Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 6 tháng 12 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 26 tháng 11 năm 2023 | 15:57

Tưng bừng ngày hội đua ghe Ngo

Trong khuôn khổ Lễ hội Oóc Om Bóc - Ðua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng, năm 2023, trưa 26/11, tại khán đài đua ghe Ngo (thuộc đoạn sông Maspero, phường 8, TP Sóc Trăng), diễn ra Lễ khai mạc Giải đua ghe Ngo truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, giải đua từng xác lập kỷ lục Việt Nam từ năm 2005 đến nay với số lượng ghe và vận động viên tham gia nhiều nhất.

Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại Lễ khai mạc Giải đua ghe Ngo truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer.

Giải Ðua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2023 có số lượng đội tham gia lên tới 46 đội ghe trong tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh khu vực đăng ký tham gia; trong đó có 6 đội ghe Ngo nữ. Riêng đơn vị tỉnh Sóc Trăng có 35 đội ghe Ngo nam và 3 đội ghe Ngo nữ tham gia giải.

Đua ghe Ngo là môn thể thao dân gian truyền thống trong những ngày diễn ra lễ cúng trăng, thu hút hàng vạn người đến xem. Lúc đầu, đây chỉ là một trò chơi dân gian diễn ra trong đêm cúng trăng, nhằm dâng lên các đấng thần tiên nơi cung trăng thưởng thức, vì vậy nó chỉ được tổ chức vào ban đêm lúc trăng lên, sau khi các nghi lễ cúng trăng đã thực hiện xong. Dần dần trò chơi này được nâng lên thành lễ hội, mang tầm cỡ khu vực, thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân đến tham dự.

Chiếc ghe Ngo là một sản phẩm văn hóa hết sức độc đáo của đồng bào Khmer Nam Bộ, và cũng là biểu tượng của sự no ấm, sung túc. Bên cạnh đó, chiếc ghe Ngo còn là hình ảnh đại diện cho mỗi phum sóc, cho xã, huyện mình, nên cuộc đua ghe thường diễn ra rất quyết liệt không phải vì giá trị giải thưởng mà vì danh dự và vinh quang của phum sóc mình.

Lý giải về sự ra đời của đua ghe Ngo, có chuyện kể rằng: Hồi xưa vùng đồng bằng còn âm u, hẻo lánh, rất nhiều thú rừng sinh sống. Đến mùa nước nổi, thú rừng dồn về nơi cao ráo để sinh sống. Những người đàn ông bắt đầu đi săn. Mỗi người một chiếc xuồng con, một cây sào và một cây lao. Họ đi săn bằng cách phóng lao, người đi trước phóng lao mà con thú chưa chết thì người sau sẽ tiếp tục phóng lao

Một hôm nọ, một người đàn ông đi săn gặp con heo rừng và phóng lao. Con thú trúng lao nhưng không chết, quay lại tấn công, khiến xuồng ông ta lật nhào. Người đi sau thấy vậy phóng lao nhưng con heo rừng đã kịp chạy thoát. Người đàn ông nọ được cứu chữa và đưa về nhà. Nhận thấy được mối nguy hiểm từ việc săn thú rừng, những người đàn ông siêng tập luyện, tổ chức đua ghe, xuồng, chọn ra người giỏi nhất để dẫn đầu đoàn thợ săn. Lúc đầu, mỗi người chỉ cầm một cây sào và ngồi trên một chiếc ghe con, dần dần cuộc thi cải biến trên ghe có nhiều người ngồi và nhiều ghe đua với nhau. Những cuộc đua như thế ngày càng hào hức và lan truyền. Người ta cho rằng, những cuộc đua ghe Ngo ngày nay xuất phát từ những cuộc đua ghe của những người thợ săn thuở xưa.

Cũng có chuyện kể khác: Đồng bào Khmer rất hay làm việc thiện, nhất là tạo điều kiện cho các vị sư trong lúc khó khăn để thể hiện tấm lòng của mình với Đức Phật. Bà con đặc biệt quan tâm giúp các vị sư đi khất thực, vì hằng ngày các vị sư đi khất thực rất xa chùa nên những khi trời mưa gió, thường không về kịp giờ ngọ.

Hôm nọ, gần đến giờ ngọ mà trời bỗng nổi cơn mưa to, gió lớn, nước dâng mênh mông. Các vị sư không thể trở về chùa kịp. Thấy vậy, đồng bào trong phum sóc đã đốn cây làm bè để đưa các vị sư về. Mọi người đồng lòng làm bè, bơi thật nhanh để giúp các vị sư. Để nhớ ngày đưa các vị sư về chùa kịp thời trong lúc gió mưa, đồng bào Khmer thường tổ chức đua ghe trên sông. Càng về sau, những chiếc ghe được cải tiến có hình dáng đẹp, thon dài, uốn cong như dáng hình con rắn, gọi là “tuk ngo”, tức ghe Ngo.

Trong một nghiên cứu của NSUT Sơn Lương (tỉnh Sóc Trăng), vào năm 2071 Phật lịch (năm 1528 Dương lịch), có một vị Snâth Phu Bal là lãnh chúa cai quản vùng đất xứ sở Ba Sắc - nay là tỉnh Sóc Trăng. Vị lãnh chúa này có sự sắp xếp, tổ chức phòng vệ vùng đất này bằng cách cho thành lập đội quân thủy chiến, chia ra làm 3 đội quân và ra lệnh cho họ phải tổ chức diễn tập hằng năm vào dịp lễ xuất hạ và lễ cúng trăng”. 3 đội quân thủy chiến này cũng có tên gọi khác nhau, đội quân thứ nhất gọi quân chính quy, diễn tập bằng chiếc ghe bơi có hình thù giống như chiếc ghe Ngo ngày nay; đội quân thứ hai gọi là quân yểm trợ, tổ chức diễn tập bằng chiếc ghe chèo có hình thù cũng giống với chiếc ghe Ngo; đội quân thứ ba gọi là quân Ba Sắc, tổ chức diễn tập bằng chiếc ghe có hình thù lớn hơn và có cánh buồm có mui ngắn người Khmer gọi ghe Ba Sắc tương tự như chiếc ghe chài hiện nay. Đây là chiếc thuyền vận chuyển lương thực, quân nhu phục vụ cho đội quân thủy chiến.

Việc tổ chức diễn tập cũng được vị lãnh chúa xứ Ba Sắc quy định khá chặt chẽ, trong đó có hai điều khoản liên quan đến tổ chức lễ hội. Thứ nhất, đúng vào ngày rằm tháng 8 Âm lịch là dịp lễ xuất hạ của các vị sư, tất cả các vị nhân sĩ Achar và các vị quan lại phải tập trung ở dinh lãnh chúa rồi cùng với Ngài đi đến một số chùa hành lễ theo đúng quy định của Phật giáo Nam tông Khmer; thứ hai, vào ngày rằm tháng 10 Âm lịch là dịp lễ cúng trăng đút cốm dẹp, các vị quan phụ trách các tiểu vùng phải tập hợp quân lính để diễn tập trong 1 ngày 1 đêm trước sự chứng kiến của vị lãnh chúa và các vị quan thần lúc bây giờ. Riêng đội quân thủy chiến được đem đi diễn tập ở “Peam Konh Thô” (ngày xưa người Việt gọi là Vàm Dầy Tho hoặc Vàm Dù Tho) ở Mỹ Xuyên, Sóc Trăng, vì nơi ấy là vàm lớn có ngã ba 3 đường: một ngã đi Bạc Liêu, một ngã đi Kiên Giang và một ngã đi về trung tâm tỉnh lỵ Sóc Trăng, nên được cho là nơi thuận tiện, dễ dàng trong việc đi lại, tập trung các nơi trong vùng đến vui chơi lễ hội.

Trong thời kỳ lãnh chúa có tước hiệu là “Ponh-nha Tat” thì xứ sở Ba Sắc lúc bấy giờ luôn trong trạng thái yên vui, thái bình, không có xảy ra tình hình chiến tranh hay trộm cướp lần nào, nên việc diễn tập để phòng vệ của đội quân lính thủy không còn là mục tiêu quan trọng nữa, mà dần dần cuộc diễn tập đã biến thành hình thức sinh văn hóa cộng đồng, trở thành phong tục ngày hội đua ghe Ngo hằng năm của người Khmer ở xứ sở này cho đến ngày nay.

Đến năm 2431 Phật lịch (năm 1888 Dương lịch), chính quyền lúc bấy giờ đã sắp xếp khôi phục lại nhiều phong tục, lễ hội của người Khmer bản địa. Trong đó phong tục đua ghe Ngo được quan tâm cho tổ chức hằng năm do ông trực tiếp đứng ra chỉ huy tổ chức và điều hành để cuộc đua ghe Ngo ngày càng có trật tự và ý nghĩa tốt đẹp hơn. Có những quy định nêu rằng: Đua ghe Ngo được tổ chức hằng năm, mỗi năm tổ chức 2 lần; vào dịp lễ xuất hạ của sư sãi Khmer và dịp lễ Óoc Om Bóc; địa điểm tổ chức tại Vàm Dù Tho. Từ đó thu hút sự tham gia ngày càng nhiều đội ghe của các địa phương trong vùng như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá (Kiên Giang)...

Ngày xưa, trên đường đi đến nơi tập trung làm lễ hội đua ghe Ngo ở Vàm Dù Tho, có nhiều chiếc ghe dừng chân ở “Prêk Om Pu Yea” (sông Nhu Gia). Tại đây, có một con sông lớn, 2 bên bờ cũng trống trải thuận tiện cho việc tổ chức cuộc đua thử, nên các ghe Ngo thường tổ chức cuộc đua thử sức tại nơi này vào buổi chiều tối ngày 14 Âm lịch, đến sáng sớm ngày 15 Âm lịch mới tập kết đi đến điểm tham gia cuộc đua chính thức ở Vàm Dù Tho.

Đến năm 2441 Phật lịch (năm 1904) thời kỳ này được Đốc Phủ sứ Sóc Trăng lúc bấy giờ, rất quan tâm đến lễ tục đua ghe Ngo, nên tiếp tục được duy trì và thực hiện đều đặn hằng năm với quy mô ngày càng lớn hơn.

 

Cao Xuân Lương
Ý kiến bạn đọc
  • Chặng đường 25 năm bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn

    Chặng đường 25 năm bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn

    “Trong những ngày đầu tháng 12 này, Khu đền tháp Mỹ Sơn cùng với Đô thị cổ Hội An tròn 25 năm ngày được Unesco công nhận Di sản văn hóa của nhân loại. Niềm vinh dự này, không phải địa phương nào cũng có được, tôi xin được chia sẻ niềm vui và niềm tự hào này đối với thành phố Hội An và huyện Duy Xuyên, chúc cho công tác bảo tồn các di sản ngày càng tốt đẹp, đạt được những thành công hơn nữa” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu nói.

  • Kon Tum: Hội diễn giới thiệu 15 ca khúc viết về huyện Tu Mơ Rông

    Kon Tum: Hội diễn giới thiệu 15 ca khúc viết về huyện Tu Mơ Rông

    Ngày 2/12, ông Phạm Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) cho biết, qua phát động đã có 15 ca khúc tham gia cuộc thi sáng tác ca khúc viết về huyện Tu Mơ Rông.

  • Hà Tĩnh tổ chức Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh

    Hà Tĩnh tổ chức Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh

    Tối 28/11, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức khai mạc Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản”, với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật các tỉnh: Nghệ An, Bắc Ninh, Phú Thọ, Quảng Nam, Lâm Đồng và Hà Tĩnh.

Top