Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 7 tháng 11 năm 2022 | 21:11

Ngành nông nghiệp "chạy nước rút" và nâng cao năng lực dự báo thị trường tiêu thụ nông sản

HTX dịch vụ nông nghiệp Đình Bảng (thị xã Từ Sơn) chuyển sản xuất rau quả theo hướng công nghệ cao, an toàn.

Bắc Ninh: Chú trọng phát triển kinh tế tập thể, đẩy mạnh liên kết sản xuất

Xác định kinh tế tập thể, hợp tác xã có vai quan trọng trong xây dựng và phát triển nông thôn mới tại các địa phương, Hội Nông dân (HND) huyện Tiên Du vận động, hỗ trợ nông dân tham gia các hình thức kinh tế tập thể, góp phần phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho hội viên, nông dân.

Anh Nguyễn Văn Phúc (xã Việt Đoàn) là một trong rất nhiều hội viên nông dân tiêu biểu về phát triển kinh tế của huyện Tiên Du. Xuất thân trong một gia đình thuần nông, từ nhỏ gắn bó với sản xuất nông nghiệp, điều khiến anh trăn trở là nếu chỉ dựa vào sản xuất lúa gạo thì hiệu quả mang lại không cao. Được sự tư vấn, hỗ trợ của HND, anh Phúc mạnh dạn đấu thầu 5 mẫu đất vùng trũng của địa phương để xây dựng trang trại VAC. Theo anh Phúc, đây là hướng đi đúng đắn giúp tận dụng triệt để phụ phẩm trong quá trình sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bởi vậy, anh tập trung xây dựng trang trại của mình với 3 nhóm sản phẩm chủ yếu là nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc và trồng cây ăn quả.

Anh Phúc chia sẻ: “Thông qua bảo lãnh của HND, tôi được tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để mở rộng quy mô trang trại theo hướng chuyên nghiệp, bài bản hơn. Cùng với đó, HND xã, HND huyện vận động, quy tụ 10 hộ trong xã đang có diện tích trồng cây ăn quả, hướng dẫn thủ tục thành lập HTX  trồng cây ăn quả Đồng Tâm; tạo điều kiện để các hộ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tham gia HTX, các hộ thành viên được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt; quá trình sản xuất được bàn bạc, thống nhất theo quy định của Ban quản lý HTX; được liên kết giới thiệu bao tiêu sản phẩm cho các đầu mối thu mua… nên các thành viên của HTX đều yên tâm sản xuất, không lo tình trạng “được mùa mất giá” như trước kia”.

Cùng chung suy nghĩ đó, các hộ xã viên HTX rau, củ, quả an toàn thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn rất phấn khởi khi được tham gia vào mô hình kinh tế tập thể mà tiền thân là Tổ hợp tác rau an toàn trước đây. Ông Nguyễn Văn Hiệp, Giám đốc HTX cho biết: “Nhằm tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất, HND các cấp giúp hội viên tiếp cận được các nguồn vốn vay để giải quyết nhu cầu bức thiết về vốn; thường xuyên phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan, học tập mô hình phát triển kinh tế và tư vấn, hướng dẫn cho hội viên về các thủ tục, chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp của tỉnh; chủ động liên hệ, giới thiệu tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp…”.

Theo bà Nguyễn Thị Minh, Chủ tịch HND huyện Tiên Du: Giúp hội viên, nông dân phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác Hội và phong trào nông dân tại địa phương. Thông qua việc phát động và triển khai hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tạo động lực thúc đẩy hội viên không ngừng phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Nhận thấy việc phát triển các hình thức kinh tế tập thể là hướng phát triển tất yếu, đem lại hiệu quả lâu dài, HND huyện linh hoạt, sáng tạo triển khai thực hiện các chương trình, tuyên truyền, vận động và định hướng cho hội viên tham gia các HTX, tổ hợp tác, các chi, tổ HND nghề nghiệp. Vận động nông dân nâng cao chất lượng nông sản, bảo đảm các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; liên kết sản xuất và tiêu thụ nhằm xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững…

Để hội viên có nguồn vốn phát triển kinh tế, HND huyện nhận ủy thác với các ngân hàng cho nông dân vay vốn với dư nợ hơn 122 tỷ đồng cho gần 3.600 hộ vay. Thực hiện quản lý và vận hành hiệu quả nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân với tổng nguồn vốn hơn 9,8 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội còn tổ chức 31 lớp tập huấn, phổ biến kiến thức, kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho hơn 3.280 lượt hội viên, nông dân; phối hợp mở 2 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn. Thành lập 1 Chi HND nghề nghiệp và 9 tổ HND nghề nghiệp. Qua đó, giúp hội viên, nông dân được chuyển giao những kiến thức khoa học kỹ thuật mới, quy trình sản xuất hiệu quả, mạnh dạn đầu tư vốn, công nghệ vào sản xuất mang lại kết quả cao. Phối hợp với các công ty, doanh nghiệp cung ứng được 90 tấn vật tư nông nghiệp, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân theo hình thức trả chậm.

Thông qua các hoạt động thiết thực, HND các cấp huyện Tiên Du đã góp phần không nhỏ trong việc tạo điều kiện để hội viên, nông dân đẩy mạnh phát triển kinh tế nói chung và phát triển các hình thức kinh tế tập thể nói riêng. Kết quả đó, góp phần tích cực cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền bảo đảm tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội ở địa phương.

Thanh Hóa: Nâng cao năng lực dự báo thị trường tiêu thụ nông sản

Thông tin dự báo thị trường được xem là yếu tố quan trọng giúp các đơn vị, doanh nghiệp, người sản xuất định hướng, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, hạn chế tình trạng cung - cầu không hợp lý. Đồng thời cũng giúp cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện tốt công tác quản lý thị trường, nhất là quản lý giá. Vì vậy, những năm gần đây các ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương luôn chú trọng việc nâng cao năng lực dự báo thị trường tiêu thụ nông sản.

Khách hàng chọn mua nông sản tại Siêu thị Co.op Mart Thanh Hóa.

Cứ liệu đầu tiên các đơn vị đưa ra làm cơ sở để xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh là nhu cầu tiêu thụ nông sản. Theo tổng hợp từ Sở Công Thương, lượng tiêu thụ các loại nông sản trên địa bàn tỉnh mỗi năm đạt khoảng 791.628 tấn gạo; 125.340 tấn thịt các loại; 68.604 tấn cá, tôm các loại; 420.000 tấn rau các loại và gần 660 triệu quả trứng. Trên cơ sở tổng hợp nhu cầu sử dụng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng phương án sản xuất và tiêu thụ phù hợp cho các nông sản.

Ngoài việc bám sát vào nhu cầu tiêu thụ nội tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đánh giá các yếu tố khách quan và chủ quan tác động đến sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Đơn cử như từ đầu năm 2022, ngành nông nghiệp dự báo tiêu thụ nông sản, nhất là xuất khẩu tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng của bất ổn chính trị. Ngoài ra, vấn đề tiêu thụ nông sản còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, như: năng lực dự trữ hàng hóa của các doanh nghiệp nông nghiệp trong tỉnh khó khăn do thời hạn bảo quản, sử dụng của nông sản ngắn; hệ thống kho lạnh, công nghệ bảo quản còn yếu nên các doanh nghiệp không mua dự trữ nhiều. Ngành nông nghiệp cũng đưa ra dự báo, hiện nay nhu cầu tiêu thụ và phục vụ chế biến nội địa có xu hướng tăng. Trên cơ sở đó, ngành đã định hướng cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh gieo trồng các loại cây trồng phục vụ cho tiêu thụ trong nước và chế biến, xuất khẩu tại một số thị trường truyền thống, như: ngô, đậu tương, khoai tây, khoai lang, rau đậu các loại. Đồng thời, mở rộng diện tích các đối tượng có thị trường tiêu thụ tốt, ổn định, ưu tiên các sản phẩm tiêu thụ, chế biến nội địa như: khoai tây chế biến, dưa chuột, bí xanh, bí ngô, hành tỏi, các loại hoa. Ưu tiên các đối tượng con nuôi có sức tiêu thụ nội địa lớn, như: lợn, gà lông màu, bò...

Có thể nói, việc dự báo nói trên đã và đang giúp các đơn vị, doanh nghiệp và bà con nông dân trên địa bàn tỉnh có phương án sản xuất phù hợp. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận công tác thông tin dự báo thị trường thời gian qua cho thấy: Tuy các đơn vị đã đánh giá được các yếu tố tác động và đưa ra được các dự báo, song hầu hết các đơn vị trên địa bàn mới dừng ở công việc thống kê, so sánh giá các mặt hàng giữa các tháng. Việc đánh giá thông tin thị trường còn mang tính hình thức, thông tin tình hình giá cả một số mặt hàng còn chưa sát thực tế, thiếu thông tin cụ thể về những thông tin, như: mặt hàng đó thị trường có cần không, cần bao nhiêu, thời điểm nào cần, tiêu chuẩn thế nào trước khi tổ chức sản xuất?... Vì vậy, vẫn còn xảy ra tình trạng được mùa mất giá. Cũng do thiếu thông tin thị trường nên hiện nay nhiều hộ dân vẫn đang đi ngược quy trình sản xuất chuẩn. Bởi, thay vì tìm hiểu thông tin thị trường rồi mới đầu tư sản xuất, thì các hộ nông dân lại đua nhau sản xuất, thậm chí phá vỡ quy hoạch khi thấy một loại nông sản nào đó được giá. Sản phẩm làm ra với sản lượng quá lớn nhưng khâu tiêu thụ chỉ chờ thương lái thu mua dẫn đến bị ép giá.

Để nâng cao chất lượng dự báo thị trường, thời gian tới, các sở, ngành liên quan cần tăng cường phối hợp đa chiều liên ngành với các doanh nghiệp, các địa phương trong tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại, cung cấp thông tin thị trường về mặt hàng nông sản. Cùng với đó, cần nâng cao chất lượng các bản tin thị trường theo hướng bám sát tình hình thực tế, tăng cường tính dự báo, phân tích và định hướng sản xuất, tiêu dùng. Tư vấn, hướng dẫn người sản xuất kỹ năng phân tích, đánh giá thị trường, cung cấp các địa chỉ nguồn cung thông tin có chất lượng để người sản xuất, nhất là nông dân, tìm hiểu, tham khảo trước khi quyết định đầu tư. Hỗ trợ người dân đa dạng hóa thị trường, tránh tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một thị trường dẫn đến bị thao túng gây ách tắc đầu ra. Bên cạnh đó, người dân cũng cần tuân thủ việc sản xuất theo đúng định hướng của đơn vị chuyên môn. Thay vì nuôi, trồng tự phát theo phong trào, chạy theo sản lượng, nông dân cũng cần sản xuất theo quy hoạch và nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ.

Hà Nội: Ngành Nông nghiệp ''chạy nước rút'' cuối năm

Trước những khó khăn, thách thức từ thời tiết bất thường, nguy cơ dịch bệnh đến những biến động của thị trường, ngành Nông nghiệp đã chủ động phối hợp với các địa phương triển khai linh hoạt phương án sản xuất để “chạy nước rút”. Đồng thời, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, qua đó vừa bảo đảm nguồn cung nông sản cho thị trường dịp cuối năm, vừa hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2022 là 2,8-3%.

Chăm sóc, gieo trồng rau màu tại xã Yên Thường (huyện Gia Lâm). Ảnh: Đỗ Tâm
 

Mười tháng qua, trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất tăng mạnh..., ngành Nông nghiệp đã chủ động triển khai nhiều giải pháp ổn định sản xuất, ứng phó với biến động thị trường, thời tiết, dịch bệnh; đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm… Do vậy, tăng trưởng của ngành Nông nghiệp vẫn đạt 2,99%; năng suất, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nhiều sản phẩm chủ lực, như cà phê, cao su, gạo, tôm, rau quả... tăng cao.

Tính đến hết tháng 10/2022, cả nước đã gieo cấy gần 7,1 triệu héc ta lúa, thu hoạch được 6,5 triệu héc ta, năng suất bình quân đạt 60,7 tạ/héc ta; về rau màu đã gieo trồng được hơn 950.000 ha ngô, 1,16 triệu héc ta rau...

Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường cho biết, với diện tích nêu trên, cùng với việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất lúa, rau màu đều đạt cao, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước và xuất khẩu. Còn Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Tống Xuân Chinh thông tin, từ đầu năm đến nay, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đến nay, đàn lợn đạt hơn 28 triệu con, đàn gia cầm hơn 515 triệu con...

Với Hà Nội, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ, ngành Nông nghiệp Thủ đô đang phối hợp với các địa phương đẩy mạnh gieo trồng cây vụ đông, phấn đấu đạt 29.625ha, tập trung vào các loại giống mới, ngắn ngày, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để đạt hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó, thành phố tăng cường các giải pháp kiểm soát dịch bệnh gia súc, gia cầm để chăn nuôi phát triển ổn định.

Về phía doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam Nguyễn Thu Sắc cho biết, để đáp ứng nhu cầu tăng cao của thị trường, công ty đang đẩy mạnh sản xuất thủy sản để giữ đơn hàng cuối năm; đồng thời mở rộng thêm kênh bán hàng trực tuyến.

Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, trong 2 tháng cuối năm, thời tiết có nhiều diễn biến bất thường; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Trong khi đó, thị trường thế giới tiếp tục biến động, giá nhiên liệu, vật liệu sản xuất sẽ tác động đến thị trường hàng hóa trong nước, chi phí vận chuyển sẽ tăng mạnh...

Tổng Giám đốc Công ty Bảo Minh Bùi Thị Hạnh Hiếu cho biết, công ty đang liên kết sản xuất lúa gạo với nông dân trên diện tích hơn 20.000ha tại 20 tỉnh, thành phố; đồng thời đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để tạo ra sản phẩm gạo chất lượng cao phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu theo các đơn đặt hàng.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 2,5-3% trong năm nay, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin, Sở sẽ phối hợp với địa phương của thành phố triển khai các giải pháp chăm sóc, phòng trừ dịch hại, bảo vệ cây trồng; chủ động triển khai kế hoạch sản xuất trên cơ sở điều chỉnh phù hợp về cơ cấu cây trồng, diện tích gieo trồng... Cùng với đó, tăng cường hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi đẩy nhanh tái đàn, nâng cao hiệu quả sản xuất nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm; đồng thời thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết...

Cũng về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên Đỗ Minh Tuân cho biết, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục cơ cấu lại lĩnh vực trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; đồng thời thu hút các dự án đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, thúc đẩy việc đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất tạo ra các sản phẩm an toàn, hiệu quả kinh tế cao.

Để tháo gỡ khó khăn, đạt mục tiêu tăng trưởng toàn ngành, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã yêu cầu các sở NN&PTNT tiếp tục theo dõi tình hình sản xuất lúa và rau màu, kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó với tác động tiêu cực của thời tiết, bảo đảm sản lượng, ổn định thị trường trong nước dịp cuối năm và phục vụ xuất khẩu. Với lĩnh vực chăn nuôi, cần theo dõi tình hình dịch bệnh ở các địa phương, đặc biệt đối với dịch bệnh nguy hiểm, như: Bệnh Dịch tả lợn châu Phi, tai xanh, cúm gia cầm...; đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định. Với nuôi trồng thủy sản, các địa phương tập trung phát triển các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững. Về dài hạn, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn./.

 

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…

  • Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.

  • Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Hiện tại, các chủ đầu tư gần như đang vượt qua chính mình khi phải cân bằng giữa các yếu tố đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp, sản phẩm phải chinh phục được đối tượng khách hàng là người trẻ.

Top