Nhà văn hóa (NVH) cộng đồng tránh trú bão, lũ - “ngôi nhà trí tuệ” ở Hà Tĩnh là kết tinh của tinh thần đại đoàn kết.
Từ sự chung sức, chung lòng của cấp ủy, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, những ngôi nhà vững chãi cùng với nhiều hoạt động cộng đồng phong phú, bổ ích đã và đang được xây dựng và nhân rộng, tạo nên những giá trị mới trong cuộc sống của người dân.
Từ một nghị quyết đúng, hợp lòng dân
Trận lũ lịch sử tháng 10/2020 khiến hàng chục nghìn hộ dân chìm trong biển nước đã thúc đẩy Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh khẩn trương ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 18/11/2020 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020, một số định hướng, mục tiêu và giải pháp phòng ngừa, ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Một trong những mục tiêu Nghị quyết đề ra là xã hội hóa nguồn lực xây dựng các NVH cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ trên địa bàn tỉnh.
Với quyết tâm cao, cách làm quyết liệt, đến nay, tổng số NVH cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ được Ban Chỉ đạo 22 tỉnh và ban chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã huy động kinh phí hỗ trợ đầu tư xây dựng là 50 nhà, với tổng kinh phí thực hiện 100 tỷ 250 triệu đồng.
Trong thời điểm nước lũ dâng cao, NVH cộng đồng thực sự phát huy tác dụng ở Hà Tĩnh.
Trong số này, Ban Chỉ đạo 22 tỉnh huy động kinh phí hỗ trợ đầu tư xây dựng 33 nhà; ban chỉ đạo các địa phương huy động kinh phí hỗ trợ đầu tư xây dựng 17 nhà. Mỗi NVH thôn được hỗ trợ 2 tỷ đồng.
NVH cộng đồng ở Hà Tĩnh được thiết kế đẹp mắt, 2 tầng với diện tích sàn 500m2. Trong điều kiện bình thường, NVH cộng đồng phục vụ hoạt động hội họp, thể dục, thể thao... của người dân; trong mùa mưa lũ, tầng 1 sẽ là nơi trú cho vật nuôi, còn tầng 2 dùng làm nơi ở tránh trú cho người dân.
Với 50 công trình “2 trong 1” được xây dựng khắp các địa phương ở Hà Tĩnh, trong đó có những vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai như: Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Đức Thọ, Kỳ Anh, Thạch Hà, Cẩm Xuyên... thì những công trình này không chỉ đáp ứng nhu cầu về hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, kinh tế, chính trị, thắt chặt mối đại đoàn kết toàn dân mà còn là nơi tránh trú an toàn cho người dân khi bão, lũ, lụt xảy ra.
Theo thống kê từ Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh, đến nay, toàn tỉnh có 30 mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” đã ra mắt, đi vào hoạt động. Tổng nguồn lực huy động là hơn 7,2 tỷ đồng, trong đó nguồn xã hội hóa 4,4 tỷ đồng. Ngoài ra, MTTQ tỉnh cũng đã kêu gọi đóng góp được hơn 10.000 đầu sách hỗ trợ cho các nhà văn hóa.
Năm 2022, các địa phương trên toàn tỉnh Hà Tĩnh đăng ký triển khai thêm 43 mô hình “Ngôi nhà trí tuệ”, trong đó, 10 mô hình tại NVH cộng đồng tránh trú bão, lũ; 15 mô hình do địa phương đăng ký xây mới và 18 mô hình do cấp huyện chủ trì xây mới.
Niềm vui trong những ngôi nhà chung
NVH thôn Trung Thành (xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên) từng ở vùng trũng, diện tích nhỏ và thường chỉ phục vụ cho các cuộc họp thôn, sinh hoạt chi bộ, thế nhưng, từ tháng 7/2021, sau khi được BIDV tài trợ 100% kinh phí, NVH mới được xây khang trang.
NVH cộng đồng tránh trú bão lũ của thôn chính thức đi vào hoạt động đã mang đến luồng sinh khí mới cho các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn. Mỗi chiều, NVH rộn rã tiếng cười nói vui đùa của cả người già, trẻ nhỏ.
Hơn thế nữa, sau khi có NVH khang trang, từ tháng 03/2022, mô hình ngôi nhà trí tuệ được triển khai tại đây đã giúp trẻ em thôn Trung Thành có thêm không gian học tập, người lớn được tham gia vào các câu lạc bộ (CLB) văn hóa - thể thao như: CLB dân ca Ví, giặm, CLB bóng chuyền, CLB cầu lông…
Khánh thành NVH cộng đồng tránh lũ thôn Trung Thành (xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên) do BIDV tài trợ xây dựng.
Được đến tham quan nhiều NVH trong toàn tỉnh, nhưng khi về NVH thôn Đông Đoài, xã Thạch Hạ (TP. Hà Tĩnh), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi NVH thôn Đông Đoài là một trong số ít NVH sáng tạo xây dựng khu trưng bày dụng cụ, vật dụng truyền thống ý nghĩa để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa.
Những chiếc nơm, chum, vại, hay cối... được chính người dân trong vùng gom góp trở thành những tư liệu quý giá giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử địa phương.
Chị Đoàn Thị Nhung, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn, Chủ nhiệm NVH thôn Đông Đoài (xã Thạch Hạ, TP. Hà Tĩnh), cho biết: “NVH cộng đồng - “ngôi nhà trí tuệ” vừa tạo không gian sinh hoạt, vừa là ngọn nguồn khơi dậy tính cộng đồng, đoàn kết bà con trong thôn.
Người dân góp công, góp của cải tạo làm đẹp khuôn viên, cống hiến trí tuệ tổ chức những buổi học miễn phí... Từ già đến trẻ, ai ai cũng tình nguyện góp sức vì sự phát triển của NVH, nhờ đó, đã thúc đẩy phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Còn ở những địa bàn vùng rốn lũ, những ngôi NVH đã trở thành điểm tựa để bà con yên tâm tránh trú lũ, lụt, bão khi mùa mưa đến; đồng thời giúp địa phương hoàn thành các tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng nông thôn mới.
Thôn Tiền Phong (xã Quang Vĩnh) là vùng ngoài đê của huyện Đức Thọ, địa hình thấp trũng. Vào mùa mưa lũ, nước từ thượng nguồn sông La và sông Cả cùng đổ về khiến vùng quê này là một trong những nơi bị ảnh hưởng mưa lũ nặng nề nhất của huyện Đức Thọ.
“Mùa mưa lũ những năm trước còn phải lo tìm nơi tránh trú nhưng năm nay thì đã có nơi đảm bảo an toàn cho bà con. Người dân chúng tôi thực sự cảm ơn các cấp chính quyền, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ xây dựng công trình kiên cố, có giá trị tuyệt vời này...”, cụ bà Phạm Thị Chân (SN 1929) xúc động nói.
Ông Nguyễn Quang Việt, Chủ tịch UBND xã Quang Vĩnh, chia sẻ: “NVH thôn giờ không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nâng cao đời sống tinh thần cho bà con, thắt chặt tình làng nghĩa xóm mà còn là địa điểm tránh trú bão lũ an toàn cho người dân. Đây thực sự là công trình có ý nghĩa hết sức thiết thực với vùng quê thường xuyên chịu thiệt hại do mưa lũ như thôn Tiền Phong”.
“Xây dựng NVH cộng đồng tránh trú bão lũ - “Ngôi nhà trí tuệ” là chủ trương đúng đắn của Hà Tĩnh. Với cách làm sáng tạo, hiệu quả, thiết thực, NVH đa năng này đang nhận được sự hưởng ứng và thu hút được đông đảo người dân tham gia. Các NVH triển khai mô hình nhà trí tuệ đã trở thành không gian phục vụ đa dạng các hoạt động của người dân, vừa xây dựng cộng đồng học tập, phát triển văn hóa đọc, vừa củng cố khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh ở khu dân cư; góp sức thực hiện các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, việc triển khai mô hình này đang góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của địa phương, bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục niềm tự hào quê hương cho thế hệ trẻ theo tinh thần của Trung ương và tỉnh tại các hội nghị văn hóa được tổ chức gần đây.
Thời gian tới, MTTQ tỉnh sẽ tiếp tục định hướng, hỗ trợ, phối hợp và theo dõi, đánh giá hoạt động tại mô hình ngôi nhà trí tuệ ở các NVH; tích cực huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng thêm các NVH cộng đồng - “Ngôi nhà trí tuệ” trên địa bàn để mang đến không gian văn hóa tươi mới, thiết thực phục vụ người dân mọi lứa tuổi”, ông Trần Nhật Tân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh, bày tỏ.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.