Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 30 tháng 12 năm 2022 | 16:39

Nông nghiệp bứt phá chinh phục các thị trường khó tính và hướng đến xuất khẩu đạt 54 tỷ USD

Năm qua ngành Nông nghiệp đã đạt được những tín hiệu tích cực, ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong những năm gần đây. Bộ Nông nghiệp và PTNT đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản là 54 tỷ USD.

Những lô sầu riêng đầu tiên được xuất khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn.

Chinh phục các thị trường lớn

Năm 2022, hàng loạt nông sản của Việt Nam như: Chanh leo, sầu riêng, bưởi, chuối, khoai lang, tổ yến đã chinh phục được các thị trường lớn như: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản.

Kết quả này khẳng định thành công của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong đàm phán mở cửa thị trường và tư duy chuyển đổi từ sản xuất theo sản lượng sang tập trung vào chất lượng của nông dân và doanh nghiệp.

“Trái cây nước ngoài bán giá rất cao mà của mình ra bị đụng hoài, cho nên có những mô hình sản xuất an toàn rất bổ ích cho nông dân. Cây trái bây giờ sản xuất an toàn, ở xóm thôn mọi người đều học tập nhau chia sẻ về cách chăm sóc với nhau như: phun thuốc, chăm sóc như thế nào cho đúng quy trình, đảm bảo điều kiện để xuất khẩu” - Đây là những chia sẻ của nông dân một số vùng chuyên canh cây ăn trái ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Niềm vui có được từ khi bà con tham gia sản xuất nông sản an toàn đón trước việc mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch đối với những nông sản là lợi thế của Việt Nam. Năm nay, lần đầu tiên đưa trái sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gia đình ông Lê Hữu Viết, ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai đã thu hàng trăm triệu đồng từ hơn 2 ha trồng loại quả này.

Ông Viết cho biết, canh tác theo cách truyền thống như trước đây chưa ứng dụng khoa học kỹ thuật nên hiệu quả chưa cao. Từ khi tham gia sản xuất theo hướng dẫn sản xuất an toàn, các thành viên hợp tác xã trong vùng được cấp mã số xuất khẩu chính ngạch và được đảm bảo khâu đầu ra nên bà con yên tâm sản xuất để nâng cao thu nhập.

“Khi tham gia, thứ nhất là tự tin và mở rộng tầm nhìn và cứ thế phát triển, còn trước kia khi chưa tham gia thì mò mẫm chắp vá rất vất vả nhưng hiệu quả rất thấp. Hiện nay đang khuyến khích nông dân đi đúng hướng thứ nhất là sản phẩm sạch, chất lượng ngon không những cạnh tranh ở thị trường nội địa mà còn cạnh tranh với thị trường quốc tế” - ông Viết chia sẻ.

Theo bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc Hợp tác xã thương mại dịch vụ Xuân Định, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai: “Xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch bây giờ phải quyết định hướng đi. Từ trước đến nay, những công ty lớn chưa bao giờ biết đến mình và ngược lại nhưng nay hợp tác xã có mã vùng trồng thì rất nhiều doanh nghiệp nhà xuất khẩu lớn tìm đến mình. Họ mong muốn đăng ký và được ủy quyền mã vùng trồng của mình để xuất khẩu, đây không chỉ là niềm vui với nông dân mà còn cả hợp tác xã và tỉnh Đồng Nai”.

Mở cửa thị trường đã khó nhưng giữ được thị trường còn khó hơn. Để làm được điều này, đòi hỏi mỗi nông dân, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy sản xuất để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của từng thị trường, cùng với vai trò đồng hành của cơ quan quản lý Nhà nước trong thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ lực và những nông sản tiềm năng.

Với kinh nghiệm sản xuất và xuất khẩu được lô bưởi đầu tiên vào thị trường Mỹ trong năm 2022, bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu chia sẻ: “Mở cửa 1 thị trường mất ít nhất từ 3 - 5 năm, doanh nghiệp khi làm một số sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ cũng mất đến 6 năm. Đây là nỗ lực rất lớn từ phía các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong đàm phán để mở cửa thị trường. Khi chúng ta đã mở cửa được thị trường thì vấn đề quan trọng là làm sao để duy trì và phát triển thị trường đó, đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng doanh nghiệp mà còn là vai trò của các địa phương của nông dân trong chuỗi liên kết để làm sao có thể phát huy được thị trường đó”.   

Nhận định về việc mở cửa được thị trường, ký kết các Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch nông sản sẽ tạo điều kiện pháp lý rõ ràng và minh bạch, là động lực cho nông dân sản xuất chuyên nghiệp với quy mô hàng hóa lớn, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, cập nhật thông tin, kết nối thương mại nông sản ở các thị trường đã có cũng như mở rộng cơ hội tiếp cận các thị trường mới sẽ giúp các thành phần tham gia chuỗi giá trị nâng cao khả năng cạnh tranh và xây dựng thương hiệu nông sản Việt dựa trên các vùng trồng uy tín, chất lượng và giá trị cao.  

“Chúng tôi đánh giá rất là tốt, vừa nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp, của cơ quan quản lý Nhà nước và đặc biệt là người dân có trách nhiệm hơn, chuyên nghiệp hơn làm ăn bài bản và hệ thống hơn, phải nhìn nhau mà làm, phải làm một cách đồng bộ thì mới tạo ra các sản phẩm đồng đều với chất lượng như nhau thì mới có thể xuất khẩu được. Hy vọng rằng sang năm 2023 chúng ta sẽ tiếp tục mở cửa được nhiều các thị trường hơn các loại trái cây trọng điểm và đặc biệt chúng tôi kỳ vọng những nông sản, trái cây chúng ta mở cửa được phải duy trì bền vững và mở rộng thị phần ở các nước, qua đó khẳng định sự thành công của việc đàm phán và cũng là thành công của ngành đó” - ông Hoàng Trung nói.  

Mở cửa được thị trường đã khó, giữ được thị trường càng khó hơn. Từ câu chuyện thay đổi tư duy sản xuất theo sản lượng sang tập trung vào chất lượng mang lại những kết quả ấn tượng trong năm 2022, bước sang năm 2023, ngành nông nghiệp, doanh nghiệp và nông dân quyết tâm đưa nông sản Việt vươn ra biển lớn. Cùng với những thị trường như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc… toàn ngành tiếp tục nỗ lực đàm phán để mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào các thị trường lớn và tiềm năng khác.

Mục tiêu xuất khẩu đạt 54 tỷ USD trong năm 2023

Trong năm qua, ngành Nông nghiệp với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và việc đổi mới tư duy để vượt qua khó khăn, thách thức từ các tình huống bất bình thường của thực tiễn sản xuất kinh doanh nhằm đạt các mục tiêu phát triển.

Theo thống kê, năm 2022 giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) đạt 3,36% là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây; trong đó, nông nghiệp tăng 2,88%; thủy sản tăng 4,43%, lâm nghiệp tăng 6,13%; tỉ lệ che phủ rừng trên 42,02%; tỉ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 73%.

Đồng thời, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) toàn ngành đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021; thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD.

Trước những kết quả đạt được trong năm 2022, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ: “Năm 2022 là năm đặc biệt khó khăn của toàn nền kinh tế nước ta, trong bối cảnh đó ngành nông nghiệp Việt Nam cũng gặp phải những khó khăn mang tính đặc thù. Tuy nhiên, năm qua ngành nông nghiệp đã đạt được những tín hiệu tích cực, ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong những năm gần đây”.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho biết  mục tiêu của ngành nông nghiệp không chỉ đảm bảo xuất nhập khẩu mà còn phải đặc biệt chú trọng đến đảm bảo thị trường trong nước.

Đồng thời, Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh, chuyển sang năm 2023, nền kinh tế sẽ đứng trước thách thức rất lớn. Nhưng từ những kết quả đạt được trong năm 2022, ngành nông nghiệp cần chủ động đưa ra các kế hoạch, phương án đồng bộ để đạt được mục tiêu đề ra trong năm tới, bởi năm 2023 được coi là năm bản lề cho kế hoạch 2021-2027.

Thông tin về chỉ tiêu phát triển, ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ kế hoạch Bộ NN&PTNT cho biết: “Cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh phù hợp, hiệu quả hơn gắn với thị trường, tăng tỷ trọng ngành, sản phẩm NLTS có lợi thế cạnh tranh và giá trị cao, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm”.

Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm tiếp tục được mở rộng cả về ngành hàng và sản phẩm, chú trọng thị trường trong nước; kịp thời tháo gỡ nhiều rào cản thương mại, xuất khẩu NLTS đạt kỷ lục mới. Cụ thể, năm 2022, xuất khẩu NLTS đạt kết quả cao kỷ lục 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021, thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD. Trong đó có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt kim ngạch trên trên 3 tỷ USD.

Các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới, phát triển cả về số lượng, chất lượng và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động. Cơ giới hóa nông nghiệp có bước phát triển nhanh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giảm tổn thất trong nông nghiệp.

Năm 2022 có 9 dự án với tổng mức đầu tư trên 6.750 tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động. Năm 2022, thành lập mới được 980 HTX nông nghiệp, nâng tổng số HTX nông nghiệp lên gần 21.000 HTX.

Bộ NN&PTNT đánh giá, năm 2023 nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: áp lực lạm phát và chi phí sản xuất tăng mạnh; biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn; sự thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng mới; đặc biệt là tác động từ xung đột Nga - Ukraine.

Mặc dù vậy, Bộ NN&PTNT đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản là 54 tỷ USD.

Năm 2022 ghi dấu những bứt phá về xuất khẩu nông sản.

Chia sẻ thêm về mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023 với báo chí, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, ngành nông nghiệp có đặc thù riêng về thời gian tăng trưởng, khác với ngành công nghiệp hay dịch vụ. Đồng thời trước dự báo khó khăn, mục tiêu của ngành nông nghiệp không chỉ đảm bảo xuất nhập khẩu mà còn phải đặc biệt chú trọng đến đảm bảo thị trường trong nước.

“Chính vì vậy, mục tiêu được đề ra như trên hoàn toàn hợp lý, bởi để phấn đấu kim ngạch đạt 54% đã là sự cố gắng lớn của toàn ngành. Không nên đưa ra các mục tiêu quá cao mà phải phù hợp với tình hình thực tiễn dựa trên cơ sở khoa học", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, toàn ngành nông nghiệp, nông thôn tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn... Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường để gia tăng xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định EVFTA, CTPPP cho hàng nông sản Việt Nam.

Song song với đó, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản cả trong nước và xuất khẩu. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước.

Đồng thời, tích cực trong công tác đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu.

Dây chuyền chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải - COFIDEC, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. 

Nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ của nền kinh tế

Theo Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao, đơn hàng giảm do lạm phát tại các nước, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn tiếp tục thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, với giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,33%.

Trong đó lâm nghiệp tăng 6,13%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,43%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm.

Một số yếu tố góp phần làm giảm CPI, đó là giá thịt lợn giảm gần 11% so với năm trước. Nguyên nhân là dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát, nguồn cung lợn đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Tiếp nối thành công 2022, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục chiến lược tận dụng các lợi thế sản phẩm trái cây Việt Nam, ví dụ thị trường Trung Quốc là sản phẩm cây có múi.

Với thị trường các nước phát triển như Hoa Kỳ, Australia sẽ tiếp tục với sản phẩm chanh dây, dừa và tận dụng mở cửa thị trường Nhật Bản cho quả nhãn.

Đến nay, Việt Nam đã tham gia ký kết 18 hiệp định thương mại tự do, trong đó nhiều Hiệp định gắn với các thị trường lớn như: Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản… Đó sẽ là cơ sở để gia tăng giá trị từ nông nghiệp.

Bên cạnh đó, người dân, doanh nghiệp mong muốn Nhà nước sẽ có những chính sách hỗ trợ nhất định về thị trường, thuế, vốn… để đủ sức duy trì cũng như đón đầu thị trường thế giới được dự báo sẽ phục hồi nhu cầu từ quý II/2023.

Theo khuyến nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, rủi ro thị trường sẽ được giảm thiểu khi sản xuất đáp ứng tốt các chuẩn mực thị trường. Các hiệp hội, doanh nghiệp, người sản xuất phải giữ được chữ tín khi thị trường 2023 được dự báo có nhu cầu lớn về lương thực, thực phẩm.

Kết quả kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2022 đạt hơn 53 tỷ USD. Việt Nam tiếp tục có 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 7 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD. Đó là gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,92 tỷ USD; tôm 4,33 tỷ USD; cà phê 3,94 tỷ USD; gạo 3,49 tỷ USD; cao su 3,31 tỷ USD; rau quả 3,34 tỷ USD; hạt điều 3,07 tỷ USD. Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm ngoái.

 

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
Top