Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 28 tháng 6 năm 2024  
Thứ hai, ngày 24 tháng 6 năm 2024 | 11:10

Người đưa sản phẩm cói xứ Thanh ra toàn cầu

Giờ đây, sản phẩm cói của huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) không chỉ nâng cao về chất lượng, được chứng nhận sản phẩm OCOP, mà còn có mặt trên nhiều kệ hàng ở các thị trường khó tính trên thế giới. Người có công đưa sản phẩm cói ra thị trường toàn cầu là anh Phạm Minh Tôn ở xã Nga An.

Gian nan đưa sản phẩm cói vượt đại dương

Anh Phạm Minh Tôn (SN 1978) sinh ra và lớn lên ở vùng đất cói, từ nhỏ đã ước mơ làm ra những sản phẩm đẹp từ cói. Nhưng sau khi học xong lớp 12,  cũng giống như bao chàng trai trẻ khác trên vùng đất mặn nghèo,  anh tới Thủ đô Hà Nội tìm kiếm công ăn việc làm. Vốn  chịu thương chịu khó, có ý chí vươn lên để có một cuộc sống tốt hơn, thoát được cái nghèo đeo bám, chàng trai trẻ ấy ngày đi làm, tối đăng ký học thêm tiếng Anh để có thể tiếp cận nhiều công việc tốt hơn.

Anh Phạm Minh Tôn đang kiểm tra hàng trong kho để chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Sau đó, anh Tôn về Ninh Bình làm mảng phát triển thị trường cho một công ty cói mỹ nghệ, từ đó học hỏi kinh nghiệm cũng như kỹ năng cho bản thân.

Với tình yêu lao động, thương người nông dân 1 nắng 2 sương lăn lộn trên cánh đồng cói mà sản phẩm bán ra thu nhập lại quá thấp, anh quyết định về quê, nâng tầm giá trị sản phẩm quê hương, đưa sản phẩm cói đi tiêu thụ tại nhiều nước trên thế giới.

Chia sẻ về quyết định táo bạo đưa sản phẩm của địa phương vươn ra thế giới, Tôn mỉm cười và trầm lặng một hồi rồi nói: Nga Sơn là vùng đất trồng ra cói, nhưng lại xuất bán nguyên liệu thô, với giá thành rất thấp cho thương lái về chế biến thành những sản phẩm cao cấp, mang lại giá trị kinh tế cao. Từ suy nghĩ đó, năm 2009, tôi quyết tâm về nơi chôn nhau cắt rốn lập nghiệp.

Theo anh Tôn, quyết định mở doanh nghiệp cói khi ấy khiến anh gặp không ít trắc trở. Bởi khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng, vốn kinh doanh đều phải vay mượn. Bên cạnh đó, áp lực từ nhân công lao động chưa có tay nghề, cho đến việc liên kết với các hộ để thu gom sản phẩm cũng chưa thực hiện được. Ngoài ra, sự cạnh tranh trên thị trường còn khiến anh bị đe dọa, và nhiều tin đồn không tốt đẹp.

“Nghĩ rằng đã là thị trường thì phải có cạnh tranh, không thể tránh khỏi những mánh khóe của xã hội. Nếu bản thân chùn bước thì ước mơ giữ và phát triển nghề cói ở quê hương sẽ thất bại, gieo niềm tin cho bà con nay trở thành mây khói, nên tôi tự động viên bản thân, động viên gia đình: Có niềm tin thì sẽ có thành công”, anh Tôn chia sẻ.

Sau khi được sự ủng hộ của địa phương về phát triển nghề truyền thống, anh thuê 9.000m2 đất để xây dựng nhà xưởng sản xuất. Chính năm ấy, anh tự mình sang Trung Quốc  liên hệ với các doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, chuyến đi tiêu hao khá lớn tài chính nhưng không được như kỳ vọng.

Qua phát triển thị trường và tìm hiểu, anh nhận thấy sản phẩm qua khâu trung gian giá cả thấp, ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của doanh nghiệp cũng như nguồn thu và phát triển kinh tế của người lao động. Từ trăn trở đó, anh lại ôm tiếp kỳ vọng một mình khăn gói sang Hoa Kỳ, xúc tiến trực tiếp với các doanh nghiệp nhằm hợp tác tìm kiếm thị trường.

Sản phẩm cói xuất khẩu đã giải quyết được hàng nghìn công ăn việc làm cho người lao động địa phương và các tỉnh lân cận.

“Tuy thị trường quốc tế khắt khe về tiêu chí, tiêu chuẩn sản phẩm, nhưng tiêu thụ số lượng lớn, ổn định, lâu dài. Hàng xuất cho các tập đoàn lớn có thể đặt lên kệ bán ngay”, anh Tôn cho biết.

Trao đổi về những ngày đầu mày mò, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, anh kể: Đó là những ngày gian nan, thậm chí có những lúc tôi muốn bỏ cuộc, nhưng nặng lòng với quê hương, bao thế hệ người dân lao động đã hàng trăm năm ướp mặn gìn giữ nghề truyền thống, nên dặn lòng  phải kiên trì, phải quyết tâm, phải thực hiện thành công.

“Ban đầu, mục tiêu đề ra sau 3 năm sẽ thành công, kết quả lại đến sớm hơn mong đợi. Hiện nay, các sản phẩm của công ty được bày bán trên chuỗi siêu thị cung ứng của 2 tập đoàn lớn ở New York và Los Angeles (Hoa Kỳ): khay, túi xách, giỏ lục bình… Trong thời gian tới, công ty sẽ mở rộng hợp tác thêm với 2 tập đoàn lớn của thị trường này là HomeGoods và Michaels”, anh Tôn cho hay.

Thành công của anh Tôn đã giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho 40 lao động tại xưởng và hơn 1.000 lao động làm tại nhà của huyện Nga Sơn, với thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài nhân công lao động ở khu vực Nga Sơn, công ty của anh còn liên kết với các chuỗi sản xuất ở các huyện trong và ngoài tỉnh, góp phần duy trì tăng trưởng trong kinh doanh.

Sản phẩm OCOP, phát triển quê hương

Khởi nghiệp từ những trăn trở của bản thân, tiềm năng sẵn có từ sản phẩm truyền thống của địa phương, đến nay, Công ty Việt Anh do anh sáng lập đã có chỗ đứng trên thị trường thế giới. Để nâng cao chất lượng, mẫu mã, cùng với sự hỗ trợ của địa phương, nhiều sản phẩm cói của doanh nghiệp được thị trường ưa chuộng; rổ cói, bình cắm hoa khô, đĩa salad được công nhận OCOP 4 sao  và 3 sản phẩm 4 sao đang được đề nghị nâng hạng 5 sao.

Những sản phẩm cói OCOP 4 sao đang đề nghị nâng hạng 5 sao.

Ông Phạm Văn Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Nga Sơn, khẳng định: Nga Sơn là huyện ven biển, có khoảng 750ha cói, tập trung ở 6 xã vùng ven như: Nga Thủy, Nga Thanh, Nga Thái…, thu nhập của bà con chủ yếu dựa vào cây cói.

“Nắm bắt được tiềm năng, lợi thế của địa phương, anh Tôn đã năng động và sáng tạo, tận dụng vùng nguyên liệu, duy trì và phát huy nghề truyền thống, tạo ra những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Từ đó, nâng cao giá trị của cây cói, giải quyết công ăn việc làm cho bà con nông dân, góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Thời gian tới, để phát triển nghề cói, huyện sẽ tiếp tục khuyến khích hỗ trợ nông dân cải tạo đất trồng cói, với mức hỗ trợ 40 triệu đồng/ha”, ông Thành chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế nông thôn, ông Bùi Công Anh, Phó chánh văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Phát huy được sản vật truyền thống của vùng đất chua mặn huyện Nga Sơn, Công ty Việt Anh đã biến cây cói trở thành những sản phẩm tiêu dùng thân thuộc như: thảm, túi xách, giỏ đựng, vật trang trí,… Từ đó, đưa cây cói của Việt Nam vươn tầm thế giới, nâng cao giá trị kinh tế từ nghề truyền thống, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, duy trì và phát huy nghề truyền thống, bản sắc, bản địa của địa phương, góp phần giúp Nga An trở thành xã NTM kiểu mẫu.

Thanh Hóa hiện có 485 sản phẩm OCOP, đứng thứ 2 cả nước sau TP. Hà Nội. Các sản phẩm sau khi được công nhận có nhiều thay đổi, sản phẩm được quan tâm, các dây chuyền sản xuất được hiện đại hóa, tạo ra chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Mục tiêu năm 2024, tỉnh có thêm 120 sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong thương mại, sản xuất, quản lý, nâng cấp các chủ thể, từ sản xuất nông nghiệp thuần túy chuyển sang làm kinh tế nông nghiệp.

Với những đóng góp về xuất khẩu sản phẩm từ nguyên liệu truyền thống của địa phương, năm 2016-2017, Công ty Việt Anh vinh dự  là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu tham dự Hội nghị 6 nước sông Mê Công. Ngày 30/11/2020, anh Tôn được Chủ tịch UBND Thanh Hoá tặng Bằng khen trong việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2018 - 2020.

Thanh Duyên
Ý kiến bạn đọc
Top