Giá điều tăng cao nhưng nông dân trồng điều không hề được hưởng lợi. Mục tiêu xuất khẩu điều năm nay có thể đạt nhưng điều cần quan tâm hơn là "sức khỏe" của các doanh nghiệp trong ngành, do giá nguyên liệu đang cao hơn giá xuất khẩu.
Chế biến điều phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Giá điều tăng nhưng nông dân không được hưởng lợi
Ngay sau vụ thu hoạch điều năm 2024, giá hạt điều thô trong nước và nhập khẩu đều tăng sốc, đạt mức kỷ lục chưa từng có từ trước đến nay. Nguyên nhân giá hạt điều tăng cao như hiện nay do nguồn cung giảm mạnh vì diện tích cây trồng này ngày càng bị thu hẹp.
Giá nguyên liệu tăng đột biến, doanh nghiệp (DN) sản xuất hạt điều gặp rất nhiều khó khăn, chỉ hoạt động cầm cự, thậm chí tạm ngưng sản xuất vì giá nguyên liệu đầu vào tăng cao trong khi thị trường tiêu thụ vẫn chậm do ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế.
Hiện giá hạt điều thô các thương lái bán cho các nhà máy, cơ sở chế biến dao động từ 50-55 nghìn đồng/kg, tiếp tục tăng thêm khoảng 10 nghìn đồng/kg so với hồi đầu tháng 6. Mức giá này đã tăng hơn gấp đôi so với giá bán ra của nông dân trong vụ thu hoạch. Dự báo, giá sản phẩm này tiếp tục giữ đà tăng trong thời gian tới.
Giá điều tăng cao nhưng nông dân trồng điều không hề được hưởng lợi. Vụ thu hoạch điều năm 2024, nông dân trồng điều bị thất thu do vừa mất mùa, vừa mất giá khi hạt điều bán ra cao nhất vào đầu vụ cũng chỉ được khoảng 25 nghìn đồng/kg, rộ vụ chỉ còn khoảng 20 nghìn đồng/kg. Nhưng ngay sau khi kết thúc vụ thu hoạch, giá hạt điều thô tăng từng ngày và hiện đã lập mức kỉ lục về giá bán. Không chỉ điều nội địa, giá hạt điều thô nhập khẩu cũng không ngừng leo thang, hiện các cơ sở, DN sản xuất đang phải mua hạt điều thô nhập khẩu với mức giá hơn 50 nghìn đồng/kg. Và dấu hiệu tăng giá của mặt hàng này vẫn chưa dừng lại.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, nguyên nhân giá hạt điều thô nhập khẩu tăng cao là do một số nhà cung ứng nguyên liệu lấy lý do mất mùa để không giao hàng hoặc yêu cầu tăng giá theo mức tăng hiện tại thì mới tiếp tục giao. Trước đó, Hội đồng Hạt và Quả khô quốc tế công bố thông tin sản lượng điều thô ở Châu Phi giảm sút khoảng 7% do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết.
Nguồn cung hạt điều thô trong nước cũng giảm sút mạnh. Chỉ tính riêng Đồng Nai, cây điều từng là cây công nghiệp chủ lực với diện tích từng đạt hơn 50 nghìn hécta. Nhưng tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh chỉ còn hơn 27 nghìn hécta. Đây là cây trồng cho hiệu quả kinh tế kém nên nhiều nhà vườn không còn mạnh dạn đầu tư, chăm sóc khiến năng suất cây trồng này giảm sút mạnh về sản lượng. Bên cạnh đó, vài năm trở lại đây, biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng lớn đến cây trồng khá nhạy cảm với thời tiết này.
Doanh nghiệp đối mặt nhiều nỗi lo
Cũng Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, hiện điều thô trong nước hiện chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu nguyên liệu để chế biến, 90% còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu. Do đó, nếu tình trạng bẻ kèo, làm giá kéo dài, nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu chế biến sẽ hiện hữu trong nửa cuối quý 3, quý 4 năm 2024 và ảnh hưởng đến cả quý I năm 2025.
Việt Nam giữ vị trí số một thế giới trong lĩnh vực xuất khẩu hạt điều, chiếm tới 80% tổng sản lượng toàn cầu trong 16 năm liên tiếp.
Bà Phạm Thị Hồng Vân, chủ cơ sở hạt điều Phương Hân tại xã Thanh Sơn, huyện Tân Phú so sánh, vụ mùa năm ngoái, cơ sở thu mua được khoảng 100 tấn điều thô nguyên liệu tại các vùng trồng ở địa phương thì năm nay nguyên liệu mua được chưa đến 30 tấn. Giá điều nhập khẩu thì liên tục biến động, sáng 1 giá, chiều đã tăng lên mức giá khác. Thời gian qua, cơ sở của bà Vân chỉ sản xuất cầm chừng để làm hàng cung cấp cho một số đơn hàng khách đã đặt trước đó. Lợi nhuận của cơ sở hầu như không có, thậm chí một số đơn hàng bà phải bù lỗ vì khi báo giá với khách, giá điều nguyên liệu đang ở mức thấp nhưng ngay sau đó đột ngột tăng cao khiến cơ sở sản xuất trở tay không kịp.
Theo một số DN chế biến hạt điều trên địa bàn tỉnh, mọi năm, từ đầu năm, đa số các DN chế biến hạt điều trên địa bàn tỉnh đã ký kết các hợp đồng cho quý 3, thậm chí đến quý 4 nhưng hiện nay hầu như chưa có đơn hàng của những tháng cuối năm. Các cơ sở sản xuất không dám nhận đơn hàng vì giá điều nguyên liệu biến động quá mạnh. Bên cạnh đó, ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu, các khách hàng cũng e ngại đặt đơn hàng mới vì khó chấp nhận mức giá hạt điều tăng cao như hiện nay vì thị trường tiêu thụ đang chậm hơn do ảnh hưởng tình hình khó khăn chung của nền kinh tế.
Trong bối cảnh thị trường còn nhiều diễn biến phức tạp, Hiệp hội Điều Việt Nam khuyến cáo các DN sản xuất ngành điều cần nỗ lực để đảm bảo tối đa hoạt động chế biến và giao hàng đúng hợp đồng đã ký kết. Trong trường hợp không có đủ nguyên liệu thì đàm phán, trao đổi với người mua điều nhân để khách hàng nắm rõ tình hình và có sự chia sẻ khó khăn.
Vẫn còn nhiều việc cần làm
Việt Nam hiện là quốc gia giữ vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu hạt điều. Trong năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hạt điều đạt mức kỷ lục 3,8 tỷ USD (cao hơn khoảng 200 triệu USD so với năm 2023).
Bộ Công Thương dự báo xuất khẩu điều năm 2024 vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng. Tuy nhiên, ngành điều cũng đang phải đối mặt với bài toán nguyên liệu, chi phí sản xuất, cùng làn sóng dịch chuyển sang sản xuất xanh. Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động theo dõi sát diễn biến thị trường, đầu tư nâng cao chất lượng để giữ vững đà xuất khẩu.
Là doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu trong ngành điều Việt Nam, ông Vũ Thái Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Long Sơn - nhận định, tình hình tiêu thụ hạt điều trong năm 2024 sẽ sáng sủa hơn năm 2023. Đặc biệt, nhu cầu tiêu thụ hạt điều chế biến sâu đang tiếp tục tăng lên và các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng đang thúc đẩy Việt Nam xuất khẩu sản phẩm này.
Đồng tình quan điểm này, các chuyên gia cho rằng, cùng với việc đẩy mạnh đầu tư, sản xuất các sản phẩm hạt điều chế biến sâu, hạt điều chất lượng cao, từ đó, đã tiếp cận được nhiều khách hàng khó tính và bán được giá tốt hơn so với mặt bằng chung, doanh nghiệp cũng đang tích cực thực hiện chuyển đổi xanh, trách nhiệm xã hội...
Tuy nhiên, ông Trần Công Khanh - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây điều - cho hay, những thách thức đối với hạt điều Việt Nam hiện nay đó là sản phẩm chế biến chưa đa dạng, chủ yếu dạng thô nên giá trị gia tăng vẫn còn thấp, sức cạnh tranh một số sản phẩm vẫn còn kém.
Để tận dụng những dư địa của ngành điều, các chuyên gia cho rằng, việc tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp chế biến, kinh doanh sản phẩm điều đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, xúc tiến xuất khẩu hàng hóa trên môi trường mạng là một kênh quan trọng trong quảng bá và giúp ngành hạt điều Bình Phước dễ dàng tiếp cận với thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, FTA lại có tác động tích cực đối với xuất khẩu hạt điều chế biến sâu bởi trước đây các chính phủ đánh thuế nhập khẩu những sản phẩm này để bảo vệ sản xuất trong nước. Nhưng trong các FTA mà Việt Nam đã ký, hạt điều chế biến sâu nhập khẩu từ Việt Nam đã được giảm thuế xuống bằng 0%.
Giới thiệu sản phẩm hạt điều Bình Phước tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bên cạnh đó, cần nâng cao chuỗi giá trị gia tăng trong ngành chế biến điều, đặc biệt các sản phẩm chế biến sâu; chủ động giảm thiểu tối đa xuất khẩu theo hình thức tiểu ngạch, tiến tới thực hiện xuất khẩu chính ngạch theo hợp đồng sang thị trường Trung Quốc; cơ cấu lại thị trường xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào một thị trường nào; tận dụng triệt để các FTA đã ký kết và có hiệu lực, hỗ trợ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận với thị trường thế giới…
Ngoài ra, cần chú trọng từ khâu chọn giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản đến đầu tư, quản trị dây chuyền chế biến tiên tiến; đầu tư cho nghiên cứu thị trường, phát hiện và khơi dậy nhu cầu từ đó chế biến những sản phẩm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của khách hàng; đồng thời có phương thức quảng bá năng động, sáng tạo để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng trong nước và thế giới.
Đối với chính sách, Nhà nước cần có các biện pháp bảo vệ ngành chế biến điều trong nước bằng việc quy định rõ hơn về việc nhập khẩu và sơ chế điều nhân.
Tăng “sức khỏe” cho DN ngành điều
Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) Bạch Khánh Nhựt, mục tiêu xuất khẩu điều năm nay có thể đạt nhưng điều cần quan tâm hơn là "sức khỏe" của các doanh nghiệp trong ngành, do giá nguyên liệu đang cao hơn giá xuất khẩu. Thời điểm này, rất cần có sự quan tâm, hỗ trợ thiết thực về thị trường, chính sách, tín dụng… để có thể vừa tăng xuất khẩu, vừa tăng sức khỏe cho doanh nghiệp ngành điều.
Hai năm trước, doanh nghiệp cầm giấy tờ nhà đất đi vay được 100 tỷ đồng nhưng đến hiện tại giá trị nhà đất đã giảm, giờ này chỉ được 50 tỷ đồng. Trong bối cảnh giá nguyên liệu cao hơn hẳn so với các năm trước, mức vay thấp khiến cho các doanh nghiệp điều rất thiếu nguồn tài chính. Chính vì vậy, giải pháp cần thiết nhất là chi nhánh Ngân hàng Nhà nước ở các địa phương quan tâm, xem xét có thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Cần có chính sách để mở rộng diện tích trồng điều, bảo đảm chất lượng, giá bán.
Thêm nữa, nguyên liệu điều về Việt Nam ngày càng giảm. Nếu Việt Nam không có chính sách canh tác, mở rộng diện tích cây điều phù hợp thì tới một lúc nào đó chúng ta sẽ hết nguyên liệu tại chỗ, nguồn cung cũng càng giảm. Tới lúc nào đó chúng ta sẽ mất vị thế là nước xuất khẩu nhân điều số 1 thế giới. Vì vậy, thời gian tới, cần có chính sách để mở rộng diện tích trồng điều, bảo đảm chất lượng, giá bán.
Trong bối cảnh thị trường còn nhiều diễn biến phức tạp, VINACAS khuyến cáo các doanh nghiệp nên bình tĩnh để giữ cho doanh nghiệp không bị mất cân đối trong sản xuất. Theo đó, doanh nghiệp nên cân đối được hợp đồng điều nhân xuất khẩu, khi có hợp đồng liên hệ khách mua, sau khi chốt giá mới đi tìm giá nguyên liệu phù hợp. Còn nếu ngay từ đầu đã mua nguyên liệu giá cao rồi mới sản xuất mà không nắm được giá bán thì sẽ dẫn đến nguy cơ thua lỗ./.
Diễn đàn “Lắng nghe nông dân nói” với chủ đề: “Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng tới mục tiêu NetZero, bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn”, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tổ chức mới đây đã truyền tải những thông điệp, phổ biến những cơ chế, chính sách mới và quan trọng đến với bà con nông dân trên cả nước, trong bối cảnh Việt Nam và thế giới đang hướng tới phát triển bền vững và giảm phát thải carbon.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Khi những làn gió se lạnh tràn về, TP. Thái Nguyên bừng sáng trong ánh đèn lung linh, và KĐT Danko City một lần nữa trở thành tâm điểm với không gian lễ hội Giáng sinh độc đáo, đầy màu sắc. Đặc biệt năm nay, Danko City đã mang đến một sự kiện chưa từng có - 300 ông già Noel cùng nhảy flashmob và trao quà cho trẻ em.