Thời điểm gần Tết Nguyên đán Giáp Thìn, các loại sản phẩm nông sản phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng đang được bà con nông dân thu hoạch. Giá tăng đối với các sản phẩm này là nguồn động lực cho bà con nông dân.
Tất bật xuống ruộng thu hoạch rau màu
Nông dân trồng rau trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đang có niềm vui một năm thu nhập khá do giá tăng. Những ngày này, không khí sản xuất ở các làng rau rất khẩn trương.
Rau màu Quỳnh Lưu gần Tết giá tăng, nông dân rất phấn khởi. Ảnh: Việt Hùng
Bà Nguyễn Thị Hòa - người dân xã Quỳnh Lương cho biết, gia đình trồng 2 sào rau vụ Tết là cải bắp và súp lơ. Từ mùng 10 Âm lịch tháng Chạp, gia đình tập trung thu hoạch để bán ra thị trường dịp Tết. Thời điểm này, cải bắp được thương lái thu mua 2.000 đồng/kg; súp lơ 4.000 đồng/kg; cà chua 6.000 đồng/kg. Tuy giá không cao nhưng sản phẩm rau màu thu hoạch đến đâu đều được thu mua hết nên bà con bớt lo lắng.
Gia đình chị Hồ Thị Huệ ở xã Quỳnh Lương cũng đang tích cực thu hoạch diện tích hành hoa. Phấn khởi khi giá hành hoa được thu mua cao, chị Huệ cho biết, hiện giờ giá hành hoa được thương lái thu mua 18.000 – 20.000 đồng/kg (cao gấp 4 lần so với cách đây vài tháng). Tuy nhiên, do vụ đông xuân thời tiết không thuận lợi cho cây hành nên người dân thường dành nhiều diện tích để cơ cấu các loại rau khác phục vụ thị trường Tết. Do vậy, trên các xứ đồng, diện tích hành hoa còn lại chỉ rất ít mà chủ yếu là trồng các loại rau như cải bắp, súp lơ, cà chua, su hào, cải xanh…
Không khí sản xuất rau màu vụ Tết cũng nhộn nhịp ở nhiều xã ở địa bàn huyện Quỳnh Lưu. Trong vụ rau đông xuân, toàn huyện có 1.600 ha diện tích sản xuất rau màu, tập trung ở các xã Quỳnh Minh, Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng, Quỳnh Văn, Quỳnh Thạch, Tân Sơn... Theo nhận định của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu, năm nay thời tiết thuận lợi nên bà con sản xuất rau màu đạt năng suất cao. Giá các loại rau trong những ngày giá rét tăng lên từ 1.000 – 2.000 đồng/kg.
Ông Bùi Xuân Trúc – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Năm 2023 vừa qua, trên địa bàn huyện không bị mưa ngập nên bà con trồng rau màu có điều kiện sản xuất quanh năm, không bị gián đoạn như các năm trước khoảng 2 – 3 tháng. Để cung ứng rau quả vào dịp trước và trong Tết Giáp Thìn 2024, bà con ở các vùng rau tất bật xuống giống các loại rau, quả.
Hành hoa dịp Tết giá tăng gấp 3, 4 lần ngày thường. Ảnh: Việt Hùng
Những ngày cuối năm ở vùng chuyên canh rau màu huyện Quỳnh Lưu thật nhộn nhịp. Nông dân tập trung chăm sóc những luống rau thẳng tắp, đang xanh non mơn mởn để kịp thời cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Trước thềm Xuân mới đang gõ cửa, người dân đang ấp ủ một cái Tết “ấm” hơn, đầy đủ hơn từ những luống rau của mình.
Thu hàng chục triệu đồng từ mỗi héc-ta ngô ngọt dịp áp Tết
Mặc dù thời tiết giá rét, đường nội đồng còn lầy sục, song đến vụ thu hoạch, những ngày qua người dân xã Thuận Sơn (Đô Lương) vẫn tấp nập ra đồng thu hoạch ngô. Ngoài giống ngô nếp và ngô sinh khối, cây ngô ngọt cũng được bà con xã Thuận Sơn đưa vào trồng trên vùng đất bãi bồi ven sông Lam.
Bà con nông dân đang thu hoạch ngô ngọt (Ảnh BN)
Ngô là cây trồng truyền thống mang lại nguồn thu nhập chính cho hàng trăm hộ dân ở xã Thuận Sơn, vừa cung cấp ngô hàng hóa, vừa làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Vài năm lại nay bà con đưa giống ngô ngọt vào trồng theo hướng hàng hóa.
Ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Đảng ủy xã cho biết, xã Thuận Sơn có khoảng 108 ha ngô, trong đó, 33 ha ngô ngọt. Cây ngô ngọt được cán bộ UBND xã liên hệ với công ty thu mua ngô ở phía Bắc hỗ trợ giống, phân bón và ký kết bao tiêu 100% sản phẩm cho người dân đã 4 năm nay, mang lại nguồn thu khá cho các hộ trồng.
Cây ngô trồng trên đất bãi bồi ven sông ở xã Thuận Sơn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài 108 ha ngô, xã Thuận Sơn còn có 115 ha cây trồng vụ đông trên đất màu bãi như bầu, bí, rau màu… cũng đem lại nguồn thu đáng kể cho bà con nông dân.
Được mùa ngô ngọt, sản phẩm được bao tiêu 100% đã đem lại cho hàng trăm hộ nông dân xã Thuận Sơn (Đô Lương) nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng trên mỗi héc-ta dịp áp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
“Thủ phủ” lá dong Hà Tĩnh vào vụ thu hoạch
Thôn Vĩnh Phúc, xã Quang Vĩnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh) có 80/170 hộ trồng lá dong trên diện tích khoảng 10ha và là “thủ phủ” lá dong lớn nhất Hà Tĩnh. Bắt đầu từ ngày 13 đến 28 tháng Chạp là cao điểm của mùa thu hoạch lá dong.
Gia đình chị Nguyễn Thị Mai (thôn Vĩnh Phúc) đã dành toàn bộ mảnh vườn hơn 500 m2 để trồng lá dong. Thời gian này, các thương lái tập trung đến thu mua số lượng lớn về bán cho các cơ sở gói bánh chưng hoặc bán lại cho các tiểu thương ở chợ nên gia đình chị Mai phải huy động nhiều người cùng thu hoạch để kịp giao hàng.
Thời vụ thu hoạch lá dong ở thôn Vĩnh Phúc bắt đầu từ ngày 13 - 28 tháng Chạp.
“Chúng tôi đang tập trung cao độ thu hái và xếp thành từng bó lá dong để xuất cho thương lái. Gia đình tôi đã bán được hơn 40.000 lá. Chúng tôi dự kiến thu hoạch và bán đến 28 tết là nghỉ ” - chị Nguyễn Thị Mai chia sẻ.
Gia đình ông Lê Huy Đồng (thôn Vĩnh Phúc) có trên 1.000 m2 trồng lá dong. Dự kiến dịp này, gia đình ông thu hoạch gần 50.000 lá, thu về trên 25 triệu đồng. Ông Đồng cho hay: "Cây lá dong không mất quá nhiều công chăm sóc nhưng đòi hỏi người trồng phải thường xuyên dọn sạch lá gốc cho cây ra nhiều mầm, lá xanh, to, đều, đẹp. Đặc biệt, cây lá dong phát triển tốt ở dưới những bóng cây cao và rậm rạp”.
Ông Hoàng Xuân Quang, Trưởng thôn Vĩnh Phúc cho biết: "Cây lá dong không cần chăm sóc nhiều, cứ sau mỗi lần thu hoạch, người dân chỉ dọn sạch cỏ rác, lá khô ở gốc rồi bón một ít phân lân và đạm. Nghề trồng lá dong ở đây được cha ông truyền lại từ bao đời nay, đây cũng là nguồn thu nhập chính của người dân trong dịp tết Nguyên đán".
Được biết, năm nay thời tiết thuận lợi nên lá dong rất đẹp, to, dày nên được giá hơn những năm trước. Hiện giá bán tại vườn dao động từ 55 - 60 nghìn đồng/100 lá loại to, từ 35-40 nghìn đồng/100 lá loại nhỏ. Theo ước tính, mỗi sào lá dong mang lại thu nhập cho người dân thôn Vĩnh Phúc từ 10 - 15 triệu đồng.
Là một quốc gia có nền sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, hơn nữa nhu cầu sử dụng sản phẩm nông sản trong những ngày Tết đến, Xuân về của người tiêu dùng là rất lớn, bởi trong mâm cơm ngày Tết của gia đình người Việt không thể thiếu những sản phẩm này. Đây cũng là dịp người bà con có thu nhập cao và một cái Tết ấm áp, no đủ đối với người nông dân đang đến gần.
Theo báo Nghệ An, báo Hà Tĩnh
Ngành công nghiệp và kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các dự án hạ tầng quy mô lớn và môi trường pháp lý thuận lợi. Sự chuyển đổi sang hướng sản xuất giá trị gia tăng cao, cùng với khả năng logistics và trung tâm dữ liệu mở rộng, đang nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.