Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024  
Thứ hai, ngày 22 tháng 7 năm 2024 | 10:36

Nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng hoa, kiểng Đồng Tháp

Những năm gần đây, ngành hàng hoa, kiểng của Đồng Tháp đã có bước phát triển vượt bậc với gần 3.000ha, có trên 2.000 chủng loại, mỗi năm cung cấp ra thị trường 12 triệu sản phẩm, giá trị sản xuất năm 2023 đạt 6.161 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngành hàng hoa, kiểng cũng đang gặp nhiều khó khăn, trước thực trạng trên Đồng Tháp đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Còn nhiều khó khăn

Đồng Tháp là địa phương có vùng trồng hoa, kiểng truyền thống lớn nhất miền Tây Nam Bộ với diện tích đạt gần 3.000ha, với trên 2.000 chủng loại. Hoa, kiểng là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Những năm gần đây, ngành hàng hoa, kiểng có bước phát triển vượt bậc, từng bước tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế, tăng về số lượng và chất lượng, có năng suất cao, đáp ứng nhu cầu của người dân trong và ngoài nước, đem lại lợi nhuận cho người trồng hoa, kiểng, giá trị hơn 6.100 tỷ đồng (từ 2016 đến nay), phân bố tại TP. Sa Đéc và các huyện Lai Vung, Lấp Vò, TP. Cao Lãnh.

Theo kế hoạch phát triển ngành hàng hoa, kiểng tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, giá trị sản xuất ngành hàng này dự kiến đạt 7.000 tỷ đồng. Diện tích trồng hoa kiểng toàn tỉnh đạt trên 3.500 ha, chủ yếu tập trung TP Sa Đéc đạt trên 1.100 ha; huyện Lai Vung đạt trên 1.500 ha, huyện Lấp Vò đạt trên 450 ha, TP Cao Lãnh 50 ha.

Hoa kiểng được nhân giống bằng kỹ thuật nuôi cấy mô.

Thực hiện khảo nghiệm, chọn lọc và chuyển giao cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu từ 2 - 3 giống hoa, kiểng mới phù hợp điều kiện tự nhiên, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Thực hiện chỉ dẫn địa lý cho một sản phẩm hoa, kiểng đặc trưng của tỉnh Đồng Tháp.

Tuy nhiên, ngành hàng hoa, kiểng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập trong chuỗi giá trị ngành hàng như: thiếu vùng sản xuất tập trung quy mô lớn hướng đến tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu; công tác giống và quy trình canh tác còn nhiều hạn chế nhất định, chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu về giống chất lượng của ngành hoa kiểng, chưa làm chủ công nghệ nghiên cứu, lai tạo ra nhiều giống hoa mới phù hợp đặc điểm tự nhiên và mang nét đặc sắc địa phương. Chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho công tác nghiên cứu phát triển về giống, quy trình thương mại hóa mang tính cạnh tranh còn hạn chế.

Chưa thu hút nhiều đầu tư vào quá trình nghiên cứu khoa học và phát triển ngành hàng hoa, kiểng. Công tác thông tin thị trường, chuỗi liên kết giá trị hoa, kiểng còn nhiều rủi ro, thiếu bền vững. Sản phẩm hoa, kiểng tiêu thụ chủ yếu nội địa, nông dân tự xuất bán thành phẩm thông qua thương lái địa phương. Việc đầu tư hạ tầng nông  nghiệp, du lịch và cơ chế chính sách còn chưa tương xứng với tiềm năng.

Tại Hội thảo về “Định hướng và giải pháp phát triển ngành hàng hoa, kiểng tại tỉnh Đồng Tháp” diễn ra mới đây, tỉnh Đồng Tháp mong muốn các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, chỉ ra các hạn chế, thiếu sót và đề xuất nhiều giải pháp đột phá, cách làm sáng tạo nhằm giúp chuẩn hóa, nâng cao giá trị ngành hàng hoa kiểng trong thời gian tới, nhất là giúp hoa, kiểng Đồng Tháp tiếp cận nhiều thị trường tiềm năng và hợp tác quốc tế.

Ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất

Tại hội thảo, các diễn giả và nhà khoa học đã chia sẻ nhiều kiến thức về ứng dụng công nghệ khoa học trong sản xuất, thu hoạch và quảng bá thương hiệu hoa kiểng như: Ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ nano, nhà kính thông minh, công nghệ sản xuất không dùng đất, công nghệ robot, công nghệ hình ảnh, công nghệ IoT, trí thông minh nhân tạo (AI), sử dụng máy bay không người lái, ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất hoa, kiểng…

Ngành hàng hoa, kiểng là một trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh Đồng Tháp để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, (Ảnh: Lê Hoàng Vũ).

Bà Mai Hồng, Điều phối viên Việt Nam, Hiệp hội Hợp tác kinh doanh Nông nghiệp Hà Lan - Việt Nam cho biết, Hiệp hội đang và sẽ thực hiện tư vấn về thị trường, tiếp thị và thương mại sản phẩm; chuyển giao công nghệ bảo quản, đóng gói, vận chuyển hoa, kiểng sau thu hoạch cho tỉnh. Đồng thời, hợp tác xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn về kỹ thuật trồng các loại hoa, kiểng mới phù hợp điều kiện của địa phương; kết nối chuyển giao 01 đến 02 giống hoa mới có bản quyền mỗi năm, để thử nghiệm và thương mại hóa từ Sa Đéc.

Trong khi đó, ông Trần Văn Bình, Chủ nhiệm Hội quán Làng hoa cho rằng, việc xuất khẩu hoa, kiểng là vấn đề khó do cần phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn. Vì vậy, cần phải có nhiều đơn vị sản xuất phân hữu cơ, thuốc sinh học và người nông dân cần thay đổi phương thức sản xuất từ sử dụng thuốc hóa học sang sử dụng phân hữu cơ trong quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Theo ông Nguyễn Phước Lộc, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh thành phố Sa Đéc, bên cạnh hoa thì cây kiểng đem lại giá trị kinh tế rất cao, do đó, ngành nông nghiệp cần có chính sách để thúc đẩy phát triển, nhất là với trồng kiểng bonsai; quy hoạch vùng chuyên trồng kiểng bonsai; tạo điều kiện cho bà con nông dân học tập kinh nghiệm ở một số nước có khí hậu, sản xuất các giống hoa tương đồng với Đồng Tháp.

Theo TS. Lê Uyển Thanh, Trường Đại học Đồng Tháp, việc áp dụng các tiến bộ công nghệ mới vào sản xuất là giải pháp giúp nông dân tối ưu hóa năng suất và giảm tổn thất, đồng thời cải thiện chất lượng hoa. Những tiến bộ này bao gồm việc phát triển các kỹ thuật nhân giống mới; sử dụng cảm biến và hệ thống giám sát từ xa; công nghệ nhà kính thông minh, công nghệ sau thu hoạch, robotics, công nghệ hình ảnh, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) và vẽ bản đồ bằng máy bay không người lái (drone mapping)...

Nông dân chăm sóc hoa, kiểng.

Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh đang tập trung vào các giải pháp cụ thể để phát triển ngành hàng hoa, kiểng như: Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; nghiên cứu phát triển nhiều giống hoa, kiểng mới, lạ; chuyển giao kỹ thuật canh tác, bảo quản, chế biến; thực hiện mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ; Phát triển kinh tế tập thể; Ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số; Truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm hoa kiểng; Xúc tiến thương mại; Phát triển nguồn nhân lực….

Bảo tồn, phát triển làng nghề hoa kiểng

ThS. Hoàng Thị Ánh Nguyệt , Trường Đại học Đồng Tháp cho rằng, vấn đề quan trọng để ngành hàng hoa, kiểng phát triển bền vững là phải thực hiện tốt việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung, đầu tư vào quảng cáo và tiếp thị; đào tạo và phát triển nhân lực; kết nối với thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh liên kết sản xuất giữa các địa phương thành vùng sản xuất hàng hóa có định hướng, có điều tiết và quản lý tốt. Nhân tố quyết định cho sự thành bại trong công tác tổ chức lại sản xuất chính là Nhà nước. Tổ chức các hoạt động vinh danh nghệ nhân làng nghề, thực hiện kết nối làng nghề hoa kiểng cũng là yếu tố quan trọng để thúc đẩy ngành hàng hoa, kiểng phát triển bền vững.

Thạc sỹ Lê Minh Sơn (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long) cho rằng, địa phương cần tổ chức tốt những hoạt động công nhận, vinh danh đối với nghệ nhân làng nghề hoa kiểng; tổ chức các lễ hội truyền thống làng nghề, kết nối làng nghề hoa kiểng với hệ thống di sản đã được công nhận phục vụ phát triển du lịch; thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác bảo tồn và phát triển làng nghề hoa kiểng, tích hợp dữ liệu làng nghề vào hệ thống số; thương mại hóa tín chỉ carbon. Qua đó, góp phần phát triển, nâng chuỗi giá trị ngành hàng hoa kiểng theo hướng bền vững.

Với việc áp dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, hiện nay người nông dân đã có thể trồng hoa quanh năm.

Bà Nguyễn Thị Ngọc, Trưởng Phòng Kinh tế TP. Sa Đéc cho biết, thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp đối với ngành hoa kiểng, địa phương tiếp cận nhiều thị trường, nhất là các thị trường tiềm năng, định hướng phát triển các mặt hàng hoa kiểng tiềm năng. Địa phương cũng chú trọng đến công tác đào tạo nghề; tổ chức các hoạt động nhằm quảng bá hình ảnh hoa kiểng Sa Đéc; phối hợp với các đơn vị liên quan chuyên tổ chức các hoạt động nhằm quảng bá hình ảnh hoa, kiểng Sa Đéc đến nông dân.

Ngoài ra, công tác quy hoạch, xây dựng và triển khai các tuyến đường kết nối giao thông phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng du lịch trên địa bàn thành phố cũng được quan tâm thực hiện, bộ mặt đô thị ngày càng khang trang hơn; nhiều công trình trọng điểm hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả tích cực, thúc đẩy phát triển kinh tế của thành phố đáp ứng mục tiêu phát triển du lịch đã đề ra. Qua đó, tạo được ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, đã có hơn 3 triệu lượt khách tham quan, du lịch (trong đó có gần 170 ngàn lượt khách nước ngoài).

 

Tổng hợp từ nguồn: snnptnt.dongthap.gov.vn; mard.gov.v; Baodongthap.vn; Nongnghiep.vn

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Kiểm kê đất đai trên phạm vi cả nước từ ngày 1/8/2024

    Kiểm kê đất đai trên phạm vi cả nước từ ngày 1/8/2024

    Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm kê đất đai năm 2024.

  • HoREA góp ý nội dung hoàn thiện hệ thống thông tin về đất đai

    HoREA góp ý nội dung hoàn thiện hệ thống thông tin về đất đai

    Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến hai nhóm góp ý để xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định về điều tra cơ bản về đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin về đất đai.

  • Sống như nghỉ dưỡng suốt bốn mùa tại The Sola Park

    Sống như nghỉ dưỡng suốt bốn mùa tại The Sola Park

    Thiết kế không gian “phủ đầy” tiện ích “từ nhà ra ngõ”, dự án “đình đám” khu vực phía Tây Hà Nội, The Sola Park (Đại đô thị Vinhomes Smart City, đại lộ Thăng Long, Tây Mỗ, Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội) sẽ mang tới cho cư dân chốn nghỉ dưỡng suốt bốn mùa.

Top