Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 18 tháng 10 năm 2022 | 11:33

Nguy cơ thế giới đối mặt cuộc khủng hoảng phân bón

Liên Hợp quốc đang hối thúc các nỗ lực nhằm hạ nhiệt giá phân bón để tránh rơi vào “cuộc khủng hoảng trong tương lai” về nguồn cung phân bón, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh lương thực toàn cầu.

“Gã khổng lồ” phân bón Ba Lan dừng sản xuất

Theo hãng tin Bloomberg, Azoty đã tạm dừng sản xuất các loại phân bón bao gồm phân nitrogen và caprolactam. Ngoài ra, công ty cũng cắt giảm sản lượng ammonia vì không đảm bảo được mức lợi nhuận cần thiết khi giá khí đốt không ngừng lập kỷ lục mới.

“Tình hình hiện nay trên thị trường khí đốt tự nhiên - nhân tố quyết định lợi nhuận trong sản xuất phân bón là khác thường”, Azoty nhận định. Công ty không cho biết gián đoạn sản xuất sẽ kéo dài trong bao lâu, nhưng cổ phiếu Azoty đã có phiên giảm thứ 8 liên tiếp, với mức giảm có lúc lên tới 10% trong một phiên.

Một kho chứa phân bón của tập đoàn Uralkali ở thành phố Berezniki, cách thủ đô Moscow trên 1.200 km về phía đông. Ảnh: AFP

Sử dụng phân bón trong sản xuất nông nghiệp đang giảm xuống vì giá phân bón tăng, và điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình an ninh lương thực toàn cầu. Theo Hiệp hội Phân bón Quốc tế (IFA), lượng phân bón hoá học được sử dụng trên thế giới có thể giảm tới 7% trong vụ gieo trồng tới, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2008.

“Nếu nông dân châu Âu mua thêm phân bón từ thị trường quốc tế, thị trường nông nghiệp tại các nước ở tiểu sa mạc Sahara châu Phi, Nam Á và nhiều phần của Mỹ Latinh sẽ trở nên mong manh hơn. Thị trường phân bón toàn cầu sẽ thắt chặt hơn nữa”, một quan chức cấp cao của IFA nói với Bloomberg.

“Tôi thấy không công ty phân bón nào ở châu Âu có thể tiếp tục sản xuất ngoài những doanh nghiệp đã có sự phòng hộ (hedge) từ trước” - ông Chris Lawson, Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường phân bón thuộc CRU nhận định - “Chúng tôi dự báo giá ammonia sẽ tiếp tục tăng”.

Vấn đề càng thêm phần phức tạp vì châu Âu vốn nhập khẩu nhiều phân bón từ Nga. Sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, nguồn cung phân bón từ Nga xuất sang châu Âu cũng suy giảm. Trái lại, nhập khẩu phân bón từ các quốc gia khác vào châu Âu đang tăng lên, làm suy giảm khả năng của các nước nghèo hơn trong việc tiếp cận với phân bón - một hàng hoá thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp.

Azoty là nhà sản xuất phân bón khoáng chất lớn thứ nhì trong Liên minh châu Âu (EU). Công ty này cũng là một trong những nhà tiêu thụ khí đốt lớn nhất ở Ba Lan, sử dụng hơn 20 gigawatt giờ khí đốt mỗi năm.

Phát biểu trên đài phát thanh quốc gia, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Ba Lan Henryk Kowalczyk nói rằng, Azoty có đủ lượng phân bón dự trữ để cung cấp cho vụ gieo trồng mùa thu. Ông bày tỏ hy vọng thị trường sẽ bình ổn vì Ba Lan “cần phải nghĩ đến vụ gieo trồng mùa xuân nữa”.

Phân bón không phải là ngành công nghiệp duy nhất đang chịu ảnh hưởng từ sự leo thang của giá khí đốt. Theo hãng tin Reuters, gần 50% số nhà luyện nhôm và kẽm ở châu Âu đã phải đóng cửa, trong đó “nạn nhân” mới nhất là công ty Slovalco ở Slovakia.

Cuộc khủng hoảng mới?

Một quan chức thương mại cấp cao của Liên Hợp quốc đang tham gia vào các cuộc đàm phán nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu phân bón của Nga cho biết, xung đột Nga - Ukraine đã gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và kéo theo giá phân bón tăng vọt.

Trong khi đó, cả Nga và Ukraine đều là những quốc gia xuất khẩu ngũ cốc chủ chốt trên thị trường lương thực thế giới, ngoài ra, Nga còn là một trong những nước xuất khẩu phân bón lớn nhất.

Bà Rebeca Grynspan, Tổng thư ký Hội nghị Liên Hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) nói với các phóng viên tại Geneva (Thụy Sĩ): “Nếu chúng ta không thể hạ nhiệt giá phân bón ngay từ lúc này, thì một cuộc khủng hoảng trong tương lai là không thể tránh khỏi”.  

Phân bón hóa học tăng cao khiến chính phủ Peru phải tận thu nguồn phân chim từ các đảo để phục vụ sản xuất. Ảnh: Getty

Thống kê của UNCTAD cho biết, Nga là một trong những nhà cung cấp kali, phốt phát và phân đạm lớn nhất thế giới – ba sản phẩm này là những chất dinh dưỡng quan trọng của đất và cây trồng - sản xuất ra 13% tổng sản lượng lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu phân bón từ Nga đã sụt giảm 7% trong nửa đầu năm 2022.

Mặc dù ngày 22/7, Liên Hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng ra làm trung gian để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga theo một thỏa thuận trọn gói, đồng thời tái khởi động các chuyến hàng ngũ cốc và phân bón ở Biển Đen của Ukraine. Tuy nhiên, đến nay Nga vẫn phàn nàn rằng việc xuất khẩu của họ vẫn bị cản trở.

Phân chim... lên giá

Cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng đã làm cho trữ lượng phân chim ở Peru bỗng nhiên trở nên có giá trị hơn, khi người dân tăng cường khai thác để bón cho cây trồng.

Trong bối cảnh nông dân ở hầu hết các quốc gia trên thế giới đều phải vật lộn với tình trạng thiếu phân bón nhập khẩu, do hậu quả của cuộc xung đột, thì quốc gia Nam Mỹ Peru đã chuyển sang một giải pháp thay thế từng được thử nghiệm hiệu quả là phân chim (guano).

Vào những năm 1880, phân chim đã trở thành một mặt hàng có giá trị đến mức quốc gia láng giềng Chile đã mở các đợt tấn công, giao chiến với cả Peru và Bolivia để tranh giành nguồn lợi phân bón này.

Hiện, Chính phủ Peru đã trưng dụng cả hạm đội tàu hải quân để vận chuyển phân chim từ các hòn đảo ngoài khơi vào đất liền, nơi giá phân bón nhập khẩu đã tăng 3-4 bốn lần, để phục vụ nhu cầu sản xuất của nông dân.

Phân chim ở Peru đang được bán với giá trợ cấp từ Chính phủ là 13,3 USD/50kg, nhưng do nguồn cung hạn chế nên chỉ những người nông dân nghèo mới được thụ hưởng.

Segundo Cruz, nông dân ở Mala, cách thủ đô Lima khoảng 80km về phía Nam, cho biết: “Phân chim từ các hòn đảo là loại phân bón thay thế tốt và giá cả hợp lý, nhưng cây trồng phải mất nhiều thời gian hơn để hấp thụ nếu so với phân bón hóa học”.

Theo Bộ Nông nghiệp Peru, hiện giá các loại phân bón đều tăng cao nên nông dân địa phương không còn gieo sạ nhiều như trước nữa, họ chỉ sản xuất một phần ba mùa vụ mà thôi. Dự báo phân chim cũng sẽ không đủ cung cấp cho thị trường và giá sẽ còn tăng cao hơn nữa để bù đắp cho sự thiếu hụt của 2,4 triệu nông dân quy mô vừa và nhỏ của đất nước, trong đó có khoảng một nửa sử dụng phân urê nhập khẩu và các loại phân bón khác.

Chuyên gia về phát triển nông thôn và là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Grade - Eduardo Zegarra cho biết: “Phân chim là loại phân bón rất tốt nhưng có giới hạn về nguồn cung tự nhiên. Ước tính chỉ có khoảng 30.000-40.000 tấn phân chim được khai thác hàng năm, chiếm 5-10% nhu cầu phân bón quốc gia”.

Một báo cáo của Tổ chức Lương – Nông Liên Hợp quốc đã cảnh báo rằng, sau đại dịch thì vấn nạn đói nghèo ở Peru sẽ tồi tệ hơn do lạm phát leo thang và khủng hoảng khí hậu sẽ làm tăng gấp đôi tình trạng mất an ninh lương thực, ảnh hưởng đến hơn một nửa dân số quốc gia 33 triệu người.  

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Peru, giá một bao 50kg phân urê đã tăng gấp ba lần, từ khoảng 20 USD lên 65 USD, do nguồn nhập khẩu  giảm 58% so với mức trung bình của 7 năm qua.

Ông Zegarra nói: “Vấn đề khủng hoảng phân bón đang là “gót chân Asin” đối với chính quyền của Tổng thống Pedro Castillo. Nếu chính phủ không thể giải quyết vấn đề này một cách nhanh chóng, tôi tin rằng các tác động đến xã hội sẽ rất khó lường”.

 

Chanh
Ý kiến bạn đọc
  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top