Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 19 tháng 1 năm 2024 | 15:5

Nông dân tập trung sản xuất, đảm bảo nguồn cung hàng Tết

Những ngày này, các chủ trang trại, hợp tác xã và nông dân các địa phương đang tập trung cao độ cho vụ sản xuất quy mô lớn nhất năm để cung cấp lương thực, thực phẩm, hoa cây cảnh phục vụ thị trường Tết Giáp Thìn 2024.

Chăm sóc đàn gà tại xã Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì). (Ảnh: Hương Giang)

Hà Nội: Nhà nông vào vụ sản xuất lớn nhất năm

Huyện Mê Linh là vựa rau lớn nhất của Hà Nội. Hiện, nông dân các xã Tiền Phong, Tráng Việt... đang tập trung chăm sóc rau màu để phục vụ thị trường dịp Tết Giáp Thìn 2024. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao Đàm Văn Đua cho biết, để phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết Nguyên đán, các thành viên hợp tác xã đang trồng nhiều loại rau, như: Cải chíp, củ cải, su hào, bắp cải, súp lơ, cà chua,… “Năm nay, thời tiết thuận lợi, nên cây rau sinh trưởng, phát triển tốt, sản lượng đạt cao. Dự kiến dịp trong và sau Tết Nguyên đán sắp tới, hợp tác xã cung cấp khoảng 350-400 tấn rau/ngày”, ông Đàm Văn Đua cho hay.

Tương tự, các trang trại chăn nuôi cũng đang tập trung chăm sóc, vỗ béo đàn vật nuôi để chuẩn bị nguồn cung cho thị trường dịp Tết này. Theo Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai) Nguyễn Đình Tường, hợp tác xã duy trì khoảng 200 con lợn thương phẩm và đã ký kết được hợp đồng tiêu thụ với các siêu thị, cửa hàng tiện ích khoảng 4-5 tạ/ngày... Vào những ngày cận Tết, hợp tác xã có thể cung cấp số lượng gấp đôi so với ngày thường.

Nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, huyện Ba Vì đã chỉ đạo, hướng dẫn người dân duy trì hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng nguồn cung thực phẩm. Bà Nguyễn Thị Hải (xã Phú Châu, huyện Ba Vì) chia sẻ, gia đình bà nuôi 4.000 con gà thịt để phục vụ nhu cầu thị trường dịp cuối năm. Hiện toàn bộ đàn gà này đã được các thương lái đăng ký thu mua.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin, để bảo đảm hàng hóa cho thị trường dịp Tết, Hà Nội đã ký kết hợp tác với 43 tỉnh, thành phố, phát triển 946 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm nông sản và đặc sản vùng miền của các tỉnh, thành phố với sự tham gia của 1.130 đầu mối, đáp ứng thường xuyên nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn. Trong đó có sản phẩm gạo từ một số tỉnh phía Bắc và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; rau, củ, quả từ Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng…; trái cây từ Hưng Yên, Hải Dương, các tỉnh phía Nam; thủy, hải sản từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An...

Theo nhận định của Sở NN&PTNT Hà Nội, so với mọi năm, giá bán nông sản dịp Tết năm nay có thể không tăng cao, thậm chí nhiều mặt hàng, như: Thịt lợn, rau xanh... có xu hướng giảm nhẹ. Do đó, người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp cần bám sát tình hình cung - cầu, giá cả thị trường để có kế hoạch sản xuất phù hợp, tránh cung vượt cầu, giá giảm mạnh khi vào vụ thu hoạch.

Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Chữ, người tiêu dùng bắt đầu mua sắm trong khoảng 3-4 tuần trước Tết Nguyên đán; năm nay dự kiến giá cả ổn định và có thể một số thực phẩm tươi sống sẽ tăng nhẹ vào những ngày cận Tết. Công ty đã thống nhất về giá với nhà cung cấp, bảo đảm không tăng giá từ nay đến Tết.

Còn Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Nguyễn Anh Đức cho hay, dịp Tết năm nay, người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu tiết kiệm, nên ngoài việc chuẩn bị nguồn hàng, các doanh nghiệp cũng chủ động cung cấp những sản phẩm có giá hợp lý, phù hợp với nhu cầu của thị trường để phục vụ người tiêu dùng. Nhìn chung, hàng hóa dịp Tết năm nay tại các chợ đầu mối hay các siêu thị lớn khá phong phú, giá cả bình ổn. Để tăng sức mua của người dân, các bộ, ngành, địa phương đang tích cực triển khai hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm đặc trưng vùng miền có tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhằm nâng cao giá bán cho nông dân vào vụ thu hoạch lớn nhất năm.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho hay, để ổn định nguồn cung nông sản thực phẩm dịp Tết và tránh tình trạng cung vượt cầu, Sở đã phối hợp với các sở, ngành liên quan theo dõi, bám sát tình hình cung cầu, giá cả, thị trường hàng hóa trên địa bàn, kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động.

“Sở cũng sẽ tăng cường giám sát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ, tập trung vào các sản phẩm tiêu thụ lượng lớn, như: Rau, thịt, thủy sản, hoa, quả...; đồng thời, lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn, vệ sinh thực phẩm theo quy định khi cần thiết, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật…”, ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh.

Nam Định: Hy vọng vụ hoa Tết được mùa, được giá

Về xã Tân Thành (Vụ Bản) dịp này, đi dọc triền đê dọc sông Đào, ngắm những chậu hoa xếp đều tăm tắp đang chờ ngày bung nở, chúng tôi như được hòa chung niềm vui, hy vọng của bà con nông dân về một vụ hoa Tết bội thu, được mùa, được giá. Chẳng bao lâu nữa, sắc vàng, sắc đỏ ấm áp của các loại hoa cúc sẽ tràn ngập khắp các khu vườn, xua tan giá rét và mưa phùn ẩm ướt những ngày cuối đông. Những chuyến xe của thương lái tấp nập chở hoa tỏa đi mọi nẻo đường, con phố, mang mùa xuân tươi thắm đến với mọi nhà.

Gia đình ông Nguyễn Ngọc Dũng trồng hơn 1.000 chậu cúc phục vụ thị trường Tết Giáp Thìn 2024.

Trong các vườn hoa, các hộ nông dân nơi đây đang tất bật, hối hả những công đoạn chăm sóc cuối cùng để hoa nở đúng thời điểm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Nằm ngay dưới chân đê, vườn hoa của gia đình ông Nguyễn Ngọc Dũng với hơn 1.000 chậu cúc, chủ yếu là hai loại cúc đại đóa và tia mặt trời (râu rồng) đang trổ nụ.

Ông Dũng cho biết, từ năm 2008, ông bắt đầu bén duyên với nghề trồng hoa và gắn bó đến nay. Cứ khoảng tháng 8 âm lịch hàng năm, ông đưa giống cúc vào trồng trong các chậu đất đã được phơi khô ải, xử lý mầm sâu bệnh. Nhờ kinh nghiệm chăm sóc tích lũy qua nhiều năm, vườn hoa nhà ông năm nào cũng nở đẹp đúng dịp tết, sau 5 tháng trồng cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng/sào. Ngoài thế mạnh về cúc chậu, vườn nhà ông còn trồng 300 chậu đào thất thốn, gần 1.000 chậu nhất chi mai. Mỗi loài hoa đòi hỏi kỹ thuật khác nhau trong quy trình chăm sóc và đều cần đến sự kỳ công, tỉ mỉ, sáng tạo, đôi tay khéo léo. Chẳng hạn như với đào thất thốn, khoảng giữa tháng 11 âm lịch sẽ tiến hành tuốt bỏ lá để giúp cây tập trung nguồn dinh dưỡng, kích thích nảy nụ nhiều, kích thước mập mạp và khi ra hoa nở cánh dày, to, màu đẹp. Tùy theo thời tiết mỗi năm nắng ấm hay mưa rét mà áp dụng biện pháp hãm cây ra hoa chậm hoặc thúc hoa ra nhanh sao cho kịp tết. Còn với nhất chi mai - loài hoa được xếp vào hạng “thập đại danh hoa” phải thường xuyên cắt tỉa cành, giữ ẩm gốc, đặt cây ở nơi có nhiều nắng gió, giúp cho cây có thể phát triển một cách khỏe mạnh, ra nhiều hoa…

Cùng ở xóm 7, gia đình ông Nguyễn Xuân Thu năm nay cũng đang trồng 1.000 chậu cúc đại đóa và râu rồng. Ông Thu cho biết: Cúc đại đóa được thị trường đặc biệt yêu thích vào dịp tết. Bởi ngoài vẻ đẹp thanh cao, hương thơm dịu mát, loài hoa này chính là tượng trưng cho sự đông đúc, thể hiện sự đoàn viên, sum vầy con cháu trong gia đình, còn màu vàng đại diện cho sự sung túc, màu của niềm tin, hy vọng mãnh liệt vào những điều tốt đẹp. Những bông cúc đại đóa tròn xoe, viên mãn với sắc vàng tươi tắn báo hiệu một năm mới an lành, may mắn.

Cách đó không xa, gia đình bà Trần Thị Dung hiện đang trồng 800 chậu cúc đại đóa, cúc râu rồng, thược dược. Bà Dung chia sẻ, trồng hoa là nghề vừa làm đẹp cho đời, vừa góp phần cho thu nhập gấp nhiều lần trồng lúa, nhất là vào dịp tết khi nhu cầu về hoa tươi của người chơi tăng mạnh. Dù đây là vụ trồng đầu tiên nhưng trước đó, bà đã dày công nghiên cứu, tích cực, chủ động học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc hoa để áp dụng vào sản xuất. Vì vậy, tuy thời tiết năm nay không thuận lợi, mưa ít, nắng ấm nhiều, các chậu hoa vẫn đang sinh trưởng tốt, hứa hẹn mang đến những thành quả ban đầu…

Ông Trần Quốc Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: Nhiều năm nay, người dân trong xã đã tận dụng mọi diện tích sân vườn, đất trống của gia đình để trồng hoa chậu. Hiện xã có khoảng 20 hộ trồng hoa, nhà trồng ít khoảng 500-600 chậu, nhà trồng nhiều khoảng 2.000 chậu với chủ đạo là cúc đại đóa, cúc mâm xôi, cúc râu rồng.

Ngoài ra, bà con nông dân từng bước nghiên cứu, trồng thử nghiệm và nhân rộng trên diện tích đất vườn tại các xóm nhiều loại hoa đẹp và có giá trị khác như hoa hồng, hoa lan, thược dược. Để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của địa phương và tính năng động của người dân, xã luôn quan tâm nâng cao chất lượng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; chú trọng hỗ trợ người dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, liên kết trong sản xuất; quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Mặc dù mới phát triển mạnh trong những năm gần đây nhưng hoa của xã luôn tạo được uy tín trên thị trường, được nhiều người biết tới và chọn mua mỗi dịp tết đến, xuân về.

Nguyên nhân là do hoa tết ở đây được trồng luôn vào chậu từ khi còn nhỏ nên cây có sức sống khỏe, hoa bền, chất lượng tốt hơn, thời gian chơi được lâu hơn… Nhờ sự cần cù, chịu khó, năng động đầu tư phát triển mô hình sản xuất phù hợp, mang lại giá trị kinh tế thời vụ cao, đời sống người dân nơi đây đang từng ngày khởi sắc. Hiệu quả mô hình trồng hoa trong chậu của các gia đình ngày càng được khẳng định rõ rệt, không chỉ tăng thêm nguồn thu nhập, giúp nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu mà còn góp phần tạo cảnh quan môi trường nông thôn mới xanh - sạch - đẹp.

Bắc Ninh: Sẵn sàng vụ hoa đào Tết

Trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn, các hộ trồng hoa đào ở phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn đang tích cực chăm sóc để đào nở hoa đúng dịp, kịp thời phục vụ nhân dân những ngày Tết đến, Xuân về.

Nhiều gia đình muốn lựa cành đẹp đều phải đi đến chọn trước để sát Tết lấy. 

Cách đây 25 năm, Đình Bảng là một trong những địa phương trong tỉnh sớm đưa cây hoa đào Nhật Tân về canh tác trên mảnh đất quê mình. Ông Ngô Tạo Việt, Chủ tịch Hội Nông dân phường cho biết: Từ năm 1998, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, một số hộ dân Đình Bảng ra Quảng Bá, Nhật Tân (Hà Nội) học hỏi kinh nghiệm rồi mang các giống đào về trồng. Từ lúc chỉ có dăm bảy hộ, diện tích canh tác chỉ vài mẫu, đến nay Đình Bảng có trên 200 hộ trồng đào, số diện tích lên tới 83,5ha, cho thu nhập cao gấp hàng chục lần cấy lúa.

Dạo qua các khu trồng đào của các hộ dân tại khu phố Trung Hòa, Bà La và Tỉnh Cầu, nơi có diện tích trồng đào lên tới gần 50ha, hầu hết các thửa ruộng hoa đào đã được tuốt lá và tạo tán, cả một cảnh đồng mênh mông với hàng vạn cây hoa đào nay lấm chấm nụ non. Đâu đó những cây đào thế được bưng lên chậu, sẵn sàng phục vụ khách hàng chơi tết sớm.

Anh Nguyễn Văn Thắng, chủ nhân của 1,5 mẫu hoa đào ở khu phố Trung Hoà với 1.500 cây, trong đó có 300 cây đào thế, 1.200 cây đào cắt cành. Vào thời điểm này gia đình anh hoàn thành công đoạn tuốt lá, đang tích cực chăm sóc bằng việc tưới dưỡng và gò cành, chỉnh tán. Anh cho biết: Đây là thời điểm rất quan trọng, quyết định cho cây đào tập trung dinh dưỡng để nở đẹp, nở đúng vào dịp tết. Việc tuốt lá cũng tùy thuộc vào thời tiết, năm nay có một tháng nhuận, nên đào chắc chắn sẽ nở sớm hơn, tuốt lá cũng muộn hơn.

Ông Nguyễn Tiến Định, ở khu phố Tỉnh Cầu cho biết thêm: Khu phố có mấy chục hộ trồng hoa đào, người nhiều lên tới gần 2 mẫu, người ít cũng một vài sào. Để việc tuốt lá cho hoa đào nở đúng thời vụ, trước tết 2 tháng, nhiều hộ dân huy động toàn bộ nhân lực, thuê thêm hàng chục người cùng tuốt lá mới xong.

Tại cánh đồng các khu phố Thọ Môn, Trầm, Long Vĩ và Xuân Đài, các hộ dân trồng đào ở đây cũng hoàn thành việc tuốt lá, tích cực tưới dưỡng bằng Kali đỏ và gò lại tán cây. Được biết, vào thời điểm này đã có nhiều khách hàng, thương lái ở nhiều địa phương về chọn cây và đặt mua, hàng trăm cây đào đã có chủ.

Anh Nguyễn Văn Thắng ở khu phố Trầm trồng được 7 sào, khoảng 700 cây vừa đào thế vừa đào cắt cành, hiện đào đã và đang phát triển tốt, thân cây mập khỏe, dày cành và nhiều nụ. anh hy vọng nếu giá thị trường như năm ngoái, nhiều cây đào thế của gia đình anh sẽ bán được giá từ 3 đến 7 triệu đồng, còn đào cắt cành cũng có giá từ 1,5 đến 500 nghìn đồng.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Viễn ở khu phố Xuân Đài rất vui khi 7 sào đào của mình đang vào thời điểm phát nụ, nhưng ông vẫn không giấu được băn khoăn, lo lắng, đó là việc trồng hoa đào phụ thuộc đến 70% vào yếu tố thời tiết. Nắng nhiều quá thì đào nở sớm, lạnh quá lại không kịp nở đúng vào dịp tết. Tuy nhiên, người dân Đình Bảng đã rút ra cho mình được kinh nghiệm: Vào cuối tháng 11 Âm lịch, nếu thấy nụ hoa nhú to thì chắc chắn đào sẽ nở sớm, phải hãm lại bằng cách che nắng, tạo bóng tối cho cây, không tưới nước và dùng dao khứa quanh thân cây 1 vòng đứt vỏ. Nếu đầu tháng 12 Âm lịch chưa thấy nụ hoa nhú ra thì đào sẽ nở muộn, phải thúc bằng cách bón phân, xới quanh gốc và tưới bằng nước ấm…

Ông Ngô Quang An có kinh nghiệm nhiều năm trồng hoa đào ở Đình Bảng cho biết: Để có cây đào dáng đẹp, khỏe mạnh và dày cành sai nụ, mập, đều và nở hoa đúng vào những ngày tết, người trồng đào phải vun luống cao để tránh ngập úng, kỳ công trong suốt 1 năm chăm sóc như bón phân, hái ngọn, tạo thế, khoanh vòng thân cây (thiến đào) và tuốt lá. Người trồng đào cũng cần có kinh nghiệm, kỹ thuật cao để tạo ra những dáng cây độc lạ, theo dõi sát sao diễn biến thời tiết để đưa ra những phương án thúc hoặc hãm hoa nở đúng thời vụ.

Một năm mới đang đến rất gần, hy vọng, bà con nông dân Đình Bảng gặt hái được những thành quả sau một năm miệt mài lao động vất vả, để những cành hoa đào có dịp khoe sắc trong những ngày đón Tết cổ truyền của dân tộc./.

 

Thanh Tâm (t/h theo báo Hà Nội mới, báo Bắc Ninh, báo Nam Định...)
Ý kiến bạn đọc
Top