Thời điểm Tết Nguyên đán là nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của từng hộ gia đình là rất lớn, nếu trước đây khi cuộc sống khó khăn thì bây giờ khi kinh tế phát triển, cùng với đó là các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu ăn uống trong những ngày Tết này không còn khan hiếm. Do đó, người tiêu dùng cần phải lựa chọn sản phẩm thực phẩm sử dụng trong những ngày này sao cho phù hợp, bảo đảm được an toàn sức khỏe.
Hãy là nhà tiêu dùng "thông thái"
Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, để bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và lễ hội đầu xuân, mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái nhất để vui xuân đón Tết trong niềm vui trọn vẹn, sum vầy và bảo đảm an toàn.
Lựa chọn thực phẩm được giết mổ tại những nơi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, TP Hà Nội hiện có 70.779 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó có: 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 24 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 718 điểm giết mổ thủ công, 454 chợ, 141 siêu thị, 25 trung tâm thương mại, 5.044ha trồng rau an toàn được quản lý, giám sát. Sản xuất thực phẩm của thành phố đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại nhập từ các tỉnh và nhập khẩu.
Trong năm 2022, TP Hà Nội đã triển khai đồng bộ, kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy, tuyến TP đã ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo và triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, tập trung vào các dịp cao điểm về an toàn thực phẩm.
Ông Đặng Thanh Phong cho biết, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã tiến hành kiểm tra các BCĐ của quận, huyện, thị xã. Trong quá trình kiểm tra đơn vị đã đề nghị quận, huyện, thị xã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra BCĐ xã, phường, thị trấn đảm bảo tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến trên địa bàn địa phường phải được kiểm tra và sẽ xử lý nghiêm nếu vi phạm (tiến hành lập biên bản và giao lại cho BCĐ quận, huyện, thị xã xử lý vi phạm…).
Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong khuyến cáo, dịp Tết là dịp thực phẩm lưu thông nhiều và tăng đột biến nên người dân phải lựa chọn mua bán thực phẩm tại những cơ sở có địa điểm kinh doanh uy tín; nguồn gốc thực phẩm có xuất xứ rõ ràng, không nên "dễ dãi" trong lựa chọn thực phẩm; có thể chọn thực phẩm bằng kinh nghiệm hoặc bằng thị giác. Mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái nhất để vui xuân đón Tết trong niềm vui trọn vẹn, sum vầy và bảo đảm an toàn.
Chú ý về an toàn thực phẩm trong những ngày Tết
Theo thông tin được đăng tải trên trang thông tin điện tử Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, trong dịp Tết có rất nhiều đồ ăn, người dân cần để riêng và phân loại các loại thực phẩm, đựng trong bao bì phù hợp, tránh nhỏ giọt hay chảy dính sang các thực phẩm khác. Cách tốt nhất là sử dụng hộp và túi nhựa kín khi bảo quản trong tủ lạnh.
Chú ý thực phẩm trong những ngày Tết
Bên cạnh đó cần chế biến và nấu kỹ thức ăn. Các loại thực phẩm như thịt, gà tây, hải sản và trứng… có thể mang mầm bệnh gây ngộ độc thực phẩm. Có thể sử dụng nhiệt kế thực phẩm để đảm bảo những thực phẩm này được chế biến đúng cách và nhiệt độ an toàn. Các món sườn nướng, bít tết và giăm bông nên để thêm 3 phút sau khi lấy ra khỏi lò nướng và vỉ nướng.
Sau khi thức ăn đã được chế biến, cần phải bảo quản thức ăn đúng theo tiêu chuẩn: Thức ăn nóng cần bảo quản nóng và giữ lạnh thức ăn cần bảo quản lạnh.
Sử dụng trứng tiệt trùng cho các món ăn có trứng sống: Khuẩn Salmonella và các khuẩn có hại khác có thể sống trong và bên vỏ ngoài trứng. Rất nhiều món ăn yêu thích được làm từ trứng trong ngày lễ, do vậy nên nhớ sử dụng trứng đã tiệt trùng khi chế biến những món ăn này.
Một lưu ý mà người dân cần ghi nhớ, đó là cần tuân thủ nguyên tắc rửa tay trước, trong và sau khi chế biến đồ ăn; trước khi ăn; sau khi xử lý thức ăn cho vật nuôi hoặc chạm vào vật nuôi; sau khi đi vệ sinh; sau khi thay tã cho trẻ em; sau khi chạm vào rác…
Lựa chọn bánh, mứt Tết sao cho an toàn
Theo Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, khi chọn mua bánh kẹo trong dịp tết Nguyên đán, người tiêu dùng cần lưu ý một số thông tin như sau:
Lựa chọn bánh, mứt Tết phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng
Nên chọn mua các sản phẩm đã được doanh nghiệp thực hiện tự công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần quan sát kỹ thông tin trên bao bì sản phẩm. Theo đó, bao bì phải có đầy đủ các nội dung về nhãn theo quy định như tên sản phẩm, thông tin nơi sản xuất, xuất xứ, ngày sản xuất, ngày hết hạn, thành phần…
Không nên mua sản phẩm có bao bì không nguyên vẹn, chữ in trên bao bì không sắc nét. Với những sản phẩm nhập khẩu phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt.
Ngoài ra, người tiêu dùng cần lựa chọn sản phẩm của các thương hiệu uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Không nên hàng nhái kiểu dáng, nhãn hiệu.
Đối với các sản phẩm bán theo khối lượng nên chọn mua ở những nơi uy tín, có giấy tờ, hồ sơ liên quan đến sản phẩm, chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, thông tin sản xuất và chất lượng sản phẩm vì những sản phẩm này thường được trưng bày trong các túi, hũ lớn thiếu các thông tin bắt buộc về sản phẩm.
Với những giỏ quà gói sẵn ở các cửa hàng, người tiêu dùng cần chú ý chất lượng sản phẩm bên trong, tránh sản phẩm đã hết hạn hoặc gần hết hạn, hàng nhái, hàng giả kém chất lượng. Tốt nhất nên chọn mua riêng từng sản phẩm và nhờ người bán xếp thành giỏ quà.
Đối với các sản phẩm mứt khô nên chọn loại có màu sắc tự nhiên, nên hạn chế loại có nhiều màu sắc tổng hợp, bao bì còn nguyên vẹn, bày bán nơi thoáng mát, mới sản xuất và còn hạn sử dụng. Cần quan sát kỹ bên ngoài sản phẩm nếu phát hiện mứt bị mốc, có mùi hôi, chảy nước, mùi chua thì tuyệt đối không nên sử dụng.
Cách phòng chống ngộ độc trong dịp Tết
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế khuyến cáo, đừng biến tủ lạnh thành kho lưu trữ thực phẩm lâu dài trong những ngày Tết...
PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP - Bộ Y tế cho biết, vào dịp Tết, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao so với ngày thường, đặc biệt các sản phẩm thịt, cá, trứng, sữa, bánh kẹo, mứt, rượu bia...
Để đảm bảo ATTP cho người dân, đặc biệt là đảm bảo ổn định của thị trường thực phẩm cũng như nhu cầu sản xuất, ngay từ đầu tháng 12/2022, Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về ATTP đã ban hành kế hoạch bảo đảm ATTP Tết Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023.
Để đảm bảo ATTP ngày Tết, Cục trưởng Cục ATTP khuyến cáo người tiêu dùng trước tiên phải chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; thực hiện việc sử dụng, bảo quản sản phẩm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Đặc biệt, người dân đừng biến tủ lạnh thành kho lưu trữ thực phẩm lâu dài. Hiện nay thị trường rất đa dạng, phong phú vào ngày mùng 1, 2 Tết các cơ sở kinh doanh đã có thực phẩm tươi sống để bán nên không nhất thiết tích trữ thực phẩm.
“Chúng ta xác định Tết Nguyên đán là thời điểm "chơi Tết", nghỉ xuân, không còn "ăn Tết" như thời bao cấp vì vậy cần tránh việc tích trữ quá nhiều thực phẩm, lưu ý hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, nhà sản xuất” – ông Phong khuyến cáo.
Ngoài ra, người dân cần hạn chế rượu bia, sử dụng rượu, bia ở mức cho phép để đón Tết đảm bảo sức khỏe, an toàn.