Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 27 tháng 11 năm 2022 | 8:36

Ngày hội cam quýt Bạch Thông

Ngày hội cam quýt tại tỉnh Bắc Kạn diễn ra trong 2 ngày 26 và 27/11. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng với người nông dân vùng trọng điểm cam, quýt của tỉnh Bắc Kạn sau nhiều năm khó khăn do dịch Covid-19.

Lễ hội được tổ chức tại trung tâm xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông- trọng điểm vùng cam quýt tỉnh Bắc Kạn. Đến với ngày hội, du khách được cùng người dân bản địa thăm những đồi quýt trĩu quả, được thưởng thức các loại cây có múi ngay tại vườn và lựa những quả to, mọng, chín đẹp nhất để mang về làm quà.

ngay hoi cam quyt bach thong hinh anh 1

Các gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các xã, thị trấn thuộc huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn.

Quýt Bắc Kạn là giống cây bản địa, khi chín có màu vàng rộm, múi mọng nước, vỏ mỏng và vị chua dịu. Do có nhiều tinh dầu nên quýt Bắc Kạn có vị thơm nồng đặc trưng, riêng có. Ông Hà Sỹ Tuấn, một du khách đến từ phường Quan Triều, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên cảm nhận, đặc trưng của quýt Bắc Kạn rất thơm, tuy chua hơn quýt ngọt nhưng nếu biết ăn với muối chấm lại khá thú vị.

“Năm nào đến vụ tôi cũng đến Bắc Kạn mua quýt về Thái Nguyên để ăn và làm quà. Qua theo dõi tôi thấy bà con trồng quýt ngày càng bài bản hơn theo chuẩn gieo trồng và thu hoạch. Người làm ra sản phẩm và mang đi bán đã có ý thức về vệ sinh an toàn, chú trọng mẫu mã sản phẩm”, ông Tuấn nhận xét.

Toàn tỉnh Bắc Kạn có khoảng hơn 3.500ha cây cam, quýt nhưng riêng huyện Bạch Thông chiếm hơn 1/2 vào khoảng 1.800ha, trở thành cây trồng chủ lực, giúp hàng trăm hộ dân có thu nhập trăm triệu đồng mỗi năm. Cam, quýt Bắc Kạn cũng đã từng bước xây dựng được thương hiệu, người dân biết chú trọng mẫu mã, bao bì và tiếp cận được một số chuỗi cửa hàng, siêu thị tại Hà Nội và một số tỉnh thành. Tuy nhiên, hiện phần lớn vẫn phụ thuộc vào tư thương và giá cả không ổn định.

Ông Lý Tiến Lợi, thôn Nà Pán, xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông mong muốn qua lễ hội này, đầu ra của quả cam, quýt sẽ ổn định hơn. “Chúng tôi rất kỳ vọng qua sự kiện này sẽ quảng bá được cam, quýt và sản phẩm đặc sản địa phương từ đó tăng cường tiêu thụ. Hiện nay đầu ra của quả quýt vẫn phụ thuộc chủ yếu vào tư thương, nhiều khi họ chèn ép giá khiến người trồng rất lúng túng”, ông Lợi cho biết.

ngay hoi cam quyt bach thong hinh anh 2

Hiện nay đầu ra cho sản phẩm cam, quýt tỉnh Bắc Kạn vẫn chủ yếu phụ thuộc vào các thương lái.

 
Đến với ngày hội, du khách còn được thăm những vườn chè, vườn cây ăn quả và nét văn hóa độc đáo của làng đồng bào Dao hạ sơn Phiêng An (xã Quang Thuận). Ngoài ra, tại lễ hội còn giới thiệu nhiều sản vật đặc trưng của các xã, thị trấn của huyện Bạch Thông như chè, gạo nếp, mật ong rừng, thịt trâu gác bếp, các loại bánh trái, các sản phẩm thủ công truyền thống như trang phục từ chất liệu thổ cẩm, đàn tính. Cùng với đó, du khách còn được thưởng thức các tiết mục văn nghệ, tham gia các trò chơi dân gian.

Ông Nông Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông cho biết, chính quyền địa phương mong muốn những năm tới tiếp tục tổ chức những sự kiện như lần này để từ đó trở thành ngày hội đối với bà con nông dân. “Cam quýt nói riêng, sản phẩm OCOP nói chung của Bạch Thông và Bắc Kạn cần được tăng cường quảng bá, phổ biến trên nhiều phương diện để mở rộng được thị trường, tiếp cận và đến với các siêu thị lớn cũng như các tỉnh, thành trong cả nước”, ông Bình nói./.

Ý kiến bạn đọc
Top