánh, kẹo khác.
Những sản vật trên được bày ra là để cúng dâng và tưởng nhớ đến công ơn mặt trăng vốn được người Khmer coi là vị thần bảo hộ cho mùa màng tốt tươi, đã giúp cho người dân được làm ăn khá giả, sung túc trong năm. Đồng bào Phật tử Khmer luôn có niềm tin với bản thân mình để cầu mong cho gia đình mạnh khỏe, an lạc, hạnh phúc. Đồng thời cầu mong mùa màng sắp tới có thu hoạch tốt. Đó là những ý nghĩa trong buổi lễ cúng trăng mà người dân mong cầu.
Trong buổi lễ, trụ trì vẩy những giọt nước tinh khiết có ướp hương hoa thơm ngát lên phật tử mong đem lại những phước lành. Sau lời khấn vái tạ ơn và đọc kinh cầu phúc là nghi thức đút cốm dẹp. Dưới ánh trăng, trụ trì chùa tận tay đút từng miếng cốm vào miệng của trẻ nhỏ kèm theo những câu hỏi về ước mong, hoài bảo và cuộc sống tương lai.
Khi kết thúc nghi lễ đút cốm, mâm cúng được dọn xuống để mọi người cùng thưởng thức các vật lễ đã cúng và xem trình ca, múa truyền thống và hòa mình vào những điệu nhảy truyền thống cho đến khuya.
Ông Sơn Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Sóc Trăng, cho biết: Tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, đặc biệt là trong hoạt động văn hóa, lễ hội. Đồng thời đáp ứng tâm tư nguyện vọng, nhu cầu sinh hoạt đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng.
Thông qua các hoạt động góp phần đa dạng hóa công tác tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh, kích cầu, quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh Sóc Trăng. Qua đó thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển du lịch, khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia hoạt động du lịch”.