Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 22 tháng 12 năm 2023 | 16:39

Ngành chăn nuôi cần điều tiết và tạo môi trường thuận lợi để thu hút DN đầu tư

Muốn có ngành chăn nuôi bền vững phải đảm bảo được chất lượng con giống, nguồn thức ăn, muốn gia tăng thì phải sản xuất, tạo môi trường thuận lợi để thu hút DN đầu tư và những đối tượng vật nuôi chủ lực và có lợi thế.

Dây chuyền giết mổ gà hiện đại. (Ảnh: An Hiếu)

Bức tranh sáng – tối đan xen

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và PTNT, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn như giá lợn hơi thấp, chi phí chăn nuôi an toàn sinh học và phòng chống dịch cao, giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao; tình trạng nhập lậu sản phẩm chăn nuôi qua biên giới phức tạp… nhưng tình hình chăn nuôi, đàn trâu bò khá ổn định về tổng đàn, không có biến động lớn; chăn nuôi lợn có kết quả tích cực.

Theo ước tính, trong cả năm 2023, tổng sản lượng thịt hơi các loại của cả nước sẽ đạt trên 7,6 triệu tấn, tăng 3,5%. Trong đó thịt lợn hơi là 4,68 triệu tấn; thịt gia cầm 2,24 triệu tấn; thịt trâu, bò 0,63 triệu tấn và khoảng 50 nghìn tấn thịt dê, cừu các loại; sản lượng trứng ước đạt 18,98 tỷ quả, tăng 3,9% và sản lượng sữa tươi ước đạt trên 1,2 triệu tấn, tăng 7,2% so với năm 2022….Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, nhiều ý kiến cho rằng mặc dù tăng trưởng về đầu con và sản lượng nhưng giá trị một số sản phẩm chăn nuôi lại “tăng trưởng âm”.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, nhận định ngành chăn nuôi năm 2023 có 4 điểm sáng. Mặc dù khủng hoảng toàn cầu nhưng vẫn duy trì tăng trưởng, nhiều ngành hàng tăng trưởng dương; xu thế chăn nuôi quy mô lớn và công nghệ cao ngày càng phát triển; mặc dù số lượng chưa nhiều nhưng tỷ lệ xuất khẩu tăng trưởng cao; đã kiểm soát khá tốt một số dịch bệnh, đặc biệt là gia cầm.

Tuy nhiên, 3 “điểm tối” còn tồn tại, theo ông Sơn, đó là mặc dù tăng trưởng đầu con nhưng giá trị sản xuất, giá trị gia tăng của một số ngành hàng khá thấp, thậm chí nhiều con nuôi còn lỗ. Giá thịt hơi tăng cao hơn so với năm 2022; có xu hướng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp lớn với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

"Cục Chăn nuôi cần có phương án điều tiết như thế nào để tất cả cùng đi một con đường, chứ không chỉ vài năm tới chỉ còn các doanh nghiệp FDI kiểm soát. Quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất của ngành chăn nuôi đang có vấn đề và bộc lộ nhiều mâu thuẫn. Trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhiều lĩnh vực chưa chọn đúng điểm rơi nên chưa kiểm soát được giá thành sản phẩm ngành chăn nuôi. Chỉ một số ít các doanh nghiệp lớn, giá thành đạt xấp xỉ mức giá trên thế giới”, ông Sơn nói.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, trong năm 2023, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm mặc dù đã được khống chế, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, nhất là đối với cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ. Ông Phan Quang Minh, Phó cục trưởng Cục Thú y cho biết, tình trạng nhập lậu qua biên giới động vật và sản phẩm chăn nuôi hết sức phức tạp liên quan đến rất nhiều ban ngành và địa phương. Do đó, ông Minh cho rằng, trong thời gian tới các Hiệp hội, DN cần chủ động thông tin cho Cục Thú y để phối hợp ngăn chặn tình trạng này. Bên cạnh đó sẽ tăng cường, kiểm soát các sản phẩm động vật nhập khẩu chính ngạch theo quy định của Việt Nam cũng như quốc tế.

Thịt nhập siêu, chăn nuôi trong nước chịu áp lực

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam nêu ý kiến, trong năm 2023, nhập siêu về một số sản phẩm chăn nuôi vẫn có xu hướng gia tăng, đặc biệt là thịt lợn tăng 85 % so với cùng kỳ năm ngoái; thịt trâu bò 56 % thịt gia cầm trên 200.000 tấn tương đương năm ngoái. Theo ông Sơn, việc nhập khẩu sản lượng lớn sản phẩm chăn nuôi gây áp lực rất lớn cho sản xuất và tiêu thụ trong nước. Do đó, cần phải có những giải pháp căn cơ hơn để kiểm soát được nhập siêu về chăn nuôi trong nước, hạn chế tình trạng nhập khẩu ồ ạt như trong thời gian qua.

"Sản lượng thịt nhập khẩu lớn thì lại gây áp lực rất lớn cho sản xuất và tiêu thụ trong nước. Phải bàn giải pháp một cách căn cơ để kiểm soát được tình trạng nhập siêu, nhập ồ ạt thịt", ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, nêu.

Nhập khẩu thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn của Việt Nam.

Trong khi đó, Cục Chăn nuôi báo cáo, mặc dù phải đối mặt nhiều khó khăn như giá lợn hơi thấp, chi phí chăn nuôi an toàn sinh học và phòng chống dịch cao, giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao; tình trạng nhập lậu sản phẩm chăn nuôi qua biên giới vẫn nóng… nhưng tình hình chăn nuôi hiện nay vẫn được đảm bảo ổn định về tổng đàn, không có biến động lớn.

Đề cập vấn đề thịt ngoại tràn vào nội địa, ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT) thông tin, thịt ngoại vào nội địa có một phần là thịt nhập lậu qua biên giới, tình hình diễn biến còn phức tạp. “Mong muốn trong thời gian tới, các hiệp hội, doanh nghiệp thông tin cho Cục Thú y để phối hợp ngăn chặn tình trạng này”, ông Minh nói.

Cục Thú y sẽ tăng cường kiểm soát các sản phẩm động vật nhập khẩu chính ngạch theo quy định của Việt Nam cũng như quốc tế.

Tạo môi trường thuận lợi để thu hút DN đầu tư

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được và định hướng triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2024, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu Cục Chăn nuôi cần phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội và DN nỗ lực chủ động thực hiện “Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045”. Theo đó, trong bối cảnh khó khăn, tổng cung, tổng cầu thay đổi nhưng chăn nuôi vẫn tăng trưởng, nhu cầu tiêu dùng thấp nhưng vẫn phải tăng trưởng cao - đây là bài toán khó đặt ra cho ngành chăn nuôi. Do vậy, phải xây dựng ngành chăn nuôi tự chủ, xem lại cơ cấu ngành hàng theo hướng tăng gia cầm, giảm đàn lợn để có sự cân đối. Ngoài ra, muốn có ngành chăn nuôi bền vững phải đảm bảo được chất lượng con giống, nguồn thức ăn, muốn gia tăng thì phải sản xuất, tạo môi trường thuận lợi để thu hút DN đầu tư và những đối tượng vật nuôi chủ lực và có lợi thế.

Chế biến thịt lợn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Tăng trưởng nhờ đâu, tái cơ cấu như thế nào, chuyển dịch cơ cấu các đối tượng vật nuôi chủ lực như thế nào phải quan tâm đến DN “đầu tầu” dẫn dắt ngành. Vì vậy phải nhanh tháo gỡ khó khăn vướng mắc để tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, bên cạnh đó tăng cường cải cách thủ tục hành chính cho DN” - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến gợi mở.

Năm 2024, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu giá trị sản xuất tăng khoảng 4-5% so với năm 2023, tỷ trọng chăn nuôi trong tổng thể ngành nông nghiệp ước đạt 28-30%

Mục tiêu năm 2024, tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 7,89 triệu tấn, tăng 3,8%; sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 4,87 triệu tấn tăng 4,0%; sản lượng thịt gia cầm đạt trên 2,31 triệu tấn tăng 3,1%; sản lượng trứng các loại khoảng 19,68 tỷ quả tăng 3,7%; sản lượng sữa đạt trên 1,28 triệu tấn tăng 6,7%; sản lượng mật ong là 25,8 ngàn tấn tăng 9,8%; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi đạt trên 20,5 triệu tấn, tăng 2,5% so với năm 2023"./.

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
Top