Ngày nay, số lượng người tiêu dùng chọn thực phẩm hữu cơ càng tăng. Sử dụng sản phẩm hữu cơ không chỉ góp phần ủng hộ sự phát triển những thực phẩm tốt cho sức khỏe, mà góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ với sự tôn trọng môi trường, gìn giữ sự đa dạng sinh học.
Vườn bí mì sợi sản xuất theo phương pháp hữu cơ.
Nhu cầu tiêu dùng sản phẩm hữu cơ ngày càng tăng
Theo ông Albin Deforges, Đại diện Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Đức (Naturland) tại Việt Nam, nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam vẫn chiếm tỉ lệ ít, tuy nhiên, chúng tôi nhìn thấy Việt Nam có tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ, nhờ đa dạng về các kiểu khí hậu và đất đai, có thể trồng được nhiều loại sản phẩm nông nghiệp khác nhau. Quan sát thị trường tôi thấy người tiêu dùng châu Âu và một số nước khác có nhu cầu tiêu dùng sản phẩm hữu cơ của Việt Nam.
“Ví dụ, tháng 2 vừa rồi tôi có tham gia hội chợ Biofach - hội chợ thương mại hàng đầu thế giới về thực phẩm hữu cơ tại CHLB Đức. Tại đây có một gian hàng của Việt Nam với hơn một chục doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu những sản phẩm như: gia vị, cà phê, tiêu, điều. Các sản phẩm này được doanh nghiệp các nước rất quan tâm, mặc dù gia vị, cà phê và hạt điều đã có trên thị trường của các nước nhưng họ vẫn có nhu cầu tiếp cận sản phẩm của Việt Nam”, ông Albin Deforges cho hay.
Đại diện Naturland cũng cho rằng, tại châu Âu chênh lệch giá giữa sản phẩm hữu cơ và sản phẩm thông thường không quá lớn nhưng ở Việt Nam thì sự chênh lệch này vẫn còn khá lớn.
Để ngày càng có nhiều người thực hành canh tác hữu cơ hơn, mang lại nhiều lợi ích cho con người và môi trường, Naturland chú trọng phát triển năng lực canh tác hữu cơ, hỗ trợ nông dân Việt Nam phương pháp, kỹ thuật và những vấn đề liên quan đến canh tác hữu cơ, trong quá trình đó nguồn thu của họ vẫn được duy trì bằng những phương pháp đa dạng sinh học.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, năm 2021, thế giới có hơn 71 triệu ha canh tác nông nghiệp hữu cơ, tương đương khoảng 1,5% tổng diện tích canh tác. Một số quốc gia như: Hoa Kỳ, Úc và Liên minh Châu Âu có tốc độ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ rất nhanh và đến nay trên thế giới có 186 quốc gia phát triển dòng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Trong khi đó, tại Việt Nam, nông dân đã canh tác hữu cơ truyền thống từ hàng nghìn năm nay và hình thức canh tác này cũng rất được chú trọng. Năm 2018, diện tích canh tác hữu cơ đã tăng gấp 4,1 lần so với năm 2016 và đạt khoảng 495.000 ha. Tuy nhiên, đây vẫn là con số khiêm tốn so với 71 triệu ha canh tác hữu cơ của thế giới và 11,53 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam còn rất lớn khi mà nhu cầu tiêu dùng sản phẩm hữu cơ ở Việt Nam và các nước ngày càng tăng lên.
Trang trại chăn nuôi bò theo phương pháp hữu cơ ở H.Đơn Dương (Lâm Đồng).
Liên kết theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững
PGS.TS Đào Thanh Vân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam cho biết, nông nghiệp hữu cơ cũng có quá trình sản xuất tương tự như sản xuất thông thường. Tuy nhiên nông nghiệp hữu cơ có quy định riêng về cung cấp vật tư đầu vào (không được sử dụng phân bón, thuốc BVTV, thuốc trừ cỏ hóa học, thức ăn chăn nuôi có chất tăng trưởng, chất kích thích sinh trưởng, vacxin và thuốc chữa bệnh hóa học và giống biến đổi gen…). Đồng thời, trong quá trình sản xuất phải tuân thủ các quy định về chọn vùng sản xuất, tiêu chuẩn đất và nước, mật độ trồng trọt, chăn thả, chăm sóc vật nuôi, cây trồng, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch để đảm bảo tính "toàn vẹn hữu cơ" của sản phẩm tạo ra.
"Sản xuất nông nghiệp nói chung và nông nghiệp hữu cơ nói riêng được liên kết theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp. Sự phát triển của nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị cho thấy vai trò quan trọng của việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hợp đồng.
Liên kết nhằm mục tiêu phân bổ lợi ích và cả rủi ro giữa những người tham gia để các tác nhân tham gia cùng nhau phát triển. Liên kết thường được phân chia thành liên kết dọc và liên kết ngang.", PGS.TS Đào Thanh Vân thông tin.
Tại tỉnh Lâm Đồng, đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 234 chuỗi liên kết với hơn 31.000 hộ liên kết. Đến nay, tại Lâm Đồng cũng có hơn 1.579ha được cấp giấy chứng nhận hữu cơ, trong đó trồng trọt hơn 1.439ha, chăn nuôi 140ha trồng cỏ nuôi 1.005 con bò sữa.
Các chuỗi liên kết đã giúp nông dân hiểu và sản xuất theo kế hoạch, theo quy trình tiêu chuẩn, từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm, tạo ra các sản phẩm hữu cơ đồng nhất, chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, từ đó từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân.
Ðây cũng là tiền đề quan trọng giúp doanh nghiệp tạo ra vùng nguyên liệu lớn, mở rộng sản xuất, nâng cao vị thế cho nông sản, hỗ trợ trong công tác xây dựng mua sắm vật tư cho một số loại nông sản xuất khẩu của tỉnh. Bên cạnh đó, kết quả của công tác vận động, tuyên truyền của cả hệ thống chính trị các cấp đã giúp nâng cao nhận thức của người sản xuất về việc tham gia các chuỗi liên kết, sản xuất theo hợp đồng.
Trong khi đó, theo Trung tâm Khuyến nông và Giống nông, lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông, hiện nay toàn tỉnh này chỉ có 65 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị thuộc 9 ngành hàng nông sản với sự tham gia của khoảng 9.660 hộ dân. Thông qua việc triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, từng bước làm thay đổi tập quán canh tác của nông dân theo phương thức truyền thống, tiến đến sản xuất theo hướng khoa học kỹ thuật, sản phẩm chất lượng cao, sạch, thân thiện với môi trường.
Hiện tại tỉnh Đắk Lắk, ngành chức năng triển khai nhiều mô hình sản xuất NNHC, bước đầu đã mang lại tín hiệu khả quan. Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông - giống cây trồng và thủy sản Đắk Lắk, địa phương đang phối hợp trạm khuyến nông các huyện triển khai mô hình Sản xuất cà phê hữu cơ thời kỳ kinh doanh từ năm thứ 5 trở đi tại 3 huyện, với quy mô 9,5ha, gồm 20 hộ tham gia. Sau gần 1 năm triển khai, các vườn cà phê sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh hại, năng suất ổn định từ 3-4 tấn nhân/ha.
Tại tỉnh Kon Tum, HTX Nông sản và thảo dược Tu Mơ Rông (xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông) liên kết trồng và bao tiêu sản phẩm nghệ, gừng, chanh, bưởi với 37 hộ dân. Trong năm 2022 và 2023, HTX đã thu mua 36 tấn nghệ, gừng, chanh, bưởi để chế biến sâu phục vụ xuất khẩu sang châu Âu. “Với thành công bước đầu, sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng diện tích sản xuất hữu cơ để có thêm sản phẩm xuất khẩu đi nhiều nước khác nữa”, ông Hà Văn Phương, Giám đốc HTX nói.
Tuy nhiên đại diện Trung tâm Khuyến nông và Giống nông, lâm nghiệp tỉnh Đăk Nông cho biết, khó khăn của tỉnh hiện nay là diện tích sản xuất manh mún, thiếu tập trung, người dân quen với sản xuất nông nghiệp vô cơ nên khó khăn trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chuyển đổi sang phương thức canh tác bền vững cũng như áp dụng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, yêu cầu thời gian chuyển đổi từ sản xuất theo phương thức truyền thống sang sản xuất hữu cơ đến khi được chứng nhận cần thời gian tương đối dài (từ 18 tháng đến 24 tháng, tuỳ loại cây trồng), trong thời gian đầu chuyển đổi hầu hết các loại cây trồng đều cho năng suất thấp vì chất lượng đất chưa được phục hồi sau thời gian dài canh tác sử dụng phân hoá học. Vì vậy khó thu hút được người dân chuyển đổi theo hướng hữu cơ.
Tạo dấu ấn trên thị trường
Trong khi nhiều chủ trang trại và doanh nghiệp tư nhân làm nông nghiệp hữu cơ (NNHC) gặp khó hoặc phải chen chân vào thị trường ngách nhỏ hẹp, thì không ít nông dân, đặc biệt nông dân các vùng ĐBSCL, Tây Nguyên lại thành công nhờ biết liên kết. Với sự giúp đỡ, hướng dẫn của chính quyền địa phương, các nhà khoa học, họ đã chủ động áp dụng công nghệ mới, cùng nhau sản xuất ra sản phẩm tạo được dấu ấn trên thị trường.
Trong 4 năm qua, nhiều xã viên Hợp tác xã (HTX) Tân Long (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) đã quen với việc “ghi nhật ký sản xuất” trong sản xuất gạo hữu cơ; từ chỗ có 380ha, nay HTX Tân Long đã mở rộng diện tích lên 600ha. Ông Nguyễn Văn Thích, Phó Giám đốc HTX Tân Long, chia sẻ: Vụ đông xuân vừa rồi, doanh nghiệp đặt hàng mua lúa của HTX với giá 8.000-9.000 đồng/kg. Hiện sản phẩm gạo sạch Vị Thủy đã có mặt tại 10 đại lý ở ĐBSCL. HTX đang kết nối với một doanh nghiệp để xuất khẩu trong tương lai gần. Nông dân của HTX đang phấn chấn chuyển ghi nhật ký sản xuất lúa bằng app trên điện thoại...
Vườn xoài hữu cơ được gia đình ông Nguyễn Phú Hiệp (xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh) thu hoạch và phân loại trước khi giao cho đơn vị liên kết.
Qua ghi nhận, hiện nhiều nông dân vùng Đồng Tháp Mười cũng đang áp dụng mô hình sản xuất lúa hữu cơ. Ông Mai Thanh Liêm, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Thọ (xã An Long, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp), cho biết: Giai đoạn đầu không ít nông dân còn ngại, nhưng sau khi thấy hiệu quả, vừa có sản phẩm lúa gạo sạch, vừa bảo vệ môi trường, họ đã tin tưởng tham gia. Hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ tuần hoàn gắn với truy xuất nguồn gốc tại HTX có quy mô 10ha/8 hộ.
Trong khí đó, nông dân tại xã Trung Ngãi (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) cũng chuyển đổi phương pháp trồng lúa truyền thống sang hữu cơ khá sớm. Ông Đoàn Văn Tài, Giám đốc HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt, là người tiên phong đưa cây lúa hữu cơ bám rễ trên đất Vũng Liêm, nhiều năm kiên trì kết nối nông dân cùng trồng lúa hữu cơ. “Hơn 10 năm trước, biến đổi khí hậu khiến thời tiết trở nên cực đoan. Việc trồng lúa của gia đình cũng như nhiều nông dân trong xã rất khó khăn do bị sâu bệnh tấn công. Vì thế, gia đình tôi muốn tìm một hướng sản xuất bền vững hơn, đó là cơ duyên với hành trình trồng lúa hữu cơ”, ông Tài nhớ lại.
Ông Tài đến nhiều tỉnh thành vùng miền Tây Nam bộ, miền Trung rồi tham khảo ý kiến từ các nhà khoa học ở Viện Lúa ĐBSCL, các trường đại học ở TPHCM để đúc kết kinh nghiệm sản xuất lúa. Đến nay, HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt đã xây dựng được vùng nguyên liệu 100ha trồng lúa hữu cơ với 65 thành viên tham gia sản xuất. Trong đó, khoảng 30ha đã được chứng nhận hữu cơ theo 4 tiêu chuẩn hàng đầu của quốc tế: USDA (Mỹ), EU (châu Âu), JAS (Nhật Bản) và COR (Canada).
Thời gian qua, nhiều HTX nông nghiệp ở Đồng Tháp cũng chú trọng phát triển NNHC theo hướng bền vững. Có thể kể đến mô hình trồng xoài Cát Chu theo tiêu chuẩn hữu cơ được thực hiện tại xã Tịnh Thới và xã Hòa An (TP Cao Lãnh) với quy mô hơn 32ha/44 hộ tham gia, đạt năng suất hơn 9 tấn/ha, lợi nhuận mô hình đạt 37,9 triệu đồng/ha. Ngoài ra, còn có mô hình trồng sen chuyển đổi sang hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ 4.0 gắn với liên kết tiêu thụ thực hiện tại xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười với quy mô 20 ha/7 hộ tham gia...
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum), cho biết, nhờ sản xuất hữu cơ, các loại dược liệu trên địa bàn đã xuất ngoại, mang lại giá trị cao cho người trồng. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Kon Tum, địa phương đã xây dựng 4 nhóm sản phẩm nông nghiệp đạt đúng và đủ theo tiêu chuẩn NNHC organic gắn với xây dựng chuỗi liên kết và tiêu thụ. Việc sản xuất hữu cơ đã mang lại giá trị cao cho người trồng. Đối với rau củ quả, thông thường 1 năm sản xuất 3 vụ, lợi nhuận thu được bình quân khoảng 1 tỷ đồng/ha./.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.