Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 28 tháng 6 năm 2024  
Thứ hai, ngày 24 tháng 6 năm 2024 | 15:6

Nâng cao vị thế, thương hiệu đồ gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế

Thị trường gỗ đang phục hồi trở lại, hoạt động xuất khẩu hầu hết các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đều tăng trưởng tích cực trong 5 tháng đầu năm 2024. Điều này cho thấy, ngành chế biến gỗ và nội thất Việt Nam đang đi đúng hướng, không chỉ nhằm gia tăng trị giá xuất khẩu mà còn từng bước nâng cao vị thế, thương hiệu đồ gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Mục tiêu xuất khẩu gỗ đạt 17,5 tỷ USD trong năm nay của Việt Nam có thể hoàn thành.

Thâm nhập sâu vào các thị trường quan trọng

Xuất khẩu gỗ đã lấy lại đà tăng trưởng khi kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam 5 tháng đầu năm ước đạt hơn 6 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng xuất khẩu sản phẩm gỗ, ước đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 5 thị trường lớn và có mức tăng ấn tượng nhất là Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, ASEAN, Hong Kong (Trung Quốc). Đáng chú ý, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam và là một trong những thị trường tăng cao nhất với con số đạt trên 20%.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ngành gỗ Việt Nam đã mở rộng thị trường xuất khẩu đến 170 quốc gia trên thế giới, thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quan trọng như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và hiện diện nhiều hơn tại các thị trường mới nổi như Trung Đông, Ấn Độ...

Ngành gỗ Việt Nam có vị thế thuận lợi để tận dụng nhu cầu mạnh mẽ từ thị trường trong nước và quốc tế. Để có đà tăng trưởng trở lại là nhờ một phần nhu cầu tiêu thụ của các thị trường nhập khẩu đang dần quay trở lại.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng mạnh dạn đầu tư công nghệ mới, chuyển đổi kỹ thuật số để phát triển các sản phẩm dịch vụ mới, nâng cao khả năng cạnh tranh để thu hút các đơn hàng.

Còn đại diện Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh cho hay, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tăng trưởng mạnh là nhờ tín hiệu tích cực từ các thị trường Mỹ, EU. Trong đó Mỹ vẫn đang là thị trường lớn nhất cho xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam, chiếm 55% trong tổng kim ngạch.

Vì vậy, việc theo kịp các xu hướng mới nhất tại thị trường Mỹ là điều các doanh nghiệp đang hướng tới để đáp ứng thị hiếu chi tiêu của người dân nước này.

Hiện nay, chưa phải là mùa cao điểm nhưng mỗi tháng Việt Nam xuất khẩu từ 1,2 -1,4 tỷ USD các sản phẩm gỗ. Với mức tăng như hiện nay, những tháng cuối năm vào mùa cao điểm mua sắm của các nước có thể tăng lên từ 1,6 - 1,8 tỷ USD, nên mục tiêu xuất khẩu 17,5 tỷ USD trong năm nay của Việt Nam có thể hoàn thành.

Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương chỉ ra, thị trường gỗ đang phục hồi trở lại, hoạt động xuất khẩu hầu hết các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đều tăng trưởng tích cực trong 5 tháng đầu năm 2024. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ đều ở mức cao, nhờ tiêu dùng hàng hóa tại nhiều thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu đang đón những tín hiệu tốt dần lên.

Cùng với đó, trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã cập nhật nghiên cứu xu hướng thị trường và chuyển đổi từ gia công xuất khẩu sang thiết kế các mẫu mã mới, đẹp mắt và có chất lượng tốt, được nhiều khách mua hàng quốc tế đánh giá cao.

Điều này cho thấy ngành chế biến gỗ và nội thất Việt Nam đang đi đúng hướng, không chỉ nhằm gia tăng trị giá xuất khẩu mà còn từng bước nâng cao vị thế, thương hiệu đồ gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Doanh nghiệp xuất khẩu đáp ứng những quy định mới

Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất thế giới. Cùng với sự cạnh tranh quyết liệt với những quốc gia khác, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn tại các thị trường xuất khẩu do những quy định mới về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, thuế và các định chế thương mại liên quan.

Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) Ngô Sỹ Hoài cho biết, gỗ và sản phẩm gỗ là những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam liên tục tăng trưởng đã đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gỗ lớn thứ 2 ở châu Á và thứ 5 trên thế giới.

Tuy nhiên, trong năm 2023, mặc dù kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm có tăng trưởng nhưng chỉ đạt 79% kế hoạch đề ra, cho thấy tiềm ẩn những nguy cơ cần giải quyết. Khó khăn với ngành gỗ có thể kéo dài khi những yếu tố bất lợi vẫn hiện hữu như khủng hoảng địa chính trị lan rộng, suy thoái kinh tế thế giới, các thị trường xuất khẩu chính chưa phục hồi.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ vẫn còn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức.

Cùng với đó, ngành gỗ vẫn đối mặt những thách thức như đơn hàng phải cạnh tranh và yêu cầu về mẫu mã, chất lượng cao. Các rào cản thương mại nước ngoài ngày càng khắt khe, các chứng chỉ về quản lý rừng bền vững hay chứng chỉ giảm phát thải các-bon sau này bắt buộc sản phẩm gỗ khi xuất sang thị trường các nước phải tuân thủ.

Nhiều thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… đã yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ phải có chứng chỉ bền vững, minh bạch trong chuỗi nguồn cung đã tác động đến các nhà sản xuất.

Một số quốc gia nhập khẩu khác còn yêu cầu doanh nghiệp gỗ Việt Nam phải cung cấp các chứng nhận liên quan nguồn gốc sản phẩm, tình trạng sử dụng lao động, tiền lương, xử lý chất thải,…

Hơn thế nữa, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ hiện phải đối diện với những thách thức mới về cam kết quốc tế như tuân thủ quy định của EU về chống phá rừng, trách nhiệm giải trình ngành gỗ để thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế theo luật Lacey (Mỹ), cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất…

Do vậy, những tháng còn lại của năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ vẫn còn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức.

Hiện, Mỹ đang là thị trường nhập khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam nhiều nhất trong các thị trường nhập khẩu, tỷ trọng đạt khoảng 60% mỗi năm. Từ đầu năm 2022 đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam liên tục phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá từ Mỹ, Hàn Quốc,...

Gần đây, Cơ quan đại diện thương mại của Mỹ cáo buộc ngành gỗ Việt Nam sử dụng gỗ bất hợp pháp tại thị trường nội địa và trong sản phẩm xuất khẩu vào nước này và Hàn Quốc đang điều tra để đưa ra phán quyết về thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm ván ép của các doanh nghiệp.

Ðiều này khiến cho hoạt động kinh doanh của ngành gỗ tại các thị trường xuất khẩu trong thời gian tới được dự báo sẽ có những biến động và tiềm ẩn nhiều rủi ro…

Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để kiểm soát gỗ hợp pháp của Việt Nam đã được xây dựng khá đầy đủ, vấn đề còn lại là các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp phải cam kết triển khai thực hiện hiệu quả để bảo đảm nguồn gốc gỗ nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu không gặp phải những rủi ro, nhằm nâng cao uy tín của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới.

Bên cạnh đó, yêu cầu về gỗ nguyên liệu hợp pháp và trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ đã trở thành vấn đề “tồn tại hay không tồn tại” của ngành sản xuất, chế biến đồ gỗ Việt Nam.

Theo GS,TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường đại học Lâm nghiệp, ngành gỗ Việt Nam hiện đang phát triển mạnh cả về quy mô và tốc độ. Tuy vậy, các quốc gia trên thế giới ngày càng có những chính sách kiểm soát lâm sản nhập khẩu hết sức chặt chẽ.

Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cần nhận thức một cách đầy đủ và tổ chức thực thi nghiêm túc những vấn đề có liên quan. Để khai thác tiềm năng của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến xuất khẩu gỗ, nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật.

Theo đó, các nhà quản lý doanh nghiệp cần tuân thủ pháp luật, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về thị trường; đẩy mạnh nghiên cứu, thiết kế phát triển sản phẩm và đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến để gia tăng giá trị sản phẩm, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao, đa dạng từ thị trường; cần tổ chức giám sát, đánh giá nguồn gốc gỗ bảo đảm, hợp pháp và giải quyết tốt bài toán nguyên liệu chất lượng cao đáp ứng yêu cầu ngày càng lớn của thị trường tiêu thụ.

Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công thương) khuyến cáo, các nhà quản lý doanh nghiệp cần quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng một cách chặt chẽ nhằm loại bỏ những rủi ro đối với nguồn gỗ bất hợp pháp.

Hệ thống quản lý chuỗi cung hiệu quả cũng góp phần giảm thiểu hoặc thậm chí loại bỏ các rủi ro khác có liên quan đến các vấn đề xã hội và môi trường. Ngoài ra, áp dụng hệ thống chuỗi cung hiệu quả còn trực tiếp góp phần tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh và tăng tính cạnh tranh trong thương mại sản phẩm.

Hiện các hệ thống quản lý chuỗi cung được áp dụng phổ biến trong ngành gỗ bao gồm hệ thống ISO 9001/2008, FSC FM /COC, BSCI và SA 8000. Do vậy, để bảo đảm nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ, các cơ quan nhà nước liên quan cần duy trì chính sách nhập khẩu thông thoáng, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp.

Các bộ, ngành, địa phương cần sớm quy hoạch phát triển nguồn nguyên liệu ổn định trong nước, đồng thời tăng cường trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu ngày càng cao cho ngành chế biến gỗ.

Các cơ quan quản lý và doanh nghiệp cần kiểm soát chặt chẽ gian lận thương mại, tuân thủ các quy định của pháp luật, trong đó có việc thực hiện nghiêm ngặt Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), một bộ phận quan trọng của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), có tác động rất lớn đến hoạt động chế biến, xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam trong thời gian tới…/.

 

 

Thanh Tâm (t/h theo Nhandan, vtv...)
Ý kiến bạn đọc
Top