Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 8 tháng 5 năm 2023 | 14:32

Nỗi lo tiêu thụ nông sản và những thách thức đối với mục tiêu xuất khẩu

Để đảm bảo đầu ra thuận lợi cho sản lượng lớn nông sản, nhất là vào thời điểm chính vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản chủ lực, các địa phương đã chủ động lên phương án đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Vải thiều Bắc Giang trưng bày tại một hội nghị xúc tiến thương mại và tiêu thụ. (Ảnh minh họa)

Để tiêu thụ nông sản không còn là nỗi lo

Tỉnh Bắc Giang là gương điển hình cho nhiều tỉnh, thành cả nước trong phát huy vai trò của chính quyền trong quy hoạch, định hướng và xuất khẩu nông sản.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang Phạm Công Toản chia sẻ: Để nông sản Bắc Giang nói chung và trái vải thiều Lục Ngạn nói riêng có chỗ đứng trên thị trường, địa phương đã có sự có chuẩn bị từ nhiều năm đồng thời kiên định nâng cao chất lượng. Xác định thị trường do người tiêu dùng quyết định giá trị, thương hiệu sản phẩm nông sản Bắc Giang nên tỉnh sớm chỉ đạo sản xuất nông sản phục vụ thị trường.

Năm 2017, tỉnh Bắc Giang phê duyệt danh mục 52 sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng để thúc đẩy sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn (hình thành nhiều hợp tác xã, nhóm hộ sản xuất). Từ đó ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tăng diện tích vùng trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nhân rộng mô hình sản xuất vải hữu cơ, xây dựng và quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng. Nhờ vậy, các vùng sản xuất đã tạo ra sản phẩm vải thiều có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đồng đều và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, Bắc Giang cũng hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã hoàn thiện, chuẩn hóa bao bì, tem nhãn và truy xuất nguồn gốc (hỗ trợ 50% kinh phí bao bì, tem nhãn).

Sơn La là tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn nhất miền Bắc và đứng thứ hai cả nước với 78.800ha. Nhưng đây lại là địa phương tổ chức hiệu quả các hoạt động kết nối cung cầu, tạo chuỗi liên kết tiêu thụ giữa hợp tác xã, hộ sản xuất, trồng trọt với các doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản, thực phẩm.

Hiện, trên địa bàn tỉnh có 50 cơ sở, nhà máy chế biến, xuất khẩu 16 mặt hàng nông sản sang các thị trường: Australia, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Nga... chiếm 92% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh. Nhờ đó, dù có sản lượng trái cây (xoài, nhãn…) lớn mỗi khi vào vụ thu hoạch, song do có nhiều nhà máy chế biến sâu nên áp lực tiêu thụ quả tươi giảm rõ rệt.

Không chỉ vào cuộc quyết liệt trong tìm hiểu, tiếp cận thông tin thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hai tỉnh Bắc Giang và Sơn La còn là  những địa phương  tận dụng được tốt nhất sự hỗ trợ của các bộ, ngành trong đẩy mạnh tiêu thụ nông sản.

Vùng trồng xoài huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Xúc tiến thương mại cho nông sản đặc trưng

Đồng hành cùng các địa phương, thời gian qua, Bộ Công Thương đã đóng góp tích cực vào việc hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân những thông tin liên quan đến thị trường, đặc biệt là các thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương thường xuyên chỉ đạo hệ thống thương vụ tham gia vào việc hỗ trợ mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại nhằm giúp doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm.

Đánh giá về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định: Xúc tiến thương mại được đánh giá là một trong những điểm yếu của phần lớn doanh nghiệp, hợp tác xã trong tiêu thụ nông sản. Do đó, Bộ Công Thương đã mở các chương trình tập huấn online để hỗ trợ cho các thương nhân, doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm.

Cùng với đó, việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, tận dụng thương mại điện tử và các công nghệ đã góp phần quan trọng giới thiệu hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng ra thị trường nước ngoài.

Phân tích về giải pháp xuất khẩu, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho rằng: Có 3 điều kiện gắn với việc duy trì hiệu quả hoạt động xuất khẩu một cách bền vững. Thứ nhất là yếu tố chất lượng phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Đơn cử như những quy định về chất lượng, bao bì, dán nhãn của Trung Quốc rất chặt chẽ. Thứ hai là bên cạnh việc đáp ứng về sản lượng còn phải bảo đảm chất lượng đồng đều. Thứ bai là xây dựng thương hiệu.

Theo ông Trần Thanh Hải, thời gian qua, nhiều địa phương đã tham gia vào việc xây dựng thương hiệu bằng các giải pháp như xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhưng chỉ làm tốt khía cạnh nhận diện trong nước, còn khi ra nước ngoài, thương hiệu nông sản chưa được định vị rõ ràng.

Về giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu nông sản trong giời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục triển khai những chương trình xúc tiến thương mại giúp các địa phương xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho sản phẩm nông sản đặc trưng, có nhiều thế mạnh.

"Bộ Công Thương đang tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp được cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa, tiến đến tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhằm tận dụng lợi thế của 15 hiệp định thương mại tự do đang thi hành và có hiệu lực", Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giảm sốc 

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đang gặp khó do ảnh hưởng bởi tình trạng lạm phát cao tại một số nước trên thế giới. Đặc biệt, tại những thị trường nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc...nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh.

Cùng với đó, lượng hàng tồn nhập khẩu 2022 của một số thị trường lớn còn nhiều, khiến doanh nghiệp chưa ký được đơn hàng xuất khẩu mới.

Trong tháng 4, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chỉ đạt 4,5 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước và giảm 1,2 triệu USD so với tháng 3.

Sản phẩm sầu riêng xuất khẩu. Ảnh: CTCP Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu.

Tính chung 4 tháng, xuất khẩu các mặt hàng của ngành nông nghiệp đạt 15,6 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Toàn ngành xuất siêu 2,5 tỷ USD, giảm 37,7%.

Đáng chú ý, chỉ có một số mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu cao hơn năm ngoái như cà phê đạt 1,7 tỷ USD, tăng 2,5%; rau quả 1,4 tỷ USD, tăng 19,4%; hạt điều 942 triệu USD, tăng 3,4%; thịt, phụ phẩm 45 triệu USD, tăng 63,7%..., nhất là gạo đạt 1,56 tỷ USD, tăng 54,5%.

Trong khi đó, nhiều mặt hàng chủ lực giảm mạnh , như cao su giảm 20,1%; chè giảm 5,8%; hồ tiêu giảm 10,2%; sắn và sản phẩm sắn, giảm 12,1%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 30,4%; cá tra giảm 39,9%; tôm giảm 39,6%....

Bộ NN&PTNT cho biết, trong 4 tháng đầu năm, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam lớn nhất với tỷ trọng đạt gần 21%, tiếp đến là Mỹ với 18,9% và Nhật Bản chiếm 8,1%.

Trước tình trạng hoạt động tiêu thụ, xuất khẩu gặp khó, Bộ NN&PTNT cho hay sẽ tập trung tháo gỡ một số vướng mắc, biến động từ các thị trường để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức các đoàn công tác làm việc với 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc) để đẩy mạnh xúc tiến thương mại nông sản; xúc tiến tiêu thụ rau gia vị sang thị trường EU và chuẩn bị tổ chức chuỗi sự kiện quảng bá nông sản chủ lực của Việt Nam tại Vương quốc Anh.

Thách thức đối với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 54 tỉ USD

Ngân hàng Thế giới dự báo giá cả hàng hoá toàn cầu trong năm 2023 sẽ giảm khoảng 21% so với năm 2022, mức giảm lớn nhất từ sau đại dịch. Trong trường hợp dự báo này đúng thì mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 54 tỉ USD của nông lâm thuỷ sản mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt cho cả năm nay có thể là một thách thức.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt kỷ lục mới với 53,22 tỉ USD. Vì thế, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu nông lâm thuỷ sản cho cả năm 2023 là 54 tỉ USD. Mục tiêu này có thể là một thách thức cho ngành nông nghiệp nếu nhìn vào những dữ liệu thị trường trong thời gian qua.

Trong báo cáo Triển vọng thị trường hàng hóa toàn cầu 2023 do Ngân hàng Thế giới (WB) mới công bố, WB dự báo giá cả hàng hoá toàn cầu sẽ giảm 21% so với năm 2022. Theo WB, diễn biến này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến triển vọng tăng trưởng của gần 2/3 các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hàng hóa. Đối với các loại nông lâm thuỷ sản, theo WB, giá nông sản sẽ giảm khoảng 7% trong năm 2023 và tiếp tục đà giảm trong năm 2024. Còn giá nguyên liệu như bông, gỗ, cao su giảm 6% trong năm nay do ngành công nghiệp thế giới bị ảnh hưởng và giá những mặt hàng này tăng lên trong 2024 khi nhu cầu từ Trung Quốc tăng trở lại.

Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: TL.)

Những dự báo của WB có phần nào đúng khi giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của Việt Nam đang giảm mà nguyên nhân là do giá xuất khẩu giảm. Cụ thể, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 15,66 tỉ đô la, giảm 13,3% so với cùng kỳ 2022.

Những mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm là cao su 684,8 triệu đô la, giảm hơn 20%, hồ tiêu đạt 325 triệu đô la, giảm hơn 10%, sắn (khoai mì) và sản phẩm sắn đạt 453 triệu đô la, giảm 12,1%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,91 tỉ đô la, giảm 30,4%; các sản phẩm mây, tre, cói thảm đạt 245 triệu đô la, giảm 29,2%. Hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thuỷ sản là cá tra và tôm cũng ghi nhận giá trị xuất khẩu giảm: cá tra chỉ đạt 558 triệu đô la Mỹ, giảm gần 40%, còn tôm đạt 843 triệu đô la, giảm gần 40% như cá tra.

Bộ NN&PTNT cho rằng nguyên nhân tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản giảm và thị trường xuất khẩu tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn là do kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo tăng trưởng chậm lại, ảnh hưởng từ xung đột quân sự Nga – Ukraine, lạm phát cao tại một số nước trên thế giới, trong đó có những thị trường nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam (Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…) nhu cầu tiêu dùng đang có xu hướng giảm, vì thế nhu cầu nhập khẩu giảm.

Bên cạnh đó, nhiều nước đẩy mạnh xuất khẩu nông sản và tăng cung trên thị trường, trong khi lượng hàng tồn nhập khẩu 2022 của một số thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, EU…  còn lớn khiến nhiều doanh nghiệp chưa ký được đơn hàng xuất khẩu mới./.

 

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
Top