Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, quý I, tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) nông lâm thủy sản ước đạt 13,53 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu 3,36 tỷ USD tăng gần 100%.
Sầu riêng được kiểm tra và đóng hộp xuất khẩu sang Trung Quốc (Ảnh: Vina T&T)
Xuất siêu tăng gần 100%
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, ba tháng đầu năm 2024, ngành nông nghiệp đạt tăng trưởng khá; năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, góp phần vào tăng trưởng chung của kinh tế cả nước.
Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản quý I năm 2024 ước đạt 2,9 - 3% so với cùng kỳ năm 2023 (trong đó trồng trọt tăng 2,02%; chăn nuôi tăng 4,34%, thủy sản tăng 3,46%; lâm nghiệp tăng 4,11%).
Đặc biệt, quý I, tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) nông lâm thủy sản ước đạt 13,53 tỷ USD, tăng 21,8% so với CKNT; xuất siêu 3,36 tỷ USD tăng 96,5%.
Cụ thể, về kim ngạch xuất khẩu tháng 3 đạt 4,85 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nông sản chính 2,75 tỷ USD (tăng 31,1% so T3/2023), lâm sản chính 1,22 tỷ USD (giảm 0,3%), thủy sản 653 triệu USD (giảm 14,6%), chăn nuôi 43,6 triệu USD (tăng 8,3%), đầu vào sản xuất 173 triệu USD (tăng 0,2%).
Tính chung 3 tháng, các nhóm hàng xuất khẩu đều tăng so với cùng kỳ năm trước nên kim ngạch XK tăng, đạt 13,53 tỷ USD; đóng góp vào kết quả này có: Nông sản 7,46 tỷ USD, tăng 31,1%; lâm sản 3,61 tỷ USD, tăng 18,8%; thủy sản 1,86 tỷ USD, tăng 1,9%; chăn nuôi 113 triệu USD, tăng 4,8%; đầu vào sản xuất 481 triệu USD, tăng 8,3%.
Đáng chú ý, có 4 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD: Gỗ 2,32 tỷ USD (tăng 26,8%); Rau quả 1,23 tỷ USD (tăng 25,8%); Gạo 1,37 tỷ USD (tăng 40% với lượng 2,07 triệu tấn, tăng 12%); Cà phê 1,9 tỷ USD (tăng 54,2% với lượng 799 nghìn tấn, tăng 44,4%).
Giá xuất khẩu bình quân một số nông sản: Giá xuất khẩu gạo 661 USD/T, tăng 5%; cà phê 2.373 USD/T, tăng 6,8%, cao su 1.462 USD/T, tăng 5,1%; hạt tiêu 4.153 USD/T, tăng 35,6%. Riêng hạt điều 5.329 USD/T, giảm 8,6%; chè 1.616 USD/T, giảm 2,2%; phân bón 412 USD/T, giảm 9,1%…
Theo đó, giá trị XK tới các thị trường đều tăng. Trong đó XK sang Châu Á 6,27 tỷ USD (tăng 16,6%); Châu Mỹ 2,96 tỷ USD (tăng 27,2%); Châu Âu 1,85 tỷ USD (tăng 34,8%); Châu Đại Dương 188 triệu USD (tăng 22,9%) và Châu Phi 192 triệu USD (tăng 21,6%). Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường XK lớn nhất; giá trị XK sang Trung Quốc chiếm 20,2%, tăng 18,3%; Hoa Kỳ chiếm 19,9%, tăng 28,3% và Nhật Bản chiếm 7%, tăng 4,6%.
Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp
Bộ và toàn Ngành xác định, quán triệt phương châm hành động của năm là "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững" trong công tác tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương; huy động các nguồn lực để sớm triển khai, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Giá lúa tiếp tục giảm ở các tỉnh ĐBSCL.
Đối với thị trường trong nước, trong tháng 3, giá các mặt hàng nông sản không có biến động lớn. Giá lúa tiếp tục giảm ở các tỉnh ĐBSCL; thị trường trái cây giảm so với tháng trước do cầu tiêu thụ giảm; giá lợn hơi có tín hiệu tốt khi giá có xu hướng tăng ở cả 3 miền (tăng trung bình 1.000-2.000đồng/kg); giá tôm thẻ chân trắng loại 55con/kg là 160.556 đồng/kg (giảm 5,6% so với tháng trước); giá cá tra là 28.000đồng/kg, (tăng 4,5% so với tháng trước).
Về công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, tỷ lệ mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản được giám sát đạt yêu cầu 99,6%, tăng 2,1% so cùng kỳ năm trước; tỷ lệ cơ sở SXKD được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP đạt 99,4%, giảm 0,2; tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản ký cam kết tuân thủ quy định ATTP đạt 92%, tăng 3%.
Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo chất lượng, ATTP, gia tăng chế biến và phát triển thị trường năm 2024 và tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch; đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị về tăng cường kiểm soát ATTP trong sản xuất kinh doanh thủy sản phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ đối với Đề án “Phát triển hệ thống logistics nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; chỉ đạo các địa phương xây dựng và phát triển chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, đảm bảo nguồn cung và chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản đến người tiêu dùng trên toàn quốc; đến nay, có 2.510 chuỗi được kiểm soát và duy trì. Phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát về ATTP, đặc biệt tại các chợ đầu mối, cơ sở kinh doanh./.
Ngành công nghiệp và kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các dự án hạ tầng quy mô lớn và môi trường pháp lý thuận lợi. Sự chuyển đổi sang hướng sản xuất giá trị gia tăng cao, cùng với khả năng logistics và trung tâm dữ liệu mở rộng, đang nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.