Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 15 tháng 8 năm 2024  
Thứ hai, ngày 12 tháng 8 năm 2024 | 21:30

Nâng cao năng lực canh tranh, DN xuất khẩu gỗ nỗ lực vượt thách thức

Mặc dù 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng 22% so với cùng kỳ năm trước, nhưng theo dự báo, thị trường của mặt hàng này vẫn chứa đựng nhiều yếu tố thiếu bền vững và rủi ro. Do đó, thời gian tới cần nâng cao năng lực canh tranh của doanh nghiệp.

Xuất khẩu sản phẩm gỗ tăng nhưng chưa bền vững.

Xuất siêu hơn 7,8 tỷ USD

Phát biểu tại hội nghị “Hội nghị giao ban ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản quý III/2024” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) vừa tổ chức ông Triệu Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, với tín hiệu phục hồi tích cực của thị trường, đặc biệt là đối với một số sản phẩm xuất khẩu chính đều tăng như dăm gỗ (tăng gần 38%), gỗ và sản phẩm gỗ (tăng trên 20%) so với cùng kỳ năm 2023.

Lũy kế giá trị xuất, nhập khẩu gỗ và lâm sản 7 tháng đầu năm 2024 đạt cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 9,361 tỷ USD, đạt 61,5% kế hoạch năm, tăng 20,5 % so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, sản phẩm gỗ đạt 5,967 tỷ USD, tăng 22,2 %; gỗ đạt 2,785 tỷ USD, tăng 20,9%; lâm sản ngoài gỗ đạt 609 triệu USD, tăng 4,6%.

Nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng cao như: Thị trường Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,019 tỷ USD, tăng 24%; Trung Quốc đạt 1,22 tỷ USD, tăng 37,92%; châu Âu (EU) đạt 555 triệu USD, tăng 22,44%.

Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 3,99 tỷ USD, tăng 22,3%, doanh nghiệp trong nước đạt 5,371 tỷ USD, tăng 19,2%. Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 1,504 tỷ USD, tăng 22,3 % so với năm 2023. Giá trị xuất siêu toàn ngành ước đạt 7,857 tỷ USD.

Thông tin thêm về tình hình xuất khẩu của nhóm doanh nghiệp có vốn FDI, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2024 có 3.324 doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào xuất khẩu gỗ và sản phẩm đạt 7,36 tỷ USD, trong đó các doanh nghiệp FDI đạt 3,48 tỷ USD, chiếm 47,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên số lượng doanh nghiệp FDI tham gia xuất khẩu chỉ có 669 doanh nghiệp, chiếm 20,1% tổng số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, tăng 10,5% so với cùng kỳ. "Điều này cho thấy cần có sự kết nối mạnh mẽ giữa khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam để ngành gỗ phát triển bền vững" - ông Lập nói.

Nhiều doanh nghiệp Việt bị "xù nợ" với giá trị lớn

Tuy vậy, theo nhiều doanh nghiệp, ngành sản xuất đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ vẫn đang và sẽ gặp nhiều thách thức lớn.

Phát biểu tại một hội thảo liên quan đến hoạt động xuất khẩu vào thị trường Mỹ mới đây, đại diện Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương cho biết thời gian qua nhiều doanh nghiệp Việt bị "xù nợ" với giá trị lớn do không ít đối tác nhập khẩu đồ gỗ tại Mỹ, châu Âu... lâm vào cảnh thua lỗ và tuyên bố phá sản.

Tín hiệu thị trường xuất khẩu tốt hơn năm ngoái, đơn hàng đi các thị trường chính như Mỹ, châu Âu... đều tăng. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn nhất định cho ngành, đặc biệt tính bền vững của thị trường chưa cao.

Mấy năm gần đây, ngành gỗ Việt Nam có thể bị mất hàng trăm triệu USD vì lý do này.

"Chúng tôi cần sự hỗ trợ từ Nhà nước trong việc giúp doanh nghiệp có chỗ mua bảo hiểm hàng hóa xuất khẩu, cũng như hỗ trợ tìm hiểu, cảnh báo tình hình tài chính các doanh nghiệp, tập đoàn nhập khẩu, bán lẻ đồ gỗ và lâm sản. Bởi biết được khách hàng nhưng không dễ hiểu hết tình hình tài chính khách hàng, nếu đánh giá mơ hồ thì khi xảy ra rủi ro thiệt hại sẽ rất lớn" vị đại diện hiệp hội nói.

Ngoài ra, việc Mỹ (thị trường nhập khẩu đồ gỗ lớn nhất của Việt Nam) đánh thuế rất cao lên sản phẩm đồ gỗ nhập từ Trung Quốc các năm qua, khiến Trung Quốc tìm cách "thoát" đánh thuế bằng việc gia tăng sản xuất ở các nước, trong đó có Việt Nam.

Điều này khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt ngay tại sân nhà, và có nguy cơ bị vạ lây nếu đồ gỗ Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt, hoặc lợi dụng hoạt động đầu tư để núp bóng, nhằm lấy xuất xứ Việt Nam đối với đồ gỗ xuất khẩu sang Mỹ.

Bà Lê Thị Xuyến, tổng giám đốc Công ty CP Chế biến gỗ Thuận An (Bình Dương), cho biết tín hiệu thị trường xuất khẩu tốt hơn năm ngoái, đơn hàng đi các thị trường chính như Mỹ, châu Âu... đều tăng. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn nhất định cho ngành, đặc biệt tính bền vững của thị trường chưa cao.

"Giá cước tàu biển neo cao kéo dài khiến giá gỗ nguyên liệu nhập về tăng mạnh, giá thành sản xuất vì thế cũng tăng. Chưa kể ở chiều xuất đi, đối tác cũng gặp khó trong việc tìm những hãng tàu có giá cước cạnh tranh", bà Xuyến nói.

Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cho rằng các thị trường xuất khẩu chính đồ gỗ của Việt Nam như châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản... dù đã tốt lên so với năm ngoái nhưng còn đang tiếp tục đối diện với các khó khăn về kinh tế.

Ngoài ra, tình hình chính trị thế giới thiếu ổn định cũng ảnh hưởng xấu đến hoạt động xuất khẩu, tiêu dùng.

Nâng cao năng lực canh tranh của doanh nghiệp

Nhận định về tình hình xuất khẩu của ngành gỗ trong 5 tháng cuối năm, ông Đỗ Xuân Lập dự báo, tình hình thế giới tiếp tục có những biến động phức tạp, khó lường, yếu tố rủi ro, bất định gia tăng. Kinh tế thế giới năm 2024 chịu sức ép từ lãi suất cao, căng thẳng thương mại, xung đột quân sự, biến động chính trị và dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới tăng 2,6%, thấp hơn mức tăng 3,1% của năm 2023.

Trong khi đó, các thị trường xuất khẩu chính đồ gỗ của Việt Nam như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc đang tiếp tục đối diện với các khó khăn về kinh tế và bảo hộ sản phẩm hàng hoá. Giá cước vận tải biển tăng khiến giá gỗ nguyên liệu đầu vào tăng, có những loại gỗ giá nhập vào hiện tại đã tăng 40% so với năm trước. Điều này ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm đầu ra...

Để đạt được mục tiêu xuất khẩu 15,2 tỷ USD trong năm nay, ngành gỗ còn nhiều việc phải làm. 

Phân tích sâu về thị trường, ông Đỗ Xuân Lập cũng nêu rõ, đến thời điểm này, Hoa Kỳ vẫn chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, vì vậy, theo Chủ tịch VIFOREST, điều này có nghĩa các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Hoa Kỳ, chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục không được công nhận mà phải sử dụng “giá trị thay thế” của một nước thứ ba để tính toán biên độ bán phá giá.

Các vụ kiện có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, khi kinh tế Hoa Kỳ cũng như thế giới đang có những khủng hoảng, ngành sản xuất tại Hoa Kỳ gặp khó khăn và đặc biệt trong bối cảnh chính quyền Hoa Kỳ cần sự ủng hộ của cử tri khi bầu cử Tổng thống sắp đến.

Với thị trường EU, Quy chế chống mất rừng (EUDR) của Liên minh châu Âu đến tháng 12/2024 có hiệu lực, sẽ khiến doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gặp nhiều khó khăn khi tuân thủ.

Ngoài ra, Đức áp dụng Luật Nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng sẽ tác động gián tiếp tới nhà xuất khẩu của Việt Nam. Nhà nhập khẩu có thể yêu cầu doanh nghiệp Việt cung cấp thêm các chứng nhận liên quan đến nguồn gốc của sản phẩm, tình trạng sử dụng lao động, tiền lương trả cho lao động, cách thức xử lý chất thải nhà máy…

Để hỗ trợ cho ngành chế biến và xuất khẩu gỗ trong thời gian tới, đại diện VIFOREST đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan của Chính phủ hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ.

Đồng thời cần có cơ chế phối hợp để cập nhật các thông tin thay đổi về chính sách tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành gỗ Việt và cung cấp các dự báo, cảnh báo và các thông tin liên quan tới phòng vệ thương mại.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có chính sách để các tỉnh không khuyến khích doanh nghiệp FDI đầu tư dự án sản xuất các sản phẩm của ngành gỗ mà nước đó đã bị nước thứ 3 áp thuế chống bán phá giá...

Theo VIFOREST, thời gian tới cần nâng cao năng lực canh tranh của doanh nghiệp với 5 trụ cột chính cần hướng tới. Đó là: các giải pháp về kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất; sản xuất phải giảm phát thải; các giải pháp về quản trị, trong đó ưu tiên chuyển đổi số; đẩy mạnh xúc tiến thương mại; xây dựng bộ tiêu chuẩn giám sát nội bộ trong doanh nghiệp.

Nhằm nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, VIFOREST đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan của Chính phủ hỗ trợ, hướng dẫn các DN ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ. Đồng thời cần có cơ chế phối hợp để cập nhật các thông tin thay đổi về chính sách tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành gỗ Việt và cung cấp các dự báo, cảnh báo và các thông tin liên quan tới phòng vệ thương mại./.

 

Thanh Tâm (t/h theo thoibaotaichinhvietnam.vn, tuoitre.vn...)
Ý kiến bạn đọc
  • Bí quyết dưỡng nhan từ sâu bên trong của phụ nữ hiện đại

    Bí quyết dưỡng nhan từ sâu bên trong của phụ nữ hiện đại

    Sức khỏe và sắc đẹp là điều bất kỳ người phụ nữ nào cũng mong muốn sở hữu. Giữa nhịp sống hiện đại với bộn bề trách nhiệm trong gia đình, ngoài xã hội, nếu không có những bí quyết riêng thì người phụ nữ thật khó để có được cùng lúc hai điều này.

  • “Sống sành” cùng thẻ tín dụng PVcomBank Lifestyle Mastercard

    “Sống sành” cùng thẻ tín dụng PVcomBank Lifestyle Mastercard

    Nhằm tri ân các chủ thẻ tín dụng Lifestyle Mastercard, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) mới đây vừa triển khai chương trình “Sống sành” với thông điệp “Cùng thẻ bạn yêu, làm điều bạn thích”, mang đến gần 20.000 mã ưu đãi hấp dẫn dành cho các khách hàng trên Shopee và Xanh SM.

  • Hè tưng bừng, chọn SeABank - Nhiều lợi ích - Ít âu lo

    Hè tưng bừng, chọn SeABank - Nhiều lợi ích - Ít âu lo

    Nhân dịp hè 2024, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, Hose: SSB) triển khai chương trình ưu đãi “Chọn SeABank - Nhiều lợi ích - Ít âu lo” với nhiều lợi ích thiết thực dành cho khách hàng cá nhân khi vay mua nhà, vay kinh doanh với lãi suất chỉ 5,5%/năm, chi tiêu thẻ không lo phí, an tâm sống khỏe.

Top